Wednesday, November 27, 2024
Trang chủBiển nóngCải tạo đảo: Hành động phi pháp của TQ làm thay đổi...

Cải tạo đảo: Hành động phi pháp của TQ làm thay đổi cục diện ở Biển Đông

Việc Trung Quốc hoàn tất kế hoạch cải tạo đảo, xây dựng các công trình lưỡng dụng và quân sự hóa phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã làm thay đổi cục diện ở Biển Đông, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tranh chấp giữa các bên và cạnh tranh giữa các cường quốc trong khu vực.

Đá Gạc Ma của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm từ năm 1988.

Trung Quốc đã cải tạo và xây dựng các công trình phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Đá Chữ Thập là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá này nằm ở vị trí cách biệt với các thực thể khác của quần đảo, nằm về phía Tây Nam của bãi san hô Tizard thuộc cụm Nam Yết và về phía Đông Bắc của cụm Trường Sa. Sau khi chiếm đóng, kiểm soát trái phép đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Namtừ năm 1988, Trung Quốc đã không ngừng mở rộng, cải tạo để biến đá này trở thành căn cứ tiền đồn quân sự quan trọng bậc nhất, phục vụ các yêu sách đòi chủ quyền ở Biển Đông của nước này. Từ năm 2010, Trung Quốc bắt đầu cải tạo, bồi đắp mở rộng quy mô lớn đá này, trong đó đã xây dựng một toà nhà bê tông dài hơn 60m trên đá Chữ Thập. Trên ngôi nhà có nhiều ăng-ten, gồm cả một ăngten radar thu phát sóng cao tần Yagi của hải quân cùng hai vòm che radar và phủ sóng mạng điện thoại trên đá này. Từ năm 2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo mở rộng đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất quần đảo Trường Sa với diện tích khoảng 2,74 km2 (7/2015), tổng kinh phí xây dựng hơn 73 tỉ Nhân dân tệ (11,5 tỉ USD). Trung Quốc xây dựng trên đá Chữ Thập 9 cầu tàu, 2 bãi đáp trực thăng, 10 ăng ten liên lạc qua vệ tinh và một trạm radar. Đặc biệt là việc xây dựng một đường băng dài 3.125m và rộng 60m, đây là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ Mỹ) đến Ấn Độ Dương. Tháng 4/2018, Trung Quốc đã khánh thành Tượng đài trên đá Chữ Thập để kỷ niệm các công trình xây dựng của họ trong Biển Đông, kể cả các công trình bồi đắp đất và xây đảo nhân tạo. Tháng 5/2018, Trung Quốc đã lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B trên ba thực thể đá Chữ Thập, Su Bi, Vành Khăn. Tháng 10/2018, Trung Quốc tiếp tục đưa vào vận hành các trạm quan sát thời tiết, gồm các thiết bị cho mặt đất và quan sát khí quyển và radar thời tiết trên 3 đảo, đá nhân tạo do nước này chiếm đóng, bồi đắp trái phép ở Biển Đông, trong đó có đá Chữ Thập. Nhiều khả năng những thiết bị này có thể sử dụng các trạm quan sát này vào mục đích quân sự. Theo đánh giá dựa trên hình ảnh chụp từ vệ tinh, các chuyên gia của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc CSIS cho biết Trung Quốc xây dựng tại đá Chữ Thập trung tâm liên lạc lớn nhất trong vùng với phần góc Đông Bắc của đá này được trang bị các thiết bị liên lạc và ăng ten cảm biến lớn hơn so với các đảo nhân tạo khác ở Trường Sa. Đá Chữ Thập có thể sẽ được dùng như một cơ sở tình báo hoặc trung tâm liên lạc cho các lực lượng của Trung Quốc ở khu vực này.

Đá Vành Khăn là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đá này nằm cách đảo Sinh Tồn Đông 57 hải lý (105,6 km) về phía Đông và cách đảo Vĩnh Viễn 51 hải lý (94,5 km) về phía Nam. Vào tháng 2/1995, Trung Quốc đã ngang nhiên điều tàu đến cưỡng chiếm đá Vành Khăn và kiểm soát đá này cho đến nay. Năm 2015, Trung Quốc bắt xây một đường băng trên đá này và đến tháng 7/2016 thì một đường băng dài 2.644m, rộng 55m này đã hoàn thành. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã xây dựng ngọn hải đăng, kho bãi, các mái che radar, tháp truyền tín hiệu viễn thông, cảng vận chuyển quy mô lớn… trên đá Vành Khăn. Đến tháng 5/2018, Trung Quốc đã đưa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B đã được Trung Quốc lắp đặt trên đá Vành Khăn. Tháng 1/2018 Trung Quốc điều hai máy bay vận tải quân sự Xian Y-7 đến đá Vành Khăn. Tháng 10/2018, Trung Quốc lại khánh thành các trạm khí tượng tại và tuyên truyền rằng mục đích của trạm này là “đảm bảo an toàn hàng hải trên Biển Đông, phục vụ cho việc quan sát khí quyển và mặt đất cơ bản, thiết bị đo chỉ số ô nhiễm không khí”. Tuy nhiên, đa phần các ý kiến đều tỏ ra lo ngại rằng các cơ sở này sẽ được Trung Quốc sử dụng cho mục đích quân sự.

Đá Gạc Ma nằm ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa, có diện tích khoảng 7,2 km2, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988. Thời gian đầu căn cứ của Trung Quốc tại đây chỉ là vài kết cấu hình bát giác nằm trên cọc gỗ. Đến năm 1989 tại đây đã có nhà xi măng hai tầng. Năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành đào đắp đất cát để xây đường băng tại đây, trên bãi đá chỉ có một nền bê tông nhỏ với một cơ sở liên lạc, cầu cảng và một đơn vị đồn trú. Phần nền bê tông hiện trải rộng trên diện tích 100.000 m2, nơi rộng nhất là 400m. Đá Gạc Ma hiện có các công trình như kênh tiếp cận, nhà máy bê tông, tháp phòng thủ, bơm khử mặn, bơm nhiên liệu, cơ sở quân sự nhiều tầng, radar, trạm liên lạc, bãi đáp trực thăng, cầu cảng và đê chắn sóng gia cố. Đến nay, Trung Quốc đã hoàn thiện cải tạo phi pháp đá Gạc Ma và đưa vào sử dụng trái phép nhiều hạng mục công trình như: Tòa nhà kiên cố cao 26 – 27m gồm 8 tầng, tại 4 góc nhà đều bố trí các lỗ châu mai – lỗ bắn. Trên nóc nhà bố trí 2 ra đa hàng hải, 2 ăng ten parabol và 1 thiết bị đảm bảo bay có quả cầu che, cùng một số thiết bị thông tin liên lạc khác. Trên tầng 6 của tòa nhà, phía Trung Quốc lắp radar điều khiển hỏa lực, hệ thống kính ngắm quang học hiện đại. Tầng 5 của tòa nhà được lắp 2 bệ pháo 30mm (7 nòng) và tầng 1 lắp 2 bệ pháo 76mm. Ngoài hệ thống súng pháo trên nhà 8 tầng, còn có 1 vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76mm, pháo 30mm quay hướng Đông Bắc luôn có quân nhân trực canh 24/24 trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và họ chỉ chui ra khỏi bệ pháo khi đổi ca trực. Ngoai ra, còn có các công trình khác trên bãi Gạc Ma như: 2 tháp radar đối không – đảm bảo bay cho máy bay, 1 tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50m, 2 cột điện gió cùng hệ thống pin năng lượng mặt trời, 1 ngọn hải đăng cao 50m, bán kính chiếu xa khoảng 40 km… Bên cạnh đó, Trung Quốc còn nạo vét luồng rạch theo hướng Bắc – Nam với chiều dài 900 – 1.000m, rộng khoảng 250 – 400m thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía Bắc đá Gạc Ma.

Đá Subi là một rạn san hô vòng phía Ttây Nam quần đảo Trường Sa, dài khoảng 6,5km, rộng 3,7km. Trung Quốc chiếm đóng Subi từ năm 1988. Phần đất cải tạo trên đảo được mở rộng đáng kể từ tháng 7/2014. Nơi này hiện có kênh tiếp cận, cầu cảng, các thiết bị thông tin liên lạc, radar, đê chắn sóng gia cố, bãi đáp trực thăng, cơ sở quận sự và có thể xây một đường băng dài 3.000m. Những hình ảnh mới đây chụp từ vệ tinh DigitalGlobe cho thấy có gần 400 tòa nhà mới được xây cất trên đá Subi. Tính đến nay, Subi là đảo nhân tạo lớn nhất trong số 7 đảo Trung Quốc xây dựng trái phép tại Trường Sa. Cơ sở hạ tầng tương tự cũng được triển khai tại đá Vành Khăn và Chữ Thập, bao gồm vị trí đặt tên lửa, đường băng dài 3 km, nhà kho lớn và một loạt thiết bị có thể theo dõi vệ tinh, hoạt động quân sự nước ngoài và thông tin liên lạc.

Đá Tư Nghĩa nằm trong cụm đảo Sinh Tồn, bãi đá san hô chỉ nổi lên khi thủy triều xuống. Năm 1988, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực cưỡng chiếm trái phép bãi đá này từ Việt Nam. Đầu những năm 1990, phía Trung Quốc bắt đầu xây dựng nhà tạm thành nhà kiên cố 2 tầng với cầu cảng, lô cốt và hệ thống thông tin liên lạc, ụ pháo… đến nay từ một đảo chìm ban đầu, chỉ có một căn nhà 2 tầng thì nay căn nhà đó đã được thay bằng một khối nhà cao tầng đồ sộ. Từ năm 2014, phía Trung Quốc đã huy động hàng chục tàu vận tải công trình trọng tải lớn, tập trung xây dựng cải tạo trái phép bãi Tư Nghĩa thành căn cứ quân sự. Hiện nay, căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Tư Nghĩa đã hoàn tất các cơ sở hạ tầng, công trình trên diện tích cải tạo khoảng 9,5 ha bao gồm nhà kiên cố 8 tầng cao khoảng 26 – 27m, tại 4 góc nhà của các tầng đều bố trí lỗ bắn. Trên nóc bố trí 2 radar hàng hải và 2 ăngten parabol, 1 thiết bị có quả cầu che và các thiết bị thông tin liên lạc, quan sát. Ở tầng 6 của tòa nhà lắp rada điều khiển hỏa lực, kính ngắm quang học, còn tầng 5 lắp 4 bệ pháo 30 mm (7 nòng), tầng 1 lắp 4 bệ pháo 76 mm… Ngoài ra, vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76 mm, pháo 30 mm quay hướng Đông; tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50 m; bãi đáp trực thăng, cầu cảng hướng Đông – Tây dài khoảng 80 – 100 m. Ngoài việc bồi đắp và xây dựng khối nhà 09 tầng, Trung Quốc cũng cho nạo vét một luồng dẫn vào cầu cảng của đá Tư Nghĩa, dài khoảng 900m với độ sâu trên 10m để đón các tàu trọng tải lớn vào cảng.

Bãi đá Châu Viên nằm ở phía Tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1988. Trung Quốc hiện đã cải tạo phi pháp và mở rộng diện tích phần đất nhân tạo trên bãi đá Châu Viên lên đến 119.711 m2. Những công trình xuất hiện tại đây gồm kênh tiếp cận, đê chắn sóng, bãi đáp trực thăng, các tòa nhà hỗ trợ, cơ sở quân sự, ăng ten liên lạc vệ tinh, radar, hải đăng…

Đá Gaven là một rạn san hô hình trái tim, thuộc quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm từ năm 1988 và đưa quân đồn trú trái phép tại đây từ năm 2003. Đến nay, Trung Quốc đã cải tạo, mở rộng trái phép diện tích 114.000 m2 trên đá Gaven. Bãi đá này có kênh tiếp cận, súng phòng không, súng hải quân, thiết bị liên lạc, kiến trúc hỗ trợ xây dựng, tháp phòng thủ, cơ sở quân sự, bãi đáp trực thăng và đê chắn sóng.

Hành động của Trung Quốc vi phạm luật quốc tế

Việc Trung Quốc ồ ạt xây dựng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa còn đang tranh chấp đã làm thay đổi một cách sâu sắc cục diện địa lí và an ninh ở Biển Đông.Cho đến nay việc xây dựng các đảo này đã tạo ra 8 triệu m2 đất đai giữa biển khơi, vượt trội các hoạt động bồi đắp của các nước khác và chưa thấy có dấu hiệu giảm tốc. Hàng trăm triệu tấn cát và san hô đã được nạo vét từ đáy biển và đổ lên các rạn san hô mong manh vốn là những thành phần vô cùng thiết yếu của hệ sinh thái biển. Các chuyên gia về hải dương tiên lượng rằng công việc này đã gây ra những tác động khốc liệt và khó đảo ngược lại được lên môi trường.

Các đảo vừa được tạo ra và mở rộng sẽ trở thành cơ sở hạ tầng tạo điều kiện cho Trung Quốc triển khai lực lượng và áp đặt sự kiểm soát trên thực tế không chỉ ở quần đảo Trường Sa còn đang tranh chấp mà còn đối với hầu hết Biển Đông, lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà theo bất kì cách diễn giải luật quốc tế hợp lí nào về phân giới biển đúng lẽ phải thuộc về các nước khác. Mặc dù các các đảo và các EEZ đã bị tranh chấp từ nhiều thập kỉ, một sự cân bằng bấp bênh đã tồn tại cho tới nay một phần là do cơ sở hạ tầng quân sự gần nhất của Trung Quốc nằm cách xa hàng trăm dặm về phía bắc. Từ nay, các nhà hoạch định quốc phòng của các nước khác trong tranh chấp phải đối mặt với một tương lai đã mất đi sự an toàn có từ khoảng cách đó.

Một quan ngại khác là liệu Trung Quốc có sử dụng các đảo mới được tạo ra hoặc mở rộng để đưa ra các yêu sách biển mới ở Biển Đông hay không. Thứ nhất, Trung Quốc có thể sẽ tuyên bố lãnh hải 12 hải lí hoặc một dạng “vùng báo động quân sự” mơ hồ nào đó quanh Đá Vành Khăn (Mischief Reef) và Đá Subi (Subi Reef). Điều này sẽ xâm phạm quyền tự do đi lại trên biển và trên không của cộng đồng quốc tế vốn đang tồn tại ở các khu vực này. Thứ hai, Trung Quốc có thể tuyên bố lãnh hải xung quanh các đảo mới được tạo ra hoặc mở rộng vốn gần đảo đang do các nước khác đóng quân. Điều này sẽ dẫn đến xung đột trực tiếp với các bên khác trong tranh chấp. Thứ ba, việc tạo ra và mở rộng các đảo mới có thể làm Trung Quốc hung hăng hơn trong việc đòi EEZ cho quần đảo Trường Sa. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm các tranh chấp biển trong khu vực.

Trung Quốc biện minh rằng “Các hoạt động của Trung Quốc trên các đảo và rạn đá hữu quan ở quần đảo Nam Sa  hoàn toàn nằm trong chủ quyền của Trung Quốc và là hoàn toàn chính đáng”. Một số nhà phân tích còn lập luận thêm rằng Trung Quốc không vi phạm bất cứ luật biển nào. Tuy nhiên, có thể cho thấy những lập luận này không đúng trên nhiều phương diện.

Thứ nhất, Đá Chữ Thập (Fiery Reef), Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Huy Giơ (Huges Reef) và Đá Gaven (Gaven Reef) đang có tranh chấp chủ quyền. Vì vậy, quả là thiếu thiện chí khi một bên trong tranh chấp thay đổi tính chất địa lý của chúng một cách hoàn toàn và không thể khôi phục lại đuợc. Nếu một ngày nào đó, có tòa án quốc tế được trao thẩm quyền để phân xử tranh chấp và tòa phán quyết rằng các đảo này thuộc về một quốc gia khác không phải Trung Quốc thì sự thiệt hại cho các rạn đá này do hậu quả của việc xây đảo đã làm tổn hại quyền lợi của quốc gia đó một cách không khắc phục được.

Thứ hai, vì Đá Vành Khăn và Đá Subi trong trạng thái tự nhiên nằm dưới mặt nuớc lúc triều cao và cách xa các đảo khác  hơn 12 hải lí, luật tập quán quốc tế không cho phép quốc gia nào có thể tuyên bố chủ quyền đối với chúng. Vì vậy, các hoạt động xây dựng tại đảo tại các rạn đá này không thể nằm trong chủ quyền của Trung Quốc. Hơn nữa, sẽ là bất hợp pháp nếu Trung Quốc hay bất cứ nước nào khi khẳng định chủ quyền đối với các đảo nhân tạo tại các địa điểm này.

Thứ ba, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) không cho phép Trung Quốc sử dụng các đảo nhân tạo tại Đá Vành Khăn và Đá Subi để đòi hỏi lãnh hải 12 hải lí hoặc EEZ bên ngoài: các đảo nhân tạo chỉ được hưởng một vùng an toàn mà có thể mở rộng tối đa là 500 mét.

Thứ tư, Trung Quốc đang vi phạm Điều 192 và 123 của UNCLOS, về bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là trong các vùng biển kín và nửa kín như Biển Đông. Điều 192 quy định rằng “Các quốc gia có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn môi trường biển”, trong khi Điều 123 đòi hỏi các quốc gia quanh một biển kín hay nửa kín phải “phối hợp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ đối với việc bảo vệ và bảo tồn môi trường biển” . Dù dĩ nhiên là mỗi bên tranh chấp ở quần đảo Trường Sa sẽ nghĩ rằng họ, và chỉ một mình họ, có quyền xây dựng trên các đảo và các rạn san hô đang bị tranh chấp, nhưng không thể phủ nhận rằng tất cả họ đều có nghĩa vụ bảo vệ và giữ gìn môi trường biển của Biển Đông, một biển nửa kín và dễ bị tổn hại về môi trường.

Trong phán quyết năm 2003 về vụ tranh chấp giữa Malaysia và Singapore về hoạt động bồi đắp của Singapore, Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) đã buộc “Singapore không được tiến hành việc bồi đắp của mình theo những cách có thể gây tổn hại không thể khắc phục tới các quyền lợi của Malaysia hay gây tổn hại nghiêm trọng cho môi trường biển, đặc biệt là phải tính đến các  báo cáo của nhóm chuyên gia độc lập”. Singapore đã tuân thủ phán quyết của tòa. Ngược lại, Trung Quốc hoàn toàn không đếm xỉa tới nghĩa vụ của họ với UNCLOS qua việc nạo vét hàng trăm triệu tấn cát và san hô từ đáy biển và đổ lên 8 triệu m2 thuộc các rạn san hô vốn là môi trường tối quan trọng cho cá đẻ trứng mà không có bất cứ đánh giá nào của các chuyên gia độc lập, và không có sự phối hợp hoặc thậm chí tham vấn nào với các quốc gia ven biển khác.

Thứ năm, việc khu vực quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp biển đưa chúng ta đến một vi phạm UNCLOS khác của Trung Quốc. Điều 74 và 83 của Công ước này đòi hỏi rằng trong các khu vực có các yêu sách EEZ hoặc thềm lục địa mở rộng mâu thuẫn nhau thì các bên tranh chấp “trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, sẽ thực hiện mọi nỗ lực để tham gia vào các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và, trong giai đoạn chuyển tiếp này, không gây phương hại cho hay cản trở việc đi đến các thỏa thuận cuối cùng”. Trong phán quyết năm 2004 đối với vụ Guyana kiện Suriname, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã giải thích điều khoản này có nghĩa là các bên tranh chấp không được phép đơn phương gây ra thay đổi vĩnh viễn lên các vùng tranh chấp.

Khó chối cãi được Đá Vành Khăn là một khu vực thuộc EEZ đang có tranh chấp, trong khi Đá Subi có thể thuộc EEZ hay thềm lục địa mở rộng đang có tranh chấp, do đó Điều 74 và 83 UNCLOS và phán quyết vụ Guyana-Suriname rõ ràng có thể áp dụng ở đây. Việc xây dựng  đảo trên Đá Vành Khăn và Đá Subi rõ ràng vi phạm các điều khoản này.

Không như Đá Vành Khăn và Đá Subi, các rạn đá Chữ Thập (Fiery Cross), Gạc Ma (Johnson South), Châu Viên (Cuarteron),  Huy Gơ (Hughes) và Ga Ven (Gaven) thì hoặc là có chỗ tự nhiên nằm trên mặt nuớc khi triều cao hoặc nằm trong phạm vi 12 hải lí của các đảo khác.  Theo UNCLOS, các rạn đá này có lãnh hải bao quanh. Vì thế, việc xây dựng đảo  trên chúng diễn ra trong lãnh hải, có nghĩa Điều 74 và 83 của UNCLOS và phán quyết vụ Guyana-Suriname (vốn chỉ áp dụng cho EEZ và thềm lục địa mở rộng) có vẻ không liên quan. Tuy nhiên, nếu nhìn cặn kẽ hơn thì sẽ  thấy khác đi. Ai cũng biết rõ là các rạn san hô là bãi đẻ trứng cá quan trọng của các đại dương và biển, và việc phá hủy chúng sẽ ảnh hưởng đến trữ lượng cá tại những vùng biển cách xa các rạn đá này. Việc xây dựng đảo ồ ạt  trên rạn san hô do đó có thể có ảnh hưởng lâu dài cho vùng EEZ ngoài lãnh hải của các rạn san hô. Trong trường hợp của quần đảo Trường Sa, vùng EEZ đó đang có tranh chấp, do đó Điều 74 và 83 UNCLOS và phán quyết vụ Guyana-Suriname áp dụng đuợc, điều đó có nghĩa là các hành động gây ra những thay đổi vĩnh viễn cho EEZ là bất hợp pháp ngay cả khi chính các hành động đó diễn ra trong lãnh hải.

Hoạt động phi pháp của Trung Quốc đã thay đổi cục diện ở Biển Đông

Sau khi Trung Quốc hoàn thành quá trình cải tạo đá, bãi cạn trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm biến các đảo đá và bãi chìm này thành các đảo lớn với đường băng, cảng tàu và các cơ sở quân sự và dân sự khác.

Các quan chức và học giả Trung Quốc đã đưa ra nhiều lý do để biện minh cho bước đi chiến lược của Trung Quốc, bao gồm nhu cầu nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn ở Biển Đông, cải thiện điều kiện sống và làm việc của các công dân Trung Quốc trên các thực thể đó và nhu cầu thiết lập một căn cứ hỗ trợ cho hệ thống radar và tình báo của Trung Quốc. Đại biểu của Trung Quốc cũng đã nhiều lần phàn nàn tại các hội thảo, hội nghị quốc tế rằng không công bằng khi chĩa mũi dùi chỉ trích vào Trung Quốc trong khi các bên yêu sách khác ở Biển Đông đã thực hiện các hoạt động cải tạo đất, Trung Quốc là bên yêu sách cuối cùng xây dựng đường băng ở đó.

Bất kể lý do là gì, các dự án cải tạo đất quy mô lớn và chưa có tiền lệ của Trung Quốc khi hoàn tất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tranh chấp giữa các bên và cạnh tranh giữa các cường quốc ở Biển Đông. Các đội tàu cá của Trung Quốc, vốn đã được hưởng sự ủng hộ về tài chính, kỹ thuật và hành chínhcủa chính quyền trung ương và địa phương, có thể sử dụng các cơ sở tiện ích trên các hòn đảo được mở rộng này để tăng thời gian và mở rộng phạm vi của các hoạt động đánh bắt. Điều này sẽ châm mồi cho căng thẳng và tạo ra đối đầu khi các đội tàu cá của Trung Quốc xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của các bên khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia và va chạm với lực lượng tàu cá và chấp pháp của các quốc gia trên.

Các hòn đảo được mở rộng với đường băng và cảng biển có thể sẽ củng cố năng lực uy hiếp của Trung Quốc, cho phép Trung Quốc triển khai nhanh chóng và hùng hậu các tàu và máy bay quân sự, bán quân sự và giả dân sự đến khu vực phía nam và trung tâm Biển Đông trong trường hợp xảy ra chạm trán với các bên yêu sách khác.

Tạp chí Thông tin Tình báo Quốc phòng Jane’s Defence Weekly cho rằng các cơ sở của Trung Quốc trên các hòn đảo được cơi nới này “được xây dựng với chủ đích nhằm ép buộc các bên yêu sách khác phải từ bỏ yêu sách chủ quyền và sự kiểm soát của mình trên các đảo ở Trường Sa.” Khó có khả năng các bên khác từ bỏ yêu sách chủ quyền và sự kiểm soát của mình trên các đảo hiện nay ở Trường Sa, tuy nhiên những cơ sở đó sẽ tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc phong tỏa các tuyến đường tiếp tế của Việt Nam, Philippines đến các đảo và đá mà họ đang kiểm soát ở Trường Sa. Nỗ lực của Trung Quốc trong việc bao vây các tuyến đường tiếp tế của Trung Quốc ở bãi cạn Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) trong nửa đầu năm 2014 đã minh chứng cho điều này.

Nhìn ở góc độ lạc quan hơn, việc sở hữu các đảo lớn với các cơ sở quân sự và dân sự hiện đại có thể đáp ứng tất cả các nhu cầu của Trung Quốc sẽ khiến cho nước này giảm động lực muốn tấn công các đảo do các bên khác kiểm soát.

Khác với sự hiện diện của các bên yêu sách khác ở Trường Sa, với mục tiêu chính là chứng minh sự quản lý hiệu quả các đảo do họ kiểm soát bằng cách xây dựng các đường băng có thể hỗ trợ cho việc tiếp tế các đảo, sự hiện diện càng tăng về mặt quân sự của Trung Quốc là nhằm đẩy mạnh khả năng triển khai sức mạnh, nếu không muốn nói là làm chủ cả Biển Đông. Mạng lưới các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, nối liền căn cứ Tam Á ở đảo Hải Nam, đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa ở phía tây, với các “hàng không mẫu hạm không thể đánh chìm” ở Đá Chữ Thập, Đá Gạc Ma, Đá Châu Viên và Đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa ở vùng trung tâm và phía nam Biển Đông, và với các căn cứ tiềm năng ở Bãi Vành Khăn và Bãi cạn Scarborough ở phía đông sẽ tăng cường khả năng của Trung Quốc trong việc thực thi vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông (khi được thiết lập). Liên hoàn căn cứ này cũng sẽ gia tăng năng lực của Trung Quốc trong các hoạt động: quấy nhiễu các hoạt động quân sự của Mỹ trên biển và trên không; săn tàu ngầm của Mỹ; và lần đầu tiên đặt nước Australia trong tầm ngắm của máy bay ném bom chiến lược của Trung Quốc; kiểm soát hay ít nhất là gửi tín hiện răn đe về khả năng phong tỏa các tuyến đường cung cấp năng lượng trọng yếu từ Trung Đông đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Trước âm mưu, ý đồ và hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam và các nước đã nhiều lần phản đối hoạt động cải tạo, bồi đắp và quân sự hóa trên Biển Đông của Trung Quốc. Việt Nam khẳng định “có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với UNCLOS”. Hành động của Trung Quốc đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với thoả thuận về nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thoả thuận quan trọng lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Các hành động của Trung Quốc không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiện nay.

RELATED ARTICLES

Tin mới