Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch cảnh báo rằng các cuộc thám hiểm nghiên cứu của Trung Quốc ở Bắc Cực không chỉ về khoa học mà còn phục vụ cho “mục đích kép”, bao gồm cả mục đích quân sự.
Theo thông tin trên, Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch Lars Findsen (29/11) cho biết, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đầu tư đáng kể vào hoạt động nghiên cứu tại Bắc Cực. Tuy nhiên, các cuộc thám hiểm nghiên cứu của Trung Quốc ở Bắc Cực không chỉ về khoa học mà còn phục vụ cho “mục đích kép”, bao gồm cả mục đích quân sự; nhấn mạnh Đan Mạch đã xem xét các hoạt động nghiên cứu của Trung Quốc ở Bắc Cực và nhận ra rằng, quân đội Trung Quốc cho thấy họ ngày càng quan tâm tới việc tham gia vào các hoạt động đó. Ông Findsen từ chối nêu cụ thể các cuộc thám hiểm nghiên cứu có liên quan tới quân đội Trung Quốc, song cho biết các bằng chứng xuất hiện trong những năm gần đây đã báo hiệu một “diễn biến mới”. Ngoài ra, Cơ quan tình báo Đan Mạch cũng cảnh báo về sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc tại Bắc Cực. Theo phía Đan Mạch, cuộc chơi của các cường quốc đang được định hình giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc, khiến cấp độ căng thẳng tại Bắc Cực gia tăng.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp Ngoại trưởng các nước thuộc Hội đồng Bắc cực, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (6/5) đã kêu gọi các quốc gia Bắc Cực giám sát các hoạt động của Trung Quốc tại Bắc Cực do “hành vi gây hấn ở các khu vực khác”, đồng thời cho biết Mỹ lập kế hoạch tăng cường hiện diện ở Bắc Cực, nhằm kiềm chế “những hành vi hung hăng” của Nga và Trung Quốc ở khu vực này.
Theo Ngoại trưởng Mike Pompeo, hiện Trung Quốc đang phát triển các tuyến đường biển ở Bắc Băng Dương. Loại hoạt động này là một phần của kế hoạch rất quen thuộc. Bắc Kinh đang cố gắng phát triển các cơ sở hạ tầng quan trọng bằng tiền Trung Quốc, và trong một số trường hợp là bằng các công ty Trung Quốc và công nhân Trung Quốc, để đảm bảo sự hiện diện liên tục của sức mạnh Trung Quốc ở Bắc Cực. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã công bố một báo cáo nói rằng Bắc Kinh có thể sử dụng các nhà nghiên cứu dân sự ở Bắc Cực để tăng cường sự hiện diện quân sự, bao gồm cả việc triển khai tàu ngầm trong khu vực như một biện pháp ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân. Vì vậy, các quốc gia Bắc Cực cần nghiên cứu kỹ hoạt động này. Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi các quốc gia Bắc Cực “đừng quên hành vi của Trung Quốc tại các khu vực khác và cũng nên lấy đó làm thước đo khi đánh giá các hoạt động của Bắc Kinh tại Bắc Cực”; đồng thời cho rằng những hành động của Trung Quốc khiến cho người ta nghi ngờ về ý định của Bắc Kinh. Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng nhắc lại rằng Trung Quốc đã được cấp tư cách quan sát viên trong Hội đồng Bắc Cực. Mỹ muốn Trung Quốc thực hiện các điều kiện này và đóng góp có trách nhiệm cho khu vực. Bắc Kinh mong muốn hưởng quy chế ngang bằng với các quốc gia Bắc Cực, nhưng khoảng cách ngắn nhất giữa Trung Quốc và Bắc Cực là 900 dặm (1.448 km). Chỉ có khái niệm các quốc gia Bắc Cực và phi Bắc Cực, không có khái niệm thứ ba. Những tuyên bố ngược lại không cung cấp cho Trung Quốc quyền về bất cứ điều gì. Song, ông Pompeo bày tỏ hoan nghênh các khoản đầu tư minh bạch của Trung Quốc theo đuổi lợi ích kinh tế và vì mục tiêu an ninh quốc gia. Theo ông Pompeo, Bắc Kinh đã mạnh tay đầu tư vào Bắc Cực, gần 90 tỉ USD kể từ năm 2012 đến 2017, và nhắm mục tiêu hưởng trọn lợi ích từ những ưu thế của “Cung đường phương bắc”, còn gọi là “Con đường tơ lụa Bắc Cực” dựa theo mô hình BRI do Trung Quốc xây hoặc cấp tiền để xây dựng đường sắt, đường bộ và hải cảng kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi. “Con đường tơ lụa Bắc Cực” gồm kế hoạch phát triển các tuyến hàng hải đang được sử dụng nhiều nhờ sự tan băng do tình trạng trái đất nóng dần lên. Các tuyến này sẽ cho phép tàu thủy rút ngắn hải trình giữa Thái Bình Dương và Đại Tây Dương bằng cách đi qua vùng bắc Nga. Mỹ xem “Con đường tơ lụa Bắc Cực” của Nga-Trung là một nỗ lực giành quyền kiểm soát khu vực này. Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ còn cho biết, khu vực Bắc Cực đã trở thành vũ đài cạnh tranh quyền lực toàn cầu nhằm sở hữu nguồn dầu thô, khoáng sản dự trữ và nguồn cá. Bắc Cực là một vùng hoang dã nhưng không có nghĩa nơi này phải trở thành một vùng phi pháp luật; nhấn mạnh hành xử hung hăng của Trung Quốc ở những nơi khác sẽ cho thấy cách họ đối xử với Bắc Cực”, đồng thời cảnh báo những kịch bản mà nhiều nước đã trở thành con nợ lớn của Trung Quốc, khi các nước này tham gia dự án cơ sở hạ tầng Một vành đai-Một con đường (BRI) của Trung Quốc. Bên cạnh đó là nạn tham nhũng, đón nhận những vụ đầu tư chất lượng thấp, quân sự hóa và khai thác tràn lan nguồn tài nguyên tự nhiên.
Khu vực Bắc Cực bao gồm lục địa Bắc Cực rộng khoảng 8 triệu km2 và biển Bắc Cực rộng khoảng 12 triệu km2. Các nhà khoa học ước tính Bắc cực chiếm 25% nguồn tài nguyên “chưa được phát hiện” toàn cầu. Báo cáo từ Viện Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) cũng cho thấy 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% trữ lượng khí đốt (tương đương với 1.670 ngàn tỉ m3) chưa được thăm dò trên thế giới đang “ngủ yên” dưới các lớp băng. Ngoài ra, Bắc Cực còn rất giàu tiềm năng khoáng sản. Khu vực này có những mỏ quặng sắt, kẽm, niken, vàng, uranium và nhiều loại khoáng sản khác với trữ lượng thuộc loại lớn nhất thế giới. Cần biết rằng mỏ kẽm lớn nhất thế giới đang nằm ở Alaska, một bang nằm gần Bắc Cực của Mỹ, trong khi đó một mỏ niken lớn nhất thế giới cũng được phát hiện ở vùng lãnh thổ Bắc Cực của Nga.
Trong những năm gần đây, với nỗ lực trở thành một siêu cường toàn cầu, Trung Quốc thường xuyên vướng vào tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng và chống lại luật pháp quốc tế. Trung Quốc nhìn thấy cơ hội trong biển băng tan rộng lớn của Bắc Cực. Các chuyên gia cho biết Bắc Kinh đã bắt đầu thúc đẩy việc chiếm lĩnh một phần lớn hơn trong khu vực nhằm mở các tuyến thương mại mới, khai thác dầu khí và tiến hành nghiên cứu về biến đổi khí hậu. Về mặt địa lý, Trung Quốc không ở gần vòng cực Bắc. Điều này khiến Trung Quốc ở thế bất lợi chính trị lớn so với 8 quốc gia tạo nên Hội đồng Bắc Cực. Tuy nhiên, năm 2013, Trung Quốc đã giành được vị trí quan sát viên không bỏ phiếu trong Hội đồng Bắc Cực bên cạnh Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Trung Quốc cũng đã xuất bản Sách Trắng chiến lược Bắc Cực (1/2018) đầu tiên, tuyên bố quyền lợi tại khu vực trong khi cố gắng xoa dịu nỗi sợ hãi về tham vọng lãnh thổ của mình. Trong tài liệu này, Trung Quốc tự nhận là một “quốc gia gần Bắc Cực”, nói rằng những thay đổi môi trường ở Bắc Cực có “tác động trực tiếp đến hệ thống khí hậu và môi trường sinh thái của Trung Quốc”. Sách trắng nêu chi tiết kế hoạch của Bắc Kinh về “Con đường tơ lụa Bắc Cực” như một phần của chương trình cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ USD, nhằm xây dựng hành lang thương mại khắp thế giới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bắc Kinh tuyên bố lý do chính cho mối quan tâm của họ đối với Bắc Cực là nghiên cứu khoa học. Trong Sách trắng, Trung Quốc nêu chi tiết mong muốn điều tra các tác động của biến đổi khí hậu để “giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu”. Tuy nhiên, những người hoài nghi lập luận rằng tham vọng Bắc Cực của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi sức hấp dẫn kinh tế và chính trị của việc thống trị một khu vực giàu tài nguyên. Để đảm bảo vị trí đó, Trung Quốc đang tăng cường khả năng hiện diện tại Bắc Cực.