Tình hình Biển Đông thời gian qua liên tục diễn biến phức tạp khi Trung Quốc không dừng lại những hành động đơn phương, phi pháp xâm phạm sâu vào vùng biển của các nước, thậm chí còn vượt ra khỏi phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò” của nước này. Thực trạng này đã gây nên phản ứng giận dữ của cộng đồng quốc tế cũng như khu vực.
Các nước thường cân nhắc mỗi khi đề cập hay phản ứng liên quan Biển Đông và TQ
Đối với nhiều nước ASEAN không hoặc có một phần tranh chấp với Trung Quốc, thì Bắc Kinh hiện có mối quan hệ chặt chẽ với những vấn đề liên quan đến lợi ích kinh tế mà các nước này cần phải cân nhắc mỗi khi đề cập hay phản ứng đối với họ. Campuchia, Thái Lan, Indonesia hay Philippines đều nhận thức được rằng Trung Quốc là quốc gia quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình. Trung Quốc có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xã hội, để từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu hiện trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, điều mà trước đây nhiều người không thể tưởng tượng nổi. Hơn nữa, không giống như các cường quốc đang lên khác, tham vọng chiến lược của Trung Quốc là ở quy mô toàn cầu chứ không phải giới hạn trong khu vực. Đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi, Nam Mỹ cũng như việc phát triển hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương là minh chứng cho tham vọng này. Năm 2019, các nước ASEAN đều thận trọng khi đưa ra các phản ứng trong các vụ việc cụ thể ở Biển Đông nhằm tránh các hiềm khích hay đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh, trong khi cũng đảm bảo tránh bị cho là ngả về hay đi đêm với Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là Bắc Kinh vẫn tiếp tục thể hiện thái độ quyết đoán, coi thường luật pháp và các chuẩn mực quốc tế trong các hành động của mình. Việc quốc gia này phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng tài ở Biển Đông là một trong những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc bây giờ cảm thấy đủ mạnh để thách thức trật tự thế giới vốn đã phải đánh đổi biết bao xương máu mới có được hòa bình và ổn định như hiện nay.
Các nước tìm cách thích ứng với các điều kiện mới trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn
Có một thực tế rằng thật khó để tìm thấy những sự kiện lớn trên thế giới mà thiếu sự tham gia của Trung Quốc. Sớm hay muộn, các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các nước Đông Nam Á cũng phải điều chỉnh chính sách và cách tiếp cận của mình trong điều kiện, tình hình mới này. Các nước này cũng phải thích ứng với điều kiện mới này và phải có chính sách đối ngoại cụ thể trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trong bối cảnh trỗi dậy của Trung Quốc. Những chính sách này phải được nghiên cứu một cách cụ thể với tầm nhìn chiến lược về bản chất của tình hình, những thách thức phải đối mặt và biện pháp giải quyết để có thể giúp các nước đương đầu với những khó khăn, phức tạp trong thời gian tới.
Đồng thời, bất kỳ chính sách nào để đối phó với sự trỗi dậy Trung Quốc cũng phải đặt ra câu hỏi về tác động của nó đối với các quốc gia trong khu vực. Chính phủ các nước cần có sự nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, toàn diện để không sợ làm “mếch lòng” bất cứ ai và đảm bảo được các lợi ích của mình khi quan hệ, làm ăn với Trung Quốc. Cách tiếp cận nước đôi của Indonesia hay một số nước khác đối với Trung Quốc nếu không cẩn thận sẽ gây nguy hiểm cho nước này, thay vì có thể giúp những nước này tránh hoặc vượt qua những thách thức do Trung Quốc gây ra.