Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHợp tác thăm dò, khai thác chung ở vùng biển thực sự...

Hợp tác thăm dò, khai thác chung ở vùng biển thực sự chồng lấn – một trong những giải pháp ngăn ngừa xung đột, khủng hoảng

Một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế hiện đại là nguyên tắc giải quyết tranh chấp quốc tế bằng con đường hòa bình. Các tranh chấp về chủ quyền biển, đảo giữa các quốc gia chưa bao giờ trở nên gay gắt, phức tạp như hiện nay. Vì vậy, để hạn chế và giải quyết các tranh chấp này, các quốc gia thường tìm đến giải pháp hợp tác thăm dò, khai thác chung.

Hợp tác thăm dò, khai thác chung có thể xem là giải pháp tạm thời để áp dụng đối với các vùng biển có tranh chấp về chủ quyền bởi lẽ đối với những khu vực đang có tranh chấp, các quốc gia có liên quan không thể đơn phương tiến hành khai thác tài nguyên do hành động đó sẽ làm cho tình hình xấu đi, thậm chí đẩy tranh chấp leo thang thành xung đột, chiến tranh giữa các quốc gia. Trong khi nhu cầu khai thác tài nguyên biển để phục vụ cho “quốc kế dân sinh” luôn luôn mở rộng và trở nên bức thiết, buộc người ta phải tính đến giải pháp hợp tác thăm dò, khai thác chung tại các vùng biển có chồng lấn về chủ quyền nhằm tạm thời gác lại tranh chấp, bất đồng, cùng nhau khai thác các nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế. Quá trình này làm cho môi trường an ninh trên biển tạm thời yên bình, quan hệ giữa các bên tranh chấp bớt căng thẳng, góp phần kiềm chế ham muốn của mỗi bên, xây dựng lòng tin giữa các nước tham gia và quan trọng hơn, không làm ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng về vấn đề chủ quyền của các bên. Với tất cả những ưu thế như trên, có thể khẳng định, hợp tác thăm dò, khai thác chung là giải pháp tối ưu đáp ứng cho mục tiêu khai thác tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế trong giai đoạn yêu sách chủ quyền quốc gia của các bên liên quan chưa được giải quyết.

Việc hợp tác giữa các quốc gia trong thăm dò, khai thác tài nguyên trên biển không phải là vấn đề mới mẻ trên thế giới. Càng không có gì lạ lẫm đối với những nước có tranh chấp với nhau về chủ quyền trên biển. Từ những năm 30 của thế kỷ trước, đã có nhiều nước lựa chọn giải pháp thỏa thuận hợp tác thăm dò, khai thác chung ở những vùng biển có các nguồn tài nguyên nằm xuyên qua đường biên giới (ranh giới) biển đã được xác định hoặc trong những vùng biển có yêu sách chủ quyền chồng lấn của các quốc gia đó. Ngày nay, giải pháp trên được áp dụng phổ biến hơn giữa các quốc gia có các vùng biển mà đường ranh giới biển chưa được xác định rõ ràng và nó được coi là giải pháp dàn xếp tạm thời, không phương hại tới yêu sách của các bên và không làm ảnh hưởng tới thỏa thuận cuối cùng vấn đề giải quyết tranh chấp chủ quyền chồng lấn biển của các quốc gia đó.

Cơ sở pháp lý căn bản, quan trọng nhất cho vấn đề hợp tác thăm dò, khai thác chung như trên là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Theo khoản 3 Điều 74 và khoản 3 Điều 83 của UNCLOS, trong trường hợp có sự chồng lấn về yêu sách chủ quyền biển và thềm lục địa giữa các quốc gia hữu quan, các quốc gia đó có nghĩa vụ đàm phán với nhau theo một cách thức phù hợp với luật pháp quốc tế để phân định ranh giới biển bằng một giải pháp công bằng. Trong khi chờ đợi ký kết các thỏa thuận về hoạch định ranh giới trên biển, các quốc gia hữu quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, làm hết sức mình để đi đến các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn và không để phương hại hay cản trở việc ký kết các thỏa thuận dứt khoát trong giai đoạn quá độ này. Các dàn xếp tạm thời không phương hại đến hoạch định cuối cùng. Các dàn xếp tạm thời mà UNCLOS hướng đến bao gồm hợp tác cùng thăm dò, khai thác tài nguyên biển; hợp tác bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển… Như vậy, theo UNCLOS, việc hợp tác thăm dò, khai thác chung tài nguyên biển chỉ là giải pháp tạm thời, không liên quan đến việc xác định biên giới biển và càng không là biện pháp giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với các vùng biển của các quốc gia có liên quan. Cũng phải lưu ý rằng, hợp tác thăm dò, khai thác chung không phải là nghĩa vụ bắt buộc các quốc gia phải thực hiện theo pháp luật quốc tế nói chung, UNCLOS nói riêng. Việc áp dụng giải pháp trên hay không áp dụng, áp dụng như thế nào, ở đâu hoàn toàn trên cơ sở quyền tự do định đoạt của các quốc gia có liên quan và càng không có việc một quốc gia đơn phương áp đặt vùng thăm dò, khai thác chung lên vùng biển thuộc chủ quyền của một quốc gia khác.

Như vậy, hợp tác thăm dò, khai thác chung tài nguyên tại những vùng biển có yêu sách chủ quyền chồng lấn thực sự giữa các quốc gia được xem là giải pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa ngăn ngừa khủng hoảng, xung đột có thể xảy ra giữa các quốc gia hữu quan.

Hiện nay, đã có rất nhiều thỏa thuận hợp tác thăm dò, khai thác chung tài nguyên biển được ký kết giữa các quốc gia có vùng biển hoặc thềm lục địa tạm thời chưa xác định được ranh giới. Những trường hợp điển hình như: Hiệp định về hợp tác khai thác chung giữa Nhật Bản và Hàn Quốc năm 1974 liên quan đến phần phía nam của thềm lục địa liền kề giữa Nhật Bản và Hàn Quốc; Hiệp định vùng đánh bắt hải sản chung giữa Na Uy và Liên Xô cũ năm 1978, thiết lập một vùng đánh bắt hải sản chung trên diện tích 67.500 km2 ở phía Nam biển Barents (còn gọi là Hiệp định vùng xám Na Uy – Liên Xô); Bản ghi nhớ giữa Malaysia và Thái Lan năm 1979 về thiết lập cơ quan quyền lực chung để khai thác tài nguyên dưới đáy biển trong khu vực thềm lục địa chồng lấn đã được xác định trong Vịnh Thái Lan; Hiệp ước về vùng hợp tác phát triển chung trong khu vực biển giữa Đông Timor và Bắc Australia năm 1989; Hiệp định về hợp tác khai thác chung giữa Guinea-Bissau và Senegal năm 1993… Tất cả các hiệp định, hiệp ước, bản ghi nhớ trên đều có nội dung thỏa thuận giữa các quốc gia hữu quan về hợp tác thăm dò, khai thác chung tại các vùng biển hay thềm lục địa chưa được phân định ranh giới chủ quyền rõ ràng thuộc về quốc gia hữu quan nào và tất cả các thoả thuận trên không phải là hiệp định giải quyết chủ quyền đối với khu vực thăm dò, khai thác chung. Nhưng chúng hầu hết đã có tác dụng ngăn ngừa phát sinh các tranh chấp, xung đột hay khủng hoảng giữa các nước, tạo môi trường hòa bình cho các quốc gia phát triển.

Việt Nam có vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền trên Biển Đông rộng trên 1 triệu cây số vuông, tiếp giáp với vùng biển, thềm lục địa của nhiều nước xung quanh như Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia. Từ đó, dẫn đến có nhiều vùng biển hoặc thềm lục địa của Việt Nam chồng lấn với vùng biển hay thềm lục địa của các nước trên theo yêu sách của mỗi nước khi họ tuyên bố theo quy định của UNCLOS (ngoại trừ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là không theo UNCLOS). Việt Nam cũng đã tiến hành đàm phán với từng nước liên quan về phân định đường biên giới trên biển và cũng đã áp dụng giải pháp hợp tác thăm dò, khai thác chung với các nước ở vùng có tranh chấp chưa phân định được. Theo đó, năm 1982, Việt Nam ký kết Hiệp định về vùng nước lịch sử với Campuchia mà kết quả là tạo ra vùng biển cùng khai thác đánh bắt thủy hải sản giữa hai bên. Năm 1992, ký kết Thỏa thuận hợp tác khai thác chung giữa Việt Nam với Malaysia, dẫn đến việc hai công ty dầu khí của hai nước đã ký kết các thỏa thuận thương mại cụ thể nhằm triển khai thăm dò khai thác dầu khí tại khu vực biển mà hai bên có yêu sách chồng lấn. Quan trọng nhất, năm 2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết được Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ, có hiệu lực thi hành từ năm 2004, từ đó mở ra điều kiện hợp tác khai thác nghề cá và thăm dò tài nguyên dầu khí giữa hai nước. Tất cả các hiệp định trên đã mang lại ổn định cho quan hệ giữa Việt Nam với các nước, đem lại bình yên trên các vùng biển có tranh chấp.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang còn những vùng biển có chồng lấn về chủ quyền với Indonesia và Trung Quốc chưa được giải quyết. Với Indonesia là chồng lấn về vùng đặc quyền kinh tế phía Nam Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế Natuna của Indonesia. Với Trung Quốc, là chồng lấn về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ kéo xuống phía Nam. Đây là những vùng có chồng lấn thực sự căn cứ theo các điều khoản quy định của UNCLOS. Do đó, xu hướng cho việc giải quyết các tranh chấp chồng lấn trên tốt nhất vẫn là phải áp dụng giải pháp gác tranh chấp, thông qua con đường đàm phán để tiến tới các thỏa thuận về hợp tác thăm dò, khai thác chung phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, ngõ hầu đem lại hòa bình, ổn định cho mỗi nước nói riêng, cũng như cho khu vực nói chung.

RELATED ARTICLES

Tin mới