Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTại sao TQ thực hiện hành động vi phạm vùng biển của...

Tại sao TQ thực hiện hành động vi phạm vùng biển của Việt Nam?

Năm nay, quan hệ song phương Việt – Trung dường như đã hồi phục sau cuộc khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981 hồi năm 2014, thể hiện qua việc 2 nước đã tổ chức chương trình giao lưu hữu nghị biên giới và cho lực lượng cảnh sát biển tiến hành tuần tra chung ở vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra, 2 tàu chiến của Hải quân Việt Nam đã đến Trung Quốc dự kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải quân nước này. Gần đây, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã sang thăm Trung Quốc. Thế nhưng, gần tháng qua, tàu khảo sát địa chất HD8 đi cùng với nhiều tàu hải cảnh, tàu cá của Trung Quốc đã tiến hành hoạt động khảo sát địa chất khu vực nằm hoàn toàn trong thềm lục địa của Việt Nam. Hành động này vi phạm luật pháp quốc tế vì nó được tiến hành mà không có sự cho phép trước của Chính phủ Việt Nam. Nó làm dấy lên nhiều câu hỏi, vì sao Bắc Kinh có những hành động như vậy?

Đòi hỏi thái quá của Trung Quốc

Trước hết, phân tích các yếu tố nội bộ của Trung Quốc. Chính sách của Bắc Kinh đối với Biển Đông là một sản phẩm của siêu chủ nghĩa dân tộc. Trung Quốc đòi có chủ quyền không thể chối cãi đối với biển Đông. Các yêu sách về quyền lịch sử đã góp phần hình thành bản đồ đường 9 đoạn (đường lưỡi bò), theo đó tuyên bố chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông.

Thông qua các chiến dịch giáo dục lòng ái quốc do nhà nước bảo trợ, nhiều người dân Trung Quốc đã tin vào những yêu sách thái quá đó đối với Biển Đông. Nhiều tổ chức quốc gia và tỉnh – thành của Trung Quốc thuận theo quan điểm trên. Điều này đã dẫn đến hoạt động lobby (vận động hành lang) rất dữ dội của các hội, đoàn trong nước nhằm đòi hỏi quyền lợi riêng cho mình dưới chiêu bài quyền lịch sử. Những nhóm lợi ích này bao gồm các cộng đồng đánh cá biển sâu, dân quân hàng hải, chính quyền địa phương và tỉnh – thành, các công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước, các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải ở tất cả các cấp, trong đó có Cảnh sát biển Trung Quốc và Hải quân.

Ba năm trước, Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế xem xét vụ Philippines kiện Trung Quốc đã phán quyết rằng yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đối với Biển Đông không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã phản ứng giận dữ, lên án Tòa Trọng tài Thường trực và gây áp lực chính trị mạnh mẽ để các nước Đông Nam Á phớt lờ phán quyết này. Sau đó họ đã thúc ép các thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hoàn tất đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Vào tháng 8-2018, Trung Quốc và các thành viên ASEAN đã nhất trí về một văn bản dự thảo duy nhất đàm phán về COC. Theo đề xuất của Trung Quốc, việc hợp tác về kinh tế biển sẽ được thực hiện bởi các quốc gia duyên hải và “không nên diễn ra với sự hợp tác của công ty từ các nước bên ngoài khu vực”. Nói cách khác, Bắc Kinh muốn có được quyền bá chủ trên Biển Đông bằng cách ép Việt Nam, Malaysia, Philippines và các nước khác chỉ liên doanh với các công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc.

Từ đó, hành động tiếp theo là Cục Khảo sát Địa chất Trung Quốc đã cử tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) thực hiện khảo sát địa chất tại các lô dầu khí được Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc công bố cách đây 7 năm. 

Việt Nam cần cộng đồng quốc tế hỗ trợ

Tiếp theo, phân tích các yếu tố chiến lược bên ngoài tác động tới hành vi của Bắc Kinh.

Cuộc đối đầu ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ cho thấy Bắc Kinh ngày càng mạnh bạo trong những vấn đề liên quan đến Philippines, Việt Nam và Malaysia. Sự cạnh tranh chiến lược này vượt ra ngoài cuộc chiến thuế quan (Mỹ – Trung) hiện nay.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Hải quân Mỹ đã gia tăng số lượng chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOPS) ở biển Đông, trong đó có cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (đến nay đã thực hiện 13 lần). Mỹ cũng tiến hành các cuộc tuần tra của máy bay ném bom chiến lược B-52 và máy bay ném bom tàng hình từ bang Nebraska ở lục địa Mỹ, đảo Guam, đảo Diego Garcia cũng như tiếp tục các cuộc tuần tra hàng hải ở Biển Đông. Trung Quốc xem các động thái này của Mỹ là khiêu khích. Mỹ cũng bắt đầu định hình môi trường chiến lược sau khi công bố Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trung Quốc được xác định rõ ràng là đối thủ chính và chiến lược của Mỹ.

Mỹ đã bắt đầu tiến hành tập trận hải quân với các đồng minh ở Biển Đông. Chính quyền ông Trump đã phê chuẩn thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bảo đảm rõ ràng với Philippines rằng Hiệp ước Phòng thủ chung – được hai nước ký năm 1951 và có đề cập đến Thái Bình Dương – cũng được áp dụng cho cả Biển Đông. Một đô đốc Mỹ thậm chí còn tuyên bố rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của lực lượng dân quân hàng hải Trung Quốc sẽ bị xem là một cuộc tấn công quân sự vũ trang.

Washington đã xem Việt Nam là đối tác chiến lược tiềm năng trong Chiến lược an ninh quốc gia, Chiến lược quốc phòng quốc gia và gần đây nhất là Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ.

Trung Quốc đang đáp trả bằng cách gây áp lực chính trị, ngoại giao và cấp thấp (dưới dạng các sự cố “vùng xám”) đối với các quốc gia trong khu vực nhằm cản trở Mỹ nỗ lực định hình lại môi trường khu vực trong lúc tăng cường đối phó Mỹ bằng cách phóng tên lửa đạn đạo chống hạm vào Biển Đông.

Hôm 17-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này”. Việc gắn kết giải pháp cho cuộc đối đầu ở bãi Tư Chính với sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế là bước đi đúng đắn của Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới