Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã phóng 2 vật thể bay chưa xác định vào khu vực biển phía Đông vào 4 giờ 59 phút ngày hôm nay 28/11 (giờ địa phương). Đây là lần thứ 13 trong năm Triều Tiên phóng thử tên lửa.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA, 29/11) cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un “rất hài lòng” sau khi đích thân giám sát buổi thử hệ thống phóng tên lửa đa nòng siêu lớn. Vụ thử nhằm kiểm tra năng lực chiến đấu của hệ thống phóng tên lửa đa nòng siêu lớn đã cho thấy sự ưu việt về kỹ thuật và quân sự của hệ thống và độ tinh cậy mạnh mẽ.
Trước đó, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (28/11) cho biết, 2 vật thể bay đã được bắn đi ở khu vực Yeonpo, tỉnh South Hamgyong và bay tới khu vực biển ở gần bờ Đông Triều Tiên; cả hai vật thể bay được 380km với độ cao tối đa khoảng 97km. Quân đội Hàn quốc đang theo dõi tình hình trong kịch bản sẽ có các vụ phóng khác và duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Nguồn tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết Bình Nhưỡng dường như đã phóng hai tên lửa đạn đạo, chúng không bay vào không phận hay rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Tokyo. Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận định việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa đạn đạo là vấn đề nghiêm trọng đối với toàn bộ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Nhật Bản. Tokyo sẽ tập trung thu thập, phân tích thông tin về vụ việc và giám sát tình hình. Cùng ngày, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cũng phát lệnh cảnh báo đối với tàu thuyền đang đi lại ngoài biển về việc có một vật thể bay giống như tên lửa phóng đi từ Triều Tiên và yêu cầu các tàu thuyền đang hoạt động trên biển cần chú ý tiếp tục theo dõi thông tin. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gọi các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là “thách thức nghiêm trọng” với cộng đồng quốc tế; nhấn mạnh Nhật Bản sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ với Mỹ, Hàn Quốc và các nước khác để giám sát tình hình.
Bộ Ngoại giao Mỹ (28/11) tuyên bố nước này đã nắm được thông tin Triều Tiên phóng “tên lửa” và đang giám sát tình hình cùng với các đồng minh trong khu vực. Trong khi đó Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố kêu gọi Triều Tiên chấp nhận đề nghị của Mỹ và nghiêm túc về đàm phán chấm dứt các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Thông cáo báo chí của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nhấn mạnh Triều Tiên cần tránh đưa ra các tối hậu thư, sau khi Bình Nhưỡng tuần trước tuyên bố sẽ từ bỏ đàm phán phi hạt nhân hóa nếu đến cuối năm nay Washington không đưa ra đề xuất mới nào giúp phá vỡ bế tắc. Bộ Ngoại giao Anh cũng ra tuyên bố kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các vụ thử tên lửa và nối lại đàm phán với Mỹ hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon (NIS, 29/11) nhận định việc Triều Tiên thử nghiệm một bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn dường như là một tín hiệu cho thấy rằng nước này có thể quay trở lại chính sách trước kia nếu không đạt được những điều mong muốn trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc thông báo Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của nước này Lee Do-hoon đã có các cuộc điện đàm với người đồng cấp của Mỹ Steven Biegun và Shigeki Takizaki của Nhật Bản để thảo luận diễn biến mới nhất kể trên. Trong khi đó, một quan chức Hàn Quốc cho biết nước này và Nhật Bản không trao đổi thông tin quân sự với nhau liên quan tới vụ thử vũ khí của Triều Tiên theo khuôn khổ Hiệp định chia sẻ thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật. Quan chức trên khẳng định: “Nhật Bản không yêu cầu chúng tôi chia sẻ thông tin tình báo về các vụ phóng mới nhất này” và Seoul cũng không tìm kiếm thông tin mà Nhật Bản thu thập được về vụ việc này. Đây là vụ thử vũ khí đầu tiên của Triều Tiên kể từ khi Seoul quyết định gia hạn GSOMIA có điều kiện.
Trong khi đó, Reuters cho rằng vụ thử mới nhất diễn ra vào đúng dịp lễ Tạ ơn ở Mỹ, có thể được xem như một lời nhắc nhở gửi đến Washington về thời hạn cuối năm mà ông Kim Jong-un đặt ra để chính quyền Tổng thống Donald Trump thể hiện sự linh hoạt trong cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều. Chuyên gia Leif-Eric Easley, giáo sư giảng dạy về nghiên cứu quốc tế tại Seoul, nhận định qua cuộc thử nghiệm tên lửa, Bình Nhưỡng đang gia tăng áp lực với Wasshington cũng như với Seoul. Các quan chức Bắc Triều Tiên yêu cầu Mỹ phải từ bỏ “chính sách thù địch” đối với Bình Nhưỡng, cụ thể là phải giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, nếu không họ sẽ rút khỏi đàm phán hạt nhân. Bắc Triều Tiên còn đòi Mỹ và Hàn Quốc chấm dứt các cuộc tập trận chung thường niên, được cho là nhằm chuẩn bị một cuộc xâm lược Bắc Triều Tiên. Đó là những yêu cầu mà tổng thống Trump hiện không thể đáp ứng được. Nhà phân tích Kim Dong-yub tại Viện Nghiên cứu Viễn đông ở Seoul, Hàn Quốc cho biết Triều Tiên dường như đang bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt và triển khai bệ phóng tên lửa này.
Theo Yonhap, đây là lần thứ 13 trong năm nay Triều Tiên đã thực hiện các vụ thử vũ khí như vậy. Lần gần đây nhất, Triều Tiên ngày 31/10 đã bắn 2 tên lửa từ bệ phóng rocket đa nòng siêu lớn về khu vực biển phía đông nước này. Trong những cuộc thử nghiệm trước đây, Triều Tiên phóng loại tên lửa tầm ngắn mới, bao gồm một loại được coi là biến thể của tên lửa Nga Iskander, cùng một phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong-3. Việc Triều Tiên phóng thử tên lửa diễn ra trong bối cảnh Mỹ (27/11) điều các máy bay do thám EP-3E, RC-135V và E-8C thực hiện nhiệm vụ kéo dài 2 ngày trên bán đảo Triều Tiên; cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ đang gặp bế tắc và Bình Nhưỡng ra tối hậu thư cho Washington tới cuối năm để đưa ra một thỏa thuận mới nhằm phá vỡ tình trạng hiện tại, nếu không, họ sẽ từ bỏ đối thoại và chọn “con đường mới”.