Thursday, December 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ - Trung “đấu khẩu” về Biển Đông, Huawei

Mỹ – Trung “đấu khẩu” về Biển Đông, Huawei

Vấn đề Biển Đông, tự do hàng hải, cạnh tranh thương mại và vụ việc liên quan Tập đoàn Viễn thông Huawei của Trung Quốc tiếp tục là một trong những điểm nóng trong quan hệ Mỹ – Trung hiện nay.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence (trái) và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì phát biểu tại hội nghị an ninh Munich. (Ảnh: Bloomberg)

Tiếp tục căng thẳng về Huawei

 Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich 2019 (16/2), Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence kêu gọi các lãnh đạo chính trị tham dự hội nghị “tẩy chay” Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc. “Mỹ đã nói rất rõ ràng với các đối tác an ninh của chúng tôi về những mối đe dọa do Huawei và các công ty viễn thông Trung Quốc khác gây ra. Luật của Trung Quốc yêu cầu họ phải cung cấp cho bộ máy an ninh khổng lồ của Bắc Kinh khả năng tiếp cận với bất kỳ dữ liệu nào có liên quan tới mạng lưới hoặc thiết bị của họ”, ông Pence nói, đồng thời khuyến cáo các đồng minh của Mỹ phải bảo vệ hạ tầng viễn thông quan trọng của mình.

Phát biểu ngay sau Phó Tổng thống Mỹ, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định Trung Quốc không theo đuổi “sự bá quyền về công nghệ”. “Chúng ta cần theo đuổi cách tiếp cận mới, trong đó các bên cùng đạt được lợi ích và hợp tác để cùng giành được thắng lợi, từ bỏ những thành kiến về tư tưởng và lối suy nghĩ lỗi thời về việc một mất một còn hay kẻ thắng giành được tất cả”, ông Dương cho biết. “Luật Trung Quốc không yêu cầu các công ty phải thiết lập cửa hậu hay thu thập dữ liệu tình báo”, ông Dương nói thêm.

Biển Đông lồng ghép trong đàm phán thương mại Mỹ – Trung

Cuộc đấu khẩu Mỹ – Trung tại hội nghị Munich diễn ra một ngày sau khi các quan chức cấp cao của hai nước kết thúc vòng đàm phán thương mại mới nhất ở Bắc Kinh. Tổng thống Donald Trump nói rằng các cuộc đàm phán diễn ra “cực kỳ tốt đẹp” và hai bên sẽ gặp lại nhau tại Washington vào tuần tới. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang nỗ lực đạt được một thỏa thuận trước khi thời hạn đình chiến thương mại kết thúc vào ngày 1/3.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng thống Mike Pence cho rằng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc “không chỉ đơn thuần là về mất cân bằng thương mại”. “Trung Quốc phải giải quyết các vấn đề dài hạn liên quan tới đánh cắp sở hữu trí tuệ, cưỡng ép chuyển giao công nghệ và các vấn đề cấu trúc khác tại Trung Quốc, vốn đặt gánh nặng lên nền kinh tế của chúng tôi cũng như các nền kinh tế khác trên toàn thế giới”, ông Pence nói, đồng thời cho biết quan hệ thương mại mà Mỹ mong muốn là “tự do, công bằng và có đi có lại”.

Trong khi đó, ông Dương Khiết Trì cũng khẳng định tại hội nghị rằng Trung Quốc muốn thắt chặt hợp tác với Mỹ. Tuy nhiên, ông Dương cũng chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ của Washington và thể hiện sự không hài lòng với các chiến dịch tuần tra bảo đảm tự do hàng hải của Mỹ trên Biển Đông. Quan chức Trung Quốc kêu gọi hai bên lựa chọn đối thoại để giải quyết xung đột và nhấn mạnh sự cần thiết của chủ nghĩa đa phương. “Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải. Chúng tôi kịch liệt phản đối bất kỳ hành động nào gây tổn hại chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc với cớ tự do hàng hải”, ông Dương nhấn mạnh.

Vấn đề Biển Đông khiến Mỹ – Trung căng thẳng ngay từ đầu năm 2019

Kể từ đầu năm nay, hải quân Mỹ đã hai lần thực hiện tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Hồi tháng Một, tàu khu trục USS McCampbell đã tiến lại gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Tới ngày 11/2, hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường của hải quân Mỹ là USS Spruance và USS Preble đã xuất hiện gần bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Trong cả hai lần Mỹ điều động tàu chiến tới Biển Đông, Trung Quốc đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Theo số liệu từ Bộ Quốc phòng Mỹ, hải quân Mỹ đã 5 lần tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông trong năm 2018. Năm 2017 là 4 lần và năm 2016 và 2015 cũng là 4 lần.

Hồi đầu tuần này, Đô đốc Phil Davidson, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ cho hay hoạt động tuần tra của hải quân Mỹ ở Biển Đông sẽ ngày càng thường xuyên hơn. Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm 12/2, ông Davidson nhấn mạnh Bắc Kinh đang gia tăng tầm ảnh hưởng thông qua “việc gieo rắc nỗi sợ hãi và hành động bắt nạt”. Đây là lý do Mỹ cùng các đồng minh bao gồm Anh sẽ tăng cường hoạt động tuần tra nhằm gửi đi thông điệp rằng cộng đồng quốc tế không chấp nhận những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngay cả trong bài phát biểu ở Hội nghị An ninh Munich, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng cho hay, Washington vẫn duy trì những lời cam kết ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, phát biểu trong cùng sự kiện trên, Ủy ban Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ bất cứ hành động nào gây ảnh hưởng tới chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc dưới chiêu bài tuần tra đảm bảo tự do hàng hải. Không ít lần Trung Quốc đã điều động tàu thuyền tới “cảnh báo và ngáng đường’’ tàu chiến Mỹ tuần tra ở Biển Đông. Theo giới quan sát, đây có thể là hành động làm bùng nổ va chạm quân sự giữa hai nước. Cụ thể, vào ngày 30/9/2018, tàu khu trục lớp Luyang của Trung Quốc đã xua đuổi và áp sát nguy hiểm tàu khu trục USS Decatur. Theo đó, tàu chiến Mỹ xuất hiện gần một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trong khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và tiến hành tuần tra trong vòng 10 tiếng đồng hồ.

Nguy cơ xung đột Mỹ – Trung trên Biển Đông

Giới phân tích cho biết, việc thiếu một thỏa thuận giữa Trung Quốc và Mỹ về các quy tắc “trò chơi” ở Biển Đông làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố chết người. Năm 2001, một vụ va chạm giữa một chiến đấu cơ Trung Quốc và một máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ trên vùng biển đảo Hải Nam đã làm thiệt mạng một phi công Trung Quốc và làm xấu đi quan hệ giữa hai nước trong nhiều tháng. Chính phủ hai nước sau đó nhất trí thiết lập một đường dây nóng giữa quân đội hai nước để xử lý các sự cố như vậy nhưng kênh này đã không hoàn toàn hiệu quả.

Thời Chiến tranh Lạnh, Washington và Moscow tuân theo một thỏa thuận về các sự cố trên biển mà dù ít dù nhiều đã góp phần quản lý cách thức hải quân hai nước hoạt động trên biển. Nhưng cuộc cạnh tranh hải quân giữa Mỹ và Trung Quốc có đặc điểm khác. Khi đó, Mỹ và Liên Xô muốn bảo đảm tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế để hai nước có thể cùng theo đuổi các lợi ích toàn cầu. Tuy nhiên cuộc đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington lại xoay quanh các tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông và các nỗ lực của Mỹ thách thức lại điều này. Và hai bên đều không nhượng bộ nhau trong cuộc đối đầu này. Sứ mệnh của tàu Mỹ Decatur là nhấn mạnh rằng hải phận quốc tế là tự do, dành cho tất cả các bên và rằng tuyên bố 12 hải lý của Trung Quốc quanh các đảo nhân tạo mà họ xây trái phép là không có cơ sở trong luật quốc tế. Phía Trung Quốc thì bất chấp luật quốc tế trong vấn đề này, họ cho rằng phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế tại La Hay năm 2016 không có giá trị đối với họ. Năm 2014, Mỹ và Trung Quốc cùng với các nước khác đã ký Bộ quy tắc cho các tình huống va chạm bất ngờ trên biển – bộ quy tắc này mô phỏng các khía cạnh của thỏa thuận trước đó giữa Mỹ và Liên Xô về ứng xử giữa đôi bên khi đối đầu trên biển. Nhưng bộ quy tắc mới nói trên mang tính tự nguyện và không giải quyết vấn đề cơ bản là vùng lãnh hải và ai có thể đi tới đâu

Ngoài ra, Mỹ cũng đang quan ngại sâu sắc về tiềm lực hải quân Trung Quốc. Mỹ ngày càng ý thức về tình trạng đối đầu căng thẳng, nhất là khi họ quan ngại tàu thuyền của họ đang ở thế phòng ngự sau 70 năm không hề bị thách thức quyền lực khi đi trên Thái Bình Dương. Hồi tháng 5/2018, người đứng đầu Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Philip S. Davidson, nói với Quốc hội Mỹ rằng Trung Quốc mưu toan kiểm soát Biển Đông bằng “mọi kịch bản chỉ thiếu chiến tranh”. Điều này dẫn Mỹ tới chỗ phải đánh giá lại các ưu tiên chiến lược và chi tiêu của hải quân nước này. Khi chính quyền Tổng thống Trump thúc đẩy hải quân Mỹ làm thêm nhiều điều nữa ở Biển Đông thì lực lượng này có ít trang bị hơn Trung Quốc, và Trung Quốc đang đầu tư rất mạnh cho hải quân của họ.

RELATED ARTICLES

Tin mới