Tuesday, December 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTiềm lực quân sự của Đài Loan đến đâu?

Tiềm lực quân sự của Đài Loan đến đâu?

Trung tuần tháng 2-2019, Google đã cập nhật nhiều hình ảnh 3 chiều (3D) của 4 thành phố Đài Loan là Đài Bắc, Tân Bắc, Đào Viên và Đài Trung lên ứng dụng Google Maps. Tuy nhiên, cộng đồng mạng ngay lập tức phát hiện vị trí của nhiều cơ quan an ninh, quân sự nhạy cảm cũng được phơi bày chi tiết.

Một số địa điểm quân sự nhạy cảm của Đài Loan, trong đó có các cơ sở đặt tên lửa Patriot, vô tình lọt vào các bản đồ tiên tiến mới nhất của Google.

Trụ sở Cục An ninh, Cục Tình báo Quân sự, và đặc biệt là các căn cứ triển khai hệ thống tên lửa phòng không Patriot tại quận Tân Điếm, thành phố Tân Bắc đều bị công khai trên bản đồ.

“Sai sót” của Google

Theo một số người dùng mạng, hình ảnh vệ tinh đầu tiên được tung lên mạng cho thấy hệ thống phòng không của Đài Loan được chia làm hai nhánh rõ rệt. Nhánh đầu tiên trải dài từ phía bắc đảo Đông Dẫn tới phía nam quần đảo Bành Hồ và được trang bị tên lửa đối không Tiangong I (Thiên Cung I).

Trong khi đó, nhánh thứ hai nằm tại khu vực chưa rõ trên lãnh thổ Đài Loan. Hai trong số 3 hệ thống tên lửa đối không Patriot nằm ở phía bắc Đài Loan. Trong 36 hình ảnh vệ tinh khác, người ta nhận thấy vị trí các căn cứ phòng không Đài Loan tại các địa điểm như Đại Độ, Đạm Thủy, Lâm Viên, Bằng Huy.

Theo nhận định, Đài Loan có 3 căn cứ tại Đài Bắc trang bị hệ thống tên lửa phòng không Patriot PAC-2 có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo. Căn cứ thứ 4 sẽ được triển khai tại Đài Trung trong thời gian tới.

Giới chức Đài Loan sau đó tỏ ý không hài lòng và đã nhanh chóng làm việc với Google để xử lý vấn đề này. Lãnh đạo Cơ quan Phòng vệ Đài Loan Nghiêm Đức Phát tuyên bố các căn cứ bị lộ không ảnh hưởng đến hoạt động quân sự và đó không phải là những căn cứ cố định.

Trong khi đó, một quan chức quốc phòng cho rằng hình ảnh vệ tinh của Google về vị trí của các hệ thống Patriot nhiều khả năng là ảnh cũ vì hệ thống này có khả năng cơ động cao và thường được luân chuyển đi nhiều nơi để ngụy trang.

Đài Loan trước nay luôn tỏ ra khá kín tiếng về các chương trình quân sự do lo ngại làm dấy lên những phản ứng tiêu cực. “Sơ hở” của Google trong việc để lộ các hình ảnh liên quan đến các cơ quan an ninh và phòng vệ Đài Loan đã cho dư luận thấy được phần nào quy mô và tiềm lực quốc phòng của hòn đảo nhỏ bé này.

Theo một số nguồn tin, hồi cuối tháng 1-2019, sau cuộc họp kín với Viện Khoa học và Công nghệ Chung-Shan, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn nói rằng Đài Loan cần đẩy nhanh tiến độ sản xuất các vũ khí phòng vệ tân tiến, đồng thời nhấn mạnh các tên lửa Hsiung Feng III (Hùng Phong III) và Tiangong III là “niềm tự hào của Đài Loan”.

Bà cũng ra lệnh sản xuất ít nhất 60 tên lửa siêu thanh Hsiung Feng III cùng một số lượng nhất định tên lửa Tiangong III. Chương trình này sử dụng nguồn tiền được phân bổ cho các dự án đặc biệt của cơ quan phòng vệ Đài Loan.

Phát triển tên lửa

Cơ quan phòng vệ Đài Loan được cho là đã soạn thảo các kế hoạch ban đầu về việc sản xuất hàng loạt tên lửa từ năm 2013. Trong các năm kế tiếp, nhiều dự án nghiên cứu cũng như kỹ thuật đã được tiến hành để tối đa hóa tầm bắn và hiệu quả của các mẫu tên lửa nội bộ do Đài Loan thiết kế và chế tạo.

Từ tháng 9/2018 đã xuất hiện các thông tin nói rằng tên lửa Tiangong III cải tiến đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt ngay sau khi có lệnh của chính quyền. Thế hệ cải tiến thứ 3 của tên lửa đạn đạo Tiangong có tầm bắn tăng lên từ 45-70km.

Trong khi đó, tên lửa Hsiung Feng III được cho là có khả năng hoạt động hiệu quả cao có thể tấn công các mục tiêu với độ chính xác cao ở khoảng cách 200km. Hsiung Feng III là một trong những vũ khí diệt hạm mạnh nhất của Đài Loan, được phiên chế cho lực lượng hải quân từ năm 2007 và trang bị cho nhiều loại tàu biển.

Mỗi quả đạn có tầm bắn 400km, tốc độ tối đa 3.700 km/h cùng khả năng cơ động mạnh mẽ để vượt qua lá chắn phòng không đối phương. Tên lửa được lắp đầu đạn nổ mảnh nặng 225kg, cùng ngòi nổ thông minh để hướng luồng nổ xuống phía dưới sau khi xuyên qua vỏ tàu. Tính năng này giúp gây thiệt hại tối đa cho mục tiêu bị bắn trúng.

Hsiung Feng III còn được xem là công nghệ trọng yếu của lực lượng phòng vệ Đài Loan. Mọi thông tin về quy trình sản xuất cũng như tính năng đầy đủ của tên lửa này cho đến nay vẫn được Đài Loan giữ bí mật.

Tuy nhiên, Hải quân Đài Loan mới đây vừa công bố hình ảnh đợt diễn tập bắn đạn thật, sử dụng tên lửa diệt hạm siêu thanh Hsiung Feng III phóng từ tàu hộ vệ tàng hình Đà Giang.

Trong đoạn băng ghi hình, Hsiung Feng III được kích hoạt, lao khỏi bệ phóng nghiêng trên tàu hộ vệ Đà Giang và tạo ra cột khói lớn, cùng với đó là hoạt động của kíp tàu trong quá trình theo dõi mục tiêu. Hải quân Đài Loan không tiết lộ kết quả đợt diễn tập.

Những dự án tham vọng

Theo một số nguồn tin, Đài Loan đang nghiên cứu và cải tiến các động cơ máy bay chiến đấu J85 do Tập đoàn General Electric (Mỹ) sản xuất để sử dụng cho việc phát triển tên lửa hành trình tốc độ cao. J85 là loại động cơ dùng cho máy bay chiến đấu F5 (mỗi máy bay sử dụng 2 động cơ J85).

General Electric cũng từng cải tiến J85 cho máy bay “chim mồi” không người lái Quail của Không quân Mỹ.

Không quân Đài Loan triển khai hơn 300 máy bay F5 trước khi thay thế bằng thế hệ F16 do Mỹ sản xuất, máy bay Mirage 2000 của Pháp và thế hệ F-CK tự sản xuất. Điều này về lý thuyết sẽ dẫn đến việc dư thừa 1 lượng lớn động cơ J85 lấy từ các máy bay F5 cũ.

J85 là loại động cơ đa năng. Chỉ dài khoảng hơn 1m song có lực đẩy lên tới gần 13,1 kilonewton (kN). J85 là loại động cơ sử dụng cho các mẫu máy bay như F5, máy bay huấn luyện T38, máy bay tấn công hạng nhẹ A37 và White Knight, máy bay du lịch không gian của Virgin Galactic.

Phiên bản J85 do Đài Loan cải tiến có thể dùng làm động cơ cho các thế hệ tên lửa hành trình mới với tầm bắn kỳ vọng khoảng 1.200km.

Tên lửa sử dụng động cơ J85 có thể là loại có tốc độ cao, hoặc thậm chí là siêu thanh. Tên lửa hành trình siêu thanh Tomahawk của Mỹ nặng tới hơn 1.300kg song động cơ F107 của nó chỉ có lực đẩy là 3,1 kN, chưa bằng 1/4 lực đẩy của động cơ J85 khi vận hành.

Kho vũ khí của Đài Loan hiện gồm hàng trăm tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất đủ sức nhằm vào các mục tiêu tầm trung. Không quân mới đây cũng vừa trang bị cho 127 máy bay chiến đấu F-CK loại tên lửa Wan Chien (Vạn Kiếm) mới.

Là loại tên lửa có tầm bắn lên tới gần 250km, Wan Chien có thể giúp phi đội chiến đấu “tăng cường tính cơ động và hiệu quả khi tấn công các mục tiêu như sân bay, bến cảng, các trạm tên lửa và radar”, theo nhận định của tổ chức Janes HIS.

Không dừng ở đó, nhiều nguồn tin cho biết Đài Loan được cho là đang phát triển một thế hệ tên lửa hành trình mới với tầm bắn lên tới 1.200km, nghĩa là đủ khả năng tấn công cả những mục tiêu ở khá xa.

“Niềm hy vọng” HF-2E

Hsiung Feng IIE (HF-2E), loại tên lửa đất đối đất mà Đài Loan tự chế tạo đã hoàn thiện giai đoạn đầu của quá trình sản xuất, bắt đầu từ năm 2008 với số lượng tối thiểu là 240 tên lửa.

Giai đoạn 2 được khởi động từ năm nay, với thế hệ HF-2E có khả năng tấn công cả những mục tiêu ở cách đó 1.200km. Theo một số nguồn tin, số lượng các tên lửa được sản xuất có thể lên tới 100 chiếc, và khoản ngân sách trị giá 440 triệu USD đã được phê duyệt cho kế hoạch này.

Các chương trình tên lửa hành trình và đạn đạo của Đài Loan đều được giữ kín và tầm bắn chính xác của HF-2E chưa bao giờ được công khai. Thế hệ HF-2E đầu tiên, bắt đầu được sản xuất từ 2008 được cho là có tầm bắn vào khoảng 600km.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Đài Loan được cho là đã thử nghiệm và phát triển nhằm mở rộng tầm bắn của các loại tên lửa lên hơn 1.000km, và một số chưa rõ cụ thể các tên lửa HF-2E đã được nâng cấp tầm bắn.

Để đảm bảo khả năng chủ động trong trường hợp bị tấn công, Đài Loan được cho là đã triển khai hầu hết các tên lửa hành trình HF-2E trên các bệ phóng di động như xe tải và sơn ngụy trang.

Với tầm bắn lên tới 1.200km, các tên lửa HF-2E có thể sánh ngang với loại tên lửa Tomahawk nổi tiếng của Mỹ. Tên lửa hành trình không gắn đầu đạn hạt nhân không gây thương vong nghiêm trọng, song mức độ chính xác cao cho phép Đài Loan nhắm tới những mục tiêu có thể gây thiệt hại đáng kể và có tính răn đe cao.

Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định việc hầu hết các quốc gia không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan khiến hòn đảo này nhiều khi gặp thách thức không nhỏ trong việc mua sắm hay tiếp cận các hệ thống vũ khí tân tiến trên thị trường quốc tế”.

Tuy nhiên, “trong cái rủi lại có cái may”, điều này vô hình trung khiến Đài Loan thiên về xu hướng phát triển các công nghệ trong nước, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp quốc phòng.

Đằng sau những nỗ lực

Nỗ lực phát triển thế hệ tên lửa mới của Đài Loan được cho là có sự ủng hộ và hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ.

Theo nhiều nguồn tin, đợt HF-2E đầu tiên được phát triển và sản xuất từ thời ông Mã Anh Cửu. Nhiều thông tin cho thấy từ năm 2017, hòn đảo này bắt đầu tỏ rõ những ý định phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và hành trình của mình.

Trong khi đó một số nguồn tin lại nhắc đến sự thay đổi khá âm thầm trong thái độ của Mỹ trước việc ủng hộ Đài Loan nâng cấp và cải thiện tầm bắn của HF-2E.

Các chính quyền Mỹ tiền nhiệm thường do dự trong việc cung cấp cho Đài Loan những bộ phận cần thiết để sản xuất hệ thống dẫn đường cho tên lửa hành trình do lo ngại các loại vũ khí này sẽ bị nhìn nhận là vũ khí tấn công.

Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump, giới chức quốc phòng Mỹ từng bước gạt bỏ những sự phản đối trong chính phủ để hậu thuẫn mạnh mẽ hơn cho Đài Loan.

Đầu năm 2018, giới chức Mỹ đã dỡ bỏ hạn chế trong việc cung cấp cho Đài Loan con quay hồi chuyển laser vòng (RLG), bộ phận quan trọng trong việc sản xuất các hệ thống dẫn đường HF-2E đảm bảo độ chính xác của tên lửa trong trường hợp tấn công tầm xa.

Rất nhiều người đặt câu hỏi rằng việc ủng hộ các nỗ lực phát triển tên lửa đạn đạo và hành trình ở Đài Loan của Mỹ gần đây có đồng điệu với quyết định rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hay không, một quyết định “giải phóng” Mỹ sau hàng thập kỷ bó buộc trong các quy định cấm phát triển tên lửa với tầm bắn đủ sức chống đỡ mối đe dọa tương tự.

Bằng việc hỗ trợ các đồng minh và đối tác có được năng lực phòng thủ và răn đe tương xứng, Mỹ có thể phần nào đảm bảo việc kiềm chế các đối thủ của mình.

RELATED ARTICLES

Tin mới