Kể từ khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) ra đời đến nay, cộng đồng quốc tế và nhân loại không thể phủ nhận tầm quan trọng và vị trí pháp lý của nó trong đời sống luật pháp quốc tế, được coi là bản Hiến chương của biển và đại dương?
Tính đến nay tháng 03/2020, đã có168 quốc gia và Cộng đồng châu Âu (EC) tham gia UNCLOS 1982. Đáng chú ý, Công ước quy định, khi trở thành thành viên tham gia UNCLOS 1982, các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều phải có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định trong Công ước, không có ngoại lệ và không có bảo lưu. Như vậy có nghĩa, không thể có quốc gia nào khi tham gia sân chơi luật pháp chung này lại chỉ viện dẫn và áp dụng những quy định trong Công ước có lợi cho quốc gia mình, hoặc không tuân thủ, thậm chí phủ nhận những quy định không có lợi cho nước mình. Thế mà, giờ đây có một quốc gia lại đang “đầu têu” làm việc đó.
Cần phải chỉ đích danh quốc gia đó là Trung Quốc. Đây là nước đã ký tham gia UNCLOS 1982 từ năm 1996, nhẽ ra thì cũng giống như các nước tham gia khác, họ phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực thi Công ước. Thế nhưng, Trung Quốc đã và đang “phá luật” để tìm cách “độc chiếm Biển Đông” theo yêu sách “đường chín khúc” phi lý.
Sự “phá luật” rõ nhất của Trung Quốc gần đây là sự kiện nước này chống lại phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) trong vụ Philipines kiện Trung Quốc ở Biển Đông năm 2016. Theo đó, do biết chắc chắn rằng phần thắng sẽ không thuộc về mình, nên trước khi Philippines đưa vụ kiện trên ra tòa trọng tài quốc tế, Trung Quốc đã tuyên bố không chấp nhận bất kỳ một phán quyết nào từ các tòa trọng tài. Khi PCA ra phán quyết cuối cùng bác bỏ yêu sách “đường chín khúc” và các đòi hỏi phi lý khác của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh đã thể hiện sự coi thường luật pháp quốc tế khi một lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc trong buổi gặp mặt Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ủy ban châu Âu ngày 12/07/2016 đã nói rằng: “Từ cổ chí kim, các đảo ở Biển Đông đều là lãnh thổ của Trung Quốc. Trong bất cứ tình hình nào, chủ quyền lãnh thổ và các quyền lợi hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông đều không chịu ảnh hưởng từ phán quyết của PCA. Trung Quốc không chấp nhận bất cứ chủ trương và hành động nào xuất phát từ phán quyết của PCA”. Thậm chí, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc đó còn cho rằng, vụ kiện này là “một trò hề đội lốt pháp luật”; Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia PCA là nhằm “bảo vệ nền pháp quyền quốc tế và quy tắc khu vực theo pháp luật”…
Ai cũng biết, PCA là tòa trọng tài quốc tế, được lập ra theo những quy định của UNCLOS 1982 để xử lý những tranh chấp xung quanh tiến trình thực thi Công ước. Do đó, PCA được cả cộng đồng quốc tế công nhận, trong đó có cả Trung Quốc khi tham gia Công ước. Nhưng nay họ lại tuyên bố rằng không chấp nhận, không tham gia PCA và không chấp hành phán quyết của PCA thì hóa ra chẳng phải là hành động “phá luật” đó sao? Hiện nay trên thế giới, không chỉ ở Biển Đông mà nhiều khu vực khác cũng đang có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ. Và để giải quyết các tranh chấp đó, xu hướng chung là các nước đều dựa vào luật pháp quốc tế, đàm phán, thương lượng hòa bình. Thử hỏi, quốc gia nào cũng hành xử ngang ngược như Trung Quốc thì thiên hạ rồi đây có rơi vào “đại loạn” hay không?
Bước tiếp theo sau những tuyên bố trắng trợn nêu trên, Trung Quốc đã tiến hành “phá luật” ở Biển Đông bằng những hành động “kẻ cướp” trên thực địa. Bất chấp sự phản đối của các nước có lợi ích liên quan và cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên triển khai hoạt động cải tạo các đảo, đá họ “cưỡng chiếm” được trên Biển Đông, quân sự hóa chúng và mở rộng tầm kiểm soát ra khắp Biển Đông. Cho đến hiện nay, họ đã hoàn thiện ba đường băng sân bay dài 3.000m, thiết lập hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung, mạng lưới radar, anten… tại một số đá ở quần đảo Trường Sa; lắp đặt trang thiết bị mở rộng phạm vi giám sát trên không, trên biển và tác chiến điện tử ở quần đảo Hoàng Sa, đồng thời có kế hoạch xây dựng đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng thành “căn cứ hậu cần chiến lược”. Tại đảo Hải Nam, Trung Quốc đã nâng cấp 4 căn cứ không quân và xây dựng căn cứ tên lửa chiến lược liên lục địa. Nếu triển khai các loại máy bay chiến đấu hiện đại với phạm vi hoạt động từ 1.000 – 1.500km tại các căn cứ trên, thì Trung Quốc đủ khả năng kiểm soát trên không toàn bộ Biển Đông và một phần lãnh thổ các nước ven Biển Đông. Họ còn đẩy mạnh triển khai hệ thống cảnh báo, giám sát dưới mặt biển bằng cách bí mật triển khai Khu nhận dạng hàng hải (MNIZ) và Khu nhận dạng âm thanh dưới mặt biển (UAIZ) ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện lực lượng hải quân, chấp pháp, kiểm ngư để tuần tra, xua đuổi, bắt giữ trái phép phương tiện, tàu thuyền các nước ở Biển Đông; tích cực sử dụng hàng nghìn tàu cá vỏ sắt có công suất lớn, tàu cá dân binh như một mạng lưới trinh sát trên Biển Đông; quấy rối hoạt động khai thác dầu mỏ của Malaysia, gây sức ép với Philipppines tại đảo Thị Tứ, đưa tàu khảo sát địa chất xâm phạm quyền chủ quyền của Việt Nam… Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức nhiều cuộc tập trận với tần suất và quy mô ngày càng mở rộng, trong đó có cuộc duyệt binh hải quân trên biển (tháng 4/2018) gần đảo Hải Nam với quy mô lớn nhất từ trước tới nay nhằm phô trương sức mạnh, xa hơn là răn đe các nước.
Những hành động “phá luật” như trên của Trung Quốc rõ ràng đã làm cho tình hình an ninh Biển Đông trở nên phức tạp, lấy đâu ra “bình yên” như họ thông báo, lấy đâu ra “sự bình thường của các tàu bè lưu thông trên biển” như họ trấn an. Ngược lại, các nước, các bên có liên quan tới vùng biển này đã phải tăng cường năng lực quốc phòng, gia tăng các hoạt động bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của họ, khiến cho tình hình phức tạp hơn. Mỹ và nhiều nước lớn ngoài khu vực đã gia tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông để duy trì và bảo vệ lợi ích.
Như vậy, lần lượt nhiều quốc gia có liên quan đã và đang, theo cách của mình, phản ứng lại hành động “phá luật” của Trung Quốc. Còn một tổ chức, một tổ chức có tới 27 quốc gia thành viên, có đầy sức mạnh kinh tế, chính trị, quân sự và đầy quyền lực là Cộng đồng châu Âu (EC), năm 1993 đổi tên thành Liên minh châu Âu (EU), cũng đồng thời là một bên tham gia ký kết UNCLOS 1982, chẳng lẽ lại “làm ngơ”.
Thực tế không như vậy. Sau sự kiện Trung Quốc ngang nhiên đưa tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính từ đầu tháng 7 đến tháng 10/2019, giới nghiên cứu chính trị quốc tế tại Viện Chatham House (London/Anh) đã lên tiếng. Theo giới này, các tuyên bố và hành động “sặc mùi” hiếu chiến và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc thời gian qua với mục đích đòi quyền khai thác chung, đòi phân chia tài nguyên biển với các nước láng giềng Đông Nam Á trong chính Vùng đặc quyền kinh tế của họ là phi đạo đức, phi nhân tính. Họ chỉ ra: “Các hành vi của Trung Quốc đã làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các công ty đang hợp tác khai thác dầu khí như Shell của Anh và Hà Lan, Repsol của Tây Ban Nha, đây là những quốc gia thuộc EU. Không những thế, điều này còn đe dọa đến an ninh – kinh tế năng lượng của Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei và Philippines”.
Tiếp theo, nhiều chuyên gia, học giả nghiên cứu của EU cũng đồng thanh hưởng ứng khi vạch rõ: Tuyên bố mà Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – Trung Quốc ở Thái Lan ngày 31/07/2019 rằng “các vụ va chạm xảy ra giữa Trung Quốc và các nước ở Biển Đông vừa qua là tại vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước” chẳng qua là một cách đánh tráo khái niệm mà thôi. Họ cũng lên án hành động nguy hại trên của Trung Quốc thông qua lập luận sau:
Trung Quốc và các nước láng giềng ở phía Nam đang trong một tranh chấp khu vực, nhưng ý nghĩa mang tầm quốc tế. Luật pháp quốc tế – nền tảng cho việc gìn giữ trật tự ổn định của thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đó là việc các quốc gia có thể sẽ không còn tôn trọng các hiệp ước mà chính họ đã đặt bút ký vào. Trung Quốc là quốc gia đã phê chuẩn UNCLOS 1982 vào năm 1996 và chịu sự ràng buộc bởi các quy định của Công ước này. UNCLOS 1982 đã cụ thể hóa vấn đề chủ quyền biển bằng cách trao những đặc quyền quản lý cho các quốc gia ven biển trong phạm vi 200 hải lý kể từ đường bờ biển của họ, gọi là Vùng đặc quyền kinh tế – EEZ. Bờ biển của Trung Quốc nằm cách khu vực tranh chấp hơn 1.000km nhưng Bắc Kinh lại tuyên bố đó là vùng biển của mình. Họ đưa ra lý lẽ rằng khu vực này gần với quần đảo Trường Sa (vốn là của Việt Nam, nhưng Trung Quốc nhận của họ). Với lý lẽ này, Trung Quốc hoàn toàn sai, không chỉ sai với UNCLOS 1982, mà còn sai với phán quyết của PCA bởi trong phán quyết đó, PCA tuyên bố rằng, không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể xem là đảo hoàn chỉnh. Chúng quá nhỏ và không thể duy trì sự sống của con người trong một khoảng thời gian, vì vậy những thực thể này không thể tạo thành EEZ… Các luật lệ và thỏa thuận quốc tế là thành tố quan trọng đối với việc duy trì hòa bình trên toàn thế giới. Nếu tại một nơi nào đó, những trật tự này bị phá bỏ, điều đó đồng nghĩa với việc luật pháp quốc tế sẽ bị suy yếu đi trên toàn cầu. Nếu Trung Quốc tiếp tục xem thường UNCLOS 1982, các nước khác cũng có thể sẽ quyết định phá vỡ tính tự kiềm chế mà luật lệ quốc tế đã tạo nên. Kết quả là luật pháp quốc tế sẽ dần bị suy yếu và bất lực trước những vũ lực và sự đe dọa bằng sức mạnh.
Bên cạnh đó, Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu phụ trách vấn đề ngoại giao và chính sách an ninh Maja Kocijancic cho rằng các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông dẫn đến căng thẳng gia tăng và làm xói mòn môi trường an ninh hàng hải, là mối đe dọa nghiêm trọng với sự phát triển kinh tế hòa bình của khu vực. Điều quan trọng đối với tất cả các bên trong khu vực là tự kiềm chế, thực hiện các bước cụ thể để trở lại nguyên trạng, kiềm chế quân sự hóa khu vực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Các bên nếu thấy hữu ích cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của bên thứ ba bằng hình thức hòa giải hoặc phân xử để tạo thuận lợi cho việc giải quyết các khiếu nại.
Trước nguy cơ luật pháp quốc tế bị xói mòn, thậm chí có thể sụp đổ từ cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông, nhiều chuyên gia của EU đã khuyến nghị Liên minh cần có những hành động rõ ràng và quyết liệt. Theo đó họ đề xuất: Về quan điểm, EU cần thể hiện sự ủng hộ chủ quyền của các quốc gia ven biển trong phạm vi EEZ đã được quy định trong UNCLOS 1982, cụ thể là các quốc gia được làm chủ nguồn tài nguyên trong EEZ của họ; cần phân biệt rõ sự khác nhau về bản chất giữa hành động vi phạm chủ quyền và hành động bảo vệ chủ quyền để từ đó có sự điều chỉnh chính sách đối với khu vực này cho phù hợp. Về hành động, với hệ thống vệ tinh và viễn thám hiện đại, EU có thể thu thập thông tin cụ thể về những hành vi vi phạm chủ quyền ở Biển Đông. Đồng thời cung cấp các thông tin tình báo hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát biển và ngư dân của các quốc gia ven biển vì sự an toàn và tăng cường ý thức về lãnh hải trong các hoạt động của họ. Ở mức độ cao hơn, EU có thể nghĩ đến việc triển khai các phương tiện để bảo vệ các quốc gia có EEZ bị xâm phạm. Khi một quốc gia ven biển thực thi hành động hợp pháp trong EEZ hợp pháp của họ, EU có thể cử tàu hải quân quan sát và công bố các vi phạm và thậm chí có thể có hành động can thiệp hợp lý nếu xảy ra xung đột. EU cũng có thể sử dụng uy tín của mình như một định chế xây dựng luật pháp để khuyến khích các hành vi tốt, chỉ đích danh và có biện pháp trừng phạt những hành vi xấu trong các diễn biển xảy ra trên Biển Đông.
Các chuyên gia của EU rõ ràng đã nhìn thấy trước những hệ lụy tiêu cực rất lớn cho luật pháp quốc tế nếu như Trung Quốc tạo ra được tiền lệ “phá luật” ở Biển Đông. Vì thế, họ không chỉ “nói suông” mà đang hối thúc EU phải hành động. Tuy các biện pháp họ khuyến nghị EU chưa phải là “tuyệt chiêu” và đầy đủ, nhưng cũng đủ để gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia bằng các biện pháp hòa bình là xu hướng đúng đắn, hợp lòng người và được tuyệt đại đa số các nước trên thế giới, trong đó có EU ủng hộ. Nếu Trung Quốc bất chấp tất cả, tiếp tục có những hành động vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông, chắc chắn họ sẽ vấp phải những biện pháp ngăn chặn kịp thời, mạnh mẽ và có hiệu quả hơn trong thời gian tới.