Những phát hiện mới nhất khiến nhiều người tin rằng chiếc tàu quân sự của Đức Quốc xã chở hơn 300 tấn vàng bị mất tích vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai là hoàn toàn có thật. Chính phủ Ba Lan cam kết sẽ chia 10% số tài sản tìm được cho hai người thợ săn kho báu có công cung cấp thông tin vị trí chính xác của con tàu bí ẩn này.
Sau nhiều năm tìm kiếm trong vô vọng, những tưởng câu chuyện về đoàn tàu chở 300 tấn vàng mất tích năm 1945 tại vùng núi Oan-bơ-dích (Walbrzych) ở phía Nam Ba Lan sẽ mãi chỉ là một huyền thoại. Nhưng dư luận lại bất ngờ xôn xao khi chỉ cách đây ít ngày, hai thợ săn kho báu người Đức và Ba Lan thông báo rằng họ biết đích xác vị trí của đoàn tàu. Thông qua các luật sư, hai người này cũng tuyên bố chỉ tiết lộ địa điểm nếu như chính quyền Ba Lan bảo đảm rằng họ có được 10% tổng số tài sản tìm được.
Theo BBC, hiện chưa có tài liệu nào chứng tỏ sự tồn tại của đoàn tàu, nhưng trong khoảng năm 1943-1945, Đức Quốc xã đã bắt những tù nhân chiến tranh phải đào một hệ thống đường hầm dưới mặt đất dài hơn 9km gần Oan-bơ-dích, và các đường hầm này từng được sử dụng như những nhà máy dưới lòng đất. Một số đường hầm nay đã trở thành địa điểm thu hút rất đông khách du lịch.
Người ta đồn rằng con tàu này đã chở vàng từ thành phố Bre-xlau (Breslau) của Đức, nay là thành phố Rốc-lo (Wroclaw) thuộc lãnh thổ Ba Lan, vào những ngày cuối cùng của Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi ấy, chính quyền Bre-xlau đã gom hàng tấn vàng thoi từ người dân thành phố và gửi ở trụ sở cảnh sát địa phương. Số vàng này được chuyển lên một con tàu và được đưa xuống đường hầm, sau đó nó đã mất tích đầy bí ẩn và chưa bao giờ tới được điểm đến dự kiến là Oan-bơ-dích. Người dân địa phương nói rằng con tàu chở hơn 300 tấn vàng cùng vô số kim cương, đá quý, vũ khí và thiết bị công nghiệp, đã bị mất tích gần lâu đài Ksiaz, cách Oan-bơ-dích khoảng 3km.
Trên thực tế, suốt vài chục năm qua, các nhà thăm dò đã nỗ lực săn lùng con tàu này. Một số báo cáo cho rằng chính quyền Ba Lan cũng đã tìm kiếm tại khu vực Oan-bơ-dích từ những năm 1990 nhưng vẫn không hề có manh mối gì.
Theo lời Phó thị trưởng thành phố Oan-bơ-dích Dích-mun Nô-oa-xích (Zygmunt Nowaczyk), hiện vị trí của con tàu cũng như danh tính của hai thợ săn kho báu vẫn được giữ kín. Tuy nhiên Chính phủ Ba Lan khẳng định, nếu như con tàu này có thật thì hai người cung cấp thông tin sẽ nhận được 10% giá trị kho báu đúng như luật đã định.
Mới đây, Chính phủ Ba Lan cũng cho biết, họ đã có đủ bằng chứng thuyết phục để mở cuộc điều tra về chuyến tàu chở đầy vàng và kim cương nói trên. BBC dẫn lời Thứ trưởng Văn hóa Ba Lan Pi-ốt Du-chốp-xki (Piotr Zuchowski) nói rằng, những hình ảnh chụp bằng sóng ra-đa xuyên mặt đất cho thấy 99% khả năng chiếc tàu này đã bị chôn vùi gần khu vực thành phố Oan-bơ-dích.
Cũng theo ông Pi-ốt Du-chốp-xki, những chuyến tàu hỏa có vũ trang thời Chiến tranh thế giới thứ hai thường được dùng để chở những vật phẩm có giá trị, và những hình ảnh vừa chụp được cho thấy con tàu chở vàng nói trên cũng được trang bị cả súng đại bác. “Đó là một manh mối rất lớn”, Thứ trưởng Văn hóa Ba Lan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Pi-ốt Du-chốp-xki cũng khuyến cáo người dân và các thợ săn kho báu không nên mạo hiểm đi tìm số vàng cho đến khi có những thông báo chính thức: “Trên tàu có thể vẫn còn những chất độc từ thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Tôi kêu gọi mọi người hãy dừng mọi cuộc tìm kiếm cho tới khi những người có phận sự chính thức thông báo về sự tồn tại của con tàu. Rất có thể con tàu đã được gài mìn”.
Theo ông A-ca-đi-út Grút-di-en (Arkadiusz Grudzien), trợ lý của Thị trưởng thành phố Oan-bơ-dích, các thông tin từ hai thợ săn kho báu sẽ được chuyển cho Chính phủ Ba Lan và các bộ: Quốc phòng, Tài chính, Văn hóa… xem xét. “Chúng tôi khẳng định, nếu đoàn tàu thật sự ở nơi mà các thợ săn thông báo thì nó chắc chắn nằm ở khu vực Oan-bơ-dích. Chúng tôi tin rằng các bằng chứng đưa ra đã đủ thuyết phục để xem xét nghiêm túc”, ông A-ca-đi-út Grút-di-en nói.
Phó thị trưởng thành phố Oan-bơ-dích Dích-mun Nô-oa-xích cũng khẳng định, nếu tìm thấy con tàu thì toàn bộ số vàng sẽ thuộc sở hữu hợp pháp của Chính phủ Ba Lan.