Saturday, April 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaẤn Độ phát triển căn cứ quân cảng ở Indonesia để đối...

Ấn Độ phát triển căn cứ quân cảng ở Indonesia để đối phó với thách thức từ TQ

Ấn Độ đang triển khai kế hoạch phát triển căn cứ hải quân tại Sabang thuộc tỉnh Aceh của Indonesia nhằm đối phó với thách thức từ Trung Quốc.

Tại sao Ấn Độ đang vươn ra bên ngoài?

Là nước có tổng chiều dài bờ biển hơn 7.200 km, Ấn Độ chưa bao giờ có tham vọng trong lĩnh vực hàng hải. Điều lạ này xuất phát từ thực tế rằng Ấn Độ không có nhiều lý do để vươn tầm ra khỏi tiểu lục địa. Xét về mặt địa lý, Ấn Độ được bao bọc bởi dãy núi Himalayas hầu như không thể xuyên phá ở phía Bắc, kế đến là địa hình đồng bằng, rừng nhiệt đới ở phía Đông và sa mạc ở phía Tây, xen vào đó là các khu vực thuộc biển Arập, vịnh Bengal và Đại Tây Dương. Bất kể một cường quốc nào có ý định đe dọa vùng đất trung tâm sẽ phải sử dụng hoặc là đường bộ thông qua bình nguyên Hindu Kush và Indus hoặc là đường biển. Ở cả hai ngả đường này, đối phương đều phải đối diện với quy mô dân số lớn, khiến việc chinh phục Ấn Độ bằng vũ lực là điều gần như không thể. Các cường quốc sở dĩ thống trị được tiểu lục địa này chủ yếu là nhờ vào việc khai thác những rạn nứt trong nội bộ Ấn Độ. Những kẻ chiếm đóng đầu tiên – thuộc rất nhiều triều đại Hồi giáo từ thế kỉ 11 đến thế kỉ 18 rồi ngay sau đó là những người châu Âu cai trị thành công là bởi họ đã tìm cách khiến những người Ấn Độ chống lại nhau, triệt để khai thác sự cạnh tranh giữa các phe nhóm và trung tâm quyền lực để củng cố liên minh của những kẻ cộng tác – những kẻ sẽ phục vụ chủ yếu cho mục tiêu thương mại của kẻ cai trị.

Với đặc điểm lịch sử đó, Ấn Độ nhìn chung chỉ tập trung hướng nội kể từ ngày giành độc lập. Nguồn lực quốc gia-nhà nước tập trung ở khả năng kiểm soát sự chia rẽ nội bộ của chính quyền. Những diễn biến địa chính trị bên ngoài, ngoại trừ các cuộc đối đầu lác đác với Pakistan hay xung đột biên giới thường xuyên với Trung Quốc, đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu, không phải là mối bận tâm thường trực. Nhưng yêu cầu của thời cuộc đã thay đổi, cùng với đó là môi trường chiến lược mở rộng hơn của Ấn Độ.

Để thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển, Ấn Độ đã mở rộng lợi ích kinh tế vượt ra ngoài ranh giới tiểu lục địa. Ấn Độ có 1 một tỷ dân và việc duy trì tốc độ tăng trưởng, hiện đại hóa kinh tế vốn cần thiết để nuôi sống số dân này khiến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng của Ấn Độ, chẳng hạn như năng lượng, ngày càng tăng. Năm 2017, 47% lượng nhiên liệu tiêu thụ tại thị trường nội địa Ấn Độ là từ nguồn nhập khẩu, trong đó dầu mỏ nhập khẩu chiếm đến 80% nhu cầu trong nước. Như một kết cục tất yếu, Ấn Độ đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện hải quân dọc theo các điểm giao thương huyết mạch gần bán đảo Arập và mũi châu Phi – những vùng biển khét tiếng với nạn cướp biển, quân nổi dậy và các mối nguy hiểm thường trực bắt nguồn từ những tranh chấp đối đầu ở Trung Đông. Khoảng 40% hàng hóa thương mại của Ấn Độ được vận chuyển qua một eo biển khác cũng nguy hiểm không kém là Malacca.

Cùng lúc, các cường quốc mới nổi khác cũng mở rộng lợi ích. Trên thực tế, động lực đầu tiên và then chốt nhất thôi thúc Ấn Độ vươn ra bên ngoài chính là sự hiện diện ngày một gia tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều không hứng thú với kịch bản tranh giành ngôi bá chủ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Quan ngại chiến lược trung tâm của Trung Quốc là mội loạt các “yết hầu hàng hải” ở bờ biển phía Đông và phía Nam mà một cường quốc hải quân bên ngoài có thể sử dụng để chặn đứt các tuyến giao thương thiết yếu đối với Bắc Kinh. Quan ngại chiến lược chủ chốt của Ấn Độ lại là sự thiếu thống nhất trong nước, cùng với đó là cường quốc hạt nhân thù địch Pakistan ở biên giới phía Tây.

Vấn đề nằm ở chỗ: Khi Trung Quốc tìm cách giải quyết những quan ngại chiến lược của riêng mình ở phía Đông thì những vấn đề thứ cấp ở sườn Tây Nam lại càng trở nên quan trọng hơn, biến Ấn Độ, vốn không có chủ tâm chống lại Trung Quốc, thành mối đe dọa tiềm tàng của Bắc Kinh và ngược lại. Trung Quốc cần tìm ra những con đường mới để không phải lệ thuộc quá nhiều vào những yết hầu hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng nghĩa với việc Bắc Kinh cần các cảng biển nước sâu, những tuyến đường ống năng lượng, đường sắt ở các khu vực được xem là sân sau của Ấn Độ. Và để chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm tảng có thể cắt đứt các tuyến hàng hải này, Trung Quốc cũng cần phát triển lực lượng hải quân đảm bảo cho các tuyến hàng hải được thông suốt và ngăn chặn lực lượng đối phương tiến đến từ phía Tây – một nỗ lực đòi hỏi Bắc Kinh phải xây dựng mạng lưới các căn cứ và cơ sở hậu cần tại những điểm nòng cốt trong vòng cung ảnh hưởng của Ấn Độ để hỗ trợ bước tiến trên. Chúng ta có thể hoài nghi về triển vọng xây dựng thành công “Chuỗi đảo ngọc” cũng như phát triển lực lượng hải quân đủ sức thống trị các vùng biển khơi của Trung Quốc. Nhưng ý định thực hiện tham vọng này của Bắc Kinh là điều không thể nghi ngờ.

Với Ấn Độ, lý do khiến Bắc Kinh có mối quan ngại chiến lược là việc không có căn cứ, rõ ràng nhất là thực tế Trung Quốc chưa đủ sức gây ảnh hưởng lớn ở Ấn Độ Dương. Cho dù ý định của Trung Quốc là gì đi nữa thì Ấn Độ vẫn cảm thấy bị bao vây bởi một quốc gia dường như có tham vọng quyền lực không suy chuyển, bỗng nhiên quay sang vũ trang cho đối thủ nguy hiểm nhất của New Delhi và dự định xây dựng lực lượng hải quân biển khơi, đẩy Ấn Độ đứng trước nguy cơ không thể xem thường về một cuộc chiến tranh trên hai mặt trận. Vì thế, khi quân đội Trung Quốc tiến vào bồn địa Ấn Độ Dương, Ấn Độ cũng phải khẩn trương mở rộng sự hiện diện của chính mình, ở cả vùng lãnh địa tiếp giáp lẫn sân trước của Ấn Độ.

Đây là điều rất quan trọng, bởi hải quân Ấn Độ tụt hậu khá xa so với tiềm lực hải quân ngày càng lớn của Trung Quốc. Ấn Độ mới chỉ bắt đầu đầu tư lớn cho việc mua sắm vũ khí nhằm triển khai sức mạnh hải quân, đáng chú ý‎ là một hạm đội tàu ngầm nguyên tử mới và một tàu sân bay bản địa đầu tiên, cùng với đó là kho vũ khí tên lửa chống hạm, máy bay giám sát hàng hải, máy bay chống ngầm. Ấn Độ cũng đã xem xét việc thừa hưởng những kinh nghiệm tác chiến quý giá từ hải quân Anh. Ngay cả khi không có hy vọng kiềm chế hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển Ấn Độ Dương rộng lớn, Ấn Độ vẫn có một số lựa chọn để đối phó với Trung Quốc tại những điểm mà New Delhi dễ bị tổn thương nhất.

Căn cứ mới của Ấn Độ ở Biển Đông

Trong chuyến thăm Indonesia, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (5/2018) cho biết Ấn sẽ cùng Indonesia là đối tác xây một quân cảng mới ở Indonesia, tuyên bố kế hoạch trên nhằm hạn chế Trung Quốc trỗi dậy cả về kinh tế lẫn quân sự.

Đến ngày 24/01/2019, lo ngại trước việc Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương, New Delhi cho biết sẽ mở thêm một căn cứ Không quân thứ ba trên quần đảo Andaman và Nicobar. Đây là quần đảo có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ lối vào phía Tây của eo biển Malacca, con đường hàng hải huyết mạch của thế giới, nối liền Ấn Độ Dương với Biển Đông. Căn cứ không quân mới của Ấn Độ mang tên INS Kohassa, được bố trí tại một địa điểm cách Port Blair, thủ phủ của quần đảo khoảng 300 cây số về phía Bắc. Theo người phát ngôn của Hải quân Ấn Độ, ông D. K. Sharma, cơ sở Không quân mới sẽ có một đường băng dài 1.000 mét cho trực thăng và máy bay trinh sát, nhưng có thể sẽ được trang bị thêm một đường băng dài 3.000 mét, đủ để tiếp nhận các máy bay trinh sát tầm xa và chiến đấu cơ.

Theo nhiều chuyên gia và giới chức quân sự Ấn Độ, mục tiêu của New Delhi khi lập thêm một căn cứ Không quân mới tại quần đảo Andaman và Nicobar là để tăng cường giám sát tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc đi vào khu vực Ấn Độ Dương, qua ngả eo biển Malacca.

Được biết, hàng năm có khoảng 120.000 tàu thuyền qua lại Ấn Độ Dương, trong đó gần 70.000 chiếc đi qua Malacca. Cựu sĩ quan hải quân Anil Jai Singh lưu ý là Trung Quốc đang có xu hướng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực này, và để có thể theo dõi được thực sự các hoạt động của Hải quân Trung Quốc, cần có đủ phương tiện. Theo ông, cùng với Không quân, Ấn Độ phải triển khai thêm nhiều tàu chiến tại căn cứ quân sự nói trên. New Delhi lo ngại Bắc Kinh sử dụng một số cảng biển mà họ xây dựng tại Sri Lanka và Pakistan, làm các căn cứ tiền tiêu của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Tăng cường lực lượng tại quần đảo Andaman và Nicobar để đối phó với Trung Quốc là chủ trương của thủ tướng Narendra Modi khi lên nắm quyền vào năm 2014.

Nguyên nhân Ấn Độ nỗ lực phát triển cảng nước sâu đầu tiên ở Indonesia

Bất chấp chính sách Hướng Đông từ thời Thủ tướng Narasimha Rao, quan hệ của Ấn Độ với các nước ASEAN chủ yếu mang định hướng thương mại. Tuy nhiên, sự nổi lên của Trung Quốc ở các vùng biển thuộc Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như ảnh hưởng kinh tế gia tăng của Bắc Kinh, đòi hỏi New Delhi phải áp dụng một cách tiếp cận mới đối với khu vực này. Đó chính là lý do chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi nâng cấp chính sách trên thành Hành động Hướng Đông.

Nhưng việc chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực là điều “nói dễ hơn làm”. Thứ nhất, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng từ 192 tỷ USD năm 2008 lên 515 tỷ USD năm 2018. Tiếp đến là Sáng kiến BRI mà thông qua đó Bắc Kinh đã chi ra khoảng 400 tỷ USD. Trung Quốc đang muốn “dồn lực” vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đánh bật Mỹ khỏi khu vực này, nơi Washington đang hiện diện vững chắc thông qua những căn cứ quân sự như ở Guam, Diego Garcia (Ấn Độ Dương) và Darwin (Australia). Các mối quan hệ kinh tế bền chặt của Trung Quốc với khu vực này đang đảm bảo một vị thế vượt trội của Bắc Kinh.

Việc ngăn chặn Trung Quốc sẽ mang đến những rủi ro cho Ấn Độ, nếu xét đến bản chất của mối quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi. Bởi vậy, đây là lúc các mối quan hệ đối tác chiến lược của Ấn Độ với các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương phát huy tác dụng.

Ấn Độ – Indonesia đang thắt chặt quan hệ

Từ năm 2011, Ấn Độ và Indonesia trở thành những đối tác chiến lược với một chương trình hợp tác đầy tham vọng. Để thực hiện được, cần phải nhận ra những nhân tố tích cực và cả những mâu thuẫn, tạo ra một mô hình mới gọi là hiệu ứng “Masala Bumbu” (masala theo tiếng Hindi có nghĩa là gia vị, theo tiếng Bahasa là bumbu). Năm khía cạnh chính cần được xem xét để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Về chính trị, sự trì trệ trong các tiếp xúc song phương đã được giải quyết thành công trong năm qua. Điều này sẽ quan trọng hơn sau chuyến thăm của ông Modi. Việc bổ sung tham vấn về các vấn đề khu vực và toàn cầu như G-20, EAS, an ninh hàng hải và phát triển bền vững sẽ giúp hai nước gắn kết hơn trong tầm nhìn khu vực và toàn cầu. Hai nước cần phải nhận ra rằng dù có quan điểm về Trung Quốc và BRI không giống với Ấn Độ song Jakarta công nhận vai trò cân bằng của Ấn Độ trong an ninh hàng hải, hợp tác trong Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) và không ủng hộ Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) chống Ấn Độ. Nhu cầu chính trị của hai nước là tập trung vào các điểm tương đồng, thảo luận các vấn đề một cách thẳng thắn và xây dựng sự tin cậy chính trị.

Hợp tác hàng hải, tập trận và tuần tra giữa hai nước ở biển Andaman và eo biển Malacca đã phát triển tốt. Sự tương tác giữa hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ với hải quân Indonesia đã được cải thiện. Ấn Độ hiện có thể tập trung vào việc cung cấp thiết bị quốc phòng cho Indonesia và xem xét việc sản xuất và phát triển chung các thiết bị đó. Ấn Độ cũng có thể đầu tư vào một cảng chiến lược ở Sumatra, hỗ trợ xuất khẩu than đá, dầu cọ và các cơ sở hải quân Ấn Độ đòi hỏi phải có các cảng nước sâu. Hai bên có thể đưa nỗ lực hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố vào chương trình nghị sự chung. Trước đó, tháng 7/2018, tàu Hải quân Ấn Độ INS Sumitra đã cập cảng Sabang lần đầu tiên. Mới đây, tàu Vijit đã trở thành tàu đầu tiên thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ thăm cảng này từ ngày 17-20/3. Các chuyến thăm viếng này nêu bật mối quan hệ hàng hải gần gũi giữa hai nước cũng như sự hợp tác ngày càng gia tăng trong lĩnh vực an toàn và an ninh biển. Tháng 11 năm ngoái, hải quân Ấn Độ và Indonesia đã tiến hành cuộc diễn tập hải quân song phương đầu tiên có tên “Samudra Shakti” thuộc biển Java. Mục đích diễn tập nhằm tăng cường quan hệ song phương, mở rộng hợp tác trên biển và nâng cao khả năng phối hợp tác chiến cũng như trao đổi kinh nghiệm kỹ năng chuyên môn. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến đáng kể trong việc phối hợp hoạt động giữa hải quân 2 nước sau các cuộc diễn tập tuần tra chung Corpat từ năm 2002. Trong khi đó, tại quần đảo chiến lược Andaman và Nicobar, Ấn Độ cũng đang tăng cường các lực lượng của mình. Gần đây, Hải quân Ấn Độ đã đưa vào sử dụng căn cứ Không quân thứ 3 trên quần đảo này.

Về thương mại và đầu tư, hai bên không nên hạn chế thương mại để có sự cân bằng với lý do Ấn Độ nhập khẩu than đá và dầu cọ khiến Indonesia thặng dư. Thặng dư này sẽ tăng lên khi 500.000 người Ấn Độ đến với Indonesia. Điều này có thể được bù đắp bằng đầu tư của Indonesia ở Ấn Độ và việc cho phép doanh nghiệp Ấn Độ tiếp cận tốt hơn thị trường Indonesia đang phát triển về cơ sở hạ tầng, y tế, khai thác mỏ… Nếu 5 dự án cơ sở hạ tầng hàng đầu như sân bay, cảng biển, bệnh viện, nhà máy điện và khu mỏ được thực hiện đúng hạn sẽ tạo ra tác động kinh tế đáng kể đối với Indonesia. Tương tự, Indonesia phải đưa ra 5 đề xuất đầu tư để tham gia chương trình “Sản xuất tại Ấn Độ”, có thể là dầu cọ, chế biến thực phẩm, đường sá… Indonesia đã mở cửa thị trường cho thịt bò Ấn Độ và có thể phải làm tương tự đối với dược phẩm, gạo, đường và máy móc cơ sở hạ tầng.

Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực là lĩnh vực hợp tác nhiều tiềm năng. Phần lớn sinh viên Indonesia đến Ấn Độ học ngành nghiên cứu tôn giáo trong khi hầu như không có sinh viên Ấn Độ đến Indonesia. Rõ ràng là cần phải phát triển hệ thống các trường đại học song song để có các dự án chung, trao đổi giảng viên và sinh viên.

Di sản văn hóa chung giữa hai nước cần được thúc đẩy. Các dự án khảo cổ học có thể được thực hiện trong khi Liên hoan Ramayana Indonesia – Ấn Độ được tổ chức định kỳ nên mở rộng ra các nước ASEAN và xa hơn. Ngoài ra, các tổ chức Hồi giáo chính thống như Nahdlatul Ulama và Muhammadiyah cần được tham gia chặt chẽ hơn vì đây là bức tường tốt nhất chống lại quá trình cực đoan. Không gian rộng lớn hơn cho những nỗ lực hợp tác xã hội dân sự như vậy sẽ tạo cơ sở lâu dài cho động lực mới trong mối quan hệ Ấn Độ – Indonesia thông qua chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Modi.

RELATED ARTICLES

Tin mới