1. Rạng sáng ngày 17/02/1979 nhà cầm quyền Bắc Kinh đã huy động 60 vạn binh lính với 800 xe tăng thuộc quân khu Vân Nam và quân khu Quảng Tây vượt qua biên giới, tiến hành cuôc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Bị quân đội và nhân dân Việt Nam đánh trả quyết liệt, tiêu diệt 30.000, nên ngày 06/3/1979 Trung Cộng phải quyết định rút quân. Để che đậy cho hành động xâm lược của họ, Trung Cộng rêu rao rằng đó là cuộc “phản kích tự vệ”. Lô gích thông thường là người ta chỉ phản kích tự vệ khi bị người khác tấn công. Sự thật lúc đó hoàn toàn không hề có việc Việt Nam tấn công Trung Quốc bởi vì một phần rất lớn quân đội Việt Nam đang tập trung sức mạnh tiêu diệt chế độ diệt chủng Khơ-me Đỏ ở Căm-pu-chia theo lời kêu gọi của nhân dân nước này. Chẳng lẽ các nhà lãnh đạo ở Hà Nội lúc đó lại ấu trĩ đến mức vừa cử quân đội sang Căm-pu-chia đánh Khơ me Đỏ ở phía Nam, lại vừa tấn công Trung Cộng ở phía Bắc. Chưa kể, tương quan lực lượng giữa quân đội Trung Cộng và quân đội Việt Nam cũng rất lớn. Một nước cờ đơn giản như vậy, chắc chắn Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam thừa kinh nghiệm để nhìn thấy. Do đó, ngay từ lúc đó dư luận thế giới đã không chấp nhận cái gọi là “phản kích tự vệ” của Trung Cộng. Việc các mạng Hoàn Cầu, Quang Minh vừa qua tiếp tục sử dụng mác “phản kích tự vệ” của Trung Cộng chỉ là vở tuồng quá cũ không lừa bịp được ai.
Ảnh minh họa: Internet.
Vậy thì Trung Cộng trở mặt, gây chiến tranh xâm lược với Việt Nam năm 1979 vì lẽ gì? Gần đây Lưu Á Châu, chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Cộng thị sát căn cứ không quân Trung Quốc ở Côn Minh. Trong bài nói chuyện ở đó, viên tướng này đã lý giải: đánh Việt Nam năm 1979 vì hai lý do. Lý do thứ nhất là Đặng Tiểu Bình trở lại cầm quyền năm 1977, lực lượng chống lại Đặng rất mạnh. Để xác lập quyền lực của mình Đặng chọn biện pháp nhanh nhất là gây chiến tranh. Lý do thứ hai là đánh Việt Nam “vì người Mỹ, trả hận cho Mỹ”. Bằng chứng là ngày hôm trước Đặng rời Nhà Trắng thì ngày hôm sau hạ lệnh đánh Việt Nam. Mỹ vừa tháo chạy nhục nhã khỏi Việt Nam, còn cay cú. Do đó sau khi Trung Quốc đánh Việt Nam thì Mỹ đã ồ ạt viện trợ kinh tế, kỹ thuật, khoa học, và cả viện trợ quân sự cho Trung Quốc. Còn Lý Tôn Bân, phóng viên chiến tranh đã từng theo lính Trung Cộng đánh Việt Nam vào năm 1979 có viết cuốn “Vòng hoa dưới chân núi”. Để viết cuốn sách này Lý đã được Diệp Kiếm Anh là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Cộng lúc đó cho phép tiếp cận nhiều tài liệu tối mật. Trên cơ sở đó, Lý nêu rõ con số thương vong của Trung Cộng khi đánh Việt Nam là 37.000. Còn về lý do đánh Việt Nam thì Lý giải thích là “Vây Ngụy cứu Triệu”, tức là đánh Việt Nam để kéo quân đội Việt Nam đang ở Căm-pu-chia về nước và tiêu diệt, nhưng Việt Nam không mắc mưu. Như vậy, lý do đích thực của việc đưa quân đánh Việt Nam năm 1979 theo các chuyên gia Trung Cộng là để cứu chế độ diệt chủng Khơ-me – quái thai mà Trung Cộng đã dày công sức đẻ ra ở Căm-pu-chia, để lập công với Mỹ và để củng cố quyền lực của Đặng.
2. Điều mà các tay bút Trung Cộng tìm cách che giấu người dân Trung Quốc là để đặt mục đích cứu chế độ Khơ-me Đỏ, để lấy lòng Mỹ, để củng cố quyền lực của Đặng, lính Trung Quốc đã phạm những tội ác man rợ đối với nhân dân Việt Nam. Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã ra lệnh cho binh lính Trung Cộng “cách sát vô luận” tức là giết sạch không tha. Chỉ trong vòng một tháng, quân lính Trung Cộng đã phá huỷ 735 trường phổ thông, 428 bệnh viện, bệnh xá và 80.000 ha hoa màu của nhân dân các tỉnh biên giới của Việt Nam. Xin lấy một trường hợp để minh chứng cho sự tàn bạo của binh lính Trung Cộng đối với dân thường Việt Nam: Ngày 09/03/1979 trước khi rút lui, quân Trung Cộng đã giết 43 người ở thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng (gồm 23 phụ nữ, 20 trẻ em, trong đó có 7 phụ nữ mang thai). Tất cả 43 người này đều bị giết bằng dao, 10 người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác bị chặt ra nhiều khúc, vứt hai bên bờ suối. Trong một bài nói chuyện đúng vào ngày Trung Quốc rút quân, chính Đặng Tiểu Bình đã xác nhận “Mười một ngày này trên đường trở về đã quét dọn một số hang, có một số vật tư giấu ở hang này hang nọ, một số thôn trang, cũng quét dọn mấy ngàn người, trên vạn người”. Khi chiến sự xảy ra, hàng nghìn dân thường, Việt Nam, chủ yếu là người dân tộc, bỏ làng, bỏ bản chạy vào trú trong các hang, động. Họ đã bị binh lính giết như lời của Đặng Tiểu Bình đã kể. Còn Vương Quốc Hến, một kẻ từng tham gia xâm lược Việt Nam, thừa nhận trên mạng Hoàn Cầu là Trung Quốc còn gài lại 10 triệu quả mìn trên đất Việt Nam. Hiện nay sau khi Trung – Việt bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, nhưng vẫn còn hàng trăm héc-ta ruộng đất Việt Nam còn mìn Trung Quốc, sát đường biên giới giữa hai nước, Trung Cộng vẫn còn duy trì các chốt quân sự để chĩa súng vào Việt Nam.
Sự thật là vậy. Tội ác mà binh lính Trung Cộng gây ra trong cuộc xâm lược Việt Nam ngày 17/2/1979 là tội ác trời không dung, đất không tha. Đó chính là sự tiếp nối có chủ đích những tội ác mà giặc Tống, giặc Nguyên Mông, giặc Minh và giặc Thanh đã từng gây ra trong 1000 năm qua trên đất Việt Nam. Trong triệu, triệu trái tim người Việt thuộc mọi tầng lớp và chính kiến, sự kiện ngày 17/2/1977 chính là mối thù muôn đời, muôn kiếp không quên./.
Nguyễn Chương Lương