Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngTQ xây dựng hệ thống cảm ứng hỗ trợ tuần tra Biển...

TQ xây dựng hệ thống cảm ứng hỗ trợ tuần tra Biển Đông

Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố các cấu trúc trọng tải nhẹ, cảm ứng từ xa và tỏ dấu hiệu cho thấy có thể được sử dụng cho mục đích quân sự trên Biển Đông để hỗ trợ bảo vệ xây đảo và giám sát các khu vực tranh chấp.

Cấu trúc này mới được khởi động gần đây tại Triển lãm Hải dương và Không gian Quốc tế Langkawi 2019, một cuộc triển lãm lớn về quốc phòng khu vực do Malaysia tổ chức. Nó do Tập đoàn Công nghệ Điện Trung Quốc, một tập đoàn nhà nước chuyên về các sản phẩm quốc phòng và an ninh công nghệ cao, đặc biệt là thiết bị cảm ứng, thông tin liên lạc và các giải pháp nối mạng, chế tạo.

Cấu trúc này có hai phiên bản: một đài thông tin nổi tích hợp và một hệ thống thông tin tích hợp lớn hơn để đặt lên trên đảo hay bãi san hô.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cả hai phiên bản này đều có thể hoạt động như những điểm nút trong hệ thống cảm ứng cung cấp các dịch vụ thông tin, do thám và giúp nắm được tình huống đa phương hướng. Những năng lực này có thể được áp dụng trong việc bồi đắp và bảo vệ đảo và trong nghiên cứu hải dương cũng như các dịch vụ công trên biển.

Tuy nhiên, mặc dù cấu trúc này có thể giám sát môi trường, theo dõi thời tiết và cảnh báo sớm sóng thần một cách có hiệu quả, chúng cũng có thể giúp ‘theo dõi liên tục một mục tiêu ngoài khơi’ và có thể đóng vai trò quan trọng việc ‘xây dựng trên các quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và Tây Sa (Hoàng Sa), bảo vệ các đảo và bãi san hô, vài tiếp tục giám sát các vùng biển mục tiêu’.

Việc Bộ Quốc phòng Trung Quốc thừa nhận cấu trúc này có công dụng quân sự là một khác biệt lớn so với những gì mà lâu nay Bắc Kinh vẫn tuyên bố chính thức vốn không thừa nhận công năng kép dân sự-quân sự của các công trình Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa, huống hồ những cấu trúc quân sự mà họ công khai lắp đặt như boong-ke và các thiết bị cảm ứng tầm xa.

Hồi năm 2015, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh rằng các căn cứ này được xây dựng ở quần đảo Trường Sa chủ yếu là để hỗ trợ hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và các nhu cầu an toàn dân sự khác, còn các các công trình quân sự phòng vệ tối thiểu thì tính sau. Khi việc xây cất trên các hòn đảo này đã gần hoàn tất, truyền thông chính thống của Trung Quốc nhấn mạnh rằng các ngọn hải đăng được xây dựng là cam kết của nước này trong việc duy trì an toàn hàng hải quốc tế trên Biển Đông. Lập luận này là sai trái thậm chí ngay trước khi các đường băng lớn, các hải cảng, boong-ke, và hệ thống cảm ứng vốn chiếm gần hết các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp ở Trường Sa đã thành hình rõ ràng do các hòn đảo này nằm cách khá xa các tuyến đường hàng hải chính trên Biển Đông mà đa số các tàu bè qua lại không thể nào đi lại đủ gần để trông thấy các ngọn hải đăng này.

Các cấu trúc cảm ứng có thể di chuyển và lắp đặt được này có thể là phần bổ sung quan trọng cho hệ thống cảm ứng tầm xa mà Trung Quốc đã xây dựng trên các căn cứ chính của họ ở Trường Sa. Những hệ thống cảm ứng này có lẽ đã hy sinh tính chính xác và độ tin cậy để đổi lấy khả năng vươn tới tầm xa, khiến chúng ít có tác dụng ở gần các đảo và bãi san hô, nơi Trung Quốc muốn giám sát sự hiện diện của các ngư dân và các tàu chấp pháp trong khu vực.

Như ông Peter Dutton thuộc Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ đã chỉ ra, ngay cả lực lượng tuần dương và các đội tàu dân quân trên biển lớn như thế của Trung Quốc cũng là quá nhỏ để tuần tra Biển Đông một cách có hiệu quả; ngay cả ước tính lạc quan nhất cũng cho rằng Trung Quốc chỉ có một tàu trên mỗi diện tích vùng biển rộng 2.700 dặm vuông mà họ tuyên bố có chủ quyền.

Để những đội tàu này phát huy hiệu quả thì những đài cảm ứng này có thể cung cấp một bức tranh chính xác về nơi các ngư dân và các tàu chấp pháp trong khu vực tập trung. Khi đó, Bắc Kinh có thể sử dụng những thông tin thu thập để báo hiệu cho các tàu tuần duyên và ‘dân quân biển’ của họ thực hiện ‘bảo vệ chủ quyền’ trước những ‘kẻ xâm phạm’ mà không cần phí nguồn lực tuần tra những vùng biển không có ai.

RELATED ARTICLES

Tin mới