Trong những năm gần đây, Nhật Bản đang tập trung mọi nguồn lực hiện đại hóa quân đội, liên tục triển khai các kế hoạch nghiên cứu, chế tạo và đưa vào biên chế các loại hình vũ khí hiện đại nhằm tăng cường năng lực phòng thủ, nhất là tại vùng biên giới phía Tây Nam.
Nhật Bản sửa đối Hiến pháp
Sự gia tăng sức mạnh quốc phòng của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh nhiều cuộc tranh luận trong nước về hiến pháp của Nhật Bản. Nổi bật là điều 9 hiến pháp của Nhật Bản không cho phép sử dụng chiến tranh để làm phương tiện giải quyết các xung đột quốc tế có liên quan đến Nhật Bản. Hiến pháp có hiệu lực vào ngày 3/5/1947, sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nội dung của Điều 9 là lời tuyên bố từ bỏ quyền tham chiến của một quốc gia có chủ quyền với mục tiêu là một nền hòa bình cho thế giới dựa trên công lý và trật tự. Điều khoản này cũng đề cập rằng, để hoàn thành mục tiêu đó, Nhật Bản sẽ không duy trì quân đội có khả năng gây chiến. Tuy vậy, Nhật Bản vẫn duy trì một lực lượng quân đội trên thực tế, được gọi là Lực lượng Tự vệ Nhật Bản.
Vào tháng 7 năm 2014, thay vì sử dụng Điều 96 Hiến pháp Nhật Bản để sửa đổi Hiến pháp, chính phủ Nhật đã chuẩn thuận một cách diễn dịch mới để trao thêm quyền hạn cho Lực lượng Tự vệ Nhật Bản, cho phép lực lượng này có thể bảo vệ các đồng minh trong trường hợp họ bị tuyên chiến, bất chấp sự lo ngại và phản đối của Trung Quốc, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, trong khi Hoa Kỳ ủng hộ quyết định này. Một số đảng phái chính trị và người dân Nhật Bản xem quyết định này là không hợp pháp, do Thủ tướng đã can thiệp vào quá trình sửa đổi Hiến pháp. Tháng 9 năm 2015, Quốc hội Nhật Bản chính thức công nhận sự diễn dịch mới này với việc thông qua hàng loạt luật cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản viện trợ trang thiết bị cho các đồng minh trong các chiến trường quốc tế. Lời giải thích cho sự thay đổi này là việc không bảo vệ và ủng hộ đồng minh sẽ dẫn đến suy yếu sự liên minh và làm nguy hại đến nước Nhật.
Mới đây, Thủ tướng Shinzo Abe và đảng KDP cầm quyền đã thúc đẩy viết lại Điều 9 hiến pháp theo hướng Lực lượng Phòng vệ là hợp hiến. Nhưng hiến pháp của Nhật Bản chưa được sửa đổi và các nhà phân tích chính trị cũng cho rằng không có khả năng Thủ tướng Shinzo Abe sẽ mạo hiểm để trưng cầu dân ý sửa đổi điều 9. Thay vào đó, quân đội Nhật Bản đang tiến lên phía trước trong một số khía cạnh cho dù hiến pháp có được sửa đổi hay không. Tàu khu trục trực thăng ba năm tuổi của Nhật Bản Izumo sẽ được chuyển đổi để mang theo F-35B. Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản mở rộng phạm vi hiện diện của mình, không chỉ là trong khu vực ở biển Đông và Hoa Đông mà còn ở ngoài khơi Djibouti – nơi Trung Quốc thành lập căn cứ quân sự vào năm 2017.
Liên tục hiện đại hóa quân đội
Chính phủ Nhật Bản và Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) mới đây đã thông qua Kế hoạch Phòng vệ trung hạn giai đoạn 2019-2023 và Đại cương Kế hoạch phòng vệ với dự kiến chi 27,4 nghìn tỷ yên (243 tỷ USD) dành cho ngân sách quốc phòng 5 năm tới, con số cao nhất từ trước tới nay. Riêng năm tài khóa 2019, chính phủ đã phê chuẩn ngân sách quốc phòng kỷ lục trị giá 5,26 nghìn tỷ yên (48 tỷ USD), trong đó chú trọng nâng cấp khu trục hạm, mua thêm máy bay chiến đấu tàng hình và tên lửa để đối phó các thách thức an ninh khu vực.
Trước đó, Nhật Bản (18/12/2018) thông qua kế hoạch quốc phòng mới, trong đó đề xuất mua thêm 105 tiêm kích tàng hình F-35, trong đó có 65 chiếc F-35A và 40 chiếc F-35B để vận hành trên hai tàu sân bay hoán cải từ khu trục hạm trực thăng lớp Izumo. Tàu có chiều dài 248 m, rộng lớn nhất 38 m, lượng choán nước đầy tải 27.000 tấn. Izumo có khả năng mang theo 28 trực thăng, nhưng bình thường chỉ mang theo 7 trực thăng chống ngầm và 2 trực thăng cứu hộ. Boong tàu đủ rộng cho 5 trực thăng hạng trung hoạt động cùng lúc. Mới đây, Cơ quan Mua sắm, Công nghệ và Hậu cần, Chính phủ Nhật Bản công bố tài liệu cho biết Nhật Bản sẽ phối hợp với Australia phát triển hai hệ thống vũ khí siêu âm độc lập. Bao gồm tên lửa hành trình Hypersonic (HCM) và đầu đạn tên lửa siêu âm Hyper Velocity Gliding Projectile (HVGP). Theo thông tin trên, Australia và Nhật Bản sẽ phát triển tên lửa hành trình siêu âm được trang bị động cơ scramjet, sử dụng như một tên lửa hành trình thông thường, nhưng bay với tốc độ siêu âm trên khoảng cách lớn. Đầu đạn tốc độ siêu âm (HVGP) sẽ được tên lửa vận tải động cơ nhiên liệu rắn đưa lên độ cao phóng trước khi tách ra. Sau đó HVGP sẽ lướt tới mục tiêu, sử dụng độ cao để duy trì vận tốc siêu âm cho đến khi va chạm. Loại đạn đầu tiên của vũ khí siêu âm sẽ là một đầu đạn xuyên giáp, được thiết kế đặc biệt có thể xuyên thủng boong tàu sân bay (đối phó với các tàu sân bay Trung Quốc). Loại đạn thứ hai nhằm tấn công các mục tiêu mặt đất. Đây sẽ là đạn có sức hủy diệt cao, nổ phá mạnh, hoặc EFP (đạn xuyên phá) để hủy diệt các mục tiêu cấp khu vực. Hiệu ứng hủy diệt khu vực đạt được bằng cách sử dụng nhiều đầu đạn thứ cấp EFP, thường được gọi là đầu đạn chùm. Một đầu đạn EFP có tấm lót kim loại cấu trúc bán cầu lõm hoặc hình nón lõm, phía sau là khối thuốc nổ uy lực lớn, đóng gói trong container vỏ thép hoặc nhôm. Nhưng quả đạn thứ cấp này khi được kích nổ, lượng nổ mạnh sẽ ép lớp lót kim loại thành hạt nhọn và đẩy về phía trước, tạo thành hiệu ứng hạt nhân xuyên phá, có thể bay với tốc độ 6 dặm (10 km) / giây.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã công bố kế hoạch đóng mới 12 tàu tuần tra hạng nhẹ cho Lực lượng phòng vệ trên biển (JMSDF) vào năm 2020. Mỗi chiếc dự kiến có lượng giãn nước 1.000 tấn và thủy thủ đoàn 30 người, giúp tăng cường khả năng tuần tra và trinh sát trên biển của nước này. Các tàu tuần tra thế hệ mới sẽ đảm đương nhiệm vụ cho đội tàu khu trục cỡ lớn đang được Nhật Bản sử dụng để tuần tra gần nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản không tiết lộ căn cứ đóng quân và thời điểm đưa các chiến hạm mới vào biên chế. Trước đó, Nhật Bản cũng khởi động chương trình đóng mới 22 khu trục hạm, mỗi chiếc có lượng giãn nước 3.900 tấn và thủy thủ đoàn 100 người, nhằm bảo đảm khả năng tuần tra Biển Hoa Đông trước năm 2032. Bên cạnh đó, Nhật Bản dự định đầu tư 176 tỷ yên chi phí ban đầu cho hai hệ thống radar phòng không Aegis Ashore đặt trên mặt đất do Mỹ sản xuất, có khả năng theo dõi và khóa mục tiêu các tên lửa đạn đạo trên không, với mục tiêu đưa hệ thống phòng không này vào hoạt động trong năm 2023.
Ngoài ra, Nhật Bản quyết định chi 22,6 tỷ yen (205 triệu USD) hồi sinh dự án đóng tàu giám sát đại dương nhằm giám sát, theo dõi hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc. Theo đó, tàu Aki – tàu giám sát đại dương đầu tiên của Nhật Bản dự kiến được triển khai đến căn cứ Kure của Hải quân Nhật Bản (MSDF) vào mùa xuân năm 2021. Tàu trên có hai thân màu xám dài 67 mét với lượng giãn nước tiêu chuẩn 2.900 tấn được chế tạo tại một xưởng đóng tàu ở Tamano, tỉnh Okayama. Bên cạnh đó, JMSDF (05/3) đã đưa vào hoạt động tàu ngầm tấn công diesel-điện lớp Soryu (SSK) đầu tiên được trang bị pin lithium-ion. Đây được coi là một trong những động thái quan trọng của Nhật Bản nhằm đối phó với các mối đe dọa về an ninh, chủ quyền trên biển Hoa Đông. S Oryu (với số hiệu SS 511) là tàu ngầm tấn công diesel-điện, dài 84m, rộng 9,1m, cao 8,4m đã chính thức đi vào hoạt động tại đơn vị Tàu ngầm Flotilla 1 của JMSDF, có trụ sở tại Kure, tỉnh Hiroshima. JS Oryu là tàu ngầm thứ 11 của lớp Soryu được JMSDF cho vào hoạt động. Tàu ngầm JS Oryu được trang bị công nghệ pin lithium-ion mới, giúp kéo dài thời gian hoạt động dưới nước, cùng một số công nghệ khác đưa nó trở thành tàu ngầm hiện đại nhất của lớp Soryu. JS Oryu có độ giãn nước 4.200 tấn khi lặn và 2.900 tấn khi nổi, tầm hoạt động lên tới 11.300km, tốc độ khi nổi 22km/h, tốc độ khi lặn 37km/h. Về hệ thống vũ khí-trang thiết bị, tàu ngầm lớp Soryu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533mm, có thể triển khai ngư lôi điều hướng hạng nặng Type 89, tên lửa UGM-84 Harpoon của Mỹ, hệ thống tác chiến điện tử ZLR-3-6, radar phòng không ZPS-6F.
Trung Quốc là mục tiêu đối phó của Nhật Bản
Nhật Bản tăng cường hiện đại hóa quân đội là nhằm tìm cách giành thế chủ động trong tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, kiềm chế Trung Quốc trên nhiều phương diện. Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp lâu dài ở Biển Hoa Đông, đặc biệt là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản cho rằng nếu Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông thì sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đối với tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Mục đích chiến lược của Nhật Bản là hình thành thế phối hợp tác chiến hai cánh Biển Đông và Biển Hoa Đông, từ đó cản trở hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng mong muốn hỗ trợ một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, để đổi lại sự ủng hộ của các nước này đối với Nhật Bản trong vấn đề Biển Hoa Đông; tạo mối liên kết giữa Nhật Bản với một số nước Đông Nam Á trong vấn đề tranh chấp trên biển, khiến Trung Quốc rơi vào cảnh phải tác chiến trên cả hai mặt trận Biển Hoa Đông và Biển Đông; đồng thời, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Nhật Bản muốn nhân vấn đề Biển Đông, tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước ASEAN là các bên tranh chấp ở Biển Đông, đẩy mạnh viện trợ cho các nước này về kinh tế và quân sự, qua đó nâng cao hơn nữa ảnh hưởng của mình trong khu vực, hình thành một “liên minh chiến lược biển” để đối phó với Trung Quốc. Nhật Bản cho rằng Biển Đông như một cái “hang trống”, sẽ hút hết sức mạnh của Trung Quốc vào đó; Trung Quốc càng cứng rắn thì càng lún sâu tại Biển Đông, nếu giành được chiến thắng tại đây thì cũng hao tổn sức lực, ảnh hưởng đến việc phát triển của Trung Quốc, nhất là quá trình trở thành cường quốc biển thế giới.
Trong những năm gần đây, Hải quân, không quân Trung Quốc nhiều lần điều tàu chiến, tàu tuần tra, máy bay các loại áp sát nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, buộc Nhật Bản phải triển khai lực lượng giám sát và ngăn chặn với tần suất ngày càng tăng. Sức ép tăng lên sau khi Trung Quốc đơn phương lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, chồng lấn với ADIZ của Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này đã đe dọa trực tiếp đến an ninh, chủ quyền và lợi ích của Nhật Bản, buộc nước này phải có những biện pháp cứng rắn, sẵn sàng đối phó với những mối đe dọa tiềm tàng từ Trung Quốc.