Phát biểu tại Davos, bà Christine Lagarde cho biết dù kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại là mối lo ngại, nhưng dường như vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ.
Góp mặt cùng một nhóm chuyên gia ở Davos, bà Christine Lagarde, giám đốc điều hành của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng sự chậm lại hiện tại trong nền kinh tế Trung Quốc là “hợp lôgic”, nhưng cảnh báo điều đó có thể gây ra rủi ro lớn nếu xu hướng giảm này bắt đầu tăng tốc.
Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), bà Lagarde cho biết mặc dù sự tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc là một mối lo ngại, nhưng nó dường như vẫn trong tầm kiểm soát.
“Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc là chuyện có thể chấp nhận được. Điều đó là hợp lôgic, và đúng theo quy luật. Tôi nghĩ rằng nó đang được chính quyền Trung Quốc kiểm soát rất sát sao”, bà nói với phóng viên Geoff Cutmore của CNBC.
Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones đã giảm 300 điểm vào hôm thứ Ba vừa qua sau khi Trung Quốc báo cáo tăng trưởng kinh tế của họ là chậm nhất trong gần ba thập niên qua. Một cuộc chiến thương mại kéo dài với Hoa Kỳ đã làm tăng thêm nỗi sợ rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tăng trưởng chậm hơn so với kì vọng trước đây.
“Nếu việc giảm tốc này diễn ra quá nhanh, nó sẽ tạo thành một vấn đề thực sự cả trong nước và có lẽ là trên cả hệ thống”, bà Lagarde nói thêm.
Cũng có lời phát biểu trước nhóm chuyên gia tại diễn đàn này là Hugo Shong, chủ tịch sáng lập của IDG Capital. Công ty của ông là công ty đầu tư toàn cầu đầu tiên vào Trung Quốc ở những năm 1990 và là nhà đầu tư đầu tiên của Baidu, Tencent và Xiaomi. Ông Shong cho biết hiện bản thân ông không có mối lo ngại thực sự nào đối với nền kinh tế đang “nguội” đi của Trung Quốc.
“Vâng, trước đây các bạn đã nói về tăng trưởng 8% GDP. Bây giờ chúng tôi đạt được 6,6% và tôi nghĩ, với quy mô của nền kinh tế này thì đó là một con số khá tốt”, ông nói.
Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã điều chỉnh lại các ước tính của họ dành cho tăng trưởng toàn cầu vào hôm thứ Hai vừa qua, khi cảnh báo rằng sự mở rộng được thấy trong những năm gần đây đang bị mất đà.
Đây là lần thứ hai tổ chức này hạ mức tăng trưởng dự báo sau khi đã làm tương tự hồi tháng 10. Thời điểm đó, họ lý giải rằng đó là do việc tăng thuế quan thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nhằm trả đũa nhau trong cuộc chiến thương mại.
Trong lần điều chỉnh mới nhất dành cho tăng trưởng này, họ cho biết một phần là do những gì diễn ra từ năm ngoái, trong đó họ đề cập đến cuộc xung đột thương mại. Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô Đức cũng đang gặp khó khăn do tiêu chuẩn khí thải mới đã được áp dụng và nhu cầu nội địa ở Italy rất yếu.
Vào hôm thứ Hai vừa qua, Trung Quốc cho biết tăng trưởng kinh tế chính thức của họ đã đạt mức 6,6% trong năm 2018 – tốc độ chậm nhất kể từ năm 1990 đến nay.
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters trước đó đã dự đoán GDP cả năm của quốc gia này sẽ đạt được con số đó, dù có giảm một chút so với mức 6,8% được điều chỉnh trong năm 2017. Tăng trưởng GDP quý IV của Trung Quốc là 6,4%, trùng khớp với những kì vọng.