Wednesday, January 15, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMột số phản ứng liên quan Biển Đông được coi là cứng...

Một số phản ứng liên quan Biển Đông được coi là cứng rắn của Philippines đối với TQ thời gian gần đây

Sau hàng loạt những động thái thể hiện chính sách coi trọng phát triển quan hệ với Trung Quốc, trong đó điểm nhấn là việc hai bên thúc đẩy thỏa thuận khai thác dầu khí chung ở Biển Đông, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và một số chính giới của Manila lại có những tuyên bố, hành động được xem là cứng rắn nhằm vào Bắc Kinh.

1. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines: TQ âm mưu bá quyền trong vấn đề Biển Đông

Phát biểu khi tham dự các sự kiện bên lề Kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ hôm 24/9, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jnr cho rằng “Bắc Kinh tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử cho Biển Đông mà tất cả đều xoay quanh về cách Đông Nam Á và Trung Quốc cam kết với nhau và không ai khác. Một thỏa thuận như vậy sẽ ngầm công nhận quyền bá chủ của Trung Quốc. Nói một cách ngắn gọn, nó như một cuốn sổ tay hướng dẫn cách sống với kẻ bá chủ hoặc cách chăm sóc và cho rồng ăn trong phòng khách nhà bạn”. Đồng thời, ông Teodoro Locsin Jnr cũng nhấn mạnh mối quan hệ của Philippines với Mỹ. “Liên minh quân sự với Mỹ rất vững chắc, chúng tôi hy vọng không chỉ là lời nói mà còn bằng các cam kết vật chất. Chúng ta không thể thấy bất cứ hướng đi nào và một châu Á với bất cứ lời hứa tự do nào nếu thiếu đi sự giúp đỡ của quân đội Mỹ”, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines nhấn mạnh.

Tuyên bố của ông Locsin được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại Tổng thống Duterte đang ngày càng rời xa Mỹ và tiến gần tới Trung Quốc. Ông Duterte liên tục khẳng định không muốn đối đầu với Bắc Kinh vì tin rằng Manila sẽ không thể chống đỡ nếu gây chiến với Trung Quốc và thậm chí còn khẳng định sẵn sàng gác lại phán quyết Biển Đông để đổi lấy lợi ích kinh tế. Cùng với đó, ông thách thức Mỹ gửi tất cả các khí tài của họ tới Biển Đông để ngăn chặn hành động quân sự hóa của Bắc Kinh ở vùng biển tranh chấp. “Hãy để Mỹ tuyên chiến. Hãy để họ tập hợp tất cả vũ khí của họ trên Biển Đông. Nếu họ khai hỏa phát súng đầu tiên, tôi sẽ vui mừng làm theo. Hãy chiến đấu và xem ai sẽ bị dồn nén”, ông Duterte nói trong bài phát biểu đầu Tháng 7. Trong một tuyên bố khác, ông nhấn mạnh Mỹ là quốc gia duy nhất có đủ tiềm lực để ngăn chặn Trung Quốc nhưng Mỹ không bao giờ nhấc đến một ngón tay để ngăn chặn các hành vi gây hấn của Trung Quốc. Hồi đầu Tháng 9, Tổng thống Duterte nói rằng sẽ tạm gác sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 về vấn đề biển Đông. Phán quyết khi đó có lợi cho Philippines theo luật quốc tế và bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông sẵn sàng nhượng bộ Trung Quốc để tiến hành thăm dò dầu khí chung với Bắc Kinh trong khu vực.

2. Bộ Quốc phòng Philippines: Lần đầu tập trận tái chiếm đảo, ngụ ý đối phó với TQ

Trong một động thái quân sự bất ngờ, Thủy quân lục chiến Philippines đã tiến hành cuộc tập trận “lịch sử” ở vịnh Subic sát khu vực Biển Đông và sử dụng các phương tiện tấn công đổ bộ để thực hiện kịch bản chiếm lại đảo. Trong cuộc tập trận, Philippines đã sử dụng 8 phương tiện tấn công đổ bộ (AAV) mới.Cuộc tập trận được tổ chức tại một bãi biển đối diện Biển Đông, khu vực Trung Quốc đã xây dựng trái phép nhiều đảo nhân tạo và triển khai vũ khí tới đây, thậm chí chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines.Những chiếc AAV mới được sử dụng lần này là một trong số những hợp đồng quân sự lớn được ký dưới thời Tổng thống Benigno Aquino III của Philippines trước khi ông hết nhiệm kỳ vào năm 2016. Công ty Samsung Techwin của Hàn Quốc đã thắng thầu cung cấp 8 chiếc KAAV7A1 với tổng giá trị 2,42 tỉ peso (46,4 triệu USD). Bốn chiếc AAV đầu tiên được giao vào tháng 5, số còn lại được giao vào tháng 8. Mặc dù Philippines nói rằng cuộc tập trận không nhắm trực tiếp vào Trung Quốc, song động thái này rõ ràng là ngụ ý đối phó với những mối đe dọa từ Bắc Kinh vì thực chất, quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc xấu đi trong cuộc chạm trán ở bãi cạn Scarborough năm 2012, ông Aquino đã nâng cấp các vũ khí dùng trên bộ và trên biển vốn đã cũ kỹ của quân đội nước này.

Trung Quốc kiểm soát bãi cạn Scarborough từ năm 2012 sau vụ một tàu chiến Hải quân Philippines chặn đứng 8 tàu cá Trung Quốc bị nghi đánh bắt sò tai tượng và san hô trái phép. Sau đó, cuộc đối đầu kéo dài 2 tháng giữa Philippines và Trung Quốc diễn ra. Cuối cùng, Mỹ làm trung gian dàn xếp một thỏa thuận. Cả hai bên đồng ý rút khỏi bãi cạn Scarborough. Philippines rút tàu khỏi đây nhưng Trung Quốc vẫn ở lại và sau đó phong tỏa, giành quyền kiểm soát bãi cạn. Phán quyết Biển Đông được Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan đưa ra vào năm 2016 tuyên bố “đường lưỡi bò” bao gồm khu vực rộng 2 triệu km2 ở Biển Đông mà Trung Quốc tự vẽ ra là phi pháp. Phán quyết cũng xác nhận các quyền của Philippines với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý, gồm bãi cạn Scarborough. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã nhiều lần cho tàu ngăn cản, bao vây không cho tàu và ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough.

3. Tòa án Philippines: Tuyên bố chủ quyền của TQ ở Biển Đông là “tin giả của thế kỷ và sự lừa dối khủng khiếp đối với nhân loại”

Hôm 25/8, Phó chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio đã lên án tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là “tin giả của thế kỷ và sự lừa dối khủng khiếp đối với nhân loại”. Phó Chánh án Philippines cũng đã kêu gọi người dân nước mình và các nước Đông Nam Á đồng tâm hiệp lực đưa những thông tin xác thực tới thế giới và vạch trần những thông tin giả tạo, sai lệch của Trung Quốc về Biển Đông. “Chúng ta không thể trông chờ chính phủ Trung Quốc nói với người dân của họ rằng đó là lịch sử bịa đặt, chúng ta phải tự làm và điều này cần thời gian”, ông Carpio phát biểu tại một buổi nói chuyện tại Đại học Ateneo de Davao ngày 23/8. Tại buổi thuyết trình, Phó chánh án Carpio cũng đã đưa ra các bản đồ cổ và nghiên cứu do chính học giả Trung Quốc biên soạn cho thấy dưới thời nhà Thanh, lãnh thổ Trung Quốc có cực nam chỉ dừng lại tại đảo Hải Nam. Trong khi đó, triều Thanh (1644-1912) là thời kỳ chứng kiến sự bành trướng lãnh thổ lớn nhất của Trung Quốc. Những bản đồ được ông Carpio viện dẫn nằm trong số 170 bản đồ Philippines đưa ra tại Tòa trọng tài thường trực (PCA) và đã thắng vụ kiện vào năm 2016, khi PCA tuyên bố “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông là vô hiệu lực. Theo ông, lâu nay Trung Quốc đã thuyết phục người dân tin vào thứ thông tin ngụy tạo rằng nước này sở hữu 85% diện tích Biển Đông. “Đây là một kịch bản lịch sử do Trung Quốc dàn dựng lên và dạy cho tất cả công dân của mình…Và họ tin vào điều đó”, ông nói, đồng thời cáo buộc “đây là thứ lịch sử bịa đặt của thiên niên kỷ, tin giả của thế kỷ, sự lừa dối khủng khiếp đối với nhân loại”.

RELATED ARTICLES

Tin mới