Friday, May 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNgười TQ cũng thấy hổ thẹn khi nói về “đường chín khúc”

Người TQ cũng thấy hổ thẹn khi nói về “đường chín khúc”

Nhiều năm nay, tấm bản đồ tự nhận “quốc giới” của Trung Quốc có phần biên giới biển phía nam được vạch theo “đường chín khúc” ôm trọn gần như toàn bộ Biển Đông trong nó đã gây ra những tranh cãi “vô tiền khoáng hậu” trong giới những người làm luật và nghiên cứu luật pháp quốc tế.

Người ta cố gắng tìm kiếm bằng chứng và chứng cứ, lập luận và biện luận để thừa nhận hoặc bác bỏ nó nhưng cho đến nay, vấn đề vẫn dường như trong “ngõ cụt”. Đại thể có hai phe đối lập quan điểm: Phe thứ nhất cho rằng, chủ quyền biên giới biển của Trung Quốc đúng là như vậy vì theo họ, bán đảo Trung Nam từ xa xưa đều thuộc quyền cai quản của các vương triều Trung Hoa, các nước ven Biển Đông thời đó đâu đã là quốc gia độc lập mà có lãnh thổ riêng, đấy chỉ là các “thuộc quốc” của Trung Hoa mà thôi. Thậm chí đến vùng biển rộng lớn ngay cạnh nơi ở của cư dân bản địa tại đó cũng được đặt tên là Biển “Nam Trung Hoa” đó thôi. Còn một phe khác kiên quyết phủ nhận, cho rằng những lập luận trên hàm hồ, không thuyết phục, không đủ chứng cứ pháp lý và nhất là không phù hợp luật pháp quốc tế đương đại. Trong đó, có một bộ phận chuyên gia, học giả người Trung Quốc cũng đồng quan điểm với phe này.

Dù vẽ ra cái đường đứt khúc oái oăm như vậy, từ năm 1947 nhưng cho đến tận tháng 5/2009, chưa khi nào nhà nước Trung Hoa Dân quốc hay nhà nước CHND Trung Hoa đăng ký với bất cứ tổ chức quốc tế nào, kể cả tổ chức đầy uy thế mà họ đang là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an về “chủ quyền” lãnh thổ quốc gia bằng tấm bản đồ trên. Họ cứ in bản đồ, cứ tung ra thiên hạ và coi mặc nhiên là như thế. Chỉ đến khi (05/2009) Việt Nam và Malaysia cùng nhau đệ trình một bản báo cáo chung lên Ủy ban về giới hạn thềm lục địa (CLCS) của Liên Hợp Quốc xin công nhận chủ quyền đối với một khu vực Thềm lục địa mở rộng ở phía Nam Biển Đông thì Trung Quốc mới “cà cuống”. Họ vội vàng đưa ra đủ mọi tuyên bố khẳng định “chủ quyền” ở phía Nam Biển Đông và “tống đạt” cho Liên Hợp Quốc tấm bản đồ có “đường chín khúc” mơ hồ nói trên rồi yêu cầu tổ chức này cho lưu hành nó. Nghĩa là lần đầu tiên, Trung Quốc chính thức công bố bản đồ “đường chín khúc” với toàn thế giới, thể hiện quan điểm chính thức của Bắc Kinh về biên giới biển theo yêu sách đầy tham vọng của họ. Cũng từ đó, Trung Quốc làm đủ mọi cách nhằm hợp thức hóa cái gọi là “đường chín khúc” hay còn gọi là “đường lưỡi bò”, bất chấp luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) mà Trung Quốc là một bên ký kết; bất chấp Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà họ cũng cam kết.

Chính vì cái sự phi lý của “đường chín khúc” như vậy nên những người làm luật và nghiên cứu luật pháp quốc tế thuộc phe phủ nhận nó mới đặt câu hỏi rằng: Thứ nhất, nếu cứ thừa nhận cái đường này là “quốc giới” của Trung Quốc bởi xa xưa vùng biển nằm trong nó vốn là “thuộc quốc” của các đế chế Trung Hoa thì toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa bây giờ, phải trả lại cho nhà nước CHND Mông Cổ ngày nay mới đúng vì xa xưa – cũng xa xưa – dòng họ từng trị vì gần một trăm năm trên lãnh thổ Trung Hoa là gia tộc của Thành Cát Tư Hãn người Mông Cổ chứ có phải người Hán thuần chủng đâu; thứ hai, nếu cứ bảo cái vùng biển có diện tích hơn 3 triệu cây số vuông ấy mang tên là Biển “Nam Trung Hoa” nên nó đích thị là của Trung Hoa thì dứt khoát Ấn Độ Dương bao la kia là lãnh thổ thuộc chủ quyền của người Ấn Độ rồi.

Cũng chính vì cái sự phi lý, hàm hồ ấy, các học giả, nhà khoa học chân chính người Trung Quốc, kể cả những người làm luật và nghiên cứu luật pháp quốc tế có lương tâm của Trung Quốc cũng cảm thấy “chối tỷ” mà lên tiếng phản bác. Hãy xem họ nói về sự phi lý của “đường chín khúc” như sau:

Học giả Lý Lệnh Hoa, sinh năm 1946, là nghiên cứu viên của Trung tâm Thông tin Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc khẳng định: “Việc vạch ra ranh giới biển Nam Hải (Biển Đông) sẽ đi vào con đường bế tắc”. Sở dĩ học giả này khẳng định thế vì chính ông đã cùng người đồng nghiệp, cũng là người thầy và “sếp” của mình là nguyên Cục trưởng Cục Hải dương Trung Quốc La Ngọc Như đã từng nghiên cứu, nghiền ngẫm chán cái “đường chín khúc” ra rồi. Nhưng cuối cùng, chính ông La Ngọc Như khi còn sống đã nhắc nhở rằng: “Việc vạch ranh giới biển của Trung Quốc, không được vạch đến tận cửa nhà người ta”. Trên thực tế, “đường chín khúc” Trung Quốc vạch ra đúng là đã mở rộng đến “cửa nhà” người khác. Tuy là một đường ảo, không có tọa độ gì cả nhưng cứ xem vị trí từng khúc bị “bệt” trên bản đồ mà ước lượng, có khúc cách bờ biển Việt Nam khoảng 50 hải lý; có khúc cách đảo Pulau Sekatung của Indonesia khoảng 75 hải lý; có khúc cách bờ biển Kalimantan của Malaysia 24 hải lý; cách bờ biển Brunei khoảng 30 hải lý; cách đảo Balabac của Philippines 35 hải lý… Như vậy, nếu căn cứ theo Điều 74, Điều 83 của UNCLOS 1982, hầu hết “đường chín khúc” chồng lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của các quốc gia khác ở Biển Đông.

Tại cuộc hội thảo có tên “Nam Hải tranh đoan, quốc gia chủ quyền dữ quốc tế quy tắc” (dịch là: Tranh chấp Biển Đông, chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế) do Viện Nghiên cứu kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com tổ chức vào tháng 6/2012, Giáo sư triết học của trường Đại học Nhân dân Trung Quốc Hà Quang Độ phát biểu: “Nếu ý nghĩa của cái gọi là đường chín khúc như chúng ta thấy, là đường biên giới quốc gia của Trung Quốc trên biển Nam Hải được vẽ sát vào bờ biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei như thế, thì tôi không tin là những quốc gia đó có thể chấp nhận. Nếu Nam Hải được vẽ thành một nội hải của Trung Quốc như vậy, thì các nước khác cần vận tải hàng hóa trên biển cũng khó có thể chấp nhận. Như thế sẽ trở thành tranh chấp mãi mãi. Dĩ nhiên là không lợi với các nước đó, cũng không có lợi cho Trung Quốc. Cách tốt nhất là Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, luật biển, phấn đấu hoạch định dứt điểm tranh chấp trong hòa bình, hữu hảo…”. Thậm chí, ông còn cảnh tỉnh: “Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi người dựa vào nhau để cùng tồn tại, chúng ta muốn sống thì cũng phải để cho người khác sống… chúng ta đều là người, không phải là dã thú sống trong rừng rậm, là con người chúng ta phải giữ nhân tính…”. Đồng quan điểm với Giáo sư Hà Quang Độ, còn có Giáo sư Trương Kỳ Phàm của Học viện Pháp luật – Đại học Bắc Kinh. Vị giáo sư này bộc bạch: “Một số cách làm trong việc xử lý xung đột lợi ích giữa chúng ta với nhiều nước đã không chú ý về mặt pháp lý. Hễ có người khác tranh chấp với ta thì nhất định cho rằng ta đúng, bất kể theo đạo lý nơi đó có phải của ta hay không cũng cứ khẳng định đó là của ta. Thái độ đó, logic đó không hay, không thể cứ liên quan đến lợi ích là bất chấp đúng sai. Là nước lớn, chúng ta phải tôn trọng quy tắc”. Sự chính trực và nhân cách của hai vị giáo sư này đáng khiến người ta phải nể trọng.

Ở góc độ khác, Giáo sư Thường Hội Bằng đến từ Học viện Quan hệ quốc tế Bắc Kinh lại chủ trương phải dựa vào UNCLOS 1982 để giải quyết tranh chấp. Ông kiến nghị: “Về vấn đề biển Nam Hải, theo tôi cần giải quyết bằng biện pháp phi quân sự. Một mặt, chúng ta cần làm tốt công tác tuyên truyền cho dân chúng trong nước hiểu rằng, đường chín khúc không phải là lãnh thổ của chúng ta, phải thừa nhận đó là vấn đề chưa được giải quyết trong lịch sử. Mặt khác, trong quá trình đó, mọi hoạt động ở đây phải tôn trọng quy tắc, luật pháp quốc tế… Chúng ta cần phải xử lý quan hệ quốc tế một cách có lý tính, không được để đầu óc bốc hỏa”. Còn Giáo sư chính trị quốc tế của Đại học Trung Hưng Đài Loan Tống Yến Huy nhận xét: “Đường chín khúc được tùy tiện vẽ ra, chẳng có tọa tiêu (kinh độ, vĩ độ) chuẩn xác. Cho đến nay, nhiều người vẫn không hiểu được phương pháp thể hiện của đường này. Cả Chính phủ Trung Hoa Dân quốc và CHND Trung Hoa đều chưa làm rõ được bản chất của đường này hoặc địa vị pháp lý của vùng nước mà nó khoanh vào”.

Thậm chí, các chuyên gia, học giả Trung Quốc cũng cho rằng, “đường chín khúc” xưa nay chưa bao giờ, và cũng không thể là một tuyến cương giới thực tế đã được hoạch định; không thể yêu cầu các quốc gia khác tôn trọng “đường biên giới quốc gia” không có thật này. Giáo sư ngành luật Du Khoan Tứ thuộc Đại học Quốc lập Đài Loan lập luận: “Đường chín khúc không những được xác định trước khi có Công ước Geneva 1958 về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và UNCLOS 1982, mà còn không có điểm cơ sở, không có mốc kinh độ, vĩ độ, vì thế nó không thể được coi là một đường biên giới quốc gia của Trung Quốc được”.

Mặc dù Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng xới tung các kho tài liệu cổ kim mà họ lưu giữ, cử người “lần mò” đi khắp thế giới để tìm kiếm chứng cứ lịch sử nhằm hậu thuẫn cho lập trường mơ hồ về lãnh thổ ấy, nhưng họ hầu như chẳng có bằng chứng “khả tín” nào có thể giải thích cho nguồn gốc của “đường chín khúc”. Tháng 9/2008, khi Wikileaks công bố những bức điện mật của các quan chức ngoại giao Mỹ, có một báo cáo của Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh gửi về “Tổng hành dinh” đã nói rằng, Doãn Văn Cường – một chuyên gia uy tín hàng đầu về biển của Chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận, ông ta không thể lý giải được về nguồn gốc lịch sử của cái gọi là “đường chín khúc”.

Như vậy, có thể khẳng định lại một lần nữa rằng, “đường chín khúc” hay “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc dựa vào đó để tuyên bố “chủ quyền” đối với gần như toàn bộ Biển Đông chỉ là bịa đặt. Thực chất nó được vẽ ra để minh họa cho ý chí, tham vọng bành trướng lãnh thổ của một bộ phận trong giới cầm quyền nước này. Điều này không chỉ trái ngược hoàn toàn với luật pháp quốc tế hiện hành, mà còn bị chính các học giả, nhà khoa học có uy tín của Trung Quốc phản đối. Như một học giả Trung Quốc đã nói, là một nước lớn, cách tốt nhất trong vấn đề xác định chủ quyền lãnh thổ của mình ở Biển Đông là Bắc Kinh phải tôn trọng quy tắc, luật pháp quốc tế và thực tế lịch sử; không thể chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà bỏ qua lợi ích của người khác. Việc Trung Quốc đòi hỏi “chủ quyền” đối với toàn bộ vùng nước bên trong “đường chín khúc” dứt khoát không được cộng đồng quốc tế, những người yêu chuộng lẽ phải, trong đó có một bộ phận người Trung Hoa, ủng hộ.

RELATED ARTICLES

Tin mới