Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTiêm kích tàng hình J-20 của TQ bắt đầu đi vào giai...

Tiêm kích tàng hình J-20 của TQ bắt đầu đi vào giai đoạn tác chiến

Truyền thông Trung Quốc mới đây tiết lộ thông tin tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận theo kịch bản tác chiến giả định cùng với các tiêm kích J-16 và J-10C; đồng thời nhận định J-20 có thể tạo ra một đội hình tác chiến đa năng để “bảo vệ đất nước”.

Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (19/1) đăng tải video về hoạt động diễn tập trên. Theo đó, các tiêm kích J-20 của Không quân Trung Quốc đã tiến hành bay huấn luyện tác chiến theo kịch bản chiến đấu thực sự. Video cũng cho thấy lần đầu tiên tiêm kích tàng hình J-20, J-16 và J-10C cất cánh và tiến hành tập trận cùng nhau. Đội hình gồm hai chiếc J-20, hai J-16 và một J-10C đã thiết lập đội hình chiến đấu.

Các chuyên gia quân sự của Trung Quốc cho biết sự kết hợp J-20 với hai loại tiêm kích ít hiện đại hơn này có thể tạo ra một đội hình tác chiến đa năng để “bảo vệ đất nước”; cho rằng các tiêm kích tàng hình J-20 “đang tiến triển êm ả” trong không quân Trung Quốc khi hoạt động tác chiến của chúng đã bước vào giai đoạn mới thể hiện năng lực tác chiến toàn diện. Theo chuyên gia Phó Khiêm Thiều, Không quân Trung Quốc đã thử nghiệm các chiến thuật với tiêm kích J-20 và các loại tiêm kích khác trong các cuộc bay tập trận trước đó và đã thu được một số kinh nghiệm trong việc chiếm ưu thế trên không, tấn công mặt đất và tấn công trên biển. Dù tiêm kích J-20 hiện đại hơn J-16 và J-10C, chúng cùng có các công nghệ tương tự như hệ thống điện tử hàng không và radar quét mảng pha chủ động. Với đội hình như trên, J-16 có thể dẫn đầu cuộc tấn công và công khai sử dụng radar để tìm kiếm mục tiêu, thu hút sự chú ý của địch quân, trong khi đó tiêm kích tàng hình J-20 có thể lởn vởn gần đó và bất ngờ tung ra cú tấn công bằng tên lửa khi đối phương đang nhắm bắn J-16. Một chiến thuật khác là J-20 phá hủy trung tâm chỉ huy chiến lược của đối phương, bao gồm các máy bay cảnh báo sớm và máy bay tiếp dầu, sử dụng khả năng tàng hình, rồi tiêm kích trang bị nhiều vũ khí tấn công lực lượng trên mặt đất của đối phương bao gồm các trạm radar di động, trong khi tiêm kích J-10C đảm bảo kiểm soát trên không.

Trước đó, giới tướng lĩnh Mỹ nhiều lần cảnh báo năng lực tác chiến của không quân Trung Quốc sẽ được cải thiện đáng kể nếu J-20 đưa vào sử dụng. Chỉ huy Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ Charles Brown (2/5/2019) cho biết, tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu trong năm 2019. Đây là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể tăng cường năng lực tác chiến, cũng như mối đe dọa nhằm vào lực lượng Mỹ trên Thái Bình Dương. Tướng Brown khẳng định Mỹ sẽ đối phó bằng cách triển khai thêm siêu tiêm kích F-35 ở Thái Bình Dương và duy trì các chuyến bay tuần tra trên Biển Đông. Trước đây, Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định J-20 chưa đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu đầy đủ do chỉ có số lượng nhỏ máy bay được đưa vào sử dụng để thử nghiệm và huấn luyện. Tuy nhiên, Trung Quốc vội vàng đưa máy bay tàng hình J-20 vào biên chế hồi cuối năm 2017, nhằm đối phó việc Mỹ triển khai tiêm kích F-35 đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản nhận bàn giao các phi cơ F-35A đầu tiên. Trước đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đầu năm 2019 tuyên bố tiêm kích tàng hình J-20 đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu sơ bộ (IOC) và đưa vào biên chế không quân. Sự kiện này được giới quân sự Trung Quốc ca ngợi là bước ngoặt thay đổi thế độc quyền của phương Tây trong lĩnh vực máy bay tàng hình, cũng như thay đổi lịch sử không quân khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng J-20 vẫn thua kém nhiều so với máy bay tàng hình F-22 và F-35 Mỹ.

Trong khi đó, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho biết, trước những thách thức an ninh ngày càng tăng trong khu vực, Trung Quốc đã vội vã đưa vào biên chế dòng J-20 trước thời hạn bằng cách trang bị cho nó động cơ kiểu “chữa cháy”, dù động cơ luôn được ví như “trái tim” của bất cứ chiến đấu cơ quân sự nào. Điều này khiến năng lực tác chiến của J-20 bị hạn chế đáng kể, ảnh hưởng đến tính tàng hình và khả năng cơ động của nó. Theo giới chuyên gia, việc Trung Quốc không sở hữu động cơ với tính năng tương đương khiến J-20 không thể duy trì khả năng tàng hình khi phải bật chế độ đốt tăng lực để đạt vận tốc siêu âm. Vấn đề này dường như sẽ khó được khắc phục trong tương lai gần. Các kỹ thuật viên Trung Quốc có thể dồn sức chế tạo một vài lá cánh turbine đơn tinh thể với chất lượng rất cao, nhưng vẫn không thể đưa nó vào sản xuất hàng loạt. Vấn đề mấu chốt là Bắc Kinh cần thêm thời gian để kiểm tra, thử nghiệm và khắc phục trở ngại về mặt công nghệ. Hiện phi đội J-20 trong biên chế không quân Trung Quốc đang phải lắp động cơ WS-10B được cải tiến từ mẫu WS-10 cho tiêm kích thế hệ 4 như J-10 và J-11. Đây được coi là giải pháp tình thế mang tính chữa cháy, trước khi Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu số lượng lớn động cơ AL-31F của Nga.

Được biết, J-20 là máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc, có thiết kế tương đối giống máy bay tàng hình MiG 1.44 của Nga. Máy bay trên có hai động cơ, nặng 35 tấn, dài 20,4m, sải cánh 12,8m, tốc độ tối đa Mach 2 (2470km/h), tầm hoạt động hơn 3200km. J-20 có ngoại hình rất đặc biệt với cách con vịt ở đằng mũi, ngay sau buồng lái. J-20 được thiết kế đặc biệt dành cho các nhiệm vụ đánh vào khả năng triển khai sức mạnh của không quân Mỹ ở tây Thái Bình Dương cũng như thực hiện hỗ trợ tiếp nhiên liệu, chỉ huy trên không, tình báo giám sát, thậm chí là mang theo tên lửa hành trình tầm xa để tấn công tàu sân bay Mỹ. J-20 được Trung Quốc công khai lần đầu tiên vào tháng 11/2016 tại triển lãm hàng không Chu Hải. Tại triển lãm, J-20 được quảng bá là mẫu máy bay tối tân do Trung Quốc tự thiết kế và sản xuất, có khả năng đọ sức ngang ngửa cùng các tiêm kích tàng hình hiện đại nhất của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quân sự quốc tế vẫn nghi ngờ về khả năng thực sự của dòng máy bay này. Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn trong công nghệ chế tạo động cơ và phải biên chế dòng J-20 trước thời hạn bằng cách trang bị cho nó động cơ do Nga sản xuất để “chữa cháy”, khiến năng lực tác chiến của J-20 bị hạn chế đáng kể, ảnh hưởng đến tính tàng hình và khả năng cơ động của nó.

RELATED ARTICLES

Tin mới