Không chỉ diễn ra trên mặt trận Biển Đông, tại các nước khu vực như Indonesia, Malaysia còn đang xuất hiện những dư luận phản đối các vấn đề khác liên quan Trung Quốc như nhân quyền, văn hoá. Điển hình vừa qua là các cuộc biểu tình của người dân Indonesia và Malaysia phản đối việc Bắc Kinh đàn áp người Duy Ngô Nhĩ.
Các cuộc biểu tình phản đối việc TQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ
Hàng nghìn người dân đã xuống đường ở Indonesia và Malaysia hôm 27/12, để phản đối sự đàn áp của gần 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ của chính quyền Trung Quốc. Tại Malaysia, khoảng 700 thành viên của các nhóm khác nhau đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Kuala Lumpur. Các cuộc biểu tình diễn ra sau khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hứa sẽ không dẫn độ người Duy Ngô Nhĩ tìm nơi ẩn náu ở đất nước ông. Khoảng 1.000 người biểu tình chủ yếu là người Hồi giáo cũng tập trung trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta, trong cuộc biểu tình lớn nhất từ trước đến nay tại quốc gia Đông Nam Á chống lại Bắc Kinh đàn áp các nhóm người thiểu số Hồi giáo. Chính phủ Malaysia đã chỉ định một viện quốc tế để tiến hành một nghiên cứu về các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Saifuddin Abdullah cho biết, Viện Tư tưởng và Văn minh Hồi giáo Quốc tế (ISTAC) đã được giao nhiệm vụ viết một báo cáo chi tiết về tình hình của người Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.
Khu tự trị Tân Cương, thuộc Tây Bắc Trung Quốc là nơi có 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ. Nhóm Hồi giáo Turkic, chiếm khoảng 45% dân số Tân Cương, từ lâu đã cáo buộc chính quyền Trung Quốc phân biệt đối xử về văn hóa, tôn giáo và kinh tế. Trung Quốc bị buộc tội thực hiện các chính sách đàn áp nhóm người Duy Ngô Nhĩ và kiềm chế các quyền tôn giáo, thương mại và văn hóa. Theo các quan chức của Mỹ và các chuyên gia của Liên hợp quốc, có tới 1 triệu người, tương đương khoảng 7% dân số người Hồi giáo ở Tân Cương, đã bị giam giữ bất hợp pháp trong các trại cải tạo. Trong một báo cáo hồi tháng 9 năm ngoái, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã cáo buộc Trung Quốc thực hiện một chiến dịch có hệ thống về vi phạm nhân quyền đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.
Tòa án Malaysia cấm nhóm vận động Hoa ngữ học đường biểu tình
Một tòa án Malaysia hôm 27/12 cấm Dong Jiao Zong, một nhóm khuyến học Hoa ngữ tổ chức biểu tình chống việc dạy chữ Ảrập ở nước này. Trước đó, nhóm Dong Jiao Zong (Đồng Giáo Tổng) dự định tổ chức một cuộc biểu tình vào cuối tuần này để chống lại kế hoạch dạy viết chữ Ảrập, tiếng Malaysia gọi là Khat, trong các trường học dạy tiếng Tamil và tiếng Quan thoại tại địa phương. Nhà chức trách Malaysia lo ngại động thái của nhóm vận động Hoa ngữ có thể gây ra căng thẳng sắc tộc ở một đất nước đa chủng tộc. Thủ tướng Mahathir Mohamad cảnh báo rằng cuộc biểu tình do nhóm Dong Jiao Zong phát động có khả năng gây hỗn loạn vì nó kích động cộng đồng thiểu số người Hoa ở Malaysia chống lại đa số người Mã Lai theo Hồi giáo. Mục đích chính của Dong Jiao Zong trong cuộc biểu tình dự kiến vào ngày 28/12 tại một trường đại học ở thị trấn Kajang, chỉ cách thủ đô Kuala Lumpur 28km, là để phản đối kế hoạch của Bộ giáo dục Malaysia về việc đưa chữ Khat vào dạy tại tất cả các trường tại địa phương. Chữ khat từng là một hệ thống được ưa thích để viết tiếng Mã Lai.
Truyền thông địa phương cho biết lệnh cấm của tòa án là nhằm tránh nguy cơ xảy ra bạo loạn nếu cuộc biểu tình được phép tổ chức. Lệnh cấm ghi rõ: “Theo quan điểm đó, sự hiện diện của bạn tại trường Đại học New Era ở Kajang vào ngày mai bị cấm và bạn được cảnh báo không tụ tập hoặc tham gia vào bất cứ hoạt động nào của cuộc biểu tình”. Ngoài người Mã Lai chiếm khoảng 60% dân số 32 triệu dân của Malaysia, người Tamil và người Hoa là hai nhóm sắc tộc thiểu số lớn nhất ở nước này. Luật pháp Malaysia cho phép các cộng đồng thiểu số điều hành các trường dạy bằng ngôn ngữ của họ.