Saturday, April 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCon đường tơ lụa trên biển - ý đồ “thâu tóm” Biển...

Con đường tơ lụa trên biển – ý đồ “thâu tóm” Biển Đông của TQ

Sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc được đích thân Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013, đến nay đang từng bước được triển khai và định hình thành chiến lược quốc gia, chứa đựng trong nó những tham vọng cực kỳ to lớn. Ngoài tham vọng liên kết, hợp tác kinh tế với các nước xung quanh nơi “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” đi qua, phục vụ cho việc hoàn thành “Giấc mộng Trung Hoa”, còn có tham vọng giúp cho Trung Quốc giải quyết cái gọi là “mở rộng không gian sinh tồn”. Đặc biệt trong đó, “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” sẽ giúp Trung Quốc “mở rộng không gian sinh tồn” trên hướng biển mà trước hết là Biển Đông.

Hãy xem “Con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc sẽ hình thành như thế nào theo ý tưởng của họ. Nó bắt đầu từ Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến) chạy qua Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông), Bắc Hải (tỉnh Quảng Tây) và Hải Nam, đi ngang qua các nước ven Biển Đông, hướng tới eo biển Malacca. Có một đoạn xuất phát từ Kuala Lumpur của Malaysia nối với “Con đường tơ lụa trên biển” tại eo Malacca, rồi tiến sang Kolkata của Ấn Độ, vòng quanh Ấn Độ Dương sang Đông Phi tới Nairobi thuộc Kenya, tiếp đó tiến lên phía Bắc qua vùng Sừng châu Phi, có đoạn nối với Vịnh Ba Tư, từ châu Phi qua Biển Đỏ vào Địa Trung Hải, từ đó có một chặng dừng tại Athen của Hy Lạp trước khi gặp con đường tơ lụa trên đất liền ở Venice thuộc Italia. Con đường trên biển và trên bộ đan nhau nối thành mạng lưới liên kết 3 châu lục Á – Âu – Phi. Theo Trung Quốc, con đường trên được xây dựng nhằm cải thiện giao thương và trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia. Chủ tịch Tập Cận Bình còn hứa rằng, Trung Quốc sẽ đầu tư thích đáng để thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ đối tác biển trong một nỗ lực chung nhằm xây dựng “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu, giới hoạch định chính sách và dư luận quốc tế đều cho rằng, đằng sau kế hoạch xây dựng và thực hiện con đường này là những tham vọng địa chính trị, địa chiến lược vô cùng khôn ngoan của Trung Quốc, thể hiện qua những yếu tố sau:

Về chính trị, kinh tế: Con đường tơ lụa mới, với cấu phần quan trọng là “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” sẽ là đối trọng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng và đứng đầu, không có sự tham gia của Trung Quốc. Mặc dù sau này, Hiệp định trên đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và không có Mỹ tham gia. Cùng với Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Khu vực Thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), Trung Quốc đã thách thức lại các nước tham gia CPTPP bằng các dự án con đường tơ lụa mới và coi dự án này còn quan trọng hơn cả FTAAP bởi quy mô và tham vọng của con đường tơ lụa mới tương đương với CPTPP

Bằng việc quảng cáo cho ý tưởng kết nối kinh tế và cơ sở hạ tầng kinh tế liên khu vực, Trung Quốc đã tung “hỏa mù” về chính trị, hướng dư luận quốc tế vào một chủ đề mới “vừa thực vừa hư” để lãng quên những hành động cứng rắn gần đây, cạnh tranh vai trò làm chủ châu Á – Thái Bình Dương và tranh giành lãnh thổ với các nước láng giềng xung quanh của họ. Đồng thời, nó cũng làm dấy lên một “đợt sóng” mới trong dư luận và giới nghiên cứu tranh cãi về một dự án chưa có hồi kết, những tham vọng và hệ lụy của nó làm nhiều nước phải băn khoăn: Tham gia hay không tham gia dự án mang tầm thế kỷ của cường quốc châu Á này.

Con đường tơ lụa mới, đặc biệt là “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” là công cụ thực thi chính sách ngoại giao láng giềng đã điều chỉnh của Trung Quốc, nhằm tạo ra một trật tự mới trên biển khiến các nước, trước hết là các nước láng giềng ven biển đi theo một quỹ đạo do Trung Quốc điều hành và chi phối. Giới học giả nghiên cứu Singapore nhận định, nếu thành công, sáng kiến con đường tơ lụa mới sẽ đánh dấu một bước tiến lớn trong việc lập lại trật tự thế giới theo kiểu Trung Quốc thời cổ đại được cải tiến (người Trung Quốc gọi là “thiên hạ”), một trật tự mà trong đó tất cả mọi khu vực được biết đến trên thế giới này được coi như là các cực đều phải xoay quanh một trung tâm là Trung Hoa. Trật tự thế giới mới này sẽ không chỉ đơn giản tồn tại trên lý thuyết mà còn đem lại những hàm ý địa chính trị quan trọng.

Con đường tơ lụa mới được thiết kế nhằm bảo đảm hành lang vận chuyển, nhập khẩu nguồn nguyên, nhiên, vật liệu, trong đó chủ yếu là dầu khí cho nền kinh tế Trung Quốc. Trên thực tế, “Con đường tơ lụa trên bộ” gần trùng khớp với các tuyến đường ống dẫn dầu xuyên quốc gia từ các nước Trung Á (Liên Xô cũ) và Nga về Trung Quốc. Còn “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” hầu như trùng với “chuỗi ngọc trai” trên biển cũng như các tuyến hàng hải vận chuyển dầu khí, hàng hóa từ châu Phi về Trung Quốc. Không những thế, nó còn giúp Trung Quốc có lý do, mục đích để vươn ra hiện diện tại Ấn Độ Dương, nơi bấy lâu nay Trung Quốc mơ ước có mặt hợp pháp mà chưa thực hiện được. Bởi chỉ có lý do vì kết nối lợi ích kinh tế với các nước nơi con đường tơ lụa đi qua và bảo đảm an ninh của các tuyến đường biển, Trung Quốc sẽ không bị ai phản đối khi hiện diện, kể cả hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương. Tới nay, mục đích đầu tiên đã đạt được thông qua các hiệp định và quan hệ tương tác thương mại với các quốc gia ven Ấn Độ Dương. Còn mục đích thứ hai, Ấn Độ Dương và an ninh của các tuyến đường biển từ eo biển Hormuz đến eo biển Malacca đang được Trung Quốc tuyên truyền và nhấn mạnh về vai trò quan trọng đối với an ninh Trung Quốc. Một ngày không xa, người Trung Quốc sẽ có mặt.

Về quân sự, an ninh: Xét trên bình diện toàn cầu, với việc xây dựng con đường tơ lụa, Trung Quốc muốn đạt được một số tham vọng địa chiến lược quan trọng. Một là, đây là giải pháp chiến lược nhằm đối trọng với chiến lược tái cân bằng sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, giúp Trung Quốc cân bằng lực lượng với Mỹ tại khu vực và trên toàn thế giới. Hai là, mục tiêu địa chính trị chiến lược của con đường tơ lụa là thống nhất các thị trường châu Á và châu Âu, và trong tương lai sẽ có thể “kéo” châu Âu ra khỏi sự phụ thuộc chính trị vào Mỹ. Đó là con đường hướng lái châu Âu tới đổi mới độc lập về chính trị. Ba là, mặc dù, tại thời điểm này, vành đai kinh tế của các con đường tơ lụa mới chỉ là khái niệm, chứ chưa phải là một kế hoạch hành động với các mục tiêu và lộ trình cụ thể nhưng kế hoạch hội nhập của Trung Quốc với khu vực Trung Á đang làm nước Nga lo ngại. Người Nga sợ rằng kế hoạch này sẽ gây phiền toái cho liên minh kinh tế Á – Âu. Những dự án nằm trên các con đường tơ lụa đang biểu hiện cho những tham vọng trong chính sách đối ngoại mới nhất của Trung Quốc. Một số tham vọng này cảnh báo về các lợi ích an ninh của Nga và có thể Nga sẽ bị mất khu vực ảnh hưởng của mình tại biên giới phía Nam. Bốn là, theo các chuyên gia Ấn Độ, các con đường tơ lụa giống như một dạng “chuỗi ngọc trai” mà Trung Quốc tìm cách thiết lập xung quanh các quốc gia Nam Á để kiềm chế ảnh hưởng của New Delhi.

Xét trên bình diện khu vực, con đường tơ lụa, đặc biệt là nhánh trên biển, giúp Trung Quốc thực hiện nhiều tham vọng tính toán về địa chính trị. Đó là: Thứ nhất, nhằm đẩy Mỹ và các nước phương Tây ra khỏi khu vực, làm cho cuộc cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng ở khu vực giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt, phức tạp. Thứ hai, Trung Quốc sẽ tự đặt ra những luật lệ mới ép buộc các nước khác trong khu vực phải tuân thủ. Kể cả việc Trung Quốc sẽ hành động đơn phương, bỏ qua luật pháp quốc tế, đe dọa về an ninh và chủ quyền lãnh thổ đối với các nước láng giềng, nhất là các nước có tranh chấp về chủ quyền biển, đảo với Trung Quốc ở Biển Đông và đồng thời đe dọa về tự do, an ninh, an toàn hàng không, hàng hải trên biển. Thứ ba, thông qua con đường này, Trung Quốc từng bước hợp lý hóa “đường lưỡi bò” và tiến tới hoàn thành âm mưu “độc chiếm” Biển Đông.

Đối với Việt Nam, “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” của Trung Quốc có vẻ mang lại cho Việt Nam một số lợi ích kinh tế, có thể là to lớn, trong trường hợp giữa Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn thành giải quyết phân định chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông với nhau, tương tự như phân chia Vịnh Bắc Bộ. Nhưng trong trường hợp vấn đề trên chưa được giải quyết thì nó lại là thách thức không nhỏ đối với chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Vì Trung Quốc lâu nay vẫn đưa ra lập luận rằng họ đã có “con đường tơ lụa trên biển” từ xa xưa với bằng chứng là những con tàu chở hàng hóa của đô đốc Trịnh Hòa từng đi trên con đường này cách đây trên 600 năm, hòng dựa vào đó để đưa ra đòi hỏi về chủ quyền có liên quan đến quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Việc triển khai thực hiện “Con đường tơ lụa trên biển” còn nhằm củng cố cho sự hiện diện trên thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông và khi hợp tác với các nước liên quan trong kết nối kinh tế, sẽ gắn vào đó các ý đồ chiến thuật: Một là, ràng buộc các nước về sự thừa nhận “Con đường tơ lụa trên biển” trong các văn bản quốc gia và hiệp định, hiệp ước, thỏa thuận với các nước, qua đó tranh thủ đăng ký tại các tổ chức và diễn đàn quốc tế, nhưng ẩn sau đó là ý đồ hợp lý hóa “đường lưỡi bò”. Hai là, triển khai các hoạt động dân sự trên biển trong phạm vi theo “đường lưỡi bò” dưới vỏ bọc liên kết, kết nối kinh tế khu vực để “tạo sự đã rồi”, dần áp đặt quyền sở hữu và quản lý toàn bộ Biển Đông. Ba là, tuyên truyền phản ứng mạnh mẽ đối với các phát biểu phê phán và kiên trì thử thách sự chịu đựng của cộng đồng quốc tế.

Có thể hiểu, nếu chỉ có một mình Việt Nam tránh được những ý đồ chiến thuật trên của Trung Quốc, nhưng các nước còn lại khác trong khu vực không nhận thấy, vì lợi ích riêng mà sa vào thì Trung Quốc sẽ tiến gần hơn được ý đồ “thâu tóm” Biển Đông. Nói cách khác, “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” chính là “chiếc bẫy” mà Trung Quốc giương ra hòng đưa các nước vào tròng nhằm “xơi tái” Biển Đông. Các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam không thể xem nhẹ mưu lược thâm sâu, lắt léo này của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới