Trong một động thái bất ngờ, Công ty TNHH Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) lại tiếp tục trúng thầu dự án xây dựng sân bay trị giá 10 tỷ USD ở ngoại ô thủ đô Manila của Philippines.
Theo thông tin trên, CCCC đã cùng với công ty dịch vụ hàng không Macroasia Corporation của Philippines tham gia liên danh với chính quyền tỉnh Cavite (Philippines) để thực hiện dự án sân bay quốc tế Sangley Point. Đây là một trong hai dự án sân bay trị giá hàng tỷ USD được xây dựng nhằm giảm tải cho sân bay chính của Philippines đặt tại Manila. Dự án cũng là một phần trong kế hoạch cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng lớn của Chính phủ Philippines.
Việc CCCC trúng thầu dự án xây dựng sân bay ở Manila được giới quan sát đánh giá là khá bất ngờ. Bởi trước đó, dự án sân bay này bị chính phủ Philippines coi là không khả thi. Theo giới quan sát, CCCC là công ty nhà nước Trung Quốc đã trúng thầu nhiều dự án tỷ USD ở nước ngoài như Malaysia, Panama…Việc CCCC thắng thầu dự án sân bay nói trên cho thấy các công ty nhà nước Trung Quốc đang ngày càng gia tăng sự hiện diện tại Philippines.
Trong năm qua, các công ty của Trung Quốc đã giành được nhiều hợp đồng thuộc các lĩnh vực viễn thông, năng lượng và xây dựng của Philippines. Tuy nhiên, cũng không ít các công ty Trung Quốc đã vướng vào các bê bối khiến chính phủ Philippines phải áp dụng những biện pháp mạnh. Tháng 11/2019, với quyết tâm đổi mới về chính sách, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte muốn giảm sự phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài, bao gồm từ Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy các dự án hợp tác công tư. Các dự án mà Tổng thống Duterte “được xem là không khả thi” sẽ bị hoãn lại, chẳng hạn như các cây cầu liên đảo, do chính phủ và Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ, và hai dự án do Trung Quốc tài trợ: tuyến xe buýt nhanh dài 11 km kết nối khu Bonifacio Global City, sân bay Manila, cũng như giai đoạn thứ hai và thứ ba của dự án đường sắt trị giá hàng tỷ dollar ở Mindanao, vẫn chưa bắt đầu xây dựng.
Chính quyền Duterte ban đầu không coi trọng PPP do sự chậm trễ thường xuyên xảy ra khi các nhà thầu yêu cầu thêm thời gian để chuẩn bị đấu thầu. Tuy nhiên, quan điểm này đã được thay đổi, nhiều dự án PPP thời Aquino đang được tài trợ thông qua các khoản vay, như dự án đập Kaliwa 12,2 tỷ peso, sẽ do Trung Quốc rót vốn.
Nằm cách trung tâm thành phố Manila khoảng 35 km, sân bay được cho là một giải pháp tốt để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông hàng không của thủ đô Philippines. Thế nhưng, sân bay Sangley Point lại nằm ở tỉnh Cavite, gần Bộ Chỉ Huy nhiều cơ quan trọng yếu của Hải Quân, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ quan trọng cho quân đội như tiếp tế nhiên liệu, kết nối điện, và một loạt dịch vụ hậu cần khác.Sân bay cũng nằm trên vịnh Manila, nơi đặt bản doanh của Hải Quân Philippines.
Hiện một số quan chức Hải Quân Philippines đang bày tỏ lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia và quốc phòng khi để doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng sân bay trên. Một quan chức Hải Quân Philippines cấp cao xin giấu tên đã xác nhận với tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản: “Đấy không chỉ là một mối lo ngại đối với Hải Quân và lực lượng vũ trang Philippines, mà còn đối với cả đất nước Philippines”. Cựu Tư lệnh Hải Quân Philippines đã về hưu Alexander Pama cho rằng nếu được tiến hành với sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc gây tranh cãi đó, dự án sẽ là hiểm họa treo lơ lửng trên đầu Philippines. Trong một bài đăng trên Facebook, vị cựu tư lệnh này cho rằng “Trong lịch sử Philippines, các căn cứ hải quân và không quân được đặt ở khu vực hiện tại chính là vị trí chiến lược của nơi đó trong việc giúp bảo vệ thủ đô Manila”.
Theo ông Jesse Grepo, một quan chức trong chính quyền tỉnh Cavite, hoạt động đấu thầu của Công ty MarcoAsia vẫn đang được đánh giá và cần sự thông qua từ các ban ngành chính phủ trước khi chính thức khởi công xây dựng.
Trong khi đó, hoạt động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông diễn ra trong bối cảnh, chính quyền của Tổng thống Philippines liên tục có những nỗ lực nhằm thắt chặt quan hệ với chính quyền Bắc Kinh và giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ. Cụ thể, Philippines đã nhận được số tiền hơn 45 tỉ USD đầu tư từ Trung Quốc, sau khi chính quyền Manila phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở The Huage, Hà Lan hồi năm 2016 phủ nhận những tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Hành động quân sự hóa trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông đã làm căng thẳng khu vực không ngừng gia tăng.
Về phần mình, các tướng quân đội Philippines vẫn tỏ ra nghi ngờ về mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc, đồng thời duy trì quan hệ truyền thống với Mỹ, đồng minh hiệp ước duy nhất của Manila. Trong khi đó, dự án sân bay Sangley Point tại tỉnh Cavite nằm trên vịnh Manila, nơi đặt trụ sở của hải quân Philippines cùng hàng loạt sở chỉ huy liên quan tới công tác hậu cần của hải quân nước này.
Trước đó, hồi năm 2009, Ngân hàng thế giới (WB) đã cấm CCCC và tất cả các công ty con của tập đoàn này tham gia vào những dự án xây dựng đường xá được WB tài trợ trong vòng 8 năm trước những cáo buộc “gian lận” trong một dự án xây dựng đường ở Philippines. Tuy nhiên, CCCC đã bác bỏ cáo buộc trên và hiện dần quay trở lại các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Philippines. Tuy nhiên, Thị trưởng tỉnh Cavite là ông Jonvic Remulla lại khẳng định, “chúng tôi thấu hiểu mối quan ngại của các quan chức quốc phòng, nhưng chúng tôi chắc chắn là những biện pháp bảo vệ phù hợp sẽ được thi hành”.
Những mối quan ngại liên quan tới dự án sân bay Sangley Point với sự tham gia của CCCC diễn ra trong bối cảnh, dư luận Philippines ngày càng tỏ ra nghi ngờ về các hoạt đầu tư từ Trung Quốc. Gần đây nhất, hồi cuối tháng 11, các nghị sĩ đảng đối lập đã yêu cầu chính phủ Philippines tiến hành điều tra về việc Tập đoàn Lưới điện quốc gia Trung Quốc (SGCC) hoàn toàn nắm quyền kiểm soát và có thể cắt điện của Philippines bất cứ lúc nào nếu muốn. Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho hay SGCC chỉ là đối tác trong dự án Tập đoàn Truyền tải Quốc gia (Transco) của Philippines. SGCC nắm giữ 40% vốn của NGCP. Tuy nhiên, NGCP chịu trách nhiệm vận hành, bảo trì và phát triển lưới điện của Philippines. Bản thân NGCP cũng nhấn mạnh, những cáo buộc về việc SGCC có thể cắt điện của Philippines là vô căn cứ.