Nhân quyền luôn là một trong những vấn đề nóng trong quan hệ Trung – Mỹ trong suốt những năm qua. Năm 2019, cùng với những căng thẳng về thương mại, nhân quyền được xem là một mặt trận trong cạnh tranh, cọ xát chiến lược giữa hai cường quốc này.
Mỹ áp dụng nhiều biện pháp, gây sức ép với TQ về nhân quyền
Thứ nhất, Mỹ công bố các tài liệu, thông tin cho rằng TQ đàn áp nhân quyền. Tháng 11/2019, truyền thông Mỹ đã cho đăng tải toàn bộ 403 trang tài liệu bằng tiếng Hoa về chủ trương, chính sách và hoạt động đàn áp người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc. Theo đó, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành chiến dịch trấn áp người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo ở Tân Cương. Đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh hành động “không thương tiếc” chống ly khai và cực đoan. Trong bài diễn văn năm 2014, sau khi xảy ra vụ một nhóm người Duy Ngô Nhĩ giết chết 31 người tại một nhà ga ở Tây Nam Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã kêu gọi “đấu tranh chống khủng bố, chống xâm nhập và ly khai” bằng cách sử dụng “những biện pháp độc tài” và “không thương tiếc”. Ngoài ra, còn có một tập hướng dẫn sinh viên Duy Ngô Nhĩ, bị “mất tích” hoặc bị đưa vào trại tập trung, trả lời những câu hỏi của gia đình khi về nhà. Phía nhà chức trách nhận được chỉ thị giải thích cho gia đình các sinh viên bị đưa đi cải tạo là người thân của họ bị nhiễm “virus” tư tưởng cực đoan và cần được điều trị trước khi “căn bệnh trở nên trầm trọng”.
Thứ hai, Quốc hội Mỹ thông qua các đạo luật lên án nhân quyền TQ. Tháng 10/2019, cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo Luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông, nhằm khẳng định sự ủng hộ đối với người biểu tình tại Hồng Kông trong bối cảnh chính phủ thân Bắc Kinh của Carrie Lam đẩy mạnh trấn áp phong trào đòi dân chủ tại trung tâm tài chính tối quan trọng này. Quốc hội Mỹ đã gửi một thông điệp rõ ràng tới những người Hồng Kông đang đấu tranh vì nền tự do của họ và tuyên bố sẽ không đứng im khi Bắc Kinh phá hoại nền tự trị của Hồng Kông. Việc thông qua dự luật này là một bước quan trọng nhằm buộc những quan chức Trung Quốc và Hồng Kông phải chịu trách nhiệm khi làm xói mòn quyền tự trị và xâm phạm nhân quyền ở Hồng Kông. Đạo luật này yêu cầu hàng năm phải rà soát, để chứng thực về quyền tự trị của Hồng Kông với đại lục và từ đó, điều chỉnh các chính sách thương mại của Mỹ.Đạo luật cũng viết rằng, Mỹ nên chấp thuận thị thực cho cư dân Hồng Kông sang Mỹ, ngay cả khi họ đã bị bắt vì tham gia các cuộc biểu tình phi bạo động. Đạo luật cũng khẳng định, bất cứ ai “chịu trách nhiệm trong việc bắt cóc và tra tấn người dân, những người đang thực thi các quyền con người cơ bản, được quốc tế công nhận” cần bị cấm đến Mỹ, cũng như bị áp dụng các biện pháp trừng phạt.Đến ngày 2/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải quyết định có phê quyệt dự luật này hay không, bởi động thái được cho có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại của ông Trump với Bắc Kinh. Tháng 9/2019, Thượng viện Mỹ thông qua Dự luật có tên là “Đạo luật Chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2019”, yêu cầu chính phủ Mỹ tích cực gây áp lực lên Liên Hợp Quốc và các tòa án quốc tế khác phải hành động về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương, và kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét trừng phạt các quan chức chính quyền và các cá nhân chịu trách nhiệm thành lập và duy trì các “trung tâm đào tạo” ở vùng lãnh thổ cực tây của Trung Quốc. Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ công bố đánh giá hằng năm về quy mô và điều kiện của các “trung tâm đào tạo” Tân Cương nhằm giúp các quan chức quyết định mức độ nghiêm trọng của việc thi hành các lệnh trừng phạt hoặc lên án Bắc Kinh. Dự luật được coi là sản phẩm thể hiện sự đồng thuận lưỡng đảng ngày càng tiến bộ tại Quốc hội Mỹ về việc phản đối Trung Quốc về vấn đề nhân nhân quyền.
Thứ ba, Mỹ chỉ trích lên án nhân quyền Trung Quốc tại các diễn đàn của Liên hợp quốc. Hơn 30 nước dưới sự dẫn đầu của Mỹ đã lên án Trung Quốc “đàn áp” người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương trong một sự kiện bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9/2019. Động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi chấm dứt đàn áp tự do tôn giáo trong một sự kiện khác bên lề cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Ông Trump sau đó nhắc lại điều này trong bài phát biểu có phần chỉ trích Trung Quốc trước Đại hội đồng Liên hợp quốc. “Người Mỹ sẽ không bao giờ mệt mỏi trong nỗ lực thúc đẩy tự do thờ cúng và tôn giáo. Chúng tôi muốn và ủng hộ tự do tôn giáo cho tất cả mọi người”, ông Trump nhấn mạnh trước Liên hợp quốc. “Chúng tôi đã mời những người khác tham gia nỗ lực quốc tế để yêu cầu và buộc chấm dứt ngay lập tức chiến dịch đàn áp của Trung Quốc”, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ John Sullivan khẳng định động thái của Mỹ nhận được sự ủng hộ của hơn 30 nước, bao gồm Canada, Đức, Hà Lan và Anh.
TQ đáp trả mạnh mẽ chính sách,động thái can dự của Mỹ
Thứ nhất, Trung Quốc ra các báo cáo phản bác, đáp trả, đồng thời khẳng định những thành tựu trong cải thiện nhận quyền. Văn phòng báo chí Quốc Vụ Viện Trung Quốc (18/3) đã công bố Sách Trắng về đấu tranh chống khủng bố, cực đoan và đảm bảo nhân quyền ở Tân Cương. Sách Trắng khẳng định Tân Cương là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc, giới thiệu sự hình thành của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan ở Tân Cương, sự vi phạm nhân quyền của các hành vi khủng bố bạo lực và cực đoan tôn giáo, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc sẽ kiên trì việc chống khủng bố mang tính phòng ngừa là nhiệm vụ hàng đầu, tổng kết kinh nghiệm và tiếp tục tích cực tham gia hợp tác quốc tế trong chống khủng bố. Sách Trắng khẳng định, chủ nghĩa khủng bố là kẻ thù chung của nhân loại, cũng là đối tượng đấu tranh chung của cộng đồng quốc tế. Đồng thời cho biết, thời gian gần đây, khu vực Tân Cương và nhiều tỉnh thành khác ở Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước nhiều vụ tấn công khủng bố của ba thế lực, gồm: ly khai dân tộc, cực đoan tôn giáo và khủng bố bạo lực. Sách Trắng nhấn mạnh, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan ở Tân Cương phù hợp với tôn chỉ và nguyên tắc về chống khủng bố và bảo vệ những quyền cơ bản của con người của Liên hợp quốc. Theo số liệu Sách Trắng đưa ra, từ năm 1990 đến cuối năm 2016, ba thế lực đã gây ra hàng nghìn vụ khủng bố bạo lực tại Tân Cương, làm nhiều dân thường bị sát hại, hàng trăm chiến sĩ cảnh sát công an hy sinh, gây thiệt hại lớn về tài sản. Trong đó, đáng chú ý là vụ bạo động xảy ra năm 2009 làm gần 200 người thiệt mạng, hơn 1.700 người bị thương và nhiều cơ sở vật chất bị phá hủy. Từ năm 2014 đến nay, Tân Cương đã triệt hạ được 1.588 băng nhóm và bắt giữ được gần 13.000 phần tử khủng bố bạo lực, thu giữ hàng nghìn thiết bị nổ. Trung Quốc cho biết, bên cạnh việc nghiêm trị các tội phạm khủng bố bạo lực, nước này còn chú trọng việc cải thiện dân sinh, tăng cường công tác tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và hỗ trợ đào tạo nghề, nhằm đảm bảo quyền con người cơ bản cho người dân sở tại. Trung Quốc cũng tái khẳng định việc chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan dưới mọi hình thức, song phản đối việc gắn liền chống khủng bố, cực đoan với một quốc gia mặc định nào đó hoặc các vấn đề dân tộc, tôn giáo, phản đối việc dùng “tiêu chuẩn kép” trong vấn đề chống khủng bố. Về hợp tác quốc tế, cùng với việc tuân thủ các nguyên tắc và quy định quốc tế, trong đó ủng hộ vai trò chủ đạo và điều phối của Liên Hợp Quốc trong hợp tác quốc tế chống khủng bố, Trung Quốc còn ký kết nhiều Công ước quốc tế, tổ chức các cuộc tập trận chung chống khủng bố, tiến hành giao lưu hợp tác song phương và đa phương nhằm trao đổi thông tin tình báo và hợp tác tư pháp.
Thứ hai, Bộ Ngoại giao, Quốc Vụ viện Trung Quốc liên tục ra các tuyên bố lên án, chỉ trích hành động của Mỹ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 12/9 đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc Thượng viện Mỹ thông qua “Đạo luật Chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2019”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên tiếng “đây không phải là lần đầu tiên các quan chức Mỹ chỉ trích một cách bừa bãi chính sách của Trung Quốc về Tân Cương trong sự coi thường sự thật. Đó là sự can thiệp trắng trợn vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc và chúng tôi phản đối và kiên quyết phản đối. Việc thành lập các trung tâm cải tạo tại Tân Cương hoàn toàn hợp pháp, nhằm mục đích cứu những người bị lừa dối hoặc thậm chí đã gia nhập lực lượng khủng bố và phạm tội nhẹ để giúp họ thoát khỏi tư tưởng cực đoan”. Ngoài ra bà Oánh còn chỉ trích các quan chức Mỹ “không quan tâm đến sự thật, bôi nhọ và chỉ trích tình hình nhân quyền ở Tân Cương và chính sách của Trung Quốc và cho rằng “sự can thiệp trắng trợn như vậy vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc sẽ chỉ khiến người dân Trung Quốc trở nên phẫn nộ hơn. Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ hãy tôn trọng sự thật, hãy lý trí trở lại, loại bỏ tư duy chiến tranh lạnh, ngừng lấy các vấn đề liên quan tới Tân Cương như một cái cớ để can thiệp vào các công việc nội bộ của Trung Quốc, và chấm dứt ngay việc thúc đẩy dự luật này trở thành luật để tránh gây tổn hại cho mối quan hệ tổng thể giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Thứ ba,Trung Quốc cũng triệu Đại diện ngoại giao của Mỹ để phản đối. Chính quyền Trung Quốc ngày 19/11 và ngày 25/11 đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để phản đối về việc thông qua dự luật ủng hộ phong trào dân chủ ở Hồng Kông. “Phía Trung Quốc cực lực yêu cầu Mỹ công nhận tình hình, ngay lập tức sửa chữa sai lầm, ngăn dự luật Hong Kong trở thành luật, dừng bất kỳ phát ngôn và hành động nào can thiệp vào công việc của Hong Kong cũng như can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Nếu không Mỹ sẽ hoàn toàn phải chịu mọi hậu quả phát sinh”, thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết. Ủy ban Đối Ngoại của Quốc hội Trung Quốc ra tuyên bố về việc Thượng viện Mỹ thông qua“Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Công năm 2019”. Tuyên bố viết, chặn đứng bạo lực và rối loạn, khôi phục trật tự xã hội là nhiệm vụ cấp bách nhất hiện nay của Hồng Công, là dân ý rộng rãi nhất và nhân quyền lớn nhất của xã hội Hồng Công. Thượng viện Mỹ dưới sự cổ xúy của một số ít nghị sĩ chống Trung Quốc, không những không lên án tội phạm bạo lực khiến người rùng rợn, mà ngược lại chống lưng cho phần tử bạo lực dựa trên danh nghĩa “nhân quyền” và “dân chủ”, bộc lộ đầy đủ sự giả dối cực độ và áp dụng tiêu chuẩu kép trắng trợn trên vấn đề nhân quyền và dân chủ của Quốc hội Mỹ, cũng như dụng ý hiểm độc trong việc chống Trung Quốc, làm rối loạn Hồng Công.