Bản tin Biển Đông ngày 11/04/2019.
Trung Quốc hiện diện ở Biển Đông là tấn công chủ quyền Philippines
Hãng ABS-CBN đưa tin, ngày 10/4, tại cuộc họp báo của Phủ Tổng thống Philippines, Người phát ngôn Panelo khẳng định Trung Quốc không có lý do gì để có mặt tại vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và bất cứ sự hiện diện nào của tàu Trung Quốc tại các đảo Philippines đang chiếm đóng sẽ được coi là sự “tấn công” đối với chủ quyền của Manila. Phát biểu này của ông Panelo được đưa ra sau khi trang Inquirer công bố báo cáo cho thấy các tàu Trung Quốc xuất hiện gần các đảo Kota và Panata của Philippines hôm 28/3 vừa qua cũng như việc hàng trăm tàu Trung Quốc vây quanh đảo Thị Tứ từ đầu năm 2019 đến nay. Ông Panelo cho biết, Philippines và Trung Quốc vẫn giữ quan hệ thương mại hữu nghị, nhưng Philippines sẽ luôn khẳng định chủ quyền của mình nếu bị suy yếu hoặc tấn công.
Mỹ cử tàu mang máy bay chiến đấu đến Biển Đông
Ngày 10/4, Bloomberg đưa tin, lần đầu tiên, Mỹ cử tàu tấn công đổ bộ USS Wasp mang máy bay chiến đấu F-35B tham gia tập trận Balikatan với Philippines. Theo một quan chức giấu tên của Bộ Quốc phòng Mỹ, tàu USS Wasp xuất hiện tại vùng biển gần Scarborough nhưng không đi vào phạm vi 25 hải lý của bãi cạn này và đây không phải hoạt động tự do hàng hải Mỹ thường tiến hành. Theo các chuyên gia, việc Mỹ cử tàu mang máy bay chiến đấu tham gia tập trận gần cấu trúc tranh chấp ở Biển Đông là cách để gửi thông điệp sắc bén đến Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng sôi sục về các yêu sách lãnh thổ ở khu vực.
Phản ứng lại hoạt động này, ngày 10/4, tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết cần phải kiểm tra lại các thông tin chi tiết, tuy nhiên khẳng định quan điểm của Bắc Kinh là “hy vọng các lực lượng ngoài khu vực sẽ ngừng khuấy động khu vực Biển Đông đang yên tĩnh”.
Chuyên gia Trung Quốc ra báo cáo về tình hình Biển Đông
Ngày 10/4, South China Morning Post và The Straits Times đưa tin, ngày 9/4, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Biển, Đại học Bắc Kinh đã công bố website chuyên đề Sáng kiến đánh giá tình hình chiến lược Biển Đông, cung cấp các dữ liệu và phân tích về tình hình khu vực. Cùng ngày, các chuyên gia thuộc Trung tâm này cũng phát hành Báo cáo về tình hình Biển Đông, thể hiện quan điểm mới nhất về các vấn đề nóng hiện nay như quân sự hóa Biển Đông, tiến trình đàm phán COC, hợp tác cùng khai thác ở Biển Đông. Theo Hu Bo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Biển, tình hình Biển Đông trong những năm gần đây đang ổn định và có nhiều tiến bộ trong hợp tác biển trên các lĩnh vực như đánh cá, dầu khí, quốc phòng. Tuy nhiên, một số xung đột và rào cản vẫn nổi lên do các bên liên quan chưa thống nhất được một số vấn đề cụ thể, ví dụ như việc vẽ đường ranh giới quốc gia. Ông Hu Bo cho rằng, việc xây dựng cơ chế hợp tác đa phương ở khu vực sẽ là một thách thức, do vậy, tốt nhất là thúc đẩy hợp tác song phương với các nước.
Báo cáo cũng cho rằng, có thể sẽ có nguy cơ lớn hơn về khả năng xảy ra các sự cố giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông do quân đội Mỹ đang ngày càng được trao quyền quyết định lớn hơn, trong khi Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng ít can dự vào các hoạt động của quân đội Mỹ tại các khu vực tranh chấp. Báo cáo khẳng định, “Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động quân sự tại Biển Đông, liên tục khám phá các vùng xám giữa hòa bình và tranh chấp, thăm dò giới hạn của Trung Quốc, và chắc chắn sẽ dẫn đến ngưỡng của xung đột vũ trang quy mô nhỏ và chiến tranh”. Theo bà Tang Pei, nghiên cứu viên tại Học viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc, có nhiều nước quan tâm đến việc khuấy động rắc rối ở Biển Đông và biện pháp và các nước này sử dụng đang ngày càng tinh vi hơn. Trong khi đó, Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Biển, Đại học Bắc Kinh khẳng định, Trung Quốc luôn thực hiện tự kiềm chế trong vấn đề Biển Đông, đồng thời gợi ý Mỹ và Trung Quốc nên theo đuổi đối thoại “hiệu quả”, trong đó trao đổi về việc kiểm soát vũ khí, cấu trúc lực lượng và các quy định về hoạt động quân sự ở khu vực, nhằm tránh xảy ra các sự cố nào trong tương lai.