Friday, November 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKhảo cổ học và chủ nghĩa yêu nước: Chiến lược dài hạn...

Khảo cổ học và chủ nghĩa yêu nước: Chiến lược dài hạn của TQ ở Biển Đông

Để biện hộ cho các yêu sách chủ quyền đối với Biển Đông, Trung Quốc luôn cho rằng họ là người đầu tiên khai phá các đảo ở Biển Đông. Điều này có đúng với sự thật hay không? Biendong.net xin giới thiệu bài viết của tác giả Francois-Xavier Bonnet, nhà địa lý, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại (IRASEC) của Pháp, về vấn đề này.

Theo một số tác giả viết về yêu sách của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa, chuyến thám hiểm chính thức đầu tiên của Trung Quốc tới Hoàng Sa diễn ra vào năm 1902. Tuy nhiên, không tác giả nào có thể dẫn chứng tư liệu về cuộc thám hiểm đó. Trên thực tế, các ghi chép của Trung Quốc cho thấy sự kiện này chưa từng diễn ra. Thay vào đó, một cuộc thám hiểm bí mật được tiến hành nhiều thập kỷ sau đó để ngụy tạo bằng chứng khảo cổ học trên quần đảo Hoàng Sa nhằm củng cố yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc cũng áp dụng chiến lược tương tự ở quần đảo Trường Sa: các cột mốc chủ quyền khắc năm 1946 thực tế được dựng lên 10 năm sau, vào năm 1956.

Chiến dịch Khảo cổ học từ những năm 1970 và toàn bộ câu chuyện:

Từ năm 1974 đến năm 1979, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và các nhà khảo cổ học đã tiến hành một số hoạt động thám hiểm khảo cổ ở quần đảo Hoàng Sa. Trong các cuộc thám hiểm này, người ta phát hiện những hiện vật như đồ sứ từ nhiều thời kỳ, di tích các đền miếu và một số cột mốc chủ quyền. Những cột mốc này đề niên đại năm 1902, 1912 và 1921. Năm 1973, tạp chí Hồng Kông The Seventies công bố bức hình một cột mốc năm 1902 được tìm thấy trên một đảo nhỏ của Hoàng Sa. Sau đó, bài báo tiêu đề “Cột mốc chứng minh chủ quyền cổ xưa” trên tờ Hong KongStandard ấn bản ngày 6/3/1979 cũng đưa tin về những phát hiện này. Hai bài báo trên, đều sử dụng hình ảnh cột mốc năm 1902, là nguồn khảo chứng duy nhất về cuộc thám hiểm “không phải bàn cãi” năm 1902 của các học giả như Hungdau Chiu, Choon-ho Park và Marwyn Samuels năm 1982. Trước năm 1979, chưa từng có bất kỳ học giả phương Tây và Trung Quốc nào đề cập đến cuộc thám hiểm năm 1902. Chuyến hải trình chính thức duy nhất được ghi lại trong biên niên sử nhà Thanh là chuyến thị sát do Đô đốc Lý Chuẩn chỉ huy vào năm 1909.

Chuyến thám hiểm “ma” ở quần đảo Hoàng Sa:

Một lý do đơn giản cho việc các học giả không thể tìm thấy bất kỳ tài liệu lịch sử về cuộc thám hiểm năm 1902: Nó chưa từng diễn ra. Thay vào đó, bằng chứng về chuyến đi năm 1902 được ngụy tạo nhiều năm sau đó: năm 1937.

Vào tháng 6/1937, người đứng đầu quân khu 9 của Trung Quốc, ông Hoàng Cường (Huang Qiang), được cử tới Hoàng Sa với hai nhiệm vụ: Thứ nhất là kiểm chứng các thông tin rằng người Nhật đang xâm chiếm các đảo và thứ hai là tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể này. Theo hồ sơ chuyến đi này của ông Hoàng Cường ghi ngày 31/7/1937, ông rời Quảng Đông vào ngày 19/6 và đến Hoàng Sa vào ngày 23/6. Cùng ngày, ông Hoàng Cường thị sát bốn đảo của Hoàng Sa trong Nhóm An Vĩnh, cụ thể là Đảo Phú Lâm, Đảo Đá, Đảo Linh Côn và Đảo Bắc. Ngày hôm sau, 24/6, ông Hoàng Cường quay về Hải Nam.

Chuyến đi ngắn và bí mật này đã được các nhà sử gia Trung Quốc Hàn Chấn Hoa (Han Zenhua), Lâm Kim Chi (Lin Jin Zhi) và Ngô Phượng Bân (Wu Feng Bin) nhắc tới trong nghiên cứu “Tuyển tập sử liệu về các Đảo ở Nam Hải” xuất bản năm 1988. Tuy nhiên, dù công khai báo cáo đề ngày 31/7/1937 họ đã quên, có chủ đích hoặc không, công bố phụ lục của báo cáo này. May thay, phụ lục mật của báo cáo đó đã được Ủy ban Địa danh của tỉnh Quảng Đông công bố năm 1987 trong cuốn sách nhan đề “Tuyển tập Khảo cứu về địa danh của tất cả các đảo ở Nam Hải”. Phụ lục này đã nêu chi tiết về hoạt động của Hoàng Cường ở quần đảo Hoàng Sa.

Trong phụ lục này, ông Hoàng Cường giải thích, theo kế hoạch, thuyền chở theo 30 cột mốc chủ quyền. Trong đó, 4 cột mốc niên đại từ thời Thanh, các cột mốc khác ghi năm 1912 (kỷ niệm 1 năm Trung Hoa Dân Quốc ra đời) và năm 1921. Tuy nhiên, ông không mang theo cột mốc năm 1937, vì đây là nhiệm vụ bí mật. Nhóm của ông tìm thấy 4 bia thời nhà Thanh, khắc năm 1902, tại thành phố Quảng Đông. Theo phụ lục báo cáo, nhóm của ông Hoàng Cường đã chôn các cột mốc, ghi chú tọa độ địa lý, trên bốn hòn đảo. Tại Đảo Bắc, họ chôn hai cột mốc năm 1902 và bốn cột mốc năm 1912. Trên Đảo Linh Côn, nhóm chôn 3 cột mốc, lần lượt là các năm 1902, năm 1912 và năm 1921. Trên Đảo Phú Lâm, họ chôn hai cột mốc năm 1921. Cuối cùng, trên Đảo Đá, nhóm đặt một cột mốc năm 1912.

Tóm lại, đoàn thám hiểm năm 1937 đã đặt tổng cộng 12 cột mốc trên các đảo, trong đó có ba mốc ghi năm 1902. Các bia này bị quên lãng từ năm 1937-1979 nhưng sau đó đã được các nhà khảo cổ và PLA “phát hiện ra” trong giai đoạn từ năm 1974-1979. Điều này gần như đã giải thích cho ý kiến có phần khó hiểu trong trong cuốn sách của Samuels khi ông viết rằng các bia năm 1902 này được cho thất lạc trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Bí ẩn về các cột mốc chủ quyền ở quần đảo Trường Sa:

Hầu hết các cuốn sách, bài viết và tuyên bố chính thức đều đề cập rằng Trung Quốc đã chiếm lại Trường Sa năm 1946 từ người Nhật và dựng cột mốc chủ quyền trên một số đảo. Câu chuyện này được tác giả Đài Loan Trương Chấn Quốc (Zhang Zhen Guo) đề cập lần đầu tiên trong cuốn sách của ông “Chuyến đi tới Trường Sa” [Nansha xing] viết năm 1957 nhưng xuất bản vào năm 1975.

Ông Trương, người chỉ huy cuộc thám hiểm của Đài Loan năm 1956 ở Trường Sa (để đề phòng Thomas Cloma), đã viết rằng trong cuộc thám hiểm năm 1946 do sĩ quan Mạch Uẩn Du (Mai Yun Yu) chỉ huy, nhóm này kiểm soát ba hòn đảo, đó là Đảo Ba Bình, Đảo Trường Sa và Đảo Bến Lạc. Trên ba hòn đảo này, nhóm của Mạch Uẩn Du đã dựng các cột mốc chủ quyền, đề năm 1946.

Tuy nhiên, khi cuốn sách của ông Trương xuất bản năm 1975, chỉ huy Mai Yun Yu vẫn còn sống và đã đọc cuốn sách. Ông đã hết sức bất ngờ! Trên thực tế, ông thừa nhận trong khi nhóm của ông tới Đảo Ba Bình vào tháng 12/1946, phá hủy các cột mốc của Nhật Bản và dựng hai cột mốc chủ quyền (ở phía Bắc và Nam của đảo), họ chưa từng đến Đảo Trường Sa và Đảo Bến Lạc.

Trên thực tế, theo tài liệu chính thức, khi công dân Philippines Thomas Cloma tuyên bố quyền sở hữu đối với quần đảo Trường Sa (Vùng đất tự do – Freedom land) vào năm 1956, Đài Bắc đã ba lần triển khai tàu tuần tra tới các đảo này (2 tàu từ ngày 2 đến 14/6, 3 tàu từ 29/6 – 22/7 và 2 tàu từ ngày 24/9 – 5/10). Trong những cuộc tuần tra này, các binh sĩ làm lễ chào cờ và dựng các cột mốc chủ quyền trên Đảo Ba Bình, Trường Sa và Đảo Bến Lạc. Tuy nhiên, với mục đích lừa gạt, những cột mốc đề năm 1946 này thực tế được đưa ra Trường Sa 10 năm sau đó, vào năm 1956.

Khảo cổ học và chủ nghĩa yêu nước: tính chính trị của cột mốc chủ quyền

Liệu các nhà khảo cổ có thành thực khi họ tìm thấy các cột mốc ở Hoàng Sa hay không? Hay họ đã được PLA chỉ dẫn, những người biết rõ câu chuyện? Chúng ta không thể biết được. Tuy nhiên, nếu kết hợp màn diễn ở quần đảo Trường Sa, chúng ta có thể nhìn thấy một chiến lược công phu và có hệ thống để ngụy tạo tư liệu. Hai màn diễn này cho thấy những hạn chế của việc dựa vào các hiện vật khảo cổ để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Các hiện vật có thể là thật (có nguồn gốc từ các bảo tàng, ví dụ như vậy) nhưng được chôn xuống rất lâu sau này. Trong cuộc chiến tranh tâm lý nhằm giành lấy các đảo ở Biển Đông, mánh lới này có thể trở thành sự thật. Điều này có vẻ đúng với những gì đã diễn ra trong hai vụ việc trên. Những câu chuyện thêu dệt xuất hiện trong nhiều nghiên cứu bằng tiếng Anh và tiếp cận các độc giả quốc tế. Trong khi đó, có lẽ chỉ một số nhỏ các nhà nghiên cứu biết tiếng Quan thoại và một nhóm các chuyên gia Trung Quốc mới rõ sự thật về những huyền thoại này. Tóm lại, “khảo cổ học mang tính yêu nước” là hết sức sai lệch và các chuyên gia nên thận trọng trước khi dựa vào đó để đưa ra nhận định về tranh chấp lãnh thổ.

RELATED ARTICLES

Tin mới