Sunday, December 22, 2024
Trang chủBiển nóngMẫu tên lửa giúp Triều Tiên tấn công từ lòng biển

Mẫu tên lửa giúp Triều Tiên tấn công từ lòng biển

Tên lửa Pukguksong-3 phóng sáng 2/10 có tầm bắn khoảng 2.000 km, giúp Triều Tiên có thể tung đòn tấn công bí mật từ lòng biển.

“Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) loại mới Pukguksong-3 ở vùng biển ngoài khơi vịnh Wonsan sáng 2/10. Tên lửa đạn đạo được phóng theo chiều thẳng đứng”, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA hôm nay đưa tin.

Đây là vụ thử SLBM đầu tiên của Triều Tiên trong ba năm qua, cũng là lần đầu nước này phóng thử biến thể Pukguksong-3 kể từ khi nó được hé lộ trong ảnh chụp lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 8/2017.

Bình Nhưỡng không cho biết nền tảng phóng tên lửa trong đợt thử nghiệm sáng 2/10, nhưng quân đội Hàn Quốc nhận định quả đạn được khai hỏa từ một bệ phóng thử nghiệm dưới nước thay vì tàu ngầm.

Hình ảnh do Triều Tiên công bố cho thấy quả đạn ứng dụng cơ cấu phóng lạnh, rời ống phóng thẳng đứng và vọt lên mặt biển nhờ tầng đẩy sơ tốc trước khi động cơ chính kích hoạt. Việc phóng tên lửa từ dưới lòng biển giúp Triều Tiên giữ bí mật tối đa đòn tấn công, khi các vệ tinh, hệ thống trinh sát của đối phương rất khó phát hiện tên lửa trước khi nó rời khỏi mặt nước.

Pukguksong (Bắc Đẩu Tinh) là dòng tên lửa đạn đạo hai tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn được Triều Tiên thử nghiệm từ cuối năm 2014. Phiên bản Pukguksong-1 dành cho tàu ngầm phóng thử thành công ngày 24/8/2016, đạt tầm bắn 500 km và bay vào Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Nhật Bản. Giới chuyên gia ước tính Pukguksong-1 có tầm bắn khoảng 1.200 km, trong khi quân đội Hàn Quốc nhận định phiên bản hoàn chỉnh trang bị trên tàu ngầm có thể vươn mục tiêu ở khoảng cách 2.000-2.500 km.

Triều Tiên sau đó phát triển phiên bản Pukguksong-2 phóng từ mặt đất, với tầm bắn được tăng lên 2.000 km. Cả hai phiên bản Pukguksong đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và được đưa vào biên chế năm 2017.

Trong vụ thử Pukguksong-3 lần này, quả đạn được bắn theo góc cao, bay được 450 km và đạt độ cao tối đa 910 km trước khi rơi xuống biển, theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc. Nếu được bắn với quỹ đạo thông thường, nó có thể đạt tầm bắn xa hơn.

Triều Tiên không công bố thông tin chi tiết về mẫu SLBM mới, nhưng các chuyên gia quân sự Hàn Quốc ước tính Pukguksong-3 có tầm bắn ít nhất là 2.000 km và Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ tiếp tục nâng cấp để nâng tầm bắn cho nó.

“Pukguksong-3 có vẻ lớn hơn, dài hơn so với các phiên bản trước, cũng không có các cánh lưới ở đuôi. Các cánh này thường xuất hiện trên bom và tên lửa thông thường để tăng độ chính xác, việc loại bỏ chúng trên Pukguksong-3 cho thấy tên lửa đã đạt độ ổn định đáng kể trong khi bay”, chuyên gia Shin Jong-woo từ Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc ở Seoul nhận định.

Shin cho rằng thiết kế này tương tự với SLBM JL-2 có trong biên chế quân đội Trung Quốc. “Hình dáng bên ngoài rất giống tên lửa Trung Quốc cho thấy Triều Tiên đã có khả năng chế tạo SLBM mang được nhiều đầu đạn”, ông nói. Tên lửa JL-2 Trung Quốc có thể mang được 3-8 đầu đạn.

Các chuyên gia Hàn Quốc cũng dự đoán Triều Tiên sẽ nỗ lực cải tiến để Pukguksong-3 đạt tầm bắn tối thiểu 3.000 km. Với tầm bắn này, tên lửa được khai hỏa từ tàu ngầm ở Thái Bình Dương có thể vươn tới mục tiêu Mỹ ở Hawaii hoặc Alaska. Khoảng cách từ thị trấn Wonsan của Triều Tiên đến Hawaii là khoảng 7.000 km, còn Alaska nằm ở cách 5.000 km.

Vị trí thành phố Wonsan của Triều Tiên. Đồ họa: BBC.

Vị trí thành phố Wonsan của Triều Tiên. Đồ họa: BBC.

“Tên lửa dùng nhiên liệu rắn có thời gian chuẩn bị ngắn, khiến đối phương rất khó phát hiện và đối phó với những vụ phóng trên mặt đất. Nó cũng phù hợp với tàu ngầm vì mức độ an toàn cao, hạn chế những mối đe dọa thường đi kèm với tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng”, chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.

Nhà phân tích Kim Dong-yub tại Seoul cho biết Pukguksong-3 có thể là phiên bản tăng tầm, kết hợp công nghệ từ hai phiên bản trước đó. Thiết kế hai tầng đẩy giúp tăng tầm bắn hoặc tải trọng, cho phép tên lửa mang đầu đạn cỡ lớn hoặc nhiều đầu đạn nhỏ để xuyên phá lưới phòng không đối phương.

“Phát triển SLBM là hướng đi hợp lý, nhất là khi Triều Tiên hé lộ mẫu tàu ngầm tấn công thế hệ mới hồi tháng 7 và đang sở hữu nhiều tàu ngầm có thể phóng SLBM. Chúng có tính năng khá giới hạn và dễ bị phát hiện, nhưng vẫn sẽ là thử thách không nhỏ với các đối thủ của Triều Tiên, đặc biệt là Mỹ”, Rogoway nói thêm.

RELATED ARTICLES

Tin mới