Lợi dụng khoa học
Cũng như hành động in đường lưỡi bò lên hộ chiếu từng bị cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ, việc cài cắm bản đồ phi pháp này trong ấn phẩm khoa học thuộc chiến lược “mưa dầm thấm đất” của Trung Quốc nhằm biến điều phi lý thành quen thuộc, tạo cơ sở ngụy biện rằng đường lưỡi bò “đã được công nhận rộng rãi”. Một trong những yếu tố đáng báo động là nội dung những bài báo hay báo cáo khoa học đều hoàn toàn không liên quan đến vấn đề chủ quyền, an ninh, chính trị hay pháp lý. Vì vậy, các chuyên gia thẩm định và độc giả nếu không có chuyên môn hoặc không quan tâm đến những lĩnh vực nói trên thì sẽ không nhận ra ý đồ của Trung Quốc và tưởng rằng bản đồ đường lưỡi bò là có giá trị.
Đơn cử có thể kể đến bài Decline in Chinese lake phosphorus concentration accompanied by shift in sources since 2006 (tạm dịch: Giảm nồng độ phốt pho trong hồ Trung Quốc cùng sự thay đổi ở các nguồn từ năm 2006) đăng trên tạp chí khoa học hàng đầu Geoscience của nhà xuất bản Nature vào ngày 12.6.2017. Hoàn toàn có nội dung về địa chất và nghiên cứu về nước nhưng bài viết lại chèn hình đường lưỡi bò bên phải bản đồ lục địa Trung Quốc. Trước đó vào ngày 9.7.2011, tuần san Science của Hiệp hội Mỹ vì sự phát triển khoa học (AAAS) đăng bài China’s Demographic History and Future Challenges (tạm dịch: Lịch sử dân số Trung Quốc và những thách thức trong tương lai) với 4 bản đồ lớn in hình lục địa Trung Quốc và bên cạnh mỗi bản đồ này có bản đồ nhỏ vẽ đường lưỡi bò ôm trọn Biển Đông. Ngoài ra, còn có một số bài đăng trên các ấn phẩm thuộc Tập đoàn xuất bản Elsevier (Hà Lan) vào các năm 2014 và tháng 2.2019 hay trên chuyên san BAMS của Hiệp hội Khí tượng Mỹ (AMS) tháng 4.2018.
Nỗ lực của học giả Việt
Trong những năm qua, nhiều nhà khoa học Việt Nam trong và ngoài nước như tại Anh, Mỹ, Canada, Đức… liên tục phát hiện và phản đối việc đăng tải đường lưỡi bò trong ấn phẩm khoa học quốc tế. Trong bức thư gửi tuần san Science để phản đối bài báo năm 2011 nói trên, tiến sĩ Dương Danh Huy ở Anh viết: “Science không nên cho phép các nhà khoa học lợi dụng để biến thành một nơi đăng tải các yêu sách về lãnh thổ của họ”. Tương tự, trong bài viết gửi Thanh Niên khi đó, tiến sĩ Trần Ngọc Tiến Dũng (Canada) nhấn mạnh: “Mỗi khi phát hiện đường lưỡi bò “len lỏi” vào các bài báo, thiết nghĩ cần gửi một bài phản đối dưới dạng “rebuttal” (bác bỏ) tới ban biên tập, trong đó đưa ra những phân tích với “tang chứng vật chứng” cụ thể và khoa học. Trong bài cần đề nghị phủ nhận các bản đồ có đường lưỡi bò đã xuất bản, đồng thời yêu cầu rút bản đồ phi lý này ra khỏi bài báo phiên bản online cũng như bản in sau đó”.
Bản thân tiến sĩ Phú đã dành nhiều thời gian phát hiện những bài báo lồng ghép đường lưỡi bò và liên lạc với hàng chục nhà xuất bản để yêu cầu chỉnh sửa. BBC dẫn lời ông cho hay đã viết thư gửi cho Tập đoàn xuất bản Elsevier, Tổng biên tập Nature Geoscience Heike Langenberg cùng Ban Lãnh đạo Springer Nature (Đức), Tập đoàn sở hữu Nature, yêu cầu loại bỏ đường lưỡi bò trong các ấn phẩm đã xuất bản.
Đến nay, hầu hết các tập đoàn xuất bản và hiệp hội khoa học quốc tế đều đã cam kết sẽ xem xét lại chính sách xuất bản, cũng như nhắc nhở các biên tập viên về vấn đề này. Riêng Elsevier còn cho in lưu ý của nhà xuất bản gửi độc giả để nhấn mạnh tính hợp pháp của đường lưỡi bò “đang bị tranh chấp trong luật pháp quốc tế, ngoại giao và chính trị”, kèm danh sách các bài viết có lồng ghép.