Sunday, November 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVăn hoá - Thể thao BiểnKý sự làng biển: Đi tìm hải trình biển Đông bằng thơ

Ký sự làng biển: Đi tìm hải trình biển Đông bằng thơ

BienDong.Net: Người làng Biển đông như con dã tràng, cần cù bồi đắp gia tài văn hoá bằng truyển khẩu. Họ thông thái ở việc ứng tác tài hoa, họ để lại cả một kho tàng ca dao tục ngữ làm phong phú thêm nền văn hoá dân gian Việt

Kỳ 1: Những vần thơ cao vút trên sóng

Về làng biển Bảo Ninh (Đồng Hới, Quảng Bình), những nghệ nhân già vẫn thường xướng lên một vài câu trong điệu hát hải trình biển Đông. Nghệ nhân Trương Xa nói:

 

“Người kẻ biển xa xưa, tiếng ít học, chữ nghĩa chẳng biết. Thơ ca ứng tác vài câu trên sóng gió cho vui. Nhưng mỗi người mỗi câu, bắt đầu dồn lại thành bài dài ngắn khác nhau. Lâu dần, những điệu hò hát dày lên không ai biết từ lúc nào. Đến hôm nay, thì làng biển tự hào có nhiều câu thơ hải trình hiếm vùng nào có”.

Các làng biển thường tổ chức hội hè theo phong tục truyền đời

Nói đoạn ông lên tiếng đọc hải trình biển Đông đi ra:

“Cựa lạch Roòn sóng dồn ký ức/ Nơi ghe thuyền thổn thức tình quê/ Những ngày xuôi ngược đi về /Lược trình ra Bắc lược kê mấy dòng/ Ngó ra mù mịt hòn Ông/ Ngoài sóng ngả một vùng rạn Ló/ Dãy Hoành Sơn lồ lộ cao phong/ Thuyền đi yên ngựa thẳng dong/ Núi Ôông chộ mặt, mụi Rồng nê ra/ Dáng Vụng Chùa, thân bà phơi cánh/ Bóng Hòn La thấp thoáng kề bên/ La Ngoài, Cỏ trửa hai bên/ Mụi Ông trong bại đất liền bò ra/ Chạy kênh trong vừa qua Xó Rác/ Gió Nam Lào bụi cát từng cơn…”.

Ông đọc như vun cát thành chữ, như gom chữ thành câu, giọng ngân lên nặng tiếng địa phương. Những “chưn”, “ngưn”, “nê”, “cựa”, “chộ”… là lời bản địa người miệt cát, nó có nghĩa là “chân”, “dừng”, “dôi, “cửa”, “thấy”… Đó là sự chân thành của giọng điệu dân biển, sớm hôm nắng gió, không học rộng tài cao để mài dũa câu chữ thô mộc ra hoa mỹ.

Tôi vẫn thường thắc mắc, không biết từ đâu có hải trình bằng thơ dài gần 300 câu. Có dị bản đến hơn 1.000 câu, có dị bản chừng 600 câu. Sau nhiều năm tìm kiếm, sưu tầm, những lời của ngư phủ góp ý, họ cho rằng, bản gần 300 câu có số phận lưu truyền nhiều nhất bởi dễ hiểu, dễ nghe, không cầu kỳ múa máy. Nó được chia làm năm phần với hai chặng hải trình đi ra và hải trình đi vào.

Tính toán qua truyền khẩu, họ chưa biết ra đời từ lúc nào. Trên thuyền đánh bắt làng biển xa xưa, không bút viết, giấy mực, chẳng học hành chữ nghĩa để vận từ, vận nghĩa êm thắm như lụa, dạt dào như trăng, lững lờ như mây, vậy mà thơ về hải trình biển cả vẫn cao vút hơn con sóng vỗ vào mạn thuyền.

Nhiều năm lăn lộn trên cát làng, đi về nhiều làng biển, mới khám phá được rằng, đó là nhu cầu hiển nhiên của lòng người. Giữa biển cả mênh mông, khi những cánh buồm buông xuống, neo thuyền ngơi nghỉ, bạn thuyền người sửa lưới, kẻ làm cá, mỗi người một việc, những lúc đó, nhớ đất liền, nhớ nhà da diết, trái tim bỗng cất lên bao vần điệu một cách tự nhiên.

Lão ngư Trương Xa vốn là người giáo làng, hay sưu tầm văn hóa dân gian miệt biển để bồi bổ cho tìm tòi của mình cũng đồng tình điều đó. Nhưng ông bổ sung thêm:

“Một người xướng lên, nghe hay, người khác xướng tiếp. Có thể lúc đầu câu chữ còn trúc trắc, nhưng lao động tập thể, người này góp ý, người kia mài dũa để thơ hải trình chắc như dây thừng, bám vào tâm cốt ngư dân, mỗi người một nhịp buồm, thuyền qua đâu ứng lên câu đó. Lâu dần, thơ hải trình nối dài với những chuyến đi lâu ngày”.

Tôi đã cố công sưu tầm thật nguyên bản thơ hải trình bằng tiếng địa phương, nhưng qua bao dâu bể, mỗi thời mỗi khác, câu chữ có phần thay đổi âm điệu khi thốt lên nhưng nghĩa tự vẫn cơ bản vuông vắn, thô mộc trước sóng gió.

Giọng điệu mở đầu hải trình thật tự nhiên:

“Cựa lạch Roòn sóng dồn ký ức/ Nơi ghe thuyền thổn thức tình quê/ Những ngày xuôi ngược đi về /Lược trình ra Bắc lược kê mấy dòng”.

Tự nhiên như tiếng cát lăn, tự nhiên như tiếng sóng vỗ, tự nhiên tiếng cá vùng. Chỉ mấy dòng thôi cũng thấy bao địa danh, vụng vịnh được vẽ ra để người đi biển biết nơi đâu nông cạn mà tránh, nơi nào sâu thẳm, sóng yên mà trú mưa to gió lớn. Họ cũng nhận biết đi qua vùng đất anh tài Nghệ – Tĩnh, rồi núi Hồng Lam lừng lững soi bóng xuống nước biếc cũng lộ rõ giữa hành triển biển cả bao la.

Người giáo làng biển Trương Xa nói: “Hồi tui nhỏ, những người già đọc rồi giảng giải, các địa danh xướng lên trong hải trình biển Đông không đơn giản là danh từ, đó còn là một biệt vùng văn hóa phồn thịnh mà người vùng biển muốn răn dạy con cháu học tập. Nghệ – Tĩnh rồi Hồng Lam trong ký ức của nhiều vùng, đó còn được gọi là vùng văn hóa Lam Hồng hay Lam Hạ mà kẻ biển ngưỡng mộ”.

Thâm ý của cha ông đi biển, làm thơ hải trình thật nhân văn, dạy bảo cháu con như chắt chiu từng giọt nước mắm tinh hoa từ biển. Một kiểu mặn mòi tràn đầy cá tính.

Đi tìm số phận phần hai hải trình

Ba năm trước, về làng biển quê nội chơi, tôi nghe một người đàn ông mù ngâm nga vài câu của phần hai hải trình biển Đông bằng thơ bằng ca từ bản địa, khấu khí sóng nước rất hay. Nhưng ông chỉ đọc được mươi dòng.

Hỏi vì sao, ông nói “quên rồi”, vậy có ai trong làng biết nữa không, ông chỉ về phía cuối làng cát. Theo lời ông, đi tìm người đàn bà hát thơ hải trình, xuống xóm nhỏ bên bờ biển làng, mọi người nói “mệ vừa mất chừng một tuần”.

Bặt đi ba năm, nhớ lại phần hai thơ hải trình biển Đông chưa tìm được, tôi đành hỏi người giáo già làng biển, Trương Xa. Ông nói, trước đây, cha ông có hát cho nghe, nhưng nay cũng không nhớ. Bởi theo ông, phần hai của thơ hải trình ra đến Thái Bình. Trong đó có nhiều câu thốt lời đưa đúng giọng biển miền cát rất thích, nhưng vì thời gian, trí nhớ phôi phai.

Cách đây hai tháng, một người mù già trong làng, từng là đội vận tải biển đầu thế kỷ XX cho một thương thuyền tư sản Đồng Hới, gọi ông Xa đến và đọc cho nghe phần hai hải trình biển Đông. Như khơi lại dòng, chỉ cần nghe lại một lần nữa, ông Xa bừng nhớ lại đủ điệu, đủ câu phần thơ mà cha ông đã hát. May mắn là những vần thơ này không đi vào miền mất mát.

Trước triền sóng biển Đông, tôi được diện kiến những câu thơ hải trình đi ra phía Bắc:

“Ló nằm, sáo lại trồi cao/ Giăng hàng sóng ngã lao xao Lạch Lò/ Buồm phảng phất lô dô thuyền tắc/ Mụi Khe Gà lác đác sương đêm/ Lửa thuyền đến độ muốn nhen/ Vừa qua Lạch Vạn chộ lèn Hai Vai/ Qua Lạch Quyên, ngước coi Hòn Ó/ Lạch Nhà Bà dưới núi nằm trên/ Hòn Cù kia đã gần bên”.

Đến gần Vụng Biện giáp Thanh Hóa, người vào kẻ ra, thuyền bè nườm nượp. Địa danh đó được giải thích là bến thuyền tiếp tế cho người đánh cá đường xa, cũng là chốn gặp gỡ hải hồ của các chuyến thuyền vận tải hàng hoá thời xưa. Thuyền bè ngược xuôi, dập dìu.

Nhưng vì không mỹ từ hoa lệ, người đi biển chỉ biết vì von sự đô hội của nơi gặp gỡ những người làng biển đi đánh cá “vung bên nồi, đọi đĩa ngổn ngang”.

Nó cũng được giải thích, là do đi biển dài ngày, lên bờ đi dứng chao đảo, dễ vấp vào vung nồi, chén bát của tiểu thương trên bờ. Cách nào cũng có vẻ đúng, nhưng người kẻ biển vẫn nghiêng về việc Vụng Biện là nơi chốn tiếp phẩm cho hành trình đi ra.

Thấy rằng, khác với người kẻ ruộng, người kẻ biển ngày xưa đi xa hơn giữa biển. Người làm ruộng chỉ những quan trường, làm việc nha sai, hay sĩ tử ứng thí và một số khác mới đi lại đây đó. Nhưng cũng không đi xa như người kẻ biển trước tự nhiên rộng lớn.

Người kẻ biển đi ra, ngoài việc lựa chọn lạch nước, lựa chọn vụng vịnh để tránh gió bão thì họ vẫn tìm kiếm cho mình nơi chốn ngơi nghĩ, tìm cho mình nơi chốn có chất giữ cá. Họ cũng tìm những địa chỉ đó nhằm bán sản phẩm từ biển Đông ban cho để tiếp tục hành trình mưu sinh. Và nghĩ cho cùng, những mưu sinh ấy không gì khác ngoài giữ biển yêu thương. ( còn nữa )

Hàn Thư ( Doanh Nhân Sài Gòn)

RELATED ARTICLES

Tin mới