Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên đe dọa rằng các cuộc biểu tình gây bạo loạn ở Hồng Kông có thể sẽ khiến thành phố này mất đi quy chế đặc biệt “một quốc gia hai chế độ”.
Trong bối cảnh phong trào biểu tình đòi dân chủ, chống Bắc Kinh của người Hồng Kông và bạo lực cảnh sát biến thành phố này thành một chiến trường tê liệt và khiến nền kinh tế của thành phố này rơi vào suy thoái, ông Tập cảnh báo “nếu hỗn loạn cứ tiếp tục” thì thậm chí các quyền tự trị hiện tại của người Hồng Kông có thể sẽ bị mất.
“Chấm dứt tình trạng bạo động và hỗn loạn, tái lập trật tự là ưu tiên khẩn cấp nhất hiện nay. Các hành động bạo lực và bất hợp pháp tại Hồng Kông có thể gây nguy hại đến cơ sở của quy chế một quốc gia hai chế độ”, ông Tập nói tại Hội Nghị thượng đỉnh khối BRICS – 5 nước đang trỗi dậy, ở Brasilia, thủ đô Brasil, vừa kết thúc hôm 14/11/2019, theo tường thuật của Nhân Dân Nhật Báo.
Ông Tập cũng nhắc lại sự ủng hộ không lay chuyển đối với chính phủ, tòa án và cảnh sát Hồng Kông trong việc “nghiêm trị những kẻ tội phạm bạo lực”.
Tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc kêu gọi “cần phải dập tắt hỏa hoạn trước khi lửa lan rộng”.
Tuy nhiên người biểu tình Hồng Kông phớt lờ cảnh báo của ông Tập, vẫn tiếp tục đổ ra đường hôm thứ Sáu (15/11), làm tê liệt giao thông và chiếm đóng một phần hệ thống tàu điện ngầm để gây sức ép đòi chính phủ Hồng Kông thực hiện yêu cầu của họ về dân chủ. Bạo lực nổ ra giữa những nhóm biểu tình phản đối và ủng hộ chính quyền đã khiến một người đàn ông 70 tuổi tử vong do bị gạch ném vào đầu.
Theo Tuyên bố chung Trung – Anh 1984, người dân Hồng Kông được hưởng 50 năm những quyền tự do và dân chủ mà dân Trung Quốc không có.
Hôm thứ Năm 14/11, tờ Thời Báo Hoàn Cầu đưa tin “chính quyền đặc khu sắp ban hành tình trạng khẩn cấp” nhưng nhanh chóng bị gỡ ngay xuống sau đó. Chính quyền Hồng Kông cũng đã cải chính.
Số liệu kinh tế công bố hôm thứ Sáu cũng xác nhận nền kinh tế Hồng Kông lần đầu tiên rơi vào suy thoái trong vòng 10 năm qua do biểu tình làm tê liệt hoạt động kinh doanh của thành phố và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Dữ liệu cho hay GDP của Hồng Kông giảm 3,2% trong quý 3/2019 so với quý trước đó. GDP của thành phố này tăng trưởng âm suy giảm trong quý thứ hai liên tiếp, thỏa đáng định nghĩa của suy thoái kinh tế.
Trong khi bạo lực chưa có dấu hiệu sẽ chấm dứt, các nhà phân tích cảnh báo rằng Hồng Kông với tư cách là một trung tâm tài chính và thương mại quốc tế, đang đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái lâu dài và nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, và cả sau dịch SARS (Hội chứng Hô hập Cấp) hồi năm 2003.
So với năm 2018, nền kinh Hồng Kông đã suy giảm 2,9%, con số tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008.