Việt Nam là một đối tác gần gũi, không thể thiếu của Ấn Độ về chính trị, kinh tế, an ninh và là cầu nối chính của New Delhi trong hợp tác với ASEAN, thúc đẩy hoà bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Đại sứ Ấn Độ Pranay Verma tại Việt Nam cho biết: Việt Nam luôn được coi là một trong những bạn bè thân thiết nhất, một trong những đối tác đáng tin cậy nhất của Ấn Độ. Hai nước có sự kết nối về Phật giáo, có mối liên hệ về văn minh, văn hoá lâu đời. Hai nước đang tăng cường thúc đẩy các giá trị và lợi ích chung thông qua khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện, hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Việc thường xuyên trao đổi các đoàn thăm cấp cao thể hiện sự ưu tiên của hai bên dành cho nhau trong chính sách ngoại giao. Ấn Độ coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đã được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố tại Đối thoại Shangri-La năm 2018. Tôi tin rằng hợp tác giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển như là một phần cấu thành nên hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Tầm nhìn Ấn Độ – Thái Bình Dương của chúng tôi hướng đến một khu vực tự do, rộng mở, hoà bình, thịnh vượng. Trên hết, Ấn Độ hướng đến một khu vực bao trùm với trật tự dựa trên luật lệ, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Là một nền kinh tế lớn nhất ở Ấn Độ Dương, một quốc gia hội nhập sâu với Thái Thái Bình Dương thông qua thương mại, theo logic, Ấn Độ có lợi ích khi hai khu vực này hoà bình, ổn định và phát triển. Trong khu vực này, Việt Nam là một đối tác gần gũi, không thể thiếu của Ấn Độ về chính trị, kinh tế, an ninh và là cầu nối chính của New Delhi trong hợp tác với ASEAN, thúc đẩy hoà bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Liên quan vấn đề Biển Đông và hợp tác trên biển, Đại sứ Ấn Độ Pranay Verma cho biết quan điểm của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông là rõ ràng, nhất quán. Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế quan trọng. Vì thế Ấn Độ có lợi ích lâu dài khi khu vực hoà bình và ổn định. Ấn Độ ủng hộ mạnh mẽ tự do hàng hải và hàng không, thương mại hợp pháp không bị cản trở ở vùng biển quốc tế, tuân theo luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Ấn Độ tin rằng bất cứ sự khác biệt nào cũng cần được giải quyết một cách hoà bình, bằng việc tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, không sử dụng hay đe doạ sử dụng vũ lực. Không những vậy, hợp tác năng lượng giữa Ấn Độ và Việt Nam là mối quan hệ đối tác lâu dài, dựa trên đầu tư dài hạn. Công ty ONGC Videsh của Ấn Độ đã hiện diện ở Việt Nam gần ba thập kỷ. Đó là hợp tác có lợi cho cả hai bên và quan trọng cho an ninh năng lượng của Ấn Độ. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng này.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng và an ninh, Ấn Độ và Việt Nam là một trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. Lĩnh vực này bao gồm hợp tác mạnh mẽ về công nghiệp quốc phòng và kỹ thuật, tập trung vào hiện đại hoá và xây dựng năng lực cho Việt Nam. Khi Thủ tướng Modi thăm Việt Nam năm 2016, Ấn Độ cam kết cấp thêm gói tín dụng 500 triệu USD cho Việt Nam. Hai nước đang thực hiện bằng cách nhận dạng các dự án cụ thể để đáp ứng các yêu cầu của Việt Nam, phù hợp với năng lực của Ấn Độ. Chúng tôi mong thực hiện gói tín dụng này càng nhanh càng tốt. Trước đó, Ấn Độ cũng đã cấp gói tín dụng 100 triệu USD cho Việt Nam. Hai bên đang đóng 12 tàu tuần tra cao tốc cho Lực lượng Biên phòng Việt Nam. Trong số 12 tàu này có 7 tàu sẽ được đóng tại Việt Nam. Quan hệ đối tác trong công nghiệp quốc phòng hướng đến tăng cường khả năng sản xuất của Việt Nam.
Trước đó, Ngoại trưởng Jaishankar (2/8) cũng khẳng định lập trường chung với Việt Nam về duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông; đồng thời cho biết Ấn Độ mong muốn tiếp tục hợp tác về dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông. Không những vậy, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết New Delhi đã và đang hỗ trợ tự do hàng hải, tiếp cận tài nguyên Biển Đông theo luật pháp quốc tế; tái khẳng định Ấn Độ có lợi ích chính đáng và hợp pháp trong hòa bình, ổn định và việc tiếp cận có thể đoán định với các tuyến đường thủy chính trong khu vực; nhấn mạnh Ấn Độ đã, đang hỗ trợ tự do hàng hải và tiếp cận các nguồn tài nguyên ở Biển Đông theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc năm 1982 về Luật Biển.
Ngoài ra, hiện Tập đoàn Larsen & Toubro Ấn Độ đã khởi công dự án đóng 5 trong số 12 tàu tuần tra trang bị cho lực lượng Biên phòng Việt Nam. Dự án đóng 12 tàu tuần tra cao tốc cho Biên phòng Việt Nam nằm trong khuôn khổ gói tín dụng được chính phủ Ấn Độ dành cho Việt Nam, trở thành dự án lớn cụ thể đầu tiên trong hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Lễ khởi công diễn ra tại xưởng đóng tàu Kattupalli của tập đoàn Larsen & Toubro (L&T) ở bang Tamil Nadu, Đông Nam Ấn Độ. Phó đô đốc về hưu B Kannan, giám đốc điều hành tập đoàn L&T, khẳng định Việt Nam và Ấn Độ có tình hữu nghị lâu đời và đang thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực công nghệ, bao gồm cả quốc phòng. Ông Kannan cho rằng dự án này có tầm quan trọng chiến lược và cam kết bàn giao đúng thời hạn các tàu chất lượng cho Biên phòng Việt Nam. Tàu tuần tra cao tốc của L&T được thiết kế cho nhiệm vụ kiểm soát và bảo vệ an ninh chủ quyền biển, phát hiện các hoạt động bất hợp pháp như buôn lậu và triển khai các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Mỗi tàu dài 35 m, được chế tạo bằng hợp kim nhôm đặc biệt, đạt tốc độ tối đa 65 km/h, trang bị nhiều thiết bị dẫn đường, giám sát và phòng thủ hiện đại. 5 tàu sẽ được đóng tại nhà máy Kattupalli, 7 chiếc còn lại trong dự án sẽ được chế tạo tại Nhà máy đóng tàu Hồng Hà của Việt Nam dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của L&T. Trung tâm thiết kế tàu chiến thuộc tập đoàn Ấn Độ chịu trách nhiệm về khâu thiết kế và kỹ thuật cho dự án.
Việc Ấn Độ tăng cường hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng, năng lượng trên Biển Đông được giới học giả Ấn Độ đánh giá tích cực. Tiến sĩ Geeta Kochhar, Đại học Jawaharlal Nehru, một trong những trường đại học hàng đầu ở New Delhi, Ấn Độ cho biết Ấn Độ sẽ không thay đổi hợp tác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông. Theo bà Kochhar, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi rất kiên định trong chính sách không chấp nhận bất kỳ nước nào có vai trò chi phối trong khu vực. Nếu Trung Quốc thể hiện sự quả quyết, không muốn Ấn Độ hợp tác với Việt Nam ở Biển Đông, tôi không nghĩ New Delhi chấp nhận điều đó. Cùng quan điểm trên, Phó Giáo sư Om Prakash Dahiya, Khoa Khoa học chính trị, Đại học Delhi, cho biết việc Việt Nam nằm ở Biển Đông, một vùng chiến lược, khiến Hà Nội có vai trò chủ chốt trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ; khoảng 40% thương mại toàn cầu của Ấn Độ đi qua Biển Đông, do đó việc Ấn Độ kêu gọi tự do hàng hải ở khu vực là điều rất cấp bách. Ngoài ra, việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông được coi là một rào chắn lớn cho khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do. Các cơ sở quân sự sẽ dẫn tới sự thay đổi đáng kể với 29 tuyến hàng hải đi qua khu vực, nơi có hàng hóa giao thương, hoạt động khai thác dầu và đánh cá trị giá hàng nghìn tỷ USD. Trên khía cạnh địa chính trị, Biển Đông là cửa ngõ dẫn tới khu vực Thái Bình Dương và tới trung tâm của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ngoài ra, Việt Nam và Ấn Độ hợp tác về khai thác dầu khí ngoài khơi Biển Đông từ năm 1988. Sự chú ý của Ấn Độ khi hợp tác với Việt Nam ở Biển Đông không đơn thuần là về kinh tế, mà vì những lợi ích an ninh và quân sự.