Thursday, December 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt - Trung đàm phán vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ

Việt – Trung đàm phán vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, Viêt Nam và Trung Quốc (24-25/4) đã tiến hành đàm phán vòng XI Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và vòng VIII Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển.

Tại cuộc họp, hai bên đi sâu trao đổi ý kiến về các công việc của hai Nhóm công tác, khẳng định nghiêm túc tuân thủ nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, trong đó có “Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” ký năm 2011, và chỉ đạo của Đoàn đàm phán cấp Chính phủ về Biên giới lãnh thổ Việt Nam – Trung Quốc. Việt Nam – Trung Quốc nhất trí duy trì lộ trình đã thống nhất, cùng nhau thúc đẩy đàm phán phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, đồng thời trao đổi về hợp tác cùng phát triển tại Biển Đông theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà hai nước đều là thành viên. Hai bên nhất trí tổ chức đàm phán vòng XII Nhóm công tác về vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ và vòng IX Nhóm công tác bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển vào cuối năm 2019 tại Trung Quốc.

Được biết, Việt Nam và Trung Quốc (25/12/2000) đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá trong Vịnh Bắc Bộ. Lễ ký kết được tổ chức với sự chứng kiến của Chủ tịch Trần Đức Lương và Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân.

Trong các vấn đề do lịch sử để lại trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có 3 vấn đề liên quan đến biên giới lãnh thổ là xác định đường biên giới trên đất liền; phân định Vịnh Bắc Bộ và vấn đề trên Biển Đông (mà thực chất là vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam), trong các vấn đề trên, vấn đề biên giới trên đất liền đã được giải quyết bằng việc ký kết Hiệp ước trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 30/12/1999.

Vịnh Bắc Bộ được bao bọc bởi Việt Nam và Trung Quốc có diện tích 123.700 km2, chiều ngang nơi rộng nhất khoảng 320 km (176 hải lý) và nơi hẹp nhất khoảng 220 km (119 hải lý). Chiều dài bờ biển phía Việt Nam khoảng 763 km, còn phía Trung Quốc khoảng 695 km. Phần Vịnh phía Việt Nam có khoảng 1.300 hòn đảo ven bờ, đặc biệt có đảo Bạch Long Vĩ nằm cách đất liền Việt Nam khoảng 110 km, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130 km. Vịnh có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc về an ninh và quốc phòng. Đặc thù của Vịnh là chiều ngang tương đối hẹp, từ trước tới nay hai nước chưa hề phân định Vịnh. Theo Công ước luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, thì toàn bộ Vịnh Bắc Bộ là vùng chồng lấn và trong thực tế thời gian qua có tranh chấp, ảnh hưởng không tốt đến quan hệ giữa hai nước. Trước tình hình đó, hai nước đều có nhu cầu tiến hành đàm phán để phân định Vịnh Bắc Bộ nhằm đạt hai mục tiêu cơ bản và lâu dài: một là xác định đường phân giới rạch ròi, phân chia vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước láng giềng ; hai là giải quyết vấn đề tồn tại do lịch sử để lại, tạo cơ sở và động lực thúc đẩy quá trình xây dựng lòng tin, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai Đảng, hai nước.

Ngoài ý nghĩa về an ninh, quốc phòng, Vịnh Bắc Bộ còn có ý nghĩa lớn về kinh tế, có nguồn lợi hải sản phong phú. Hai nước đều có nhu cầu hợp tác đánh bắt, bảo vệ môi trường và bảo vệ và nuôi trồng nguồn hải sản trong Vịnh. Vào các năm 1957, 1961 và 1963 hai nước có ký các thỏa thuận cho phép thuyền buồm của hai bên được đánh bắt trong Vịnh ngoài phạm vi tương ứng 3 hải lý, 6 hải lý và 12 hải lý tính từ bờ biển và hải đảo mỗi bên. Các thỏa thuận này đã hết hiệu lực vào những năm 70.

Trong quá trình đàm phán về phân định Vịnh Bắc Bộ, phía Trung Quốc kiên trì đề nghị lập vùng đánh cá chung đồng thời với việc phân định Vịnh Bắc Bộ và nhấn mạnh nếu không thỏa thuận được vấn đề này thì khó có thể giải quyết được vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000. Việt Nam không chủ trương gắn vấn đề nghề cá mang tính kinh tế, kỹ thuật với vấn đề phân định quốc giới mang tính chiến lược lâu dài. Nhưng Việt Nam cũng nhận thức rõ là việc không giải quyết được vấn đề nghề cá có thể dẫn đến hậu quả là khó giải quyết được vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000. Lúc đó toàn bộ Vịnh sẽ tiếp tục bị coi là vùng chồng lấn giữa hai bên, và tình hình ở đó sẽ tiếp tục mất ổn định. Thực tiễn quốc tế cho thấy nhiều nước có vịnh hoặc vùng biển chung cũng đã thỏa thuận lập vùng đánh cá chung và về mặt pháp lý thì điều đó không trái với Công ước luật Biển năm 1982. Nhằm mục đích tạo thuận lợi tối đa cho việc giải quyết vấn đề phân định và trên cơ sở cân nhắc kỹ mọi khía cạnh trong quan hệ hai nước cũng như thực tiễn quốc tế, Việt Nam đã đồng ý lập vùng đánh cá chung ở trong Vịnh Bắc Bộ. Cuộc đàm phán về biên giới lãnh thổ, trong đó có vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được tiến hành từ đầu những năm 70. Trong các năm 1974 và 1977 – 1978, hai nước đã tiến hành 2 vòng đàm phán về phân định. Nhưng do điều kiện lúc đó nên đàm phán không có kết quả. Sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ, hai bên đã quyết định thương lượng để giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ, trong đó có vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ. Hai nước đã ký Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới – lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày 19-10-1993, trong đó nêu rõ phương hướng phân định Vịnh Bắc Bộ là “Hai bên sẽ áp dụng luật quốc tế và tham khảo thực tiễn quốc tế, theo nguyên tắc công bằng và tính đến mọi hoàn cảnh liên quan trong Vịnh để đi đến một giải pháp công bằng”. Thực hiện thỏa thuận đó, từ 1993 đến năm 2000, hai bên đã triển khai 7 vòng đàm phán cấp chính phủ, 3 cuộc gặp giữa hai Trưởng đoàn đàm phán cấp chính phủ và 18 vòng đàm phán cấp chuyên viên. Một thuận lợi hết sức lớn lao đối với quá trình đàm phán là quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước không ngừng được tăng cường, ngày càng đi vào thực chất và toàn diện, lãnh đạo của hai bên luôn luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao. Trong các chuyến thăm Trung Quốc vào năm 1997 của Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười và tháng 2/1999 của Đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, lãnh đạo cấp cao hai nước đạt được thỏa thuận là khẩn trương đàm phán để giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền trước năm 2000 và hoàn thành việc phân định để ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000. Với tinh thần đó, trong năm 1998 và 1999 hai bên chủ yếu dành ưu tiên cho việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền. Năm 2000 cuộc đàm phán về phân định Vịnh Bắc Bộ được đẩy mạnh và đi vào giải quyết thực chất (1 vòng đàm phán cấp chính phủ, 3 cuộc gặp liên tiếp giữa 2 trưởng đoàn cấp chính phủ và 8 vòng đàm phán cấp chuyên viên).

Trong quá trình đàm phán, hai bên đã vận dụng các nguyên tắc như sau để giải quyết: một là, căn cứ vào các quy định của Công ước luật Biển 1982 của Liên hợp quốc cũng như các nguyên tắc luật pháp quốc tế và tập quán được công nhận rộng rãi; hai là, hai bên tính đến các đặc thù của Vịnh Bắc Bộ như sự hiện diện của các đảo, chiều dài bờ biển…; ba là, việc giải quyết vấn đề phân định phải xuất phát từ thực trạng cũng như nhu cầu phát triển quan hệ giữa hai nước; bốn là, bảo đảm nguyên tắc công bằng và chiếu cố lợi ích của nhau. Về diện tích, phía Trung Quốc kiên trì chủ trương đại thể chia đôi, thừa nhận Việt Nam có thể nhỉnh hơn nhưng hơn không đáng kể. Việt Nam chủ trương giải pháp công bằng phải phù hợp với các hoàn cảnh hữu quan trong Vịnh như sự hiện diện của các đảo của Việt Nam, chiều dài bờ biển của Việt Nam lớn hơn… Do đó, kết quả của giải pháp phân định phù hợp với yêu cầu Việt Nam đặt ra. Về diện tích tổng thể Việt Nam được 53,23% diện tích Vịnh, Trung Quốc đạt 46,77% (Việt Nam hơn Trung Quốc 6,46% tức là khoảng 8205 km2), đường phân định cách đảo Bạch Long Vĩ 15 hải lý, đảo Cồn Cỏ được hưởng 50% hiệu lực. Về khía cạnh tài nguyên, giải pháp phân định đạt được cũng bảo đảm việc phân chia lợi ích một cách công bằng. Hai bên đã phân chia rõ ràng phần thềm lục địa để mỗi bên đều có thể tiến hành thăm dò, khai thác tài nguyên trong phạm vi thềm lục địa của mình mà không bị bên kia can thiệp hoặc gây khó khăn. Trong trường hợp có cấu tạo mỏ vắt qua đường phân định thì hai bên sẽ thỏa thuận với nhau về việc khai thác và phân chia lợi ích của việc khai thác đó.

Cuộc đàm phán về nghề cá được khởi động muộn hơn. Cho mãi đến tháng 4/2000, Việt Nam mới tán thành đàm phán nghề cá. Qua 6 vòng đàm phán cấp chuyên viên về nghề cá, hai bên nhất trí lập vùng đánh cá chung ở trong Vịnh Bắc Bộ từ vĩ độ 20o xuống đường đóng cửa Vịnh. Vùng này có bề rộng là 30,5 hải lý kể từ đường phân định về mỗi phía và có tổng diện tích là 33.500 km2, tức là khoảng 27,9% diện tích Vịnh. Như vậy, đảm bảo cách bờ của mỗi nước là 30 hải lý: đại bộ phận cách bờ của Việt Nam 35 – 59 hải lý và có 2 điểm cách bờ là 28 hải lý. Thời hạn của vùng đánh cá chung là 15 năm (12 năm chính thức và 3 năm gia hạn). Hai bên cũng đã thỏa thuận các điều khoản liên quan đến bảo vệ môi trường và bảo vệ và nuôi trồng nguồn hải sản trong Vịnh. Ba nguyên tắc lớn của vùng đánh cá chung là: vùng đặc quyền kinh tế của nước nào thì nước đó có quyền kiểm tra, kiểm soát các tàu cá được phép vào vùng đánh cá chung; sản lượng và số tàu thuyền được phép vào vùng đánh cá chung là dựa trên nguyên tắc bình đẳng, căn cứ vào sản lượng được phép đánh bắt, xác định thông qua điều tra liên hợp định kỳ ; mỗi bên đều có quyền liên doanh hợp tác đánh cá với bên thứ 3 trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Hai bên thỏa thuận lập Uủy ban liên hợp nghề cá để xây dựng quy chế liên quan đến vùng đánh cá chung. Ngoài vùng đánh cá chung ra, hai bên thỏa thuận về dàn xếp quá độ với thời hạn 4 năm ở phía Bắc vĩ tuyến 20 cho tàu thuyền của hai bên tiếp tục được đánh bắt. Phạm vi cụ thể của vùng này hai bên sẽ tiếp tục thảo luận. Sau thời hạn quá độ, tàu thuyền của các bên về đánh cá ở vùng đặc quyền kinh tế của mình, trừ khi được bên kia cho phép. Đồng thời hai bên cũng thỏa thuận lập một vùng đệm nhỏ ở ngoài cửa sông Bắc Luân với mục đích là tạo thuận lợi cho việc ra vào của các tàu cá nhỏ (nếu phát hiện các tàu đó đánh cá thì cảnh cáo và buộc rời khỏi vùng nước của mình). Vùng này dài 10 hải lý và tính từ đường phân định rộng 3 hải lý về mỗi bên.

Về tổng thể, các giải pháp đạt được trong quá trình đàm phán và được thể hiện trong hai bản Hiệp định là thỏa đáng, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của cả hai bên. Các Hiệp định đó là kết quả của quá trình đàm phán lâu dài, thể hiện nỗ lực, thiện chí và tính đến sự quan tâm, nhân nhượng từ cả hai phía. Đối với Việt Nam, việc ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ tiếp theo việc ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền năm 1999, có ý nghĩa rất quan trọng vì qua đó Việt Nam đã đạt được mục tiêu là giải quyết được hai trong ba vấn đề biên giới – lãnh thổ tồn đọng lâu nay giữa hai nước. Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc năm 1999 và Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ tạo nên một cơ sở pháp lý vững chắc để quản lý biên giới, lãnh thổ, thực hiện mục tiêu là xây dựng biên giới Việt Nam – Trung Quốc thành biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, và tạo động lực thúc đẩy, tăng cường quan hệ hai nước. Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ đã xác định trọn vẹn đường biên giới lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực ngoài cửa sông Bắc Luân, phân định rõ ràng phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và phạm vi thềm lục địa của hai nước ở Vịnh. Hiệp định đã ghi nhận cam kết của hai bên tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mỗi bên trong phạm vi các vùng biển của mình. Hiệp định cũng đã đề ra cách giải quyết khi xảy ra trường hợp hai bên chung nhau các mỏ tài nguyên khoáng sản nằm trong Vịnh. Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ vừa mới ký với Trung Quốc này là Hiệp định phân định biển thứ hai của nước Việt Nam (Hiệp định phân định biển đầu tiên là Hiệp định phân định các vùng biển giữa Việt Nam và Thái Lan ký năm 1997) và là Hiệp định phân định biển gần đây nhất ở trong khu vực). Do đó ý nghĩa của Hiệp định này không chỉ dừng lại trong khuôn khổ quan hệ Việt – Trung mà thực sự góp phần vào việc ổn định hòa bình trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới