Sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, Chính phủ Anh có kế hoạch về dự luật cho phép nước này có quyền hạn pháp lý để áp đặt lệnh trừng phạt với các vi phạm nhân quyền với một số quốc gia như Trung Quốc.
Theo báo Politicalite, tại cuộc họp của Thượng Nghị viện Anh vào cuối tháng 10, dự thảo luật về áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các vi phạm nhân quyền đã được thông qua và thúc đẩy ban hành thành văn bản pháp lý chính thức. Theo Nghị viên, Nam tước Lord Alton, sau khi Anh đạt thỏa thuận rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), chính phủ Anh cho rằng họ cần có đạo luật về Nhân quyền riêng mà không phải theo luật của EU.
Ông Lord Alton nói thêm, điều này sẽ đảm bảo chính phủ Anh có quyền tự chủ trong việc xử phạt những vi phạm nhân quyền của các quốc gia toàn cầu và phản ứng lại kịp thời với các vi phạm nghiêm trọng.
Tờ Politicalite liệt kê một số vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Trung Quốc, bao gồm bỏ tù những người theo Kitô giáo, người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo và các học viên Pháp Luân Công – môn khí công tu luyện an hòa theo Phật gia được các quốc gia trên thế giới ủng hộ nhưng lại bị đàn áp tại Trung Quốc, cùng với các dân tộc thiểu số khác. Theo Lord Alton, cả thế giới cần “hướng mắt dõi theo và học hỏi” các bài học kinh nghiệm của Hồng Kông.
Theo Politicalite, Trung Quốc với các trại cải tạo khét tiếng ở tỉnh Tân Cương đã giam giữ khoảng 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Tuy nhiên, Trung Quốc không thừa nhận việc vi phạm nhân quyền, và cho rằng các “chương trình dạy nghề” của họ tại các trại cải tạo này sẽ ngăn chặn được các phần tử khủng bố. Trong khi đó, các bằng chứng khác đã chỉ ra những mẫu DNA lấy từ những tù nhân bị giam cầm tại đây có liên quan với nạn thu hoạch cưỡng bức nội tạng.
Phụ nữ Duy Ngô Nhĩ phản đối Cảnh sát Chống bạo động Trung Quốc, trong một cuộc đàn áp của chính phủ đối với sắc tộc thiểu số này (ảnh: Radio Free Europe/Radio Liberty).
Ông Geoffrey Nice Q.C cho biết, Anh có những bằng chứng xác thực cho thấy rất nhiều người Trung Quốc giàu có và những người nước ngoài “du lịch” tới Trung Quốc để thực hiện cấy ghép tạng, thậm chí họ có thể đặt trước “đơn hàng”.
Số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc về con số 4.080 người hiến tạng tự nguyện không khớp với hơn 10.500 ca cấy ghép trong năm 2016. Thực tế, theo các nguồn thông tin được xác thực, ước tính khoảng 60.000 ca cấy ghép có thể đã được thực hiện ở Trung Quốc. Ông Geoffrey Nice Q.C cho biết, sự thật về các tù nhân biến mất không dấu vết tại các trại cải tạo này vẫn còn là nghi vấn.
Trước đó, Hoa Kỳ đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với 28 văn phòng và công ty an ninh Trung Quốc. Thêm vào đó, Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật chính sách nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ vào tháng 9.
Cùng với những nỗ lực chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền, chính phủ Anh đã gặp gỡ các đại biểu quốc tế tại Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 8, Hội đồng Nhân quyền và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9. Thủ tướng Boris Johnson đã viết thư cho Chủ tịch Tập Cận Bình. Bên cạnh đó, ông Dominic Raab – Bộ trưởng Ngoại giao Anh đã gặp bà Carrie Lam – Trưởng đặc khu của Hồng Kông để trao đổi về các vấn đề này.
Vào năm 2016, một sinh viên Hồng Kông đã hỏi ông Lord Patten, lúc đó là Thống đốc Hồng Kông: “Sẽ như thế nào nếu chính phủ Trung Quốc tiếp tục chèn ép chúng tôi? Phần còn lại của thế giới sẽ làm gì? Người Anh sẽ làm gì? Mỹ sẽ làm gì? Đích thân cá nhân ông sẽ làm gì?”. Để trả lời cho câu hỏi trên, những động thái mạnh mẽ gần đây mới chỉ là bước đầu mà chính phủ Anh cũng như các quốc gia khác phản ứng và lên án với các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng hiện nay trên thế giới, đặc biệt đối với Trung Quốc.