Monday, December 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChuyên gia hàng đầu tại Australia cảnh báo Bắc Kinh sẽ tiếp...

Chuyên gia hàng đầu tại Australia cảnh báo Bắc Kinh sẽ tiếp tục quân sự hoá các đảo nhân tạo ở Biển Đông

Phát biểu với báo giới hôm 15/12, Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia nhận định, năm 2020, Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quân sự hoá các đảo nhân tạo theo các chiến lược dài hạn và nhằm nâng cao chất lượng hệ thống vũ khí.

Trước hàng loạt các hoạt đông, tuyên bố đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, Giáo sư Carlyle Thayer cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục khẳng định yêu sách chủ quyền vô lý của họ đối với phần lớn diện tích Biển Đông bằng cách duy trì sự hiện diện lâu dài của các lực lượng hải quân, hải cảnh, dân quân biển và đội tàu cá ở vùng biển quanh quần đảo Trường Sa và vùng biển nằm trong “đường chín đoạn” vô căn cứ của họ. Tuy nhiên, theo chuyên gia Thayer, có ít khả năng Trung Quốc tuyên bố vùng nhận diện phòng không (ADIZ) phía trên quần đảo Trường Sa vì nước này hiện không đủ năng lực thực thi lệnh áp đặt ADIZ. Theo ông, năm 2020, Trung Quốc sẽ tập trung vấn đề đàm phán hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông (COC). Tháng 8/2018, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói sẽ mất 3 năm nữa để hoàn tất đàm phán COC, tức là vào tháng 8/2021. Kể từ đó, Trung Quốc cố thúc đẩy đàm phán COC.

“Trong các cuộc đàm phán này, Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép để cùng khai thác tài nguyên biển với các thành viên ASEAN, không cho các nước bên ngoài khu vực tham gia”, Giáo sư Thayer dự đoán. Ông cho rằng, năm 2020, Trung Quốc có thể hành động hung hăng để ngăn cản hoạt động thăm dò dầu khí của các công ty dầu khí không có trụ sở ở Đông Nam Á. “Trung Quốc sẽ phối hợp ngoại giao với sức ép của hải cảnh, dân quân biển và đội tàu cá. Họ sẽ duy trì cách thức hiện nay là triển khai một tàu hải cảnh ở nhóm bãi cạn Luconia thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia. Trung Quốc cũng sẽ duy trì sự hiện diện của họ trong EEZ của Philippines, đặc biệt là ở quanh bãi cạn Scarborough”, ông nhận định. Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ có hành động quấy nhiễu tương tự đối với Việt Nam. Với tư cách thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ có vị thế khi thảo luận với các thành viên khác của Hội đồng để thông báo với họ về diễn biến trên Biển Đông, ông Thayer nói. Các thành viên khác sẽ phải tương tác và tham vấn với Việt Nam về nhiều vấn đề.

Những năm qua, Trung Quốc đã chiếm đóng và bồi đắp, cải tạo 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm Chữ Thập, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Châu Viên, Su Bi và Gaven. Tại đá Chữ Thập, Trung Quốc đã xây dựng một toà nhà bê tông dài hơn 60m, 10 ăngten, radar thu phát sóng cao tần Yagi, phủ sóng mạng điện thoại, 9 cầu tàu, 2 bãi đáp trực thăng, 10 ăng ten liên lạc qua vệ tinh và một trạm radar. Đường băng dài 3.125m và rộng 60m, đây là đường băng duy nhất đủ lớn cho máy bay ném bom chiến lược tại Trường Sa, cho phép quân đội Trung Quốc bao quát không phận rộng lớn từ Tây Thái Bình Dương gồm cả Guam (nơi có các căn cứ Mỹ) đến Ấn Độ Dương. Tháng 10/2018, Trung Quốc tiếp tục đưa vào vận hành các trạm quan sát thời tiết, gồm các thiết bị cho mặt đất và quan sát khí quyển và radar thời tiết trên 3 đảo, đá nhân tạo do nước này chiếm đóng, bồi đắp trái phép ở Biển Đông, trong đó có đá Chữ Thập. Nhiều khả năng những thiết bị này có thể sử dụng các trạm quan sát này vào mục đích quân sự. Tháng 5/2018, Trung Quốc đã lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không HQ-9B trên ba thực thể đá Chữ Thập, Su Bi, Vành Khăn.

Tại đá Tư Nghĩa, Trung Quốc đã huy động hàng chục tàu vận tải công trình trọng tải lớn, tập trung xây dựng cải tạo trái phép bãi Tư Nghĩa thành căn cứ quân sự của họ. Hiện nay, căn cứ quân sự do Trung Quốc xây dựng trái phép trên bãi Tư Nghĩa đã hoàn tất các cơ sở hạ tầng, công trình trên diện tích cải tạo khoảng 9,5 ha bao gồm nhà kiên cố 8 tầng cao khoảng 26-27m, tại 4 góc nhà của các tầng đều bố trí lỗ bắn. Trên nóc bố trí 2 rada hàng hải và 2 ăngten parabol, 1 thiết bị có quả cầu che và các thiết bị thông tin liên lạc, quan sát. Ở tầng 6 của tòa nhà lắp rada điều khiển hỏa lực, kính ngắm quang học, còn tầng 5 lắp 4 bệ pháo 30 mm (7 nòng), tầng 1 lắp 4 bệ pháo 76 mm… Ngoài ra, vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76 mm, pháo 30 mm quay hướng Đông, tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50 m; bãi đáp trực thăng, cầu cảng hướng Đông-Tây dài khoảng 80-100 m. Ngoài việc bồi đắp và xây dựng khối nhà 09 tầng, Trung Quốc cũng cho nạo vét một luồng dẫn vào cầu cảng của đá Tư Nghĩa, dài khoảng 900m với độ sâu trên 10m để đón các tàu trọng tải lớn vào cảng. Tại đá Gaven, hoạt động bồi đắp, xây dựng tại bãi đá bắt đầu từ khoảng sau ngày 30/3/2014. Phần mở rộng có diện tích 114.000 m2, tính đến ngày 19/3. Theo CSIS, bãi đá này có kênh tiếp cận, súng phòng không, súng hải quân, thiết bị liên lạc, kiến trúc hỗ trợ xây dựng, tháp phòng thủ, cơ sở quân sự, bãi đáp trực thăng và đê chắn sóng. Trung Quốc muốn mở rộng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Trung Quốc chiếm giữ trái phép nhằm biến các đảo trên Biển Đông trở thành một đảo nhân tạo khổng lồ có cả sân bay, cảng biển cho tàu quân sự và dân sự, khu vực dân cư và du lịch. Tổng chi phí cho dự án lên đến 5 tỷ USD và cần 10 năm để hoàn thành. Bắc Kinh hy vọng có thể dựa vào đó để đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền đơn phương và phi lý của mình nhằm độc chiếm biển Đông. Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là nếu không đạt đến mức hợp pháp thì cũng phải kiểm soát được trên thực tế các vùng biển trong khu vực. Việc Bắc Kinh xây dựng cầu cảng và đường băng trên các đảo và bãi đá ở Trường Sa của Việt Nam do Trung Quốc chiếm giữ trái phép, nằm trong một chiến lược lâu dài thực hiện giấc mộng trở thành một cường quốc biển trong tương lai. Đây là đường vươn ra biển lớn của Trung Quốc từ căn cứ Hải Nam xuống Hoàng Sa – Trường Sa, khống chế hoàn toàn Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới