Monday, November 25, 2024
Trang chủĐàm luậnVề vấn đề Biển Đông TQ lại nói ngược

Về vấn đề Biển Đông TQ lại nói ngược

Ngày 13-11, trả lời câu hỏi liên quan đến phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 8-11 vừa qua, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam bác bỏ hoàn toàn mọi nội dung phát biểu liên quan đến Việt Nam của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8-11-2019 về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa”.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ta khẳng định, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Thực tế lịch sử cho thấy rõ điều này.

“Vừa ăn cướp vừa la làng”

Trước đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trong phát biểu đưa ra ngày 8-11 vừa qua đã một lần nữa tuyên bố sai trái rằng “Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc”. Ông Cảnh Sảng còn ngang nhiên “đổi trắng thay then” lên giọng với hàm ý đe dọa rằng “Việt Nam chớ làm phức tạp hóa vấn đề Biển Đông”.

Đây không phải lần đầu tiên Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đưa ra tuyên bố hoàn toàn sai trái về vấn đề Biển Đông cũng như chủ quyền trên vùng biển chiến lược này. Đặc biệt, trong suốt thời gian từ đầu tháng 7 tới cuối tháng 10 vừa qua, khi Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở bãi Tư Chính, ông Cảnh Sảng đã nhiều lần ngạo ngược tương tự như vậy.

Hành vi của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, song Trung Quốc lại “đổi trắng thay đen” khi biến “thủ phạm” thành “nạn nhân” và ngược lại, lớn tiếng cho rằng Việt Nam xâm phạm chủ quyền Trung Quốc tại khu vực bãi Tư Chính (phía Trung Quốc gọi là bãi Vạn An) để từ đó “đòi” Việt Nam phải chấm dứt việc “xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”. Ông Cảnh Sảng đã liên tục lặp đi lặp lại kể từ khi phía Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng nhiều tàu vũ trang hộ tống xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam tại khu vực bãi Tư Chính từ đầu tháng 7 tới cuối tháng 10-2019.

Trong những lần “lên giọng” như vậy, ông Cảnh Sảng thường lặp đi lặp lại rằng, Trung Quốc “có chủ quyền tại quần đảo Nam Sa và các quyền lợi tương ứng đối với các vùng biển xung quanh quần đảo này”. Thậm chí, ông Cảnh Sảng còn cáo buộc, Việt Nam vi phạm các văn bản quốc tế song phương và đa phương đã ký kết với Trung Quốc như: Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; Tuyên bố ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC) và Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982”. Có thể thấy, Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông mà còn giở trò “vừa ăn cướp vừa la làng”.

Kẻ hung hăng, đe dọa ở Biển Đông

Việt Nam đã công bố những bằng chứng, lập luận dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước UNCLOS 1982 để chứng minh và khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các vùng biển thuộc vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của mình. Điều này đã được dư luận và cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Về vị trí địa lý, khu vực Tư Chính cách bờ biển Vũng Tàu của Việt Nam khoảng 160 hải lý, cách các đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép năm 1988 khoảng 230 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới hơn 600 hải lý. Trong khi đó, theo Công ước UNCLOS 1982, vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải và có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (vì lãnh hải 12 hải lý, nên thực chất vùng đặc quyền kinh tế có 188 hải lý). Theo Điều 56 của Công ước UNCLOS 1982, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó. 

Cũng theo Công ước UNCLOS 1982, thềm lục địa của quốc gia ven biển là phần đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài lãnh hải của quốc gia ven biển. Điều 76 của công ước này quy định rất rõ ràng là thềm lục địa của quốc gia ven biển rộng tối thiểu 200 hải lý (kể cả khi thềm lục địa thực tế hẹp hơn 200 hải lý), nếu thềm lục địa thực tế rộng hơn 200 hải lý thì quốc gia ven biển có thể mở rộng thềm lục địa của mình đến tối đa 350 hải lý hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500m. 

Điều 77 của Công ước UNCLOS 1982 quy định trong thềm lục địa của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa của mình. Đáng chú ý là quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mang tính đặc quyền ở chỗ nếu quốc gia đó không thăm dò, khai thác thì cũng không ai có quyền khai thác tại đây nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển.

Như vậy, căn cứ theo Công ước UNCLOS 1982, khu vực bãi Tư Chính hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Khu vực bãi Tư Chính (Trung Quốc gọi là bãi Vạn An) hoàn toàn nằm ngoài bất cứ vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa hợp pháp nào của Trung Quốc được công nhận theo Công ước UNCLOS 1982. 

Không có cơ sở pháp lý để đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để ráo riết tiến hành quân sự hóa các đảo và thực thể chiếm đóng trái phép ở trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, lấy đó làm căn cứ quân sự, làm bàn đạp để hiện thực hóa tham vọng “độc chiếm” Biển Đông theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” đã bị bác bỏ bởi luật pháp quốc tế. Những hành vi hung hăng, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc đã đe dọa, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông; đồng thời làm căng thẳng tình hình Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải, hàng không và hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Ủng hộ lập trường và chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông

Trong phát biểu ngày 13-11, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ta một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phải giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hiệp quốc. 

Lập trường kiên trì, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền hợp pháp ở Biển Đông bằng tất cả những biện pháp phù hợp luật pháp quốc tế, nhưng đồng thời coi trọng quan hệ với Trung Quốc cũng như coi trọng duy hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông của Việt Nam được cộng đồng quốc tế, nhất là ở khu vực, và dư luận thế giới ủng hộ, đánh giá cao. Việc Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng con đường đàm phán hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực đã được các quốc gia khu vực và thế giới đồng tình, coi đó là giải pháp đúng đắn duy nhất hiện nay.

Trong thời gian qua, nhiều quốc gia đã liên tục chỉ trích các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa bất hợp pháp các thực thể nhân tạo ở Biển Đông, cản trở các hoạt động dầu khí hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam và một số quốc gia ven biển khác. Ngay tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 35 diễn ra đầu tháng 11 tại Thái Lan, Cố vấn An ninh quốc gia kiêm Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ, Robert O’Brien đã chỉ trích đích danh Trung Quốc đang “hăm dọa” và “cản trở” các quốc gia thành viên ASEAN tiến hành hoạt động hợp pháp khai thác nguồn dầu khí trên Biển Đông. 

Báo mạng “Thế giới đa cực” của Nga mới đây đã có bài viết “Các nước ASEAN điều chỉnh cách tiếp cận ở Biển Đông” cho biết, nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác trong ASEAN, ủng hộ lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề ở Biển Đông. Bên cạnh đó, theo bài báo, nhiều chuyên gia, học giả từ các quốc gia ở khu vực này cũng ủng hộ lập trường của Việt Nam và chỉ trích các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Bài báo nhấn mạnh, Việt Nam đã thể hiện một lập trường rõ ràng, hợp lý và nhất quán, luôn cam kết giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới