Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHội thảo “Đối phó TQ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”: Thế...

Hội thảo “Đối phó TQ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”: Thế giới đang đề phòng TQ

Viện Nghiên cứu Hudson của Mỹ mới tổ chức Hội thảo “Đối phó Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Tại Hội thảo, giới học giả cho rằng cộng đồng quốc tế đều đang quan ngại về sự phát triển không minh bạch của Trung Quốc.

Tại Hội thảo, Giám đốc Chương trình Mỹ thuộc Quỹ Nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) Dhruva Jaishankar nhận định, các nước quan ngại về sự phát triển của Trung Quốc là do: (i) Sự “thiếu minh bạch trong cơ chế ra quyết định ở Trung Quốc” trong bối cảnh nước này đóng vai trò lớn trong các vấn đề kinh tế, ngoại giao và an ninh ở nhiều khu vực trên thế giới. Ông cho rằng đó là do Bắc Kinh có mô hình “quản lý khép kín” nên thế giới “nhìn vào họ với rất nhiều ngờ vực”. (ii) Sự một chiều trong quan hệ kinh tế, Trung Quốc là phía được lợi lớn nhất trong khi phía đối tác lại không được lợi gì cho dù là sự hạn chế tiếp cận (thị trường Trung Quốc) hoặc “bẫy nợ” hoặc những vấn đề về hợp đồng. (iii) “Chủ nghĩa xét lại lãnh thổ” của Trung Quốc. Vị chuyên gia về chính sách đối ngoại này nói: “Cho dù ở Biển Hoa Đông, Biển Hoa Nam hay ở dãy Himalaya (giữa Trung Quốc với Ấn Độ và giữa Trung Quốc với Bhutan), chúng ta thấy Trung Quốc sử dụng các công cụ dân sự trên danh nghĩa để thúc đẩy các tham vọng lãnh thổ của họ”. (iv) “Sự khinh thường các luật lệ quốc tế cho dù là quyền tự do hàng hải, hàng không, an ninh mạng, quản trị Internet hay các hiệp định Nam Cực và Bắc Cực”.

Chuyên gia nghiên cứu cao cấp về châu Âu ở Viện Hudon Liselotte Odgaard, nhận định rằng khối EU “không xem Trung Quốc chỉ là kẻ thù mà là đâu đó nằm giữa đối thủ và đối tác”; cho rằng EU hiện nay “không phải là thực thể đơn nhất” và cũng “không phải là định chế đa phương” mà là “nằm đâu đó ở giữa”. Cấu trúc này khiến châu Âu có những phản ứng khác nhau trước những thách thức khác nhau từ Trung Quốc. Chẳng hạn như trên vấn đề giao thương, một giá trị truyền thống cốt lõi của châu Âu, các định chế của cả khối đã “đóng vai trò chủ chốt trong việc hoạch định chính sách chung” mà tất cả các quốc gia thành viên, ngay cả các nước lớn như Pháp hay Đức, đều phải tuân thủ dù họ có không muốn đi nữa. Tuy nhiên, trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng chẳng hạn như an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và đối phó với Trung Quốc, Liên minh châu Âu không có vai trò gì đáng kể mà vai trò này nằm trong tay mỗi quốc gia thành viên, bà nói thêm. Do đó, trong cuộc canh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ở vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bà Odgaard nói rằng toàn khối EU chỉ phát huy tác dụng trên lĩnh vực thương mại. Khối này đã khởi động một loạt các hiệp định kinh tế, thương mại chiến lược với các nước đồng minh hay đối tác chủ chốt của Mỹ trong khu vực, chẳng hạn như Nhật Bản, Ấn Độ và Singapore. Ngoài ra, khối này cũng tăng cường can dự với các định chế mà Mỹ không muốn nói chuyện, chẳng hạn như Liên đoàn Ả Rập để giúp đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc ở khu vực này. Không những vậy, EU đang tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước châu Á gần gũi với các giá trị chính trị và kinh tế tự do của châu Âu trong khi cũng chỉ trích và lo ngại về sự quả quyết ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực. Trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, kể từ năm 2016, Pháp, cường quốc quân sự hàng đầu EU, đã dẫn đầu nỗ lực “ngoại giao hải quân” ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Kể từ đó, ngày càng có nhiều nước châu Âu đã tiến hành các chiến dịch trên biển và ngoại giao hải quân ở khu vực này. Tuy nhiên, châu Âu có “khác biệt” với Mỹ trong các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải, chẳng hạn khi đi qua các thực thể Trung Quốc chiến giữ trên Biển Đông, tàu chiến của họ không đi vào phạm vi 12 hải lý bởi vì theo quan điểm châu Âu đó là “vùng xám pháp lý” (vùng chưa rõ ràng phải theo luật như thế nào).

Chuyên gia Satoru Nagao của Nhật Bản, cho biết Tokyo “hoan nghênh Mỹ tăng cường sức ép đối với Trung Quốc” và thái độ không tin tưởng Trung Quốc đã ăn sâu vào giới chức và người dân Nhật Bản. Ông Nago cho rằng nguyên nhân là do: Môi trường chiến lược không thay đổi, Nhật Bản không tin tưởng Trung Quốc và niềm tin rằng “Mỹ sẽ thắng Trung Quốc”. Ngay cả khi quan hệ Trung-Nhật đã cải thiện từ năm 2017 nhưng các hoạt động quân sự của Trung Quốc (ở vùng biển Hoa Đông) vẫn không hề thay đổi. Về cuộc canh tranh chiến lược Mỹ-Trung, ông Nagao cho rằng Nhật Bản không xem đây là “khủng hoảng ngắn hạn” mà là cuộc cạnh tranh dài hạn và trong dài hạn, người Nhật tin rằng Mỹ sẽ thắng. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng có những quan ngại trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, là vì nhiều công ty Nhật đang làm giàu ở thị trường Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng trước tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Do đó, Nhật cần phải tìm cách giảm sự lệ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh.

Trong khi đó, Chính quyền Trung Quốc luôn tuyên truyền rằng Bắc Kinh phát triển hòa bình và nước này đang mang lại thời cơ cho cộng đồng quốc tế. Theo tuyên truyền của phía Trung Quốc, con đường phát triển hòa bình của Trung Quốc là vừa thông qua việc giữ vững thế giới hòa bình để phát triển bản thân, vừa thông qua việc phát triển của bản thân để giữ vững thế giới hòa bình; bên cạnh việc nhấn mạnh dựa vào sức mạnh của bản thân và cải cách đổi mới để thực hiện phát triển, Trung Quốc kiên trì mở cửa đối ngoại, học tập những điểm tốt của nước khác; thuận theo trào lưu phát triển toàn cầu hóa kinh tế, Trung Quốc tìm kiếm và theo đuổi việc phát triển chung, cùng thắng lợi, cùng có lợi với các nước khác; Trung Quốc cùng với cộng đồng quốc tế nỗ lực chung, thúc đẩy việc xây dựng thế giới hài hòa hòa bình lâu dài, phồn vinh chung. Đặc trưng mới mẻ nhất của con đường này là phát triển một cách khoa học, phát triển một cách tự chủ, mở cửa phát triển, phát triển hòa bình, phát triển hợp tác, cùng nhau phát triển.

Trong khi đó, nước lớn đang phát triển với dân số đông như Trung Quốc xét cho cùng cần phải dựa vào sức mạnh của bản thân để phát triển. Trung Quốc luôn kiên trì độc lập tự chủ, đặt trọng tâm và trọng điểm phát triển đất nước ở trong nước, chú trọng việc xuất phát từ tình hình đất nước mình, chủ yếu dựa vào sức mạnh của bản thân và sự cải cách, đổi mới để thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển, không đổ những vấn đề và mâu thuẫn cho nước khác. Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, Trung Quốc chỉ có kiên trì phát triển một cách tự chủ mới có thể tham gia một cách có hiệu quả hơn các công việc quốc tế và triển khai hợp tác cùng có lợi với các nước trên thế giới một cách tốt hơn.

Ngoài ra, từ kinh nghiệm phát triển của bản thân, Trung Quốc nhận thức sâu sắc được rằng không thể cứ đóng cửa để xây dựng đất nước. Trung Quốc coi việc cải cách mở cửa là một quốc sách cơ bản, kết hợp giữa cải cách trong nước với mở cửa đối ngoại, kết hợp giữa kiên trì độc lập tự chủ với việc tham gia toàn cầu hóa kinh tế, kết hợp giữa việc kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Trung Hoa với việc học tập tất cả những thành quả văn minh của xã hội nhân loại. Ngoài ra, Trung Quốc còn kết hợp giữa hai thị trường trong nước và ngoài nước, hai nguồn tài nguyên lại với nhau, hòa nhập thế giới với thái độ cởi mở, không ngừng mở cửa đối ngoại ở mức độ sâu rộng, tăng cường giao lưu hợp tác với các nước trên thế giới, hoàn thiện hệ thống kinh tế kiểu mở cửa liên kết giữa trong và ngoài nước, cùng thắng lợi cùng có lợi, hiệu quả an ninh cao. Cánh cửa lớn mở cửa đối ngoại của Trung Quốc không thể khép lại, mức độ mở cửa chỉ có thể ngày càng cao.

Dân tộc Trung Hoa là dân tộc yêu chuộng hòa bình, từ sau cận đại, nhân dân Trung Quốc phải chịu đau thương của chiến tranh, bạo loạn và sự nghèo khó. Nhân dân Trung Hoa rất quý trọng hòa bình và sự cấp bách của phát triển. Họ tin tưởng sâu sắc rằng chỉ có hòa bình mới có thể khiến cho họ an cư lạc nghiệp, chỉ có phát triển mới có thể khiến cho họ có được cơm no, áo mặc. Nhân dân Trung Hoa coi việc tạo ra môi trường quốc tế hòa bình, ổn định để phát triển đất nước là nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại. Đồng thời, Trung Quốc tích cực đưa ra những đóng góp của bản thân để thế giới được hòa bình và phát triển, quyết không xâm lược, bành trướng, vĩnh viễn không tranh bá, luôn là lực lượng kiên định gìn giữ hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Hiện nay, các nước trên thế giới cùng dựa vào nhau tồn tại ngày càng sâu sắc, chỉ có thực hiện được việc các nước trên thế giới cùng nhau phát triển thì mới khiến cho ngày càng nhiều người được hưởng những thành quả phát triển; thế giới hòa bình ổn định mới có được nền tảng vững chắc và sự bảo đảm hiệu quả, sự phát triển của các nước trên thế giới phát triển mới có thể được bền vững. Vì vậy, Trung Quốc kiên trì thực thi chiến lược mở cửa cùng thắng lợi, cùng có lợi, giữ vững tính nhất trí giữa lợi ích của bản thân và lợi ích chung của nhân loại, đồng thời theo đuổi sự phát triển bản thân để thực hiện sự trao đổi qua lại mang tính lành mạnh trong việc phát triển với các nước khác, thúc đẩy các nước trên thế giới phát triển chung. Trung Quốc thực sự mong muốn cùng với các nước trên thế giới kề vai sát cánh, thực hiện cùng nhau phát triển, phồn vinh.

Nhìn chung, việc Trung Quốc tuyên truyền về cái gọi là “phát triển hòa bình” không đánh lừa được cộng đồng quốc tế. Việc chính giới, chuyên gia và học giả các nước liên tục chỉ trích, lên án quá trình phát triển không minh bạch của Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu.

RELATED ARTICLES

Tin mới