Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Junior (16/4) cho biết Philippines đang xem xét sử dụng công cụ pháp lý để khởi kiện Trung Quốc đã khai thác trái phép trai tai tượng khổng lồ từ bãi cạn tranh chấp Scarborough.
Theo ông Locsin, ngư dân Philippines đã thông báo cho chính quyền địa phương về việc tàu Trung Quốc thu hoạch lượng lớn trai tai tượng khổng lồ từ bãi cạn Scarborough. Hiện chính quyền Manila đã gửi công hàm phản đối hành động trên của Trung Quốc, đồng thời khẳng định Philippines sẽ xem xét sử dụng các biện pháp pháp lý để chống lại hành động “trộm cắp” của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, hiện Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng liên quan tuyên bố trên của Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Junior.
Đáng chú ý, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và cựu Trưởng văn phòng chống tham nhũng Conchita Morales (15/3/2019) đã gửi đợn khiếu nạn, kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng một số quan chức chủ chốt phải chịu trách nhiệm về việc phá hủy môi trường khi xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Cụ thể, trong đơn khiếu nại gửi cho công tố viên ICC Fatou Bensouda, hai ông ông Del Rosario và bà Morales khẳng định việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông đã dẫn tới tình trạng “môi trường bị phá hủy với quy mô lớn nhất và gần như vĩnh viễn trong lịch sử nhân loại”.
Với sự khuyến khích của chính quyền, trong một thời gian rất dài, ngư dân Trung Quốc đã tận diệt loài trai tượng khổng lồ, trong vùng Biển Đông mà nước này đang có tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam và Indonesia, khiến hệ sinh thái và đặc biệt là rạn san hô ở Biển Đông bị tàn phá nặng nề. Trai tượng khổng lồ sống dưới đáy biển, có thể dài tới hơn 1m và nặng tới 200 kg. Ở Trung Quốc, trai tượng là một sản vật quý hiếm và được bán với giá rất cao. Thịt trai tượng được coi là đặc sản quý, còn vỏ trai tượng thì cũng được ưa chuộng vì nó vừa giống ngà voi, vừa giống đá cẩm thạch, với nhiều màu sắc. Người Trung Quốc gọi đó là “vàng trắng”, hay “ngà voi biển”. Vỏ trai tượng được chạm khảm thành đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật như tượng Phật, tượng cá hay cả một đàn ngựa. Những tác phẩm nghệ thuật này được bán với giá vài ngàn euro cho du khách nước ngoài, hoặc cho khách hàng Trung Quốc giàu có. Hiện nay, tại Trung Quốc có tới vài trăm trang Internet bán đồ trang sức, tác phẩm nghệ thuật hay vật dụng làm từ vỏ trai tượng.
Tuy nhiên, hậu quả của việc tận diệt loài nhuyễn thể quý hiếm ở các đảo san hô và quần đảo Trường Sa là các rạn san hô bị tàn phá nghiệm trọng. Trong một bức thư gửi Tòa Trọng Tài, ông John McManus, chuyên gia sinh vật biển thuộc Đại học Miami, cho biết quy mô tàn phá hệ sinh thái Biển Đông đã vượt quá những gì ông đã từng chứng kiến trong suốt hơn 4 thập kỷ nghiên cứu về sự tàn phá rạn san hô. Hoạt động đánh bắt, tận diệt trai tượng khổng lồ đã diễn ra trên toàn quần đảo Trường Sa. Giáo sư McManus cho biết ngư dân Trung Quốc đã thả chân vịt cỡ lớn xuống rặng san hô rồi cho thuyền đi vòng xung quanh. Các chân vịt này nghiền nát rặng san hô để ngư dân bắt các con trai tượng đang vùi mình trong cát phía dưới rặng san hô. 69 km2 san hô trên quần đảo Trường Sa đã bị phá hủy bởi phương pháp tận diệt này. Trong khi đây là một trong những rạn san hô có đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới, với hơn 400 loài san hô.
Tuy nhiên, ẩn sau câu chuyện về sinh thái còn là câu chuyện về địa chính trị. Việc săn bắt trai tượng không phải là một hoạt động mới của ngư dân Trung Quốc mà đã tồn tại từ nhiều thập kỷ. Nhưng nó chính thức bùng nổ vào năm 2012, khi Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc và tăng cường hoạt động trên quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp chủ quyền. Vào thời điểm đó, ngư dân Trung Quốc đã được cho phép, thậm chí là được chính quyền khuyến khích tăng cường đánh bắt trai tượng với danh nghĩa là để “bảo vệ chủ quyền quốc gia”. Nhiều ngư dân cho biết họ đã kiếm được cả một gia tài nhờ đánh bắt trai tượng. Sau 4 năm cho phép ngư dân tận diệt trai tượng, vào năm 2015, chính quyền Trung Quốc đã ra quy định mới, theo đó, hoạt động đánh bắt và buôn bán trai tượng có giá trên 500.000 nhân dân tệ (69.000 euro) bị coi là phạm tội. Trên quần đảo Scarborough, đánh bắt trai tượng và rùa biển cũng đã chính thức bị cấm từ năm 2015. Nhưng trên thực tế, nhìn vào những gì mà trước đây nhà chức trách Trung Quốc cho phép và khuyến khích ngư dân làm, thì quy định mới này chỉ “mang tính đạo đức giả”.
Đáng chú ý, trong phán quyết của Tòa Trọng Tài thường trực (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông, Tòa đã nêu rõ hành động cải tạo đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc đã “gây tổn hại vĩnh viễn, không thể khắc phục đối với các hệ sinh thái xung quanh rạn san hô”. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn phủ nhận phán quyết của PCA, không công nhận hành vi xây đảo nhân tạo trái phép gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái trong khu vực, thậm chí còn gọi đây là “dự án xanh”. Mặc dù có nghĩa vụ phải tuân thủ các Điều 192 và 194 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển để giữ gìn và bảo vệ môi trường biển nhưng Bắc Kinh lại hỗ trợ những hoạt động làm tổn hại đến hệ sinh thái vốn mong manh ở Biển Đông.
Trong nhiều năm qua, hành động hủy hoại lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông là việc bắt trộm trai tai tượng. Không chỉ phá hủy hệ sinh thái của các rạn san hô, vì tính chất liên kết của thủy sản ở Biển Đông, Trung Quốc gây thiệt hại ở một nơi sẽ gây ra hậu quả ở nhiều nơi khác trong khu vực Biển Đông.
Đối mặt với thảm họa môi trường, các quốc gia Đông Nam Á cần phải có hành động chung, nhằm bảo tồn và bảo vệ môi trường biển trong khu vực. Một trong những cách chính đó là bảo tồn thủy sản. Bản báo cáo gần đây cho biết, trữ lượng thủy sản ở Biển Đông đang có chiều hướng suy giảm. Với nạn đánh cá bất hợp pháp, không thông báo và cũng không theo quy định rõ ràng, sự phối hợp chung giữa các quốc gia là yếu tố cần thiết. Các nước trong khu vực cũng cần minh bạch hơn trong hoạt động khai thác tài nguyên. Mỗi bên cần phải thúc đẩy những hành động đúng đắn để đảm bảo hệ sinh thái được bảo tồn đúng cách và khai thác một cách bền vững.
Việc hình thành nên một cơ chế bảo tồn môi trường biển có thể nói là thách thức lớn nhất trong kế hoạch này. Tại cuộc họp đầu tiên của nhóm nghiên cứu thuộc Hội đồng Hợp tác An ninh khu vực châu Á Thái Bình Dương (CSCAP) ở Philippines, các cuộc thảo luận đã tập trung vào việc phát triển quy tắc và giao thức để bảo vệ môi trường biển. CSCAP nhấn mạnh việc phát triển phương pháp tiếp cận tập thể trong việc quản lý hoạt động thương mại và đời sống ở đại dương. Vấn đề được đặc biệt chú trọng là việc bảo tồn các rạn san hô ở khu vực Đông Á.
Đây không phải lần đầu tiên các quốc gia trong khu vực cùng chung tay hợp tác vì lợi ích của môi trường sống tự nhiên. Năm 2011, khi Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) mở thêm văn phòng ở Bangkok (Thái Lan), các nước Đông Nam Á đã cùng hợp tác trong việc phát triển các công cụ và phương pháp dựa trên hệ sinh thái, tiếp cận đến việc quản lý rạn san hô.
Năm 2012, khu vực châu Á – Thái Bình Dương xuất hiện trong chủ đề “The Future We Want” của Liên Hợp Quốc, đề cập đến việc bảo vệ rạn san hô như một trong những mục tiêu trọng tâm và phát triển bền vững hướng đến năm 2020. Mặc dù LHQ đã kêu gọi “bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương” và “loại bỏ áp lực con người lên các rạn san hô” nhưng các biện pháp trên thực tế đã ít đem lại thành công hơn đối với việc bảo vệ hệ sinh thái biển. Dù vậy, UNEP đã trở thành kim chỉ nam trong việc quản lý hệ sinh thái của khu vực. Chương trình đã tập trung vào nỗ lực ngăn chặn rác thải trên biển; xây dựng khả năng phục hồi rạn san hô trong bối cảnh biến đổi khí hậu và axit hóa đại dương; tăng cường dữ liệu và thông tin về quy hoạch, quản lý rạn san hô…
Trung Quốc và các nước láng giềng cần phải ưu tiên cùng hợp tác với nhau trong việc quản lý nguồn tài nguyên biển, kết hợp hiệu quả nỗ lực hồi sinh và khôi phục hệ sinh thái biển quan trọng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương; đồng thời Bắc Kinh cũng cần có các biện pháp cứng rắn ngăn chặn, kiểm soát ngư dân đánh bắt trái hải sản ở Biển Đông; tuân thủ và tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông.