Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam sẽ dẫn dắt ASEAN vượt qua thách thức trong năm...

Việt Nam sẽ dẫn dắt ASEAN vượt qua thách thức trong năm 2020

Ngày 4/11 vừa qua, Việt Nam đã chính thức tiếp nhận cương vị Chủ tịch luân phiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ Thái Lan. Dư luận nhìn chung đánh giá cao vai trò của Việt Nam khi đảm nhậm chức vụ này.

Chủ tịch ASEAN 2020

Tại buổi lễ tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 từ Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố Chủ đề của năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”; đồng thời nhấn mạnh, “trong năm 2020, chúng tôi mong muốn sẽ tập trung tăng cường sự gắn kết bền vững của ASEAN thông qua củng cố đoàn kết, thống nhất, gia tăng liên kết kinh tế và kết nối, làm sâu sắc hơn các giá trị và đặc trưng của Cộng đồng ASEAN, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN và đẩy mạnh quan hệ đối tác của ASEAN trong cộng đồng toàn cầu”.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết, trong thông điệp khi tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam sẵn sàng với ý thức trách nhiệm cao nhất để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020; Việt Nam vui mừng chào đón các nước đến với Việt Nam năm 2020. Thủ tướng cũng công bố chủ đề, giới thiệu các ưu tiên của Việt Nam cho năm Chủ tịch ASEAN 2020, đồng thời khẳng định “tư duy Cộng đồng, hành động Cộng đồng” là điều ASEAN cần nhất để xây dựng thành công Cộng đồng. Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, cho đến nay, Việt Nam đã sẵn sàng về bộ máy tổ chức, nhân lực, đã có các đề án, kế hoạch hành động tổng thể cho năm 2020, giờ là lúc bắt tay vào triển khai cụ thể.

Vai trò dẫn dắt của Việt Nam

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) Choi Shing Kwok cho rằng tình hình địa chính trị của khu vực Đông Nam Á hiện nay rất dễ bị thay đổi do sự tác động của cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù đã có dấu hiệu tốt khi hai bên tới đây có thể đạt được thỏa thuận về thương mại, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc cạnh tranh sẽ mất đi, mà ngược lại nó sẽ vẫn tiếp diễn và tác động mạnh mẽ, buộc Đông Nam Á phải có hướng đi mới trong giai đoạn này. Ngoài ra, một loạt các vấn đề khác cũng đang đặt ra khiến ASEAN phải quan tâm như Indonesia vừa mới thành lập chính phủ mới, Malaysia chuẩn bị chuyển giao lãnh đạo và Myanmar sẽ tiến hành bầu cử… Trong bối cảnh đó, việc đảm nhiệm cương trị Chủ tịch luân phiên chính là cơ hội để Việt Nam dẫn dắt ASEAN đối phó và vượt qua các thách thức. Hiện nay chính là thời điểm để tất cả các quốc gia và cộng đồng thế giới quan tâm đến khu vực Đông Nam Á. Thứ nhất, đây là khu vực ổn định trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp và thay đổi sâu sắc. Thứ hai, Đông Nam Á cũng là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất trên thế giới. Do đó, năm 2020 tới đây sẽ là thời điểm để Việt Nam thể hiện vai trò lãnh đạo chiến lược, dẫn dắt ASEAN phát triển bằng những chính sách do mình đề ra. Đơn cử như việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hiện nay chỉ còn Ấn Độ chưa đồng ý, trong khi 15 nước tham gia đàm phán còn lại đã đều nhất trí cho một hiệp định thương mại tự do có tổng giá trị tương đương 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới. Đây sẽ là cơ hội để Việt Nam dẫn dắt ASEAN và các nước thành viên khác của RCEP cùng nhau nỗ lực thuyết phục Ấn Độ gia nhập hiệp định càng sớm càng tốt.

The Diplomat nhận định Việt Nam với vai trò ngày càng tích cực trong ASEAN sẽ phải giải quyết tất cả các vấn đề khu vực và đây là sẽ là những thách thức lớn đối với Việt Nam khi quốc gia này chính thức tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2020. Theo bài báo, kể từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã tiến hành một loạt cải cách như chính sách đổi mới, hội nhập ngày càng rộng với thế giới và nhanh chóng nổi lên là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất, một đối tác đáng tin cậy ở khu vực, cũng như trong khối ASEAN. Việt Nam đã hai lần làm Chủ tịch ASEAN vào các năm 1998 và 2010 và trong hai lần này, Việt Nam đã thúc đẩy một số nội dung ưu tiên, như thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia Đông Nam Á, phát triển các tổ chức mới và thu hút sự quan tâm của các cường quốc trên thế giới. Bài viết tin tưởng rằng Việt Nam, với cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, sẽ tiếp tục các nội dung này, đặc biệt năm 2020 đánh dấu 25 năm Việt Nam là thành viên ASEAN, cũng như đánh dấu nửa chặng đường của Tầm nhìn cộng đồng ASEAN đến năm 2025 – chủ trương  đã được thông qua vào năm 2015. Bài báo nhận định Việt Nam không nghi ngờ gì về bối cảnh đầy thách thức này, cùng với thực tế là quốc gia này cũng có các ưu tiên trong chính sách đối nội và đối ngoại khi đồng thời là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Dấu ấn Việt Nam

Năm 2010, khi giữ cương vị này lần thứ nhất, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn với những hành động và chương trình thiết thực, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ASEAN và hòa bình, ổn định, thịnh vượng chung của khu vực. Chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN; từ tầm nhìn đến hành động” do Việt Nam đề xuất đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các nước ASEAN và thực sự trở thành định hướng cho hành động của Hiệp hội với những trọng tâm ưu tiên là: đẩy nhanh tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; tăng cường quan hệ đối ngoại của ASEAN và bảo đảm vai trò trung tâm của Hiệp hội ở khu vực; đẩy mạnh hợp tác rộng rãi nhằm duy trì hòa bình và an ninh khu vực, phát triển bền vững và ứng phó với những thách thức toàn cầu. Theo đó, Việt Nam đã đề ra và thúc đẩy nhiều sáng kiến phù hợp, tạo được sự thống nhất cao và cam kết chung của ASEAN về đẩy mạnh hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, đạt được những tiến triển cụ thể và quan trọng theo các trọng tâm ưu tiên nói trên, thể hiện rõ nhất qua các Tuyên bố chung của các Hội nghị Cấp cao cũng như việc lập hoặc nâng cao giá trị của các cơ chế hợp tác khu vực.

Dấu ấn của Việt Nam trên trọng trách Chủ tịch ASEAN 2010 còn là việc đã nỗ lực điều hành Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN + (ASEAN cộng) lần đầu tiên ngay sau khi xảy ra các tranh cãi căng thẳng về biển Đông, mà không để xảy ra bất cứ sơ suất nào. Thêm vào đó, Việt Nam đã nỗ lực tổ chức 14 hội nghị cấp cao trong vòng chưa đầy 60 giờ đồng hồ và cố gắng này đã phá vỡ mọi kỷ lục của ASEAN. Điều đáng nói là những dấu ấn của năm Chủ tịch ASEAN 2010 mà Việt Nam tạo dựng được với các hành động thiết thực vẫn được tiếp tục triển khai như phát triển nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường phúc lợi xã hội cho phụ nữ và trẻ em ASEAN. Điều đó đã khẳng định rõ ràng Việt Nam là một thành viên chủ động, tích cực trong các hoạt động hội nhập khu vực và trên toàn thế giới.

Thuận lợi và thách thức

Giới chuyên gia cho rằng trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam cũng phải đối diện với một số thách thức lớn, nhất là viêc thúc đẩy đàm phán xây dựng hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc. Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc. Theo Kavi Chongkittavorn – chuyên gia của Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế, Đại học Chulalongkorn cho rằng, trong 2020, Việt Nam sẽ gặp những khó khăn mà Thái Lan phải đối diện trong 2019, khi làm Chủ tịch ASEAN. Đó là thách thức từ cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, xu hướng chống tự do thương mại và toàn cầu hóa cùng các điểm nóng ở Biển Đông, Triều Tiên. Chuyên gia người Thái Lan cho rằng một trong những nhiệm vụ chính của Việt Nam trong năm 2020 là tiếp tục duy trì, thúc đẩy thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc. 

Đề cập đến nội dung tăng cường sự đoàn kết và tiếp tục củng cố vững chắc vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực, ông Choi Shing Kwok cho rằng có hai phương diện chính cần quan tâm như sau. Thứ nhất, Việt Nam có thể đề ra phương hướng chiến lược cho ASEAN trên cơ sở nghiên cứu và xem xét mọi vấn đề liên quan một cách phù hợp. Với vai trò lãnh đạo của mình, Việt Nam hoàn toàn có thể đưa ra các ý tưởng, xây dựng kế hoạch và mang lại động lực cho các nước ASEAN trong việc đối phó với các thách thức và tình huống khó khăn mà họ gặp phải. Thêm vào đó, Việt Nam sẽ là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, nên Việt Nam sẽ có cơ hội thuận lợi để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trên phạm vi toàn cầu, đồng thời giúp mở rộng và khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trên trường quốc tế. Thứ hai, Việt Nam cần thể hiện rõ vai trò ngoại giao tích cực để nâng cao vị thế của ASEAN.

Trên cương vị Chủ tịch luân phiên, Việt Nam sẽ phải nỗ lực vận động tất cả các quốc gia thành viên cùng tham gia bảo vệ và duy trì lợi ích tại khu vực. Ông Choi Shing Kwok tin rằng Việt Nam có khả năng làm được việc đó và điều này cũng sẽ giúp thúc đẩy và hiện thực hóa chương trình nghị sự của đề ra cho năm Chủ tịch ASEAN. Theo chuyên gia Singapore, không chỉ có vai trò quan trọng trong việc tập hợp, tăng cường sự đoàn kết và thống nhất trong nội bộ các quốc gia thành viên ASEAN, Việt Nam còn có trách nhiệm thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hiệp hội với các nước đối tác và đối thoại.

Cùng quan điểm trên, ông Shahriman Lockman – Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISIS) Malaysia, nhận định thẳng thắn rằng thách thức lớn nhất là việc dù ASEAN đã đạt được nhiều sự đồng thuận cao nhưng hành động vẫn chưa quyết liệt. Trong các vấn đề quốc tế hiện nay, ASEAN không có nhiều đột phá so với 25 năm trước. ASEAN có nhiều cấu trúc trong khu vực nhưng chưa giải quyết được các vấn đề của khối. Ngoài ra, ASEAN chưa đứng ra làm vai trò trung gian cho các vấn đề quốc tế hay khu vực… Theo ông Lockman, Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2020 khi đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN 2020. Những thách thức chung của khối cũng là những thách thức mà Việt Nam gặp phải trên cương vị chủ tịch luân phiên. Để giải quyết những vấn đề đó, Việt Nam cần có lộ trình cụ thể để tăng cường khả năng phản ứng nhanh đối với các diễn biến bên ngoài.

RELATED ARTICLES

Tin mới