Biendong.net – Trong chuyến thăm vừa qua của tân Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, các nhà lãnh đạo Ấn Độ đều khẳng định sự ủng hộ duy trì hòa bình và an ninh ở Biển Đông, đồng thời coi Việt Nam là trụ cột trong chính sách hướng Đông của nước này.
Trong buổi hội đàm hôm qua giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới, đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có nhiều tiềm năng như kinh tế, thương mại và đầu tư, tài chính, khoa học và công nghệ.
Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất củng cố hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Việt Nam và Ấn Độ cũng nêu ra những vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong các diễn đàn khu vực và quốc tế như diễn đàn ASEAN-Ấn Độ, sông Hằng-sông Mekong, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)…
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và chủ nhà, Thủ tướng Manmohan Singh, tại Ấn Độ hôm nay. Ảnh: AFP.
Hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và đảm bảo an toàn, an ninh và tự do hàng hải tại Biển Đông. Chủ tịch nước Việt Nam và Thủ tướng Ấn Độ nhất trí cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần được các bên giải quyết thông qua đàm phán hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) và thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Bình luận về chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, báo chí Ấn Độ và quốc tế đã có nhiều bài phân tích, bình luận song cơ bản là đề cao vai trò của Việt Nam trong chính sách Hướng Đông của New Delhi, đáng chú ý một số báo chí sau:
Tờ Times of India với tiêu đề “Lãnh đạo Việt Nam làm sâu sắc thêm quan hệ chiến lược, quốc phòng với Ấn Độ”, đưa tin Chủ tịch Sang sẽ gặp Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, Tổng thống Pratibha Patil và các quan chức cao cấp nhất của nước chủ nhà. “Giới chức Ấn Độ khẳng định Việt Nam là yếu tố giúp Ấn Độ tiến xa hơn trong chính sách hướng Đông. Chuyến thăm này sẽ củng cố thêm mối quan hệ chiến lược và quốc phòng giữa hai nước”, báo viết. “Các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về mọi mặt hợp tác, trong đó có hợp tác khai thác năng lượng”.
Tờ báo hàng đầu của Ấn Độ dẫn lời Chủ tịch Trương Tấn Sang trả lời phỏng vấn thông tấn PTI trước khi công du: “Các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí hiện nay đều nằm trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNLOC) năm 1982”.
Nhật báo Daily News & Annalysis đưa lịch trình chuyến thăm của Chủ tịch Sang và nhấn mạnh: “Ông ấy sẽ có những cuộc thảo luận quan trọng và sâu sắc với các nhà lãnh đạo Ấn Độ nhằm đẩy mạnh mối quan hệ chiến lược của chúng ta”. Cũng như hầu hết các hãng tin khác, báo này một lần nữa nhấn mạnh vai trò của Việt Nam đối với chính sách đối ngoại của New Delhi: “Chuyến thăm này được hy vọng sẽ là động lực mới cho chính sách hướng đông của Ấn Độ, bởi Việt Nam là một trong những nền kinh tế lớn và là một thế lực trong ASEAN”.
Tờ Daily Pioneer bình luận rằng với việc chào đón chuyến thăm của ông Trương Tấn Sang, New Delhi đang mong muốn thúc đẩy hợp tác an ninh, thương mại và năng lượng với đối tác chiến lược Việt Nam. “Mối quan hệ của chúng ta dựa trên lòng tin tưởng lẫn nhau, cũng như quan điểm chung về các mối liên hệ song phương, khu vực và quốc tế. Mối quan hệ của chúng ta không có bất đồng”, báo dẫn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vishnu Prakash nói. “Hà Nội có thể giúp làm sâu sắc hơn chính sách hướng Đông”.
Pioneer nhận xét rằng trong những năm qua, những bước tiến triển của chính sách hướng Đông của Ấn diễn ra song song với sự tham gia ngày càng tích cực của Việt Nam trong các vấn đề khu vực, và nhờ đó Ấn Độ đã thu được những kết quả tốt.
Các kết quả đó được nêu cụ thể trên báo Economics Times. Tờ này đưa tin Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đi thăm tập đoàn công nghệ khổng lồ Infosys và nhấn mạnh vào khía cạnh hợp tác kinh tế Ấn – Việt. “Thương mại song phương đạt 2,7 tỷ USD năm 2010 và gần 1,8 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Hai bên đã nhất trí sẽ đưa kim ngạch lên 7 tỷ USD trong năm 2015”. Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ đi thăm Mumbai trong ngày cuối của chuyến thăm 4 ngày, tham dự buổi họp do Phòng thương mại Ấn- Việt tổ chức. Mumbai là trung tâm tài chính của Ấn Độ. Về các mặt hợp tác kinh tế cụ thể khác, quan chức Bộ ngoại giao Ấn Độ cho biết New Delhi nhận thấy nền công nghiệp hạt nhân của Việt Nam đang ở giai đoạn non trẻ và đang ở bước tìm hiểu các công nghệ tốt nhằm áp dụng. Ông cho hay Ấn Độ có mong muốn và có thể giúp Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân hòa bình. Về khoa học vũ trụ, quan chức trên nói Việt Nam hiểu rõ lực lượng của Ấn Độ trong công nghệ không gian, kể cả việc xây dựng và phóng các vệ tinh. Ông cho hay Việt Nam đang hợp tác với Ấn Độ trong việc sử dụng vệ tinh để dự đoán lũ lụt, phục vụ nông nghiệp.
Bình luận chung về chuyến thăm, tờ Asian Age nhận xét rằng ngày hôm nay, khi long trọng trải thảm đỏ đón Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, New Delhi có lý do để làm như vậy. Đó là vì New Delhi không chỉ mong muốn củng cố quan hệ song phương thân thiết hơn trên mặt trận chiến lược, mà còn hy vọng xiết chặt các liên kết kinh tế và thương mại. Nhiều thỏa thuận dự kiến sẽ được ký kết, trước Năm Hữu nghị kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. “Cả hai nước đều đánh giá cao tầm quan trọng của chuyến thăm này, bởi nó là sự thể hiện các mối liên kết đang nở rộ giữa đôi bên”, Asian Age nhận xét. “New Delhi hiểu rõ vai trò hỗ trợ thực chất và quan trọng của Việt Nam đối với chính sách hướng Đông của mình”.
Long Đặng (tổng hợp các nguồn)