Cục diện thế giới năm 2020 được dự báo là tuy có 1 vài điểm sáng nhưng nhìn chung vẫn diễn biến phức tạp và sự bất ổn sẽ tiếp tục kéo dài.
Đúng như dự báo của giới chuyên gia trước đó, năm 2019 thế giới trải qua những biến động phức tạp khó lường về an ninh, quân sự, kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường… Năm 2020 được dự báo an ninh toàn cầu tuy có một vài điểm sáng nhưng nhìn chung vẫn tiếp tục bấp bênh ẩn chứa nhiều nguy cơ bất ổn, khiến giới nghiên cứu là dư luận đặc biệt quan tâm.
Cạnh tranh vị thế, đối đầu gia tăng
Theo giới quan sát, năm 2020 với sự cọ xát của các đại chiến lược, sự cạnh tranh lợi ích, điều chỉnh chiến lược, chính sách, tranh giành vị thế giữa các cường quốc thế giới và khu vực, càng làm gia tăng tính phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh quân sự toàn cầu.
Cục diện Trung Đông đang thay đổi theo hướng có lợi cho việc thúc đẩy các giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, tại đây vẫn tồn tại những nguy cơ bất ổn kéo dài: mâu thuẫn dai dẳng giữa 2 giáo phái Hồi giáo lớn, kéo theo các cuộc chiến ủy nhiệm; xu hướng giáo hóa nhà nước; suy giảm lòng tin vào thiết chế và nhà nước của người dân; sự xuất hiện“liên minh quyền lực” mới.
Sự phân hóa trong nội bộ EU có dấu hiệu gia tăng, các đảng theo đường lối cực hữu, dân túy… giành được kết quả quan trọng. Khối đảng Nhân dân châu Âu (EEP) và Liên minh tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D) không còn giữ được vị thế độc tôn, khiến cho quá trình ra các quyết định lập pháp trở nên khó khăn hơn.
Tại Vương quốc Anh, chiến thắng áp đảo của Đảng Bảo thủ sẽ dọn đường cho Brexit đúng hạn vào 31/1/2020. Nếu kịch bản “Brexit cứng” xảy ra thì quyền đi lại tự do đối với công dân các nước EU sẽ bị chấm dứt. Đường biên giới cứng với Cộng hòa Ireland sẽ tái lập. Khả năng va chạm tại vùng biển nước Anh dễ xảy ra.
Châu Á-Thái Bình Dương vẫn tiềm ẩn các nguy cơ mất an ninh. Vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên vẫn còn bỏ ngỏ với sự thận trọng của cả hai bên. Hai bờ eo biển Đài Loan gia tăng căng thẳng, bởi Trung Quốc đang tiến gần tới khả năng thực hiện tuyên bố “thống nhất Đài Loan”.
Tại Biển Đông, ASEAN và Trung Quốc đều hướng tới COC, nhưng các ưu tiên, lợi ích vẫn còn sự khác biệt chưa thể hóa giải. Quan hệ Trung-Mỹ tại đây vẫn là sự cạnh tranh giữa 2 chiến lược “Vành đai và Con đường” và “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Nga tiếp tục chính sách xoay trục sang châu Á, gắn kết hơn với Trung Quốc, đẩy nhanh đàm phán giải quyết tranh chấp với Nhật Bản, tăng cường hợp tác với ASEAN. Trong khi Nhật Bản tập trung xử lý quan hệ với Trung Quốc, tham gia tích cực hơn vào cơ chế hợp tác ASEAN, mở rộng hợp tác an ninh với Ấn Độ và Australia…
Kinh tế giảm tốc, điểm sáng nhỏ nhoi
Cho đến nay các tổ chức kinh tế, tài chính lớn như: WTO, IMF, OECD, WB, ADB, ECLAC… đều đưa ra các dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020, tuy cách tiếp cận khác nhau, nhưng đều có chung nhận định là, tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu năm 2020 tiếp tục suy giảm, bởi nhiều nguyên nhân, trong đó bao trùm nhất vẫn là cuộc thương chiến Mỹ-Trung kéo dài và ẩn chứa nhiều nguy mất an ninh kinh tế.
Những điểm sáng ít ỏi được nhắc đến đó là Mỹ, Liên bang Nga và Việt Nam. IMF đánh giá, nền kinh tế Mỹ vẫn là “điểm sáng” trên vũ đài kinh tế toàn cầu, với mức tăng trưởng 2,0% – 2,1%, mặc dù đây là mức tăng thấp hơn so với năm 2019. WB dự báo tăng trưởng của LB Nga là 1,6% cho năm 2020 và 1,8% cho năm 2021, bởi tác động tích cực của “Chính sách nới lỏng tiền tệ”.
Với ADB, trong báo cáo ngày 11/12/2019, tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với khu vực chỉ đạt mức 5,2% cho cả 2 năm 2019 và 2020, nhưng lại “bất ngờ” nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam từ 6,8% lên 6,9% cho năm 2019 và từ 6,7% lên 6,8% cho năm 2020, với lý do 3 quý đầu năm 2019 đạt 7%. Tiêu dùng cá nhân tăng 7,3%, trong khi FDI đạt 7,7%.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tuy có phần giảm nhiệt với việc đạt được thỏa thuận giai đoạn 1. Tuy nhiên, dư luận vẫn hoài nghi về các thỏa thuận tiếp theo, giới đầu tư và người tiêu dùng vẫn lo ngại về sự bất định của chính sách. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng tác động không nhỏ, bởi “sự phân hóa giàu, nghèo” đang được các ứng viên của đảng Dân chủ khai thác, với chính sách gia tăng thuế đánh vào những người giàu của nước Mỹ.
Sang năm mới, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 2 nếu không thuân lợi có thể gây bất ổn, kiềm chế đầu tư tài sản cố định. Vấn đề thuế dịch vụ kỹ thuật số, các quy định chống độc quyền, bảo hộ quyền riêng tư… dẫn đến gia tăng mâu thuẫn giữa Mỹ và đồng minh EU.
Trung Quốc, Nhật Bản, EU tốc độ tăng trưởng đều chậm lại; việc FED giữ nguyên lãi suất trong năm bầu cử… khiến đồng USD tiếp tục lên giá; Mỹ và EU có thể mở rộng chính sách tài khóa và lãi suất đáo hạn dài kỳ; Cung – cầu trái phiếu chính phủ Mỹ mất cân đối trong lãi suất giao dịch mua, bán lại chứng khoán có kỳ hạn (repo) gây ra; Tình trạng tín dụng thắt chặt khi sự phân biệt giữa xếp hạng tín dụng tiêu dùng và doanh nghiệp ngày càng rõ nét hơn.
Với nợ lãi suất âm tăng, khiến nhà đầu tư toàn cầu trở lại săn tìm lãi suất ở thị trường tín dụng Mỹ; lợi nhuận doanh nghiệp suy giảm dẫn tới chi tiêu cho mua lại cổ phiếu đi xuống; ngành công nghiệp ô tô toàn cầu tụt dốc; giá nhà ở Australia, Canada và Thụy Điển rơi tự do; bất ổn liên quan đến Brexit…
Bầu cử Tổng thống Mỹ tác động đến chính sách thuế, quản lý Nhà nước và đầu tư tài sản cố định; nhà đầu tư nước ngoài có thể quay lưng lại với thị trường tín dụng và trái phiếu chính phủ Mỹ sau cuộc bầu cử; sự kiện luận tội Tổng thống D.Trump và nguy cơ Chính phủ bị đóng cửa vẫn còn bỏ ngỏ cũng tác động đến an ninh kinh tế toàn cầu.
Phân hóa nội tình, gia tăng mâu thuẫn
Tại châu Mỹ Latinh, những khó khăn kinh tế và những thất bại trong chính sách của các chính phủ đương nhiệm; tình trạng bất bình đẳng xã hội vẫn còn lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định chính trị-xã hội. Cùng với đó, nạn tham nhũng, ma túy và tội phạm tràn lan, làm kiệt quệ các nguồn tài nguyên và nghèo hóa một bộ phận dân chúng.
Sự đối kháng giữa lực lượng cánh tả và cánh hữu vẫn sẽ diễn ra quyết liệt. Tình trạng chia rẽ, phân hóa của các nước Mỹ Latin làm suy yếu khả năng giải quyết thách thức của mỗi quốc gia và ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực.
Sự can thiệp từ bên ngoài khiến tình hình tại khu vực Mỹ Latin thêm căng thẳng, đặc biệt là ở Venezuela. Mỹ quyết tâm lật đổ Tổng thống Maduro, tố cáo Nga thuyết phục ông Maduro đeo bám lấy quyền lực, thậm chí còn đe dọa sử dụng hành động can thiệp quân sự.
Tình hình rất có thể trở thành một cuộc đối đầu vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, việc Mỹ đưa quân đội sang Venezuela là khó xảy ra, bởi quan điểm không muốn đưa quân đội ra nước ngoài của Tổng thống D.Trump, khiến an ninh chính trị-xã hội tại đây bất ổn có thể kéo dài.
Cú sốc bất ngờ, lo ngại cho hành tinh xanh
Mới đây, Mỹ đã chính thức thông báo tới Liên Hợp Quốc về việc rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới trở thành nước duy nhất đứng ngoài thỏa thuận chống biến đổi khí hậu toàn cầu, làm cho Thỏa thuận mang tính lịch sử rơi vào viễn cảnh tồi tệ nhất mà nhân loại phải đối mặt.
Mỹ bắt đầu tiến trình chính thức rút khỏi Thỏa thuận Paris đã gây nên cú sốc đối với toàn thế giới, làm dấy lên mối quan ngại sâu sắc của dư luận quốc tế về tương lai của “Hành tinh Xanh”. Vấn đề cấp thiết đặt ra là các quốc gia trên thế giới cần nhiều sự lãnh đạo và ý chí chính trị hơn nữa, để đảm bảo rằng Thỏa thuận không rơi vào tình cảnh mất an ninh nghiêm trọng hơn nữa.
Như vậy, năm 2020 được dự báo tiếp tục là một năm cọ xát giữa 2 đại chiến lược “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” và “Trung Quốc soán ngôi số một thế giới năm 2035”, cùng với sự điều chỉnh chiến lược và chính sách của các cường quốc thế giới, khu vực… khiến cho nền an ninh toàn cầu “không mấy tươi sáng” tiếp tục ảm đạm và bấp bênh. Vì thế, giới chuyên gia dự báo, an ninh toàn cầu sẽ diễn biến hết sức phức tạp và sự bất ổn có thể còn kéo dài sang cả năm 2021 là có cơ sở.