Trung Quốc đang nắm giữ một “vũ khí” có khả năng lật ngược tình thế trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, nhưng họ vẫn chưa sử dụng tới.
“Át chủ bài” của Trung Quốc
Ngày 10/5, Tổng thống Trump chính thức nâng thuế lên 25%, từ 10% trước đó với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc. Ngày 11/5, ông Trump đe dọa áp đặt tiếp tục mức thuế 25% vào 365 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ.
Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục mạnh tay với Trung Quốc để đạt được chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh. Đồng thời nhấn mạnh đối thủ đừng kỳ vọng vào việc “câu giờ”.
Theo ông Trump, Trung Quốc đừng nên kỳ vọng về việc ông sẽ bị đánh bại trong cuộc bầu cử năm 2020 để một ứng viên Đảng Dân chủ lên ngôi và cho họ một thỏa thuận tốt hơn.
Tổng thống Mỹ cũng khẳng định rằng thâm hụt thương mại với Trung Quốc, ước tính lên tới hơn 220 tỷ USD vào năm 2018, đã mang lại cho Mỹ một lợi thế rất lớn khi tham gia cuộc chiến thuế quan. Và bây giờ, Washington chỉ cần ngồi và nhìn Bắc Kinh nộp hàng tỷ USD thuế vào kho bạc Mỹ.
Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho rằng Trung Quốc có trong tay sức mạnh tài chính khổng lồ và đủ sức trừng phạt Mỹ trong cuộc chiến thuế quan, cụ thể, Bắc Kinh đang là chủ nợ của khoản nợ công khổng lồ trị giá 1.123 tỉ USD thông qua trái phiếu chính phủ Mỹ.
“Nếu Trung Quốc bán tháo món nợ này ra ngoài thị trường, giá trái phiếu của Mỹ sẽ đi xuống và buộc chính phủ phải tăng lãi suất đáng kể. Điều đó sẽ khiến cho các công ty và người tiêu dùng ở Mỹ vay tiền tốn kém hơn, dần làm suy giảm tăng trưởng kinh tế của Mỹ” – tờ SCMP nhận xét.
Trên thực thế, Trung Quốc đã và đang giảm dần lượng nắm giữ trái phiếu Mỹ, giảm gần 4% trong 12 tháng qua dù tổng lượng nắm giữ của chính phủ nước ngoài đối với trái phiếu đã tăng 2,6%.
Sau một loạt những động thái căng thẳng với chính quyền ông Trump, Nga đã rút khỏi thị trường trái phiếu Mỹ. Nhật Bản, quốc gia nắm giữ trái phiếu Mỹ nhiều thứ 2, đã tăng lượng nắm giữ lên 1,07 nghìn tỷ USD trong 12 tháng qua. Trong khi đó, Brazil leo lên vị trí thứ 3 với khoảng 308 tỷ USD, nhờ tăng 12,9% trong giai đoạn này.
Với việc Mỹ dự kiến sẽ giảm thâm hụt ngân sách hàng năm 1 nghìn tỷ USD trong những năm tới, thì động thái “hững hờ” từ phía Trung Quốc sẽ gây ra một số những lo ngại.
Sung Won Sohn, giáo sư kinh tế tại Đại học Loyola Marymount, cho hay: “Đối với tôi, đây là mối lo lớn nhất. Đây là vũ khí lớn nhất mà họ (Trung Quốc) có. Họ cần đưa ra nhiều động thái hơn để đối đầu với Mỹ. Vậy nếu bị tạo áp lực và không còn lựa chọn nào khác, họ sẽ làm điều này.”
Vì sao Trung Quốc vẫn giấu bài?
Tuy nhiên, Robert Tipp, chiến lược gia đầu tư và đứng đầu mảng trái phiếu toàn cầu tại PGIM Fixed Income cho rằng việc bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ không mang đến nhiều lợi ích về tính khả thi thực tế, nó chỉ phù hợp để “giật tít” trên các báo.
Ông Tipp nhận định: “Đây là một lựa chọn như vũ khí hạt nhân tự huỷ diệt. Có thể việc này sẽ giúp Trung Quốc có được ‘con chip’ thương lượng, nhưng lại đang đe doạ đến giá trị của một số thứ mà họ đã can thiệp sâu sắc.”
Cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến còn kéo dài |
Theo ông Tipp, hành động bán tháo trái phiếu còn khiến Mỹ hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại. Một mặt, việc Trung Quốc cắt giảm lượng nắm giữ trái phiếu Mỹ có thể làm suy yếu đồng USD và khiến các công ty đa quốc gia của Mỹ trở nên cạnh tranh hơn. Mặt khác, lợi suất trái phiếu Mỹ sẽ tăng và do đó khiến giá trái phiếu giảm, kéo giá trị danh mục đầu tư của Trung Quốc xuống.
Ngoài ra, còn có câu hỏi về việc Trung Quốc sẽ làm thế nào với số tiền mặt đang có, tất cả sẽ phải được “rót” vào đâu đó và trái phiếu của Mỹ lại là một trong những trái phiếu có lợi suất cao nhất thế giới và rủi ro cũng tương đối thấp.
Chia sẻ cùng quan điểm không mấy lạc quan về ý tưởng này, Betty Rui Wang – nhà kinh tế học cấp cao Trung Quốc tại Tập đoàn Ngân hàng Australia và New Zealand – cũng cho rằng Trung Quốc không thể tìm được các lựa chọn đầu tư thay thế một khi quyết định xả kho trái phiếu Mỹ.
Bên cạnh đó, nếu Trung Quốc quyết định bán trái phiếu Chính phủ Mỹ và mua dầu, các nhà sản xuất dầu nhận được đồng đôla Mỹ có thể chuyển chúng vào kho bạc liên bang, từ đó dẫn tới sự hạn chế hiệu quả của hình phạt.
Cliff Tan – người đứng đầu viện nghiên cứu thị trường toàn cầu thuộc MUFG Bank, Tokyo – lý giải: “Một phương án hiệu quả hơn dành cho Trung Quốc là cho phép đồng Nhân dân tệ (NDT) hạ giá so với đồng đôla Mỹ để bù lại tác động tiêu cực từ thuế quan, nhằm giúp các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn còn tính cạnh tranh trong thị trường Mỹ.
Mỹ nhiều lần yêu cầu Trung Quốc hạn chế hành động định giá quá thấp đồng NDT. Tổng thống Trump còn cáo buộc Bắc Kinh cố tình thao túng tiền tệ để vượt mặt các nhà sản xuất Mỹ. Nếu chính sách thuế quan của Mỹ không thay đổi, Chính phủ Trung Quốc có thể phớt lờ các yêu cầu của Washington trong tương lai”.
“Nếu không đạt được thỏa thuận ổn định tiền tệ, thì đây chắc chắn là một cách chuẩn bị Trung Quốc có thể dùng để đối phó với tình huống leo thang thuế quan nghiêm trọng”, nhà phân tích Tan cho biết.