Trong một bình luận mới đây, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah gọi yêu sách đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là “điều nực cười”.
Hôm 12.12, Malaysia nộp đơn lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hiệp Quốc xin làm rõ và công nhận giới hạn vùng thềm lục địa của nước này ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước này ở Biển Đông.
Hành động này khiến Trung Quốc phản đối và yêu cầu Liên Hiệp Quốc không xem xét hồ sơ của Malaysia.
“Đó là quyền chủ quyền của chúng tôi khi đưa ra yêu sách đối với những vùng trong vùng biển của chúng tôi và không bị nước khác tranh chấp. Còn việc Trung Quốc tuyên bố toàn bộ Biển Đông thuộc về họ, tôi nghĩ điều đó thật nực cười”, Ngoại trưởng Malaysia Saifudding Abdullah nói với đài Al Jazeera ngày 20.12.
Yêu sách chủ quyền đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc bao phủ gần như toàn bộ Biển Đông. Phần thềm lục địa mở rộng mà Malaysia đăng ký được cho là chồng lấn lên vùng 200 hải lý mà Trung Quốc tự áp đặt xung quanh các thực thể ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp.
Hồi năm 2016, tòa trọng tài quốc tế tuyên bố bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc và các thực thể mà Trung Quốc chiếm đóng phi pháp không được hưởng quy chế EEZ và thềm lục địa.
Về khả năng đệ trình mới gây ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), Ngoại trưởng Saifuddin nói động thái của Malaysia chắc chắn sẽ gây tranh luận nhưng ông nói đó là yêu sách mà Malaysia đã đưa ra và nước này sẽ bảo vệ lý lẽ đó.
“Đương nhiên, việc nước nào đó có thể phản đối và tranh chấp không phải là điều bất thường”, ông Saifuddin nói.