Chúng ta đã thấy rõ Tập Cận Bình không cần giữ thái độ khiêm tốn, đã nói toạc ra thế kỷ XXI là “thế kỷ Trung Quốc”. Cụ thể hơn là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ thay thế Hoa Kỳ trong mọi lĩnh vực, kể cả về mặt quân sự. Để thực hiện mục tiêu này, về đối nội, Tập Cận Bình áp dụng chế độ độc tài ngày càng toàn diện, tăng cường kiểm soát 1,4 tỷ dân Trung Quốc bằng hệ thống thông minh nhân tạo, và đối ngoại, dựa vào một lực lượng hải quân hùng hậu, dành được những thỏa thuận thương mại thuận lợi, định nghĩa lại những qui luật quốc tế, gây áp lực với những nước láng giềng, tung ra những mạng lưới gây ảnh hưởng chính trị, văn hóa, truyền thông.
Hoa Kỳ và Châu Âu mới giật mình trước thực tế Trung Quốc không còn che giấu tham vọng của họ nữa. Trung Quốc sẽ lãnh đạo thế giới, quảng bá mô hình kinh tế, xã hội và chính trị Trung Quốc. Thế giới tự do đã sai lầm giúp Trung Quốc phát triển vì thật thà nghĩ khi giàu có, dân chúng có mức sống cao, nhu cầu lớn, thì Trung Quốc lập tức sẽ từng bước trở thành nước dân chủ tự do. Nhưng thực tế trái lại hoàn toàn. Khi phát triển, chiếm địa vị cường quốc thứ nhì thế giới, Trung Quốc tập trung và củng cố quyền lực để chế độ độc tài càng thêm độc tài triệt để hơn, mạnh hơn. Tham vọng lãnh đạo thế giới theo mô hình Trung Quốc, nghĩa là cải tạo thế giới theo ý thức hệ Trung Quốc, cách xâm chiếm này độc hại hơn sử dụng quân sự, kinh tế.
Vậy giấc mộng Trung Quốc sẽ trở thành hiện thực? Hay thế giới quyết liệt phản ứng, bảo vệ nền độc lập, nền văn hóa chính trị của họ?
Chinh phục thế giới là giấc mơ hay quyết tâm của Trung Quốc không phải chỉ mới xuất hiện ở thời Tập Cận Bình mà đã được Mao Trạch Đông ôm ấp. Năm 1959, Mao đã tuyên bố “Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Á bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Malaýia và Singapore. Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy… Sau khi giành được Đông Nam Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió đông sẽ thổi bạt gió tây. Chúng ta phải chinh phục trái đất. Mục tiêu của chúng ta là toàn thể trái đất”.
Tham vọng của Mao chỉ bộc lộ ý đồ cướp giật sự giàu có của các nước khác để đem về cho mình. Để làm cho Trung Quốc trở nên mạnh giúp thực hiện âm mưu đen tối, Mao phát triển nước Trung Quốc theo mô hình Mác-xít, và quá duy ý chí nên đã đưa nước Trung Quốc đi tới suy sụp, gây ra nạn đói giết hơn 40 triệu dân Trung Quốc.
Chính sách phát triển hoàn toàn thất bại, trong nội bộ xuất hiện phản ứng, Mao vội đàn áp triệt để bằng cuộc cách mạng văn hóa để củng cố quyền lực. Cả triệu dân Trung Quốc bị giết, những di tích văn hóa cả ngàn năm bị đập phá.
Ngày nay, Tập Cận Bình theo đuổi thực hiện giấc mơ xây dựng một cộng đồng nhân loại nhờ một mô hình chính trị mới mà Tập Cận Bình gọi là “giải pháp Trung Quốc”. Trung Quốc là chế độ độc tài thì “giải pháp Trung Quốc” đem lại cho thế giới chắc không gì khác hơn là sự kiểm soát chính trị và phát triển kinh tế là trên hết, trên cả nhân quyền và luật pháp quốc tế.
Theo ông Willy Lam, nhà nghiên cứu về Trung Quốc, hiện ở Hồng Kông, thì “Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện cho bằng được cái tham vọng cai trị thế giới và trở thành một siêu cường đủ khả năng áp đặt luật pháp của Trung Quốc, những giá trị tiêu chuẩn của Trung Quốc và thay đổi trật tự thế giới hiện tại”.
Từ 5 năm nay, Tập Cận Bình tìm cách tập trung quyền lực và nắm trọn trong tay nên được mọi người gọi là “Chủ tịch của tất cả”. Và chế độ của Tập Cận Bình là thứ “chế độ độc tài hoàn hảo”.
Trung Quốc vẫn bình thản tiến bước. Vừa tuyên bố không lập căn cứ quân sự ở hải ngoại, Trung Quốc gửi ngay quân đội đồn trú ở Djibouti, tại căn cứ vừa thành lập. Năm 2016, Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chiếm 80% Biển Đông, thì trong vòng vài năm, Trung Quốc đã bồi đắp xong những đảo đá ngầm và biến những nơi này trở thành căn cứ quân sự hùng hậu của Trung Quốc, với sân bay trang bị thiết bị cho hoạt động quân sự, cả máy bay chiến đấu, hạm đội, hỏa tiễn đủ loại,… Trung Quốc tuyên bố những đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc, vùng biển bao quanh đảo là hải phận của Trung Quốc.
Chiến thuật của Tập Cận Bình qua mặt được cả thế giới là nhờ “đặt chuyện đã rồi và nói dối”.
Vừa xong cơ sở ở phía Nam, Tập Cận Bình vội đưa vòi qua phía Tây với chiến lược “Vành đai, con đường”. Đây là một chương trình rộng lớn trên biển và trên bộ của Tập Cận Bình nhằm thôn tính thế giới. Vành đai, tức con đường bộ phát triển kinh tế Trung Quốc chạy ngang qua Nga, Trung Á và Pakistan cho tới Đông Âu. Con đường là đường biển nối liền những xứ mới phát triển ở Đông Nam Á và những xứ phía Nam, cho tới châu Phi và Nam Mỹ.
Vào giữa tháng 5 tới, Tập Cận Bình sẽ cho tổ chức đón tiếp hơn 30 nguyên thủ quốc gia tại Bắc Kinh để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về “Vành đai, con đường”. Hoa Kỳ đã tuyên bố tẩy chay. Châu Âu không tẩy chay nhưng đặt vấn đề thảo luận về tính sòng phẳng để khai thác chương trình “Vành đai, con đường”.
Tổng thống Pháp Macron tuyên bố “Trong vùng Đông Nam Á, Trung Quốc đang bành trướng thế lực và xâm chiếm. Vấn đề không phải gợi lên những sợ hãi, mà nhìn thẳng thực tế… Nếu chúng ta không lo tổ chức lại hàng ngũ của chúng ta thì thế nào, không phải chờ đợi lâu đâu, sự bành trướng và xâm chiếm thế giới của Trung Quốc sẽ làm cho chúng ta mất đi những quyền tự do và những cơ hội phát triển. Lúc ấy sẽ là lúc mà chúng ta chỉ còn biết chịu đựng”.
Trước những thôn tính mạnh mẽ các nước nhỏ của Trung Quốc, Giáo sư Stein Ringen dạy môn Chính trị học ở King’s College, Anh, đã nhận xét, không giấu được sự kinh sợ “Dĩ nhiên có những trường hợp xắp xếp lại bàn cờ địa chính trị thế giới nhưng cách làm đó không khỏi làm cho tôi khiếp sợ vì chỉ cho quyền lợi của một nước mà nước đó lại không hề biết đến ý niệm về quyền tự do”.
Trung Quốc từ Mao vốn là một nước độc tài toàn diện, nhưng theo Giáo sư Stein Ringen thì từ năm 2012, dưới triều đại Tập Cận Bình, nền độc tài ấy được chỉ đạo bởi ý thức hệ mới có tên gọi “Giấc mộng Trung Hoa” và sự “Đại phục hưng”, điều này có nghĩa là sẽ đem trả lại cho Trung Quốc cái ngôi vị mà Trung Quốc lẽ ra đã phải có trước kia trên thế giới.
Giáo sư Stein Ringen còn nói thêm “Cứ đem hỏi bất kỳ một nhà chuyên môn nào về chính trị học về một nhà nước độc tài ý thức hệ, sẽ được trả lời ngay đó là thứ nhà nước tự bản thân là vô cùng nguy hiểm”. Hồi tháng 2/2018, ông Sigmar Gabriel, Ngoại trưởng Đức, phát biểu lên án Bắc Kinh rằng “ý đồ đóng dấu lên thế giới dấu ấn Trung Quốc” và “tìm cách áp đặt một hệ thống toàn cầu khác hẳn với hệ thống của chúng ta vốn xây dựng trên sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do cá nhân”; ông cũngcũng cảnh báo về nguy cơ châu Âu bị chia rẽ, cho rằng sự đoàn kết của châu Âu đang bị sách lược “cà rốt + cây gậy” của Trung Quốc phá hoại.
Vì vậy, cả thế giới cần phải tỉnh táo trước các bước đi của Trung Quốc nhằm thực hiện tham vọng làm bá chủ thế giới trước khi thành việc đã rồi.