Monday, November 25, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiIMF cảnh báo từ tình trạng giảm đà tăng trưởng của TQ

IMF cảnh báo từ tình trạng giảm đà tăng trưởng của TQ

Các nền kinh mới nổi trên thế giới cần duy trì khả năng phục hồi lớn hơn để đối phó với tình trạng giảm đà tăng trưởng của Trung Quốc.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã đưa ra cảnh báo như vậy đồng thời bà cho rằng con đường phía trước sẽ “rất gập ghềnh’.

Theo bà Lagarde, hiện các thị trường mới nổi từ Indonesia tới Brazil đang phải hứng chịu hậu quả từ tình trạng giảm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Bà Lagarde cũng thừa nhận rằng tốc độ tăng trưởng của khu vực này thấp hơn so với dự báo và nhiều khả năng sẽ còn thấp hơn nữa.

“Ngoài tình trạng giảm đà tăng trưởng của Trung Quốc, các nền kinh tế mới nổi còn đối mặt với tình trạng dòng vốn đổ vào ít hơn, lãi suất cao hơn và biến động tài chính nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng mức lãi suất trong năm nay” – truyền thông phương Tây dẫn lời bà Lagarde.

Kết quả khảo sát chính thức cho thấy, hoạt động chế tạo ở Trung Quốc trong tháng 8 giảm với tốc độ nhanh nhất trong ba năm.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong tháng 8 giảm từ mức 50 điểm trong tháng Bảy xuống 49,7 điểm, dưới 50 điểm (ngưỡng phân định chiều hướng tăng trưởng và suy giảm) và là thấp nhất kể từ tháng 8/2012.

Cũng liên quan đến kinh tế Trung Quốc, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia của Việt Nam cũng vừa đưa ra cảnh báo sau sự kiện phá giá đồng Nhân dân tệ của nước này.

Theo đó cơ quan này khuyến cáo Việt Nam chưa nên có những điều chỉnh chính sách lớn và điều chỉnh kế hoạch kinh tế – xã hội.

“Cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến sức khỏe của kinh tế Trung Quốc cũng như chính sách kinh tế, chính sách tiền tệ của Trung Quốc để có phản ứng chính sách thích hợp”, UBGSTCQG cho biết.

Lý giải thêm về khuyến cáo này, UBGSTCQG cho rằng: nếu phần lớn các nhà kinh doanh, đầu tư có cùng cảm nhận và phản ứng cùng chiều thì sẽ tạo thành một lực cung – cầu rất lớn, có thể vượt ra ngoài sự kiểm soát của các chính phủ.

Vì vậy UBTCNSQG khuyến nghị: “cùng với việc theo dõi sức khỏe của kinh tế thế giới cần theo dõi hàng ngày diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, hàng hóa thế giới. Mặt khác, các cơ quan hoạch định chính sách cần xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó để tránh thụ động”.

RELATED ARTICLES

Tin mới