Tuesday, May 21, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNên có “diệu pháp” cải hoán tư duy của lãnh đạo TQ...

Nên có “diệu pháp” cải hoán tư duy của lãnh đạo TQ trong giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Để giải quyết được vấn đề từ gốc rễ thì có lẽ, cộng đồng các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế, trong ứng xử với Trung Quốc nên chăng cần hợp sức với nhau đưa ra “diệu pháp” nào đó để cải hoán tư duy trên của lãnh đạo Trung Quốc thì may ra Biển Đông mới có thể là biển thái bình của Thái Bình Dương.

Liên tiếp trong các ngày 06 và 07/08/2019, hải quân Trung Quốc lại tung ra lệnh cấm biển để tổ chức diễn tập quân sự ở vùng biển phía đông nam quần đảo Hoàng Sa. Hoạt động trên diễn ra đúng một tuần sau Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 52 (AMM52) vừa diễn ra ở Bangkok, Thailand và nó như một câu trả lời đối với tất cả các thành viên dự hội nghị này liên quan đến những bày tỏ của họ trong Thông cáo chung của hội nghị thể hiện “lo ngại về việc cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”. Mặc dù Thông cáo chung đã không có một từ nào đả động đến Trung Quốc nhưng ai cũng hiểu rằng kẻ khiến người ta “lo ngại” chính là Trung Quốc. Bản thân Trung Quốc cũng hiểu điều đó và thế là, sau khi đoàn của Bộ trưởng ngoại giao Vương Nghị tham dự hội nghị trên trở về, sau khi vấp phải sự lên án và không đồng tình của các nước trong và ngoài khu vực về những hành động vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông, Trung Quốc không những không lùi lại mà còn thách thức, đáp trả công luận bằng hành vi “diễu võ giương oai” trên biển. Thực ra, cách làm này của Trung Quốc không có gì mới, bởi họ từ lâu đã toan tính việc dùng sức mạnh quân sự để hậu thuẫn cho ý đồ khống chế Biển Đông.

Còn nhớ, ngay từ năm 1951, sau khi lần đầu tiên chính thức đưa ra đòi hỏi “chủ quyền” đối với Biển Đông, đơn phương vạch đường biên giới trên biển này với tổng diện tích trên 3 triệu km2, trong đó bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, lãnh đạo Trung Quốc khi đó đã khẳng định: “…nếu không có hải quân lớn mạnh làm hậu thuẫn thì hoạt động kinh tế biển sẽ bị uy hiếp, đấu tranh đối ngoại sẽ mềm yếu, điều tra nghiên cứu khoa học hải dương không được đảm bảo, luật biển khó có thể thực hiện được, bảo vệ quyền lợi biển chỉ là lời nói suông…” và kêu gọi xây dựng một lực lượng hải quân lớn mạnh để đảm bảo “thu hồi lãnh thổ”, đồng thời có khả năng “đẩy” chiến trường của cuộc chiến tranh tương lai “ra xa lãnh thổ Trung Quốc” bằng cách ra ngoài biển. Từ đó đến nay, họ ra sức đầu tư xây dựng tiềm lực cho hải quân cả về phát triển lực lượng, nghệ thuật quân sự cũng như trang bị vũ khí.

Đầu tiên là họ đẩy mạnh điều chỉnh chiến lược hải quân, chuyển lực lượng này từ “phòng ngự bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải” sang “phòng ngự tích cực bảo vệ quyền lợi đại dương” hay “phòng ngự tích cực biển khơi”, từ thế “phòng thủ” sang thế “tấn công”. Nội dung cơ bản của chiến lược “phòng ngự tích cực biển khơi” là xây dựng lực lượng hải quân với 3 mục tiêu chính:

Một là tác chiến ngoài khơi: Lực lượng hải quân Trung Quốc phải có khả năng thực hiện tác chiến độc lập trên biển, kiểm soát toàn bộ lãnh hải của Trung Quốc, thống nhất Đài Loan.

Hai là phục vụ chiến lược biển: Bảo vệ các nguồn lợi kinh tế và hoạt động của các lực lượng khác trên biển, hỗ trợ phòng thủ quốc gia.

Ba là hiện đại hóa lực lượng: Hiện đại hóa trang bị và vũ khí hải quân theo hướng giảm lực lượng chiến đấu thủy lôi, tăng dần lực lượng chiến đấu mặt nước, tập trung vào các tàu khu trục mang tên lửa, tăng tàu ngầm tiến công loại hiện đại để thay thế các loại tàu ngầm cũ, nhanh chóng nghiên cứu, tự chế tạo tàu sân bay.

Hải quân Trung Quốc vạch ra 3 khu vực phòng ngự gồm:

Khu vực “phòng ngự tập trung”: Là khu vực biển kéo dài từ bờ ra xa 150 hải lý (278km). Trong khu vực này, chủ yếu dùng xuồng cao tốc, tàu pháo và tàu tên lửa kết hợp với tên lửa bờ đối hạm để tác chiến.

Khu vực “phòng ngự lớp giữa” hay còn gọi là “khu cơ động gần bờ”: Trong phạm vi 150 – 300 hải lý (278 – 556km), dùng tàu hộ vệ đa năng và tàu hộ vệ tên lửa, các loại tàu cỡ lớn tập trung binh lực đánh trả tàu đối phương.

Khu vực “tác chiến lớp ngoài”: Từ eo biển Triều Tiên ở phía bắc đến quần đảo Ô-ki-na-oa của Nhật Bản ở phía đông, đến quần đảo Trường Sa ở phía nam, chủ yếu dùng các loại tàu ngầm, máy bay ném bom, máy bay tiêm kích thực hành tác chiến trên biển, trên không, dưới nước.

Với 3 lớp tác chiến tổng thể như trên, Trung Quốc hi vọng sẽ giành được quyền chủ động trên biển.

Năm 2003, trên cơ sở nền kinh tế phát triển nhanh, quốc phòng, an ninh được củng cố, tiềm lực tổng hợp quốc gia không ngừng tăng lên, họ lại đề ra “chiến lược kiểm soát biển ba bước” được mệnh danh bằng cái tên mỹ miều là “chiến lược chuỗi ngọc trai”, chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Khống chế trực tiếp vành đai đảo thứ nhất, trong phạm vi từ bờ ra khoảng 500 – 600 hải lý gồm Hoàng Hải, Đông Hải, Nam Hải (Biển Đông)…mà Trung Quốc tuyên bố “chủ quyền”;

Giai đoạn 2: Đến năm 2020, mở rộng kiểm soát ra phạm vi 1500 hải lý;

Giai đoạn 3: Đến năm 2050, sẽ mở rộng phạm vi kiểm soát ra toàn bộ các vùng biển của thế giới.

Sau khi hoàn thành mục tiêu giai đoạn 3, Trung Quốc sẽ trở thành “cường quốc đại dương” và cũng chính thức là một “siêu cường” cạnh tranh ngang ngửa với các “siêu cường” khác trên các lục địa và đại dương. Vì thế, báo cáo của Chính phủ Trung Quốc tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 11 của nước này có đoạn nhấn mạnh: “Kiên trì phát triển quân đội theo hướng thông tin hóa kết hợp với cơ giới hóa. Lực lượng không quân và hải quân tiếp tục được xác định là đột phá trong quá trình hiện đại hóa…”. Thực chất là thuyết phục quốc hội nước này ủng hộ chiến lược 3 giai đoạn trên.

Những năm qua, Trung Quốc đã đầu tư rất lớn cho phát triển tiềm lực quân sự, tăng nhanh tốc độ hiện đại hóa quân đội, nhất là lực lượng hải quân, không quân và đặc biệt ưu tiên cho hướng Biển Đông. Ngân sách quốc phòng của nước này liên tục tăng ở mức trên 10% hàng năm. Theo đó, ngân sách quốc phòng năm 2005 mới là 33 tỷ USD, đến năm 2010 tăng lên mức 77,9 tỷ USD và đến năm 2015 đã là gần 130 tỷ USD, tính ra, cứ sau mỗi 5 năm, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lại tăng gần gấp đôi.

Trên hướng Biển Đông, Trung Quốc coi trọng việc nâng cao hơn nữa sức mạnh của Hạm đội Nam Hải và củng cố các tuyến phòng ngự biển phía nam nhằm uy hiếp các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và cạnh tranh với Mỹ về khả năng kiểm soát vùng biển này. Theo đó, Trung Quốc đã: 1/ Đẩy mạnh củng cố công trình quân sự trên đảo và quân cảng thuộc Hạm đội Nam Hải. Trong đó thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống sân bay lưỡng dụng và cơ bản hoàn thành xây dựng căn cứ tàu ngầm hạt nhân ở Tam Á – Ngọc Lâm trên đảo Hải Nam, nâng cấp sân bay và căn cứ hải quân trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa; tiến hành cải tạo, bồi đắp, mở rộng các đảo đá, bãi cạn ở Trường Sa để tạo điều kiện cho việc “quân sự hóa” các đảo này; tiếp tục nâng cấp căn cứ quân sự hỗn hợp trên đảo Chữ Thập và các đảo họ cưỡng chiếm được ở quần đảo Trường Sa. Ba căn cứ trên tạo thế “kiềng ba chân” khống chế toàn bộ khu vực trung tâm của Biển Đông và hành lang nhìn ra Thái Bình Dương. 2/ Xây dựng lực lượng phản ứng nhanh và đầu tư trang bị nhằm hiện đại hóa Hạm đội Nam Hải và trang bị cho lực lượng không quân các loại máy bay mới, có khả năng tiếp nhận nhiên liệu trên không (như máy bay Su-30MK2, Su-30MK3) và thế hệ tiêm kích bom (FBC-1A), nhằm mở rộng bán kính hoạt động tuần tra, tác chiến đến các đảo trên Biển Đông. Gần đây, hải quân Trung Quốc đã đưa vào biên chế máy bay chiến đấu đa năng J-11B cho lực lượng không quân Nam Hải, bố trí ở sân bay Lĩnh Thủy và Lạc Đông để tăng cường khả năng tác chiến. Hoàn thành việc mở rộng sân bay trên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa đáp ứng cho việc bố trí máy bay báo động sớm cỡ lớn loại “Không cảnh – 2000” cất hạ cánh. Xây dựng mới sân bay dã chiến ở đảo Chữ Thập, Vành Khăn thuộc Trường sa. 3/ Quy hoạch lại hệ thống chỉ huy tác chiến khu vực Biển Đông, thiết lập hệ thống chỉ huy 3 cấp (trong đó lập sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng tham mưu ở căn cứ Trạm Giang; thành lập phân khu quân sự “Tam Sa” trực thuộc quân khu tỉnh Hải Nam; lập Bộ chỉ huy mặt trận Trường Sa để thống nhất chỉ huy các lực lượng và đặt sở chỉ huy phía trước ở đảo Chữ Thập) và sử dụng Biển Đông làm địa điểm luân phiên diễn tập cho các biên đội tàu hải quân; đồng thời gia tăng các cuộc diễn tập phối hợp hiệp đồng ba binh chủng không quân – hải quân – lính thủy đánh bộ theo hạng mục tiến công đổ bộ đánh chiếm đảo.

Bên cạnh đó, hải quân Trung Quốc đã bước đầu hình thành hệ thống tác chiến cơ động, phòng ngự căn cứ, phản kích trên biển, đảo; thành lập lực lượng hậu cần trên biển để có thể đảm bảo cho các lực lượng tác chiến của hải quân hoạt động dài ngày hơn, phạm vi hoạt động mở rộng hơn. Về trang bị, Trung Quốc đã mua của Nga 4 tàu khu trục tên lửa hiện đại lớp Sovremenny, 12 tàu ngầm thông thường lớp Kilô; đã tự đóng được tàu ngầm hạt nhân tên lửa chiến lược lớp Hạ và tàu khu trục tên lửa thế hệ 3 có lượng giãn nước 7.000 tấn; cuối năm 2012, đã hạ thủy và đưa vào biên chế hải quân tàu sân bay tự đóng đầu tiên mang tên Liêu Ninh 16. Vì thế, sức mạnh của Hạm đội Nam Hải được tăng cường rõ rệt. Hạm đội này đã tổ chức ra các lữ đoàn tàu khu trục, lữ đoàn tàu vận tải – đổ bộ, các biên đội tàu săn ngầm, tàu ngư lôi, tàu hộ vệ…

Trung Quốc cũng coi trọng và đầu tư xây dựng, phát triển lực lượng không quân và lực lượng chiến lược nhằm hỗ trợ cho lực lượng hải quân và coi đây là lực lượng răn đe sự can thiệp của Mỹ khi Trung Quốc tiến hành “thống nhất” Đài Loan hoặc “thu hồi chủ quyền” Biển Đông bằng vũ lực.

Dựa vào các bước triển khai và sức mạnh trên biển được tăng cường như trên nên Trung Quốc ngày càng tỏ ra “hung hăng” hơn trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông với các nước. Hễ tình hình khu vực có vấn đề gì tác động đến lợi ích của Trung Quốc là họ lại đem lực lượng quân sự trên ra “khua chiêng, gõ mõ” trên Biển Đông để “ra oai”. Đơn cử như năm 2016, sau khi tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật biển (PCA) xử thua Trung Quốc trong vụ kiện của Philippines, họ liền tổ chức tập trận quân sự lớn trên Biển Đông… Đặc biệt, trên trường ngoại giao và pháp lý quốc tế, cứ đụng vào vấn đề chủ quyền trên Biển Đông là Trung Quốc lại đuối lý, thất thế, thậm chí bị cộng đồng các nước trong khu vực và trên thế giới lên án, cô lập. Lâm vào thế đường cùng, Trung Quốc lại quay về giở “bài cùn” là diễn tập quân sự, huấn luyện chiến đấu hay “cứu hộ cứu nạn” trên biển để “trả đũa”, thách thức.

Xem ra, tư duy “mạnh được, yếu thua” trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông với các nước vẫn ăn sâu “thâm căn cố đế” trong đầu óc giới lãnh đạo và tướng lĩnh Trung Quốc. Tư duy trên không những kích thích họ gia tăng hoạt động “quân sự hóa” Biển Đông để “không cho phép” kẻ nào vượt trội Trung Quốc ở đây, mà còn gián tiếp lôi cuốn các nước khác vào cuộc chạy đua vũ trang trên biển để tự bảo vệ mình. Với tư duy ấy, cho dù các nước trong khu vực và trên thế giới có muốn tìm giải pháp hòa bình nào đi nữa để thuyết phục, đàm phán, thương lượng với Trung quốc thì kết cục chắc cũng chỉ là vô vọng. Thiết nghĩ, để giải quyết được vấn đề từ gốc rễ thì có lẽ, cộng đồng các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế, trong ứng xử với Trung Quốc nên chăng cần hợp sức với nhau đưa ra “diệu pháp” nào đó để cải hoán tư duy trên của lãnh đạo Trung Quốc thì may ra Biển Đông mới có thể là biển thái bình của Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới