Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mới“Vành đai và Con đường” đưa TQ tới đâu

“Vành đai và Con đường” đưa TQ tới đâu

Từ năm 2013, Trung Quốc bắt đầu đưa ra kế hoạch “Một vành đai, một con đường”, thông qua các khoản vay đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc để tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển, từ đó mượn cớ để xuất khẩu công nghệ, hàng hóa và lao động Trung Quốc sang các nước này, mở rộng sức ảnh hưởng của Trung Quốc ra toàn cầu. Tuy nhiên, chuyên gia Mỹ cho rằng, bàn tính như ý của Trung Quốc e là khó có thể thực hiện được.

Ông Tyler Cowen – Giáo sư Kinh tế Đại học George Mason có bài viết chuyên đề đăng trên Bloomberg nói rằng, kế hoạch phát triển kinh tế toàn cầu của “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc được coi là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xung đột địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ. Nhưng trong khi cải thiện sức mạnh của Trung Quốc, thì kế hoạch này không có khả năng giúp đỡ cho phần lớn các khu vực trên thế giới. Tác giả đã dùng những ví dụ thực tế để chứng minh, kế hoạch này của Trung Quốc khó có thể đạt được hiệu quả như dự đoán.

Nước chủ nhà cuối cùng sẽ quốc hữu hóa tài sản

Bài viết nói, Trung Quốc đang đầu tư vào các tài sản cố định và cơ sở hạ tầng từ Đông Nam Á đến Bán đảo Balkan và Đông Phi. Việc này sẽ mang đến nguy hiểm cho Trung Quốc, tức các nước chủ nhà cuối cùng sẽ quốc hữu hóa tài sản, và không mang lại lợi ích tương ứng cho Trung Quốc. Một bài học điển hình cho Trung Quốc là khi Mỹ mất quyền kiểm soát Kênh đào Panama và mỏ dầu ở Ả Rập Xê Út.

Trung Quốc đóng vai trò kẻ cho vay nặng lãi

Gần đây, một cam kết giữa Trung Quốc và Cộng hòa Montenegro đã khiến nhiều người kinh ngạc, để đề phòng Cộng hòa Montenegro không trả nợ, cam kết này đã cho phép Trung Quốc lấy đất đai của Cộng hòa Montenegro như vật thế chấp. Việc này làm cho người dân của Cộng hòa Montenegro cảm thấy bất an, cũng khiến cho Trung Quốc giống như một nước chủ nghĩa đế quốc có yêu sách lãnh thổ. Đương nhiên cũng có một cách giải thích ôn hòa hơn: Trung Quốc yêu cầu dùng đất đai làm vật thế chấp, bởi vị họ biết rằng Cộng hòa Montenegro không có uy tín. Khoản vay này khiến cho tỉ lệ nợ so với GDP của Montenegro tăng từ 63% (năm 2012) lên gần 80% (năm 2018).

Tuy nhiên, hành động giống như kẻ cho vay nặng lãi đe dọa muốn chặt ngón tay của con nợ không có tiền trả nợ, nó giống như một sự mạo hiểm, chứ không phải là một cách đầu tư tốt.

Từ bản chất, Trung Quốc đóng vai trò là một người cho vay nặng lãi, và hiển nhiên đây không phải là phương pháp thu được thành công trên thế giới hiện nay. Nếu Trung Quốc thực sự yêu cầu lấy một số đất đai của Cộng hòa Montenegro để làm bồi thường cho khoản nợ xấu, thì họ có thể sẽ phát hiện rằng quyền cầm cố tài sản còn phiền phức hơn cả giá trị của nó. Nếu Trung Quốc muốn bán những đất đai này, những người mua tiềm năng sẽ không bao giờ xác định được liệu họ có quyền sở hữu có thể cưỡng chế chấp hành được không.

Nước nhỏ dễ vi phạm cam kết

Một vấn đề khác của “Một vành đai, một con đường” là Trung Quốc đang giao thiệp với nhiều nước có GDP tương đối nhỏ. Nước nhỏ dễ làm trái cam kết vì vỡ nợ, họ hy vọng chủ nợ lớn sẽ không lao tâm lao lực để đi trừng phạt một nước nhỏ bé. Một số người cho rằng nước tương đối nhỏ dễ dàng bị Trung Quốc làm lung lay. Nhưng cùng với đó, Trung Quốc và các nước nhỏ đều biết, nước nhỏ lại không hoàn toàn nắm tự nắm vận mệnh mình, do đó sách lược trừng phạt có thể sẽ dẫn đến tác dụng ngược, hoặc có thể sẽ dẫn đến nhiều phẫn nộ trong dân chúng hơn. Điều này có thể nhìn thấy từ Cộng hoà Honduras và Cộng hoà Guatemala, nước Mỹ đâu có dễ dàng dụ dỗ 2 quốc gia này ngăn chặn di dân của họ tràn vào biên giới Mỹ.

Nhiều hình thức vi phạm cam kết nợ

Bài viết của Giáo sư Tyler Cowen cũng chỉ ra, hình thức vi phạm cam kết nợ cũng rất đa dạng. Con nợ sẽ không thể nào vào một hôm nào đó tỉnh dậy rồi đột nhiên ngừng trả nợ. Thông thường họ sẽ gọi điện cho Trung Quốc, báo cáo rằng họ dự tính trong tương lai không xa sẽ xuất hiện vấn đề về tài chính, trừ phi điều kiện vay nhiều hơn và có lợi hơn, hoặc một số hợp đồng trước đó cần phải đàm phán lại. Ví dụ, Malaysia vừa mới đàm phán lại với Trung Quốc về dự án xây dựng đường sắt cao tốc của mình, do đàm phán trước đó không được hoan nghênh lắm tại Malaysia, cuối cùng Trung Quốc đồng ý giảm khoảng ⅓ chi phí xây dựng dự án này.

“Sức mạnh mềm” trong phương diện ngoại giao của Trung Quốc biểu hiện rất kém

Ngoài ra, ông Tyler Cowen còn cho biết, thể chế “không dân chủ” của Trung Quốc khiến cho “sức mạnh mềm” đối ngoại trong văn hóa ngoại giao tại Trung Quốc biểu hiện rất kém, bởi vì cần phải chú trọng đến lấy cảm tình của người dân trong nước.

Ông tổng kết, điều khiến người ta kinh ngạc là Trung Quốc có rất ít đồng minh đáng tin cậy, mặc dù Trung Quốc là nước có GDP đứng thứ 2 thế giới, có lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ và sức mạnh quân sự ngày càng bành trướng. Ngược lại, sự mở rộng và can dự của  của Trung Quốc đã trở thành đề tài tranh luận trong bầu cử của các nước lân cận, trong đó có cả đất nước đông dân và có ý nghĩa chiến lược như Indonesia. Do đó, kế hoạch khổng lồ này của Trung Quốc, e là khó có thể thu được hiệu quả như kỳ vọng.

RELATED ARTICLES

Tin mới