Sau khi đưa ra những cảnh báo cứng rắn về khả năng sử dụng vũ lực “thống nhất” với Đài Loan, Trung Quốc lại tiến hành diễn tập đánh chiếm Đài Bắc. Hành động trên của Bắc Kinh chỉ khiến quan hệ hai bờ Eo biển căng thẳng, dễ dẫn đến những xung đột, va chạm ngoài ý muốn.
Truyền thông Trung Quốc mới đây tiết lộ một số ảnh về một hoạt động bị nghi ngờ là diễn tập tấn công ở Đài Loan của quân đội Trung Quốc (PLA). Xuyên suốt các bức ảnh, các nhân tố chính bao gồm huy hiệu Lục quân PLA, Sở chỉ huy hỗn hợp tác chiến đổ bộ đảo phía Nam. Một trong số đó là tấm bản đồ khổng lồ có nội dung “Sơ đồ hành trình tác chiến đổ bộ đảo phía Nam”. Vị trí dường như là vùng biển phía Nam eo biển Đài Loan và xuất hiện hai tuyến hành trình khác nhau từ bờ biển Đại Lục đến phía Nam của đảo Đài Loan. Ngoài ra địa hình của sa bàn điện tử rất giống với phần phía Nam của đảo Đài Loan. Dựa trên điều này, nhiều người dân Trung Quốc Đại lục, sau khi nhìn thấy những bức ảnh này, nghĩ rằng đây là một cuộc diễn tập trên sa bàn được thực hiện bởi “Nhóm tác chiến đổ bộ đảo phía Nam” do PLA thành lập. Tuy nhiên, do không rõ nguồn gốc, người ta chưa thể xác minh được tính xác thực của nó. Nhiều người cho rằng sau khi bà Thái Anh Văn được bầu lại làm người đứng đầu chính quyền Đài Loan và đưa ra lý thuyết chiến tranh đã đụng chạm vào lằn ranh đỏ của Đại Lục, phía Đại Lục tất yếu tiến hành một số hành động đáp trả cứng rắn.
Đáng chú ý, trong thời điểm Đài Loan tổ chức bầu cử Tổng thống (11/1/2020), nhiều đơn vị quân đội Trung Quốc cũng đồng loạt tổ chức “diễn tập” quân sự. Theo đó, đơn vị không quân Tập đoàn quân 73 của Chiến khu miền Đông PLA đã ban hành lệnh huấn luyện “khai chiến” vào đúng ngày 11/1. Chiến khu miền Đông tuyên bố rằng “việc huấn luyện bắt đầu ngay lập tức với khói lửa mù mịt”. Các bức ảnh cuộc huấn luyện được công bố cho thấy lữ đoàn này được trang bị máy bay tấn công vũ trang Zh-10 và máy bay trực thăng vận tải Mi-17. Ngoài ra, các sĩ quan chỉ huy Lữ đoàn Hàng không này cũng tiến hành diễn tập bắn ném. Ngoài ra, Hạm đội Đông Hải cũng ra thông báo rằng một chi đội tàu khu trục cũng thực hiện cuộc tập trận chiến đấu trên biển cường độ cao “5 ngày 4 đêm” tại một vùng biển nhất định. Mặc dù việc huấn luyện và tập trận là những hành động thường lệ, nhưng thời gian được chọn cho việc huấn luyện của lữ đoàn hàng không Tập đoàn quân 73 và cuộc tập trận của Hạm đội Đông Hải trùng với ngày diễn ra cuộc bầu cử Đài Loan năm 2020 cho thấy quyết tâm “thống nhất” hai bờ Eo biển của Trung Quốc.
Trước đây, Trung Quốc cũng từng tiến hành diễn tập đổ bố đánh chiếm Đài Loan vào những thời điểm nhạy cảm. Tháng 6/2018, đơn vị Phòng không, Tập đoàn quân 73 thuộc Chiến khu miền Đông của PLA đã tiến hành các cuộc tập trận ở Bắc Thìn Sơn, Hạ Môn và trong bối cảnh của sở chỉ huy tập trận đã xuất hiện hai tấm bản đồ của Đài Loan liên quan. Hai bản đồ này, một là bản đồ triển khai các điểm trọng yếu ở khu vực Kim Môn; tấm bản đồ kia là bản đồ các trạm radar và sân bay quân sự trên đảo Đài Loan. Tên của các sân bay bao gồm Tân Trúc, Thanh Tuyền Cương, Gia Nghĩa, Đài Nam, Cao Hùng, Bình Đông, Đài Đông, Hoa Liên, Giai Sơn. Ngoài ra, năm 2008, Trung Quốc cũng ban bố tình huống chuẩn bị chiến đấu khẩn cấp cho tình hình ở Eo biển Đài Loan, yêu cầu “Ngoài chùng trong căng” và ra lệnh cho tất cả các tàu đang sửa chữa phải rời khỏi nhà máy đợi lệnh vào cuối năm 2007. Tuy nhiên, do rò rỉ kế hoạch chiến đấu, cùng với sự nắm quyền của Mã Anh Cửu (Ma Ying-jeou) tại Đài Loan, nên kế hoạch tấn công Đài Loan một lần nữa bị dừng lại.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc sẽ không dễ dàng “nuốt trôi” Đài Loan. Phó Giáo sư Michael Beckley, Đại học Tufts của Mỹ, cho rằng lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể đẩy lùi hoàn toàn các cuộc tấn công của Trung Quốc bằng chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận khu vực (A2/AD) với sự hỗ trợ tối thiểu của Mỹ. Với sự hậu thuẫn của Mỹ, Đài Loan gần đây đang tăng cường nỗ lực nhằm cân bằng sức mạnh quân sự ở Đông Á. Cán cân sức mạnh này sẽ ổn định trong vài năm tới, vì Trung Quốc chưa đủ khả năng triển khai sức mạnh cần thiết để áp đảo năng lực A2/AD của Đài Loan. Chiến lược A2/AD thường được Trung Quốc sử dụng để ngăn Mỹ can thiệp vào mọi cuộc xung đột khu vực hoặc khiến Mỹ trả giá đắt nếu tham chiến. Tuy nhiên, Washington và các đồng minh châu Á cũng có thể áp dụng trở lại chiến lược này để đối phó Trung Quốc. Theo đó, thay vì tìm cách chiếm ưu thế trên không và trên biển theo chiến thuật truyền thống, lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể áp dụng các biện pháp để phong tỏa vùng trời, vùng biển trước các lực lượng đổ bộ của Trung Quốc. Để tấn công được Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ phải tiến hành chiến dịch cơ động lực lượng vượt qua eo biển và đổ bộ lên các đảo nhỏ vòng ngoài trước khi tiến tới đảo chính. Đây sẽ là thách thức rất lớn với quân đội Trung Quốc, bởi hoạt động đổ bộ từ biển luôn là hình thức tác chiến khó khăn nhất. Lực lượng tấn công của Trung Quốc sẽ rất dễ bị các loại vũ khí dẫn đường chính xác của Đài Loan tập kích khi đang cơ động vượt eo biển. Do đó, để chiến dịch thành công, Bắc Kinh sẽ phải hoàn toàn chiếm ưu thế trên không và kiểm soát vùng biển trong khu vực. Nếu Đài Loan sở hữu các vũ khí diệt hạm và phòng không uy lực mạnh, Trung Quốc sẽ không thể thực hành tấn công đổ bộ do những vũ khí này có thể tiêu diệt tàu đổ bộ khi chúng di chuyển qua eo biển.
Để có thể phá hủy năng lực phòng thủ của Đài Loan và đảm bảo chiến dịch đổ bộ thành công, Trung Quốc phải giữ được yếu tố bất ngờ về thời điểm tấn công và đồng loạt phóng nhiều tên lửa vượt eo biển để tiêu diệt các tổ hợp phòng không, diệt hạm hay sân bay quân sự của đối phương. Tuy nhiên, nếu được cảnh báo trước về cuộc tấn công, Đài Loan có thể phân tán chiến đấu cơ đến 36 sân bay quân sự trên hòn đảo, chưa kể một loạt sân bay dân sự và đường cao tốc cũng có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đài Loan cũng có các bệ phóng tên lửa di động và vũ khí phòng không cũng như tàu chiến và tàu ngầm đối phó đòn phủ đầu bằng tên lửa của Trung Quốc. Trung Quốc hầu như không thể loại bỏ toàn bộ hệ thống phòng thủ của đối phương trong đòn tấn công phủ đầu, bởi Đài Loan hiện sở hữu các hệ thống cảnh báo sớm tối tân.
Ngoài ra, Quân đội Trung Quốc vốn chưa từng tham gia cuộc chiến lớn nào trong ba thập kỷ qua cũng không thể đảm bảo được rằng sẽ thành công trong chiến dịch tấn công đổ bộ vào Đài Loan. Chỉ 10% bờ biển Đài Loan thích hợp cho hoạt động đổ bộ, nên nếu tập trung lực lượng phòng thủ ở một số khu vực trọng yếu, Đài Loan hoàn toàn có thể áp đảo lực lượng đổ bộ Trung Quốc. Trong chiến lược phòng thủ kiểu A2/AD này, Mỹ không cần triển khai tàu sâu bay hay tiêm kích tới eo biển Đài Loan để hỗ trợ đồng minh và hứng chịu rủi ro lớn về con người và vũ khí. Quân đội Mỹ có thể sử dụng năng lực trinh sát, do thám và cảnh báo tầm xa của mình để cung cấp thông tin về hoạt động điều chuyển lực lượng của Trung Quốc, cũng như dữ liệu mục tiêu để lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể phong tỏa vùng biển, vùng trời xung quanh hòn đảo. Trong trường hợp cần thiết, Mỹ có thể dùng các loại máy bay tàng hình tối tân như oanh tạc cơ B2, tiêm kích F-35 hoặc tàu ngầm lớp Ohio để tấn công các lực lượng đổ bộ của Trung Quốc tại bờ biển Đài Loan, giúp đồng minh đẩy lùi cuộc tấn công quy mô lớn.
Theo nhà bình luận quân sự Denny Roy, khi phát động chiến dịch đổ bộ nhằm tấn công Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ phải đối mặt với thách thức đầu tiên là các hệ thống phòng thủ bờ biển của hòn đảo. Các tàu đổ bộ vốn di chuyển chậm chạp của Trung Quốc khi vượt qua eo biển rộng 160 km sẽ trở thành mục tiêu cho các loại tên lửa đất đối hải của Đài Loan. Trung Quốc chỉ có khả năng vận chuyển khoảng vài chục nghìn quân cho mỗi lần đổ bộ. Phần lớn số binh sĩ này sẽ không qua được eo biển và số còn lại sẽ phải đối mặt với lực lượng áp đảo gồm 180.000 lính chính quy và 1,5 triệu quân dự bị của Đài Loan. Để giảm thiểu rủi ro, quân đội Trung Quốc có thể không ngay lập tức đổ bộ trực tiếp vào Đài Loan, mà sẽ đột kích chiếm các đảo nhỏ xung quanh, tiến hành phong tỏa hải cảng, sân bay, tấn công hệ thống thông tin liên lạc trước khi trút tên lửa xuống hòn đảo. Tuy nhiên, một chiến dịch quân sự kéo dài sẽ gia tăng khả năng Mỹ có biện pháp can thiệp để bảo vệ Đài Loan. Nếu Washington quyết định can thiệp, máy bay chiến đấu Mỹ từ các căn cứ trong khu vực chỉ mất vài giờ để vận chuyển lực lượng tiếp viện, khí tài đến Đài Loan. Trung Quốc có thể phóng tên lửa phá hủy các đường băng ở Đài Loan để ngăn cản tạm thời các chiến đấu cơ Mỹ hạ cánh xuống hòn đảo, nhưng điều này sẽ làm giảm số lượng tên lửa tấn công Đài Loan. Việc máy bay Mỹ bị tấn công cũng tăng nguy cơ khiến các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản tham chiến. Denny Roy nhận định một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành công trong hành động quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan là phản ứng của Mỹ. Chính phủ Mỹ cho đến nay luôn có những biện pháp hỗ trợ Đài Loan nâng cao khả năng phòng thủ và ngăn chặn một đợt tấn công từ Bắc Kinh.