Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh các hoạt động tập trận hải quân chung với các nước trong năm 2019. Dư luận cho rằng Trung Quốc coi đây như là một cách để chứng minh rằng mình có thể bảo vệ hòa bình và ổn định cùng với các nước và có thể là cái cớ Trung Quốc dùng để phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào Biển Đông.
Tập trận hải quân chung TQ – ASEAN lần đầu tiên năm 2018. Nguồn: Tân hoa xã
Tập trận hải quân chung với Nga
Hải quân Trung Quốc và Hải quân Nga sẽ tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung 2019 vào cuối tháng 4 đầu tháng 5 tới. Trong cuộc tập trận, các thủy thủ Nga và Trung Quốc sẽ thực hành các bài tập chung như sử dụng tên lửa và pháo binh bắn vào các mục tiêu trên biển và trên không, cũng như hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn. Trung Quốc hôm 25/3 đã cử một phái đoàn của Hải quân đến Nga để nhóm họp với Phái đoàn chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Nga để chuẩn bị cho cuộc tập trận. Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định sự tin tưởng lẫn nhau cả về chính trị và hợp tác quân sự giữa Nga và Trung Quốc vào sự hợp tác. Bộ cũng đánh giá cao sự hợp tác Nga – Trung trong việc duy trì sự ổn định khu vực, cũng như các vấn đề quốc tế quan trọng. Hiện Nga và Trung Quốc đang duy trì hợp tác chặt chẽ trong một số lĩnh vực bao gồm quốc phòng, năng lượng và kinh tế, cũng như đối thoại chính trị thường xuyên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nền tảng quốc tế khác. Trung Quốc xác định mối quan hệ với Nga là “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện về phối hợp”.
Hồi tháng 9/2018, Trung Quốc và Nga cũng tổ cuộc tập trận với quy mô lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh tới nay mang tên “Vostok-2018”, với sự tham dự của 300.000 quân nhân. Trong đó, Trung Quốc gửi 3.200 lính tới tham gia, cùng nhiều thiết giáp xa và máy bay. Trung Quốc coi đây là cơ hội để tăng cường hợp tác quân sự với Nga và rèn luyện khả năng hiệp đồng chiến đấu và nghệ thuật phản công. “Chúng tôi thống nhất sẽ đều đặn tổ chức các cuộc tập trận như thế này”, hãng tin TASS dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố trong chuyến thăm thao trường Tsugol cùng người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa khi thị sát cuộc tập trận Vostok-2018.
Tập trận hải quân chung với ASEAN
Từ đầu năm 2015, Trung Quốc đã chủ động đề xuất tổ chức các cuộc tập trận hải quân chung với các nước ASEAN ở Biển Đông, mà theo như Bộ Quốc phòng nước này thì các cuộc tập trận sẽ là một cách để đạt được mục đích “cùng nhau giải quyết tranh chấp và kiểm soát rủi ro”. Tuy nhiên, một số nước thành viên ASEAN đã từ chối tham gia với lý do“Trung Quốc muốn tập trận ở vùng biển có chủ quyền chồng lấn”, tức là ở các khu vực tranh chấp. Vào năm 2016, Trung Quốc tiếp tục đề nghị các nước ASEAN tập trận chung với “mục đích” là nhằm giảm nguy cơ xung đột. Tuy nhiên, cũng chưa có nước nào đồng ý tham gia tập trận chung với Trung Quốc. Đến tháng 10/2017, Trung Quốc và 6 nước ASEAN đã tham gia một cuộc diễn tập chung về cấp cứu trên biển ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông, với tình huống giả định là vụ va chạm giữa một tàu chở khách Trung Quốc với một tàu hàng lớn của Campuchia ở trên biển. Cuộc tập trận có sự tham gia của khoảng 1.000 nhân viên cứu hộ cùng 20 tàu thuyền các loại và 03 máy bay trực thăng của Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Campuchia, Myanmar, Lào và Brunei. Việt Nam, Malaysia, Singapore và Indonesia không tham gia cuộc tập trận này.Cuộc tập trận lần đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc trên Biển Đông diễn ra từ ngày 22-26/10/2018 ở thành phố Trạm Giang của Trung Quốc với sự tham gia của 08 tàu chiến, 03 trực thăng và hơn 1.200 quân nhân. Trung Quốc điều động 03 tàu chiến, Singapore cử 01 tàu hộ vệ, Brunei có 1 tàu tuần tra, Thái Lan điều 01 tàu hộ vệ. Philippines cử một tàu hậu cần, Việt Nam có 01 tàu tham gia là tàu hộ vệ. Các nước Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar cử quan sát viên tới theo dõi cuộc tập trận.
Tập trận hải quân chung với Malaysia, Thái Lan
Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự chung tại khu vực ngoài khơi Malaysia từ ngày 20-29/10/2018, với sự tham gia của 692 binh sĩ của Trung Quốc, 03 tàu hải quân, 02 trực thăng, 03 máy bay vận tải Il-76 và 04 xe quân sự. Phía Trung Quốc cho biết đây là cuộc tập trận “hòa bình và hữu nghị”. Cuộc diễn tập nhằm tiếp tục thể hiện ý chí chung của lực lượng vũ trang của ba nước trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong vùng Biển Đông, tăng cường hợp tác và trao đổi thực tiễn, và tăng cường khả năng phản ứng chung trước các mối đe dọa an ninh khác nhau, không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào”, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Đây là lần thứ hai Trung Quốc tham gia vào một cuộc tập trận ở Eo biển Malacca, nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, một trong những tuyến vận chuyển quan trọng nhất trên thế giới. Giới chuyên gia Trung Quốc nói rằng cuộc tập trận ba bên chứng tỏ các nước ASEAN và Trung Quốc có thể hợp tác với nhau trong các vấn đề quốc phòng và an ninh, đặc biệt trong những khu vực ít nhạy cảm hơn. Đối với Malaysia và Thái Lan, đây là một cách thể hiện việc xây dựng niềm tin với Trung Quốc và đồng thời ra dấu rằng họ không đứng về bên nào trong cuộc đấu của các đại cường ở Biển Đông. Tuy nhiên, dư luận nhận định Trung Quốc sẽ coi đây như là một cách để chứng minh rằng mình có thể bảo vệ hòa bình và ổn định cùng với các nước ASEAN, và dĩ nhiên nó có thể là cái cớ Trung Quốc dùng để phản đối sự can thiệp từ bên ngoài vào Biển Đông.
Ý đồ của TQ khi tiến hành các cuộc tập trận hải quân với các nước
Cùng với các cuộc tập trận hải quân, không quân liên tục thời gian qua của Trung Quốc ở Biển Đông, các cuộc tập trận chung với Nga, ASEAN sẽ giúp Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự, gửi đi thông điệp cảnh báo đối với các nước bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… không nên can dự vào vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích sự can dự của Mỹ và phương Tây vì cho rằng các nước này “không có tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, nên để cho các quốc gia trong khu vực quản lý tranh chấp của mình một cách hữu nghị và hiệu quả”. Đây cũng là dịp để Trung Quốc chứng tỏ khả năng dẫn dắt các nước khu vực thực hiện theo các sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng. Nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ sử dụng các cuộc tập trận chung với ASEAN để tuyên truyền theo dụng ý rằng tình hình Biển Đông đang ổn định, phát triển và hợp tác nhờ vào những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN. Trong đó, Trung Quốc và các nước hoàn toàn có thể xây dựng các cơ chế giải quyết tranh chấp mà không cần sự can dự của các nước bên ngoài. Ngoài ra, các cuộc tập trận hải quân chung với các nước cũng nhằm xoa dịu dư luận về hoạt động quân sự hóa ồ ạt của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông; song cũng nhằm phục vụ cho ý đồ này một cách thuận lợi hơn, tránh các phản ứng quyết liệt từ các nước. Trung Quốc tiến tới hợp tác với ASEAN ở cấp độ đa phương và trong tư cách một khối để giành được lòng tin của các nước, xoa dịu nỗi sợ hãi về sức mạnh quân sự áp đảo của Trung Quốc bằng cách tăng sự tự tin và vai trò của ASEAN, lấy ASEAN làm nền tảng cho cuộc đối thoại, là giải pháp chọn lựa của Trung Quốc.
Kết luận:Trung Quốc cho rằng các cuộc tập trận chung trên biển sẽ “tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng giao lưu và hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực”, song phải khẳng định rằng tình hình Biển Đông căng thẳng như hiện nay chủ yếu là do các hoạt động đơn phương, đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó Trung Quốc đã liên tục gây phức tạp tình hình bằng hoạt động quân sự hóa, bồi đắp và mở rộng các đảo nhân tạo quy mô lớn ở Biển Đông… Do vậy, để “tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng giao lưu và hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực” thì Trung Quốc phải ngừng các hành động nói trên, nếu không mọi sáng kiến hay tuyên bố của Trung Quốc đưa ra chỉ là hình thức, đánh lừa dư luận.