Sunday, September 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNhìn lại 70 năm TQ cưỡng chiếm và hợp pháp hóa “chủ...

Nhìn lại 70 năm TQ cưỡng chiếm và hợp pháp hóa “chủ quyền” ở Biển Đông như thế nào?

Biển Đông là biển nửa kín tiếp giáp với bờ biển của 10 nước và vùng lãnh thổ trong khu vực bao gồm Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Campuchia, ThaiLan, Xingapore, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines nhưng lại có nhiều đường hàng hải thông ra Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương nên các nước liên quan cùng đồng thuận rằng mình có các vùng biển theo “Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982” thì có lẽ đây sẽ là vùng biển bình yên và sầm uất nhất của thế giới do giá trị địa kinh tế, địa chiến lược của nó. Song thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Trong số các quốc gia tuyên bố chủ quyền, Trung Quốc đòi “chủ quyền” hầu như toàn bộ đối với Biển Đông, gây tranh chấp với tất cả các bên còn lại bằng cách triển khai các hoạt động cưỡng chiếm và hợp pháp hóa “chủ quyền” đó.

Ngay sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập năm 1949, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tuyên bố: “Tây Sa, Nam Sa là của Trung Quốc, bất cứ sự thách thức nào đối với chủ quyền Trung Quốc sẽ bị đánh trả thích đáng… Còn việc Trung Quốc khi nào lấy lại Nam Sa thì đợi đến khi thời cơ chín muồi…”. Trung Quốc viện dẫn “chứng cứ lịch sử” để chứng minh sự có mặt của họ ở Biển Đông từ lâu đời, bằng cách đưa ra các vết tích do cư dân Trung Quốc đời Minh, Thanh để lại và luôn lập luận Biển Đông là “ngư trường truyền thống” hoặc là “bãi cá cổ truyền” của ngư dân Trung Quốc. Trung Quốc còn khoe rằng, ngay từ thời nhà Minh, Trịnh Hòa (1371 – 1434) đã 7 lần thám hiểm đại dương trong vòng 28 năm (1405 – 1433) và đã đi qua các nước Đông Nam Á, sang Ấn Độ, châu Phi… trong đó có đi qua và xác lập “chủ quyền” đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

Tháng 4/1956, lợi dụng Pháp rút khỏi Đông Dương, Việt Nam chưa tiếp quản lại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Trung Quốc cho quân đội ra chiếm nhóm đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa; Đài Loan cho quân ra chiếm đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Tháng 01/1974, lợi dụng việc Mỹ rút khỏi chiến tranh Việt Nam, quân ngụy Sài Gòn mất chỗ dựa, Trung Quốc bất ngờ đánh chiếm nhóm đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa do chính quyền Việt Nam Cộng hòa kiểm soát, hoàn thành việc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Từ đây, Trung Quốc bắt đầu tìm cách hợp pháp hóa “chủ quyền” ở Biển Đông và nhòm ngó quần đảo Trường Sa.

Tháng 3/1978, tại hội nghị Hành chính thế giới về viễn thông của Cơ quan Lưu động hàng không họp tại Giơ-ne-vơ, theo đòi hỏi của Trung Quốc, hội nghị đã cho phép Trung Quốc độc quyền phát một số tần số trên vùng 6G (gồm toàn bộ Biển Đông, trong đó có cả Hoàng Sa, Trường Sa). Tháng 7/1979, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc đã công bố 4 vùng nguy hiểm ở khu vực giữa đảo Hải Nam với quần đảo Hoàng Sa, buộc các hãng hàng không quốc tế phải thương lượng với Trung Quốc về “chủ quyền”. Tháng 4/1982, Ủy ban Địa danh Trung Quốc cho công bố 287 địa danh tiêu chuẩn, trong đó có một số địa danh đảo, quần đảo ở Biển Đông. Đồng thời, Trung Quốc đã sử dụng máy bay tiến hành các hoạt động nghiên cứu, thăm dò sâu xuống khu vực Trường Sa để chuẩn bị cho các hoạt động quân sự sau này.

Cuối tháng 11/1987, Trung Quốc thông qua hệ thống truyền thông đại chúng liên tục tố cáo Việt Nam đưa thêm quân, mở rộng phạm vi kiểm soát và diễn tập quân sự trong khu vực thuộc “chủ quyền” của Trung Quốc. Ngày 15/04/1987, Bộ ngoại giao Trung Quốc chính thức phản đối Việt Nam “chiếm đóng” các đảo ở Trường Sa và tuyên bố “…Chính phủ Trung Quốc giữ quyền lấy lại các đảo này vào lúc thích hợp”. Liên tục từ tháng 4/1987 đến tháng 2/1988, Trung Quốc dấy lên chiến dịch tranh cãi chủ quyền quần đảo Trường Sa với Việt Nam nhằm tạo cớ và dư luận để đến ngày 14/03/1988, họ dùng lực lượng hải quân lần lượt đánh chiếm các đảo, bãi đá Châu Viên, Chữ Thập, Gạc Ma, Xu Bi, Ga Ven, Huy Gơ thuộc quần đảo Trường Sa.

Năm 1989, Trung Quốc cho xuất bản “Sổ tay nghĩa vụ quốc phòng công dân”, trong đó xác định vùng biển của Trung Quốc có diện tích hơn 3 triệu km2 gồm vùng nội thủy, lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế. Trước đó, năm 1988, họ đã tách đảo Hải Nam ra khỏi tỉnh Quảng Đông thành tỉnh riêng và xây dựng đặc khu kinh tế để chuẩn bị cho việc sáp nhập các vùng biển, quần đảo ở Biển Đông vào tỉnh này. Tháng 3/1992, tại kỳ họp Quốc hội thứ 5 khóa VII, Trung Quốc đã thông qua luật “Lãnh hải và các vùng tiếp giáp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” nhằm tạo điều kiện cho Trung Quốc thực hiện “chủ quyền” đối với vùng lãnh hải và quyền kiểm soát đối với vùng nước phụ cận. Trung Quốc xác định lãnh thổ bao gồm: Đất liền, hải đảo ngoài khơi, Đài Loan và một số quần đảo đã được xác định, trong đó có Đông Sa, Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa). Tháng 7/1992, Trung Quốc chiếm thêm đảo Én Đất nhưng không bố trí lực lượng thường xuyên trên đảo. Tháng 3/1995, tại kỳ họp Quốc hội thứ 3 khóa VIII, Trung Quốc lại bổ sung luật “Lãnh hải và các vùng tiếp giáp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, xác định vùng lãnh hải cụ thể của Trung Quốc là 12 hải lý, đối với khu vực Hoàng Sa, Trường Sa coi đó là “vùng giải quyết biệt lệ”.

Đầu năm 1995, Trung Quốc liên tục cử các đoàn đi kiểm tra và làm công tác chuẩn bị để mở rộng phạm vi chiếm đóng đảo Vành Khăn. Họ dựng bia “Bảo vệ nam cương, xây dựng Nam Sa” và 15 bia “chủ quyền”; bí mật cho đội tàu hỗn hợp xuống triển khai xây dựng các công trình trên đảo Vành Khăn phía đông bắc quần đảo Trường Sa, khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Bằng việc chiếm đóng đảo này, Trung Quốc đã hoàn thành việc tạo thế đứng xen kẽ của họ ở Trường Sa, hình thành hệ thống đảo liên hoàn từ bắc xuống nam, từ tây sang đông tại Trường Sa. Đây là điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc thực hiện chiến lược kiểm soát toàn diện đối với Biển Đông.

Những năm cuối thập kỷ 90 thế kỷ 20, tình hình quốc tế có thay đổi, Mỹ đẩy mạnh tuyên truyền “Thuyết đe dọa từ Trung Quốc”, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) quan tâm hơn vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, khiến Trung Quốc phải thay đổi biện pháp đòi hỏi và hợp pháp hóa “chủ quyền” đối với Biển Đông bằng việc hạn chế hành động quân sự, tránh xung đột trực tiếp mà đẩy mạnh các biện pháp như ngoại giao, pháp lý,…

Ngày 15/05/1996, cùng với việc phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 về luật biển, Quốc hội Trung Quốc ra tuyên bố, trong đó khẳng định điều 2 của luật “Lãnh hải và các vùng tiếp giáp của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, đồng thời ra tuyên bố về đường cơ sở với 3 điểm đáng chú ý là: 1/ Đường cơ sở phân lãnh hải, tiếp giáp với lục địa Trung Quốc gồm 49 điểm, bắt đầu từ mũi nam của bán đảo Sơn Đông đến bãi đá Tuấn Bích phía tây đảo Hải Nam; 2/ Đường cơ sở tiếp giáp với quần đảo Hoàng Sa gồm 28 điểm, nối liền các điểm nhô ra nhất của các đảo, đá; 3/ Các đường cơ sở còn lại của lãnh hải nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ được thông báo vào một thời gian khác. Rõ ràng điểm 2 của tuyên bố đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam và điểm 3 có thể hiểu là sự “để ngỏ” của Trung Quốc giành cho khu vực quần đảo Trường Sa và một số đảo tranh chấp với các nước khác.

Ngày 26/06/1998, kỳ họp thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa IX thông qua “Luật vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Luật này chủ yếu đề cập đến quyền, lợi ích và trình tự sử dụng vùng nước, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tại các điều 4, 8, 12 của luật này, khẳng định quyền được xây dựng và quản lý về hải quan, tài chính, y tế, xuất nhập cảnh… đối với “các đảo nhân tạo, công trình, kết cấu, tiến hành nghiên cứu khoa học tại khu vực đặc quyền kinh tế”.

Ngày 27/10/2001, kỳ họp thứ 24 Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc khóa IX thông qua “Luật quản lý và sử dụng vùng biển nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Luật gồm 8 chương, 54 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2002. Tuy trong luật không chỉ rõ phạm vi biển của Trung Quốc, nhưng trong hội thảo bàn về triển khai luật này của 7 bộ, ngành có liên quan đến biển tổ chức ngày 31/12/2001, họ thống nhất áp dụng luật trên diện tích 3 triệu km2 của Biển Đông.

Ngày 22/08/2002, Trung Quốc phân định chức năng vùng biển toàn quốc, trong đó phần chức năng chủ yếu của các vùng biển trọng điểm được phân ra thành 4 khu vực gồm Bột Hải, Hoàng Hải, Đông Hải và Nam Hải (Biển Đông) với 30 vùng chức năng. Riêng khu vực Biển Đông, Trung Quốc phân ra thành 10 vùng chức năng, trong đó có vùng biển quần đảo Hoàng Sa và vùng biển quần đảo Trường Sa với chức năng chủ yếu là khai thác tài nguyên nghề cá, du lịch và bảo vệ biển. Tháng 11/2002, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN-8 tổ chức tại PhnômPênh, Campuchia, Trung Quốc đã ký với ASEAN “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông – DOC” nhưng họ chỉ thừa nhận tuyên bố này có ý nghĩa về chính trị chứ không ràng buộc về pháp lý.

Năm 2003, Trung Quốc cho xây dựng một loạt công trình ở Hoàng Sa như “Rừng tướng quân”, “Bia kỷ niệm công trình Nam Hải”, “Bảo tàng biển”… mà theo như họ nói là để “giáo dục chủ nghĩa yêu nước, kích thích nhiệt tình yêu nước của quần chúng”. Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm quốc khánh Trung Quốc lần thứ 55, họ phát hành bộ tem bưu chính đặc biệt với tên gọi “chúc mừng phong cảnh biên thùy tổ quốc”, trong đó có các con tem “đảo bãi Tây Sa” nhằm phổ biến “chủ quyền” của họ đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Đồng thời, tổ chức lễ khởi quay bộ phim truyền hình nhiều tập mang tên “Bảy lần Trịnh Hòa xuống Tây Dương” cũng nhằm tuyên truyền “chủ quyền” đối với Biển Đông. Cũng trong năm này, Trung Quốc thành lập “Viện nghiên cứu chiến lược Nam Hải” với chức năng chủ yếu nghiên cứu về địa lý Biển Đông, lịch sử và chủ quyền các đảo, bãi ở Biển Đông; chính sách và xung đột quân sự, ngoại giao ở Biển Đông của các nước xung quanh Trung Quốc; Công ước luật biển quốc tế và sự phát triển của tình hình khu vực Biển Đông; sự phát triển và bảo hộ nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường Biển Đông…

Trung Quốc còn đưa “chủ quyền” Biển Đông vào sách giáo khoa để giảng dạy. Trong cuốn “bản đồ địa lý” lớp 8 tập 1, tái bản lần thứ 6 năm 2007, do Nhà xuất bản Giáo dục nhân dân xuất bản, tại chương 1, bài 1, giới thiệu về biên giới và đường biên giới, đã vẽ đường biên giới biển “đứt khúc chín đoạn” tại khu vực Biển Đông. Kèm theo bản đồ in thêm một số ô nhỏ thể hiện đường biên giới biển có đường chín khúc. Trong phần chú thích cũng nêu: Vị trí xa nhất của Trung Quốc về hướng Nam là đảo “ceng mu an sha” (đảo James Shoal nằm sát Malaysia).

Ngày 07/05/2009, đại diện Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã gửi công hàm cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc yêu cầu Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hợp Quốc (CLCS) không xem xét “dự án phân định ranh giới” của Việt Nam và Malaysia, kèm theo bản đồ với “đường yêu sách chín đoạn” của Trung Quốc. Đến tháng 12/2009, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua “Luật Bảo vệ hải đảo” gồm 6 chương, 58 điều. Nội dung luật có nêu: Trong vùng biển rộng 3 triệu km2 của Trung Quốc, có 6.900 đảo, mỗi đảo rộng trên 500 m2 và hơn 10.000 đảo có diện tích nhỏ hơn. Hai quần đảo là Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đều trắng trợn tuyên bố có “chủ quyền không thể chối cãi”.

Ngày 04/01/2010, Trung Quốc công bố xây dựng khu hành chính Hải Nam thành điểm đến hàng đầu cho khách du lịch quốc tế vào năm 2020. Khu hành chính Hải Nam bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa và các bãi san hô, bãi đá ngầm với diện tích khoảng 35.000 km2, diện tích mặt biển khoảng 2 triệu km2. Tiếp đó, ngày 21/06/2012, Quốc vụ viện Trung Quốc tuyên bố thành lập “Thành phố Tam Sa” thuộc tỉnh Hải Nam. Thành phố có trụ sở trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, đồng thời tiến hành các hoạt động liên quan như xây dựng chính quyền, cơ sở vật chất, thành lập đơn vị quân đội, ra mắt trang mạng… nhằm tiến thêm một bước trong việc hợp pháp hóa và hiện thực hóa “chủ quyền” theo “đường chín khúc” trên Biển Đông và thực hiện ý đồ “lấy Hoàng Sa làm đường cơ sở để vạch ra lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý” tại vùng biển này.

Trong các năm 2014 – 2016, chớp thời cơ bối cảnh quốc tế nổi lên tranh chấp quyết liệt ở Trung Đông và Đông Âu, thu hút sự chú ý của các nước lớn, Trung Quốc dốc toàn lực nhanh chóng bồi đắp mở rộng diện tích các bãi đá, bãi cạn đã cưỡng chiếm được ở Biển Đông. Kết quả là họ đã tôn tạo, bồi lấp mở rộng đảo Phú Lâm và đảo Tri Tôn tăng thêm diện tích đến gần 500 ha. Tại quần đảo Trường Sa, 7 thực thể chiếm đóng trái phép cũng được Trung Quốc tôn tạo, bồi lấp, đưa diện tích tăng lên đến khoảng gần 1.500 ha, gấp gần 700 lần so với trước đó. Hành động của Trung Quốc đưa họ tiến gần hơn tới hiện thực hóa “chủ quyền” vô lý đối với 80% diện tích Biển Đông.

Nhìn lại 70 năm qua, mới thấy các thế hệ cầm quyền ở Trung Quốc không lúc nào rời xa hay từ bỏ tham vọng “chủ quyền” hầu như toàn bộ đối với Biển Đông. Họ tìm đủ mọi biện pháp khi thì cương, lúc thì nhu, hôm nay mua chuộc, ngày mai đe dọa đối với các nước có tranh chấp liên quan hay cả cộng đồng khu vực, quốc tế để đạt tham vọng trên. Mặc dù vậy, không phải cứ điều gì họ muốn là được vì trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, vấn đề tồn vong, mất còn, hơn thiệt của các quốc gia, dân tộc đã đan cài chặt chẽ và phụ thuộc mật thiết vào nhau. Nhất là, Biển Đông hiện nay đã không còn là vùng biển của riêng một quốc gia nào, cũng không ảnh hưởng đến chỉ một quốc gia trên bất cứ phương diện nào. Vì thế, sẽ đến lúc Trung Quốc phải quay lại phối hợp với các quốc gia khác giải quyết vấn đề Biển Đông một cách bình đẳng và phù hợp nhất.

RELATED ARTICLES

Tin mới