Tuesday, April 30, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTướng lĩnh Mỹ liên tục tuyên bố ngăn chặn hoạt động phi...

Tướng lĩnh Mỹ liên tục tuyên bố ngăn chặn hoạt động phi pháp của TQ trong khu vực

Chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ David Berger tuyên bố lực lượng này đang thực hiện các chương trình, trong đó có tăng cường huấn luyện chiến đấu đổ bộ, để sẵn sàng cho kịch bản chiến tranh với Trung Quốc và Nga.

Chuẩn Đô đốc Karl O. Thomas – Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm 70 của Mỹ

Theo tướng David Berger, Lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ phải cơ động và tập trung nhiều hơn vào tác chiến hàng hải, nhằm đối phó với “mối đe dọa hiện hữu lâu dài”từ Trung Quốc; đồng thời cáo buộc Trung Quốc muốn thay thế vai trò của Mỹ trên bàn cờ quốc tế. Người đứng đầu Thủy quân lục chiến khẳng định Mỹ sẽ ưu tiên tập trung đối phó với các hoạt động trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai, Con đường, cũng như các hoạt động của Trung Quốc tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tuy nhấn mạnh sự đe dọa hiện hữu từ Bắc Kinh, ông Berger cũng cho rằng lực lượng hiện tại của Trung Quốc chưa có đủ năng lực để răn đe các lực lượng Mỹ, hay ngăn cản Mỹ hoạt động tự do trên các vùng biển.

Trước đó, Chuẩn Đô đốc Karl O. Thomas – Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm 70 và Hạm đội 7 nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ (29/9) tuyên bố tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm đảm bảo an ninh và ổn định hàng hải ở tuyến đường biển thương mại quan trọng nhất thế giới này. Chuẩn Đô đốc Karl O. Thomas cũng kêu gọi các quốc gia khác cử các lực lượng hải quân tới tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông với mục đích duy trì an ninh, thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trước tuyên bố của Chuẩn Đô đốc Karl O. Thomas, Tờ Manila Standard của Philippines bình luận: “Dù không đề cập trực tiếp, Chuẩn đô đốc Thomas đã ngụ ý sự hiện diện của hải quân Mỹ tại khu vực sẽ đóng vai trò hạn chế hành vi gây hấn của Bắc Kinh trên Biển Đông, duy trì ảnh hưởng của Washington”. Trong khi đó, một số chuyên gia, nhà phân tích quân sự cho rằng các tuyên bố của ông Thomas dường như là lời nhắn nhủ dành cho người kế nhiệm ông, Chuẩn đô đốc George M. Wikoff, một cựu phi công hải quân dày dặn kinh nghiệm. Được biết, trong 14 tháng dưới thời ông Thomas, các tàu chiến của hạm đội 7 đã liên tục tham gia các đợt tuần tra đảm bảo tự do hàng hải và thách thức chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như đợt diễn tập hàng hải đầu tiên giữa Mỹ và ASEAN hồi đầu tháng 9.

Trên cương vị mới, Chuẩn đô đốc Wikoff sẽ nắm quyền chỉ huy Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và bất kỳ nhóm tàu sân bay hay tàu chiến nào của Mỹ hoạt động trong khu vực rộng 124 triệu km2 từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương. Hạm đội 7 là lực lượng mạnh và đông đảo nhất của hải quân Mỹ với hơn 70 tàu chiến các loại, bao gồm tàu sân bay USS Ronald Reagan, tàu khu trục, tàu tuần dương, tàu ngầm hạt nhân; 140 máy bay chiến đấu cùng hơn 40.000 thủy thủ và lính thủy quân lục chiến. Tính đến ngày 30/9, trong số 100 tàu chiến được hải quân Mỹ triển khai trên khắp thế giới, có tới 59 tàu thuộc Hạm đội 7.

Trong những năm gần đây, Mỹ là nước có tiếng nói và hành động cụ thể nhất thể hiện sự quan ngại trước những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ đã triển khai tổng hợp nhiều biện pháp để đối phó với Bắc Kinh, cụ thể:

Thứ nhất, Mỹ thường xuyên đưa ra các tuyên bố chính thức (Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng…) phản đối các hoạt động phi pháp của Trung Quốc. Trong chuyến thăm tới Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (14/6) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các căn cứ trên Biển Đông, cũng như những hành động làm gia tăng căng thẳng, phức tạp hóa và leo thang tranh chấp, gây nguy hiểm cho dòng chảy tự do thương mại và làm tổn hại tới ổn định khu vực. Ông Pompeo cũng kêu gọi chính quyền Mỹ không nên có thỏa thuận ủng hộ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông để đổi lấy việc Bắc Kinh giúp thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (5/2018) mạnh mẽ chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, ông nhấn mạnh rằng các hệ thống vũ khí được triển khai gần đây trong khu vực này có mục đích đe dọa và cưỡng ép các nước láng giềng của Bắc Kinh; đồng thời nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục thách thức yêu sách “chủ quyền” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Thứ hai, Mỹ đã triển khai nhiều kế hoạch tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực; cử tàu sân bay, tàu chiến, máy bay trinh sát, máy bay ném bom B-52 áp sát khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa và một số đảo, đá ở Hoàng Sa. Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2018, Mỹ đã điều 03 nhóm tàu sân bay (tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Theodore Roosevelt, tàu sân bay USS Carl Vinson…) tuần tra ở Biển Đông.

Thứ ba, Mỹ tăng cường phối hợp với các nước trong khu vực tiến hành tập trận, giao lưu hải quân nhằm nâng cao năng lực tác chiến, khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra trên biển. Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã phối hợp với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Australia, Singapore… tiến hành tập trận hải quân chung trong khu vực Biển Đông.

Thứ tư, các cơ quan luật pháp của Mỹ đã đưa ra nhiều dự luật kêu gọi trừng phạt những hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Hai Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và Ben Cardin (3/2017) đã đưa ra Dự luật Trừng phạt nhằm vào các cá nhân, tổ chức Trung Quốc do tham gia các hoạt động phi pháp ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trước đó, ông Rubio (12/2016) cũng từng đề xuất Dự luật “Hành động trừng phạt Biển Đông và Biển Hoa Đông 2016”, đề nghị trừng phạt các cá nhân và tổ chức của Trung Quốc khi cho rằng hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông là phạm pháp, đe dọa an ninh khu vực và hoạt động thương mại của Mỹ.

Cuối cùng, Mỹ cũng tích cực triển khai chính sách viện trợ kinh tế, vũ khí (tàu chiến, máy bay, súng…) cho một số nước trong khu vực, như Philippines, Indonesia, Singapore, Việt Nam, Malaysia…, nhằm hỗ trợ những nước này nâng cao năng lực tuần tra, giám sát và bảo vệ hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.

Trong khi đó, các nước đồng minh của Mỹ (Anh, Pháp, Nhật Bản, Australia…) đều đưa ra những tuyên bố, hành động thể hiện sự đồng thuận và ủng hộ chính sách của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông, nhất là hoạt động tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Những nước trên đã đơn phương hoặc phối hợp với Mỹ triển khai nhiều chính sách can dự vấn đề Biển Đông. Đầu tiên, Nhật Bản triển khai chính sách hỗ trợ các nước Đông Nam Á tăng cường năng lực hải quân và bảo vệ bờ biển, các hoạt động hỗ trợ bao gồm chuyển giao các tàu tuần tra phi quân sự và đào tạo nhân viên thực thi pháp luật trên biển (Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết nước này sẽ viện trợ 500 triệu USD cho các quốc gia ven biển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong vòng 3 năm để giúp các nước tăng cường an ninh hàng hải); tích cực ủng hộ hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, cử nhiều tàu chiến, máy bay chiến đấu tham gia các hoạt động song phương, đa phương do Mỹ phát động. Nhật Bản cũng thúc đẩy các cuộc diễn tập song phương và đa phương với quân đội các nước Đông Nam Á ven biển (Australia, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Philippines và Việt Nam), phối hợp với Hạm đội 7 của Mỹ tiến hành diễn tập quân sự ở Biển Đông. Tiếp theo là một số nước như Australia, Anh, Pháp… cũng đang tích cực thể hiện thái độ quan ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, phản đối các hoạt động quân sự hóa, phi pháp của Trung Quốc, tiến hành các hoạt động tuần tra, giám sát và tập trận ở Biển Đông.

Được biết, Biển Đông là biển duy nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương; tại vùng biển này có những tuyến đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc; hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới được thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông; lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama. Hàng năm, có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông, khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông. Ngoài ra, khu vực Biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, trong đó có eo biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới. Do đó, vùng biển này hết sức quan trọng đối với tất cả các nước trong và ngoài khu vực về địa – chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế.

Không những vậy, hòa bình, ổn định và thịnh vượng khu vực Biển Đông có ảnh hưởng, quan hệ trực tiếp đối với nhiều nước lớn trên thế giới. Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát trên thực địa ở Biển Đông sẽ làm xói mòn những nguyên tắc cơ bản về một vùng biển châu Á có trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, đe dọa vị thế đồng minh của một số nước trong khu vực, gây ảnh hưởng đến quan hệ, lợi ích của các nước lớn. Vì vậy, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông là lợi ích và mối quan tâm của khu vực và thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới