Thursday, November 21, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTài nguyên BiểnTrung Quốc chạy đua giành tài nguyên Bắc Cực

Trung Quốc chạy đua giành tài nguyên Bắc Cực

BienDong.Net: Từ đầu thập niên 2000, Bắc Kinh đã tỏ rõ tham vọng của mình đối với Bắc cực và Nam cực, và đã thành lập cơ quan đặc biệt về các vấn đề vùng cực để tiến hành các chương trình nghiên cứu khoa học tại hai vùng này.

Mùa hè năm 2004 tại Spitsbergen ở Bắc Cực, Trung Quốc khai trương trạm nghiên cứu khoa học đầu tiên trên diện tích 500 m2 với 4 phòng thí nghiệm, đủ chỗ cho 20-25 người làm việc.

 

Đến năm 2009 Trung Quốc lại  thành lập Trung tâm nghiên cứu khoa học vùng cực trên cơ sở cơ quan chuyên trách trước đó với số nhân lực 230 người.

Một chuyên gia Trung Quốc từ Đại học Hàng hải Đại Liên tuyên bố: “Người nào nắm được con đường đến Bắc cực, người đó sẽ điều khiển được hướng đi mới của nền kinh tế thế giới”.

Điều này này cũng dễ hiểu, bởi ngoài triển vọng mở ra một con đường biển ngắn nhất từ Tây Âu sang Thái Bình Dương một khi băng tan trên Bắc Băng Dương, Bắc cực còn ẩn chứa cả một kho khoáng sản khổng lồ từ dầu lửa, than, đồng, niken, chì, kẽm, titan đến vàng, bạc, kim cương, và những nguồn năng lượng chiến lược khác.

Gấu Bắc cực là động vật ăn thịt lớn nhất trên cạn. Ảnh: fws.gov.

Trung Quốc hiện là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới và việc quốc gia này có tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng kinh tế cao hay không sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tài nguyên ở Bắc cực và Nam cực.

Theo dự báo của các nhà khoa học, vào mùa hè năm 2013 hoặc 2015, con đường biển phương Bắc sẽ được mở, và đến năm 2030 thì tuyến đường biển xuyên Bắc Băng Dương sẽ khai thông hoàn toàn.

Đến năm 2013, Trung Quốc sẽ tiến hành 3 chuyến thám hiểm tới Bắc cực, trong đó chuyến gần nhất sẽ thực hiện vào tháng 7/2012.

Hiện tại Trung Quốc sở hữu tàu phá băng “Rồng tuyết”. Năm 2013 quốc gia này sẽ bắt tay vào chế tạo tàu phá băng mới, có khả năng vượt qua tảng băng dày đến 4,5m. Đến năm 2015 Trung Quốc hy vọng có một hạm đội tàu phá băng hoạt động ở những khu vực thuộc Nam cực và Bắc cực.

Các phương tiện thông tin đại chúng cho biết Bắc Kinh đã lên kế hoạch lợi dụng cuộc khủng hoảng Châu Âu và mua một phần lãnh thổ của Iceland. Cùng lúc, Trung Quốc phát triển mối quan hệ với Na Uy và Đan Mạch, những nước có chân trong Hội đồng Bắc Cực nhưng đang khát khao nguồn vốn của Trung Quốc.

Có lẽ vì lý do này mà đại sứ Đan Mạch Friis Arne Peterson ngày 27/10 đã tuyên bố với một nhóm nhà báo ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc có “lợi ích kinh tế và khoa học tự nhiên và hợp pháp ở Bắc Cực” cho dù nước này không có bờ biển giáp với Bắc Băng Dương.

Theo ông đại sứ, chính phủ Đan Mạch mong muốn Trung Quốc được hưởng quy chế Quan sát viên thường trực tại Hội đồng Bắc Cực hiện gồm tám thành viên Canada, Nga, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Iceland, Thụy Điển và Mỹ. Trung Quốc đã nộp đơn xin làm quan sát viên từ lâu và đại sứ Friis Arne Peterson cho rằng các thành viên khác trong Hội đồng Bắc cực cũng có chung quan điểm như Đan Mạch.

 

Tuyên bố của đại sứ Đan Mạch đã bị phê phán. Theo báo Vancouver Sun, giới học giả và chuyên gia phân tích về Bắc Cực cho rằng tuyên bố trên là rất đáng ngờ. Không ít người cho rằng đại sứ Friis Arne Peterson không chỉ cố khai thác vai trò của Đan Mạch trong Hội đồng Bắc Cực, mà còn tìm cách tranh thủ nguồn đầu tư của Trung Quốc để giúp Đan Mạch khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Greenland rộng lớn hoang sơ.

Theo giới quan sát, tuyên bố của đại sứ Đan Mạch cũng phản ánh sự quan tâm của Trung Quốc trong việc tìm cách giành quyền khai thác tài nguyên vùng Bắc Cực, cũng như tăng cường ảnh hưởng địa chính trị.

Ông David Bercuson – một nhà sử học tại Đại học Calgary và chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Học viện Quốc phòng và Ngoại giao Canada – lo ngại rằng Trung Quốc không để cho Canada, Nga và Mỹ “chia chác với nhau” thao túng toàn bộ khu vực Bắc Cực.

Ngay từ năm 2010, giáo sư lịch sử David Wright của  Đại học Calgary đã viết : “Vùng Bắc Cực thuộc Canada có tất cả những gì mà Trung Quốc muốn: tài nguyên thiên nhiên và khả năng khai thông một tuyến đường vận chuyển hàng hải quan trọng mới”. Vị giáo sư này dự báo Bắc Kinh “sẽ trở nên quyết đoán và cứng rắn hơn trong vấn đề Bắc Cực”, đặc biệt khi xem xét các đòi hỏi chủ quyền của các nước thành viên trong Hội đồng Bắc Cực.

Theo ông, Trung Quốc muốn Bắc Cực – với các tuyến hàng hải đi qua đó, cũng như nguồn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên, khoáng sản và nguồn cá – phải mang quy chế lãnh thổ quốc tế hoặc “di sản chung của nhân loại”.

Tuy nhiên, nhật báo The Vancouver Sun dẫn lời giới phân tích cho rằng Trung Quốc cần phải cẩn thận trong việc khẳng định các đòi hỏi ở Bắc Băng Dương bởi vì …quan điểm “quốc tế hóa” Bắc Băng Dương có thể quật ngược lại lập luận của Bắc Kinh liên quan đến các nơi khác như ở Biển Đông.

Thăng Long ( theo RFI và Đất Việt)

RELATED ARTICLES

Tin mới