Thursday, May 2, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTần suất TQ đưa máy bay chiến đấu tới eo biển Đài...

Tần suất TQ đưa máy bay chiến đấu tới eo biển Đài Loan thời gian gần đây ngày càng nhiều và nguyên nhân

Thời gian gần đây, đặc biệt trước và sau cuộc bầu cử Tổng thống Đài Loan, với chiến thắng của đảng Dân Tiến và nhà lãnh đạo Thái Anh Văn, Bắc Kinh đã liên tục gia tăng các hoạt động quân sự tại khu vực quanh hòn đảo này.

(1) Ngày 14/7/2019, Trung Quốc tiến hành tập trận hải quân và không quân dọc theo bờ biển Đông Nam, đối diện với đảo Đài Loan. Động thái trên của Bắc Kinh đưa ra ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ phê duyệt hợp đồng bán cho Đài Loan 108 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2T Abrams, 250 tên lửa phòng không vác vai Stinger và khí tài đi kèm có tổng trị giá 2,2 tỷ USD. Đây là lô thiết bị quân sự lớn đầu tiên Mỹ bán cho Đài Loan trong nhiều thập kỷ.

(2) Ngày 28/7/2019, Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu tàng hình J-20 đến Chiến khu Đông bộ của nước này, nằm đối diện đảo Đài Loan qua eo biển Đài Loan. Động thái thể hiện thông điệp cảnh cáo gửi đến Đài Loan và các hoạt đông quân sự giữa Mỹ và Nhật Bản ở eo biển chiến lược này. Giới chuyên gia cho rằng động thái của Bắc Kinh nhằm hai mục đích: Một là nhắm đến Đài Loan, hòn đảo Trung Quốc luôn xem là một phần lãnh thổ, có khả năng dùng vũ lực để sáp nhập nếu cần thiết. Hai là thách thức các hoạt động của Mỹ ở eo biển Đài Loan bên cạnh việc tạo ra mối đe doạ cho không quân Đài Loan tuần tra ở eo biển này ở phía bên kia đường trung tuyến của eo biển.

(3) Ngày 17/11/2019, Trung Quốc đưa nhóm tàu sân bay Sơn Đông đi qua eo biển Đài Loan và di chuyển xuống phía Nam. Cơ quan phòng vệ Đài Loan đã điều các máy bay và tàu đến để theo dõi sự di chuyển của nhóm tàu sân bay trên nhằm “đảm bảo an ninh và bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực”.

(4) Ngày 16/01/2020, Trung Quốc đã triển khai tàu chiến và máy bay giám sát tàu tuần dương USS Shiloh đi qua eo biển Đài Loan. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Trung Quốc đã theo dõi chặt chẽ và giám sát hành trình của chiến hạm Mỹ, kêu gọi Mỹ xử lý vấn đề Đài Loan một cách phù hợp, tránh làm tổn hại quan hệ Trung – Mỹ cũng như hòa bình, ổn định trên eo biển Đài Loan. Trong những lần tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Đài Loan trước đây, hải quân Trung Quốc thường triển khai chiến hạm bám đuôi ở khoảng cách an toàn. Trong khi đó, Hải quân Mỹ cho biết đây là “hoạt động bình thường” nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở và tự do.

(5) Ngày 9/02/2020, Trung Quốc cử ném bom chiến lược H-6 và máy bay chiến đấu J-11 bay trên eo biển Bashi ở phía Nam hòn đảo, sau đó hướng ra Thái Bình Dương và trở về căn cứ qua eo biển Miyako ở Đông Bắc Đài Loan., buộc lực lượng phòng vệ hòn đảo triển khai tiêm kích theo dõi. Lượng vũ trang Đài Loan ra thông cáo cho biết đã triển khai các máy bay trinh sát và lực lượng phòng không phù hợp với quy định sẵn sàng chiến đấu. Các hoạt động bay tầm xa này của Trung Quốc đã ảnh hưởng tới an ninh và ổn định, đe dọa hòa bình của các bên trong khu vực.

(6) Ngày 11/02/2020, Trung Quốc cử máy bay ném bom chiến lược H-6 vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan, buộc lực lượng phòng vệ Đài Loan phải triển khai máy bay chiến đấu F-16 theo giám sát và phát thông báo xua đuổi. Đây là lần đầu tiên máy bay quân sự Trung Quốc vượt qua giới tuyến kể từ khi lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tái đắc cử hồi tháng 1. Đài Bắc đã lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh, cho rằng chính quyền đại lục nên tập trung đối phó dịch Covid-19.

(7) Ngày 16/3/2020, Trung Quốc đã cử một biên đội máy bay chiến đấu J-11, cảnh báo sớm KJ-500 vượt qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan, ở phía Tây Nam hòn đảo. “Đường trung tuyến” vốn ranh giới được ngầm hiểu là đường phân định eo biển Đài Loan. Lực lượng vũ trang Đài Loan đã điều máy bay chiến đấu giám sát và phát tín hiệu xua đuổi chiến đấu cơ Trung Quốc qua sóng vô tuyến. Giới chuyên gia phân tích tại Đài Bắc cho rằng ngoài mục đích cải thiện khả năng chiến đấu trong mọi điều kiện thời tiết, biên đội máy bay Trung Quốc còn gửi thông điệp rằng họ vẫn hoạt động bình thường, bất chấp sự bùng phát của Covid-19, đồng thời thử phản ứng của những lực lượng khác như Mỹ và ngụ ý không quân Trung Quốc có thể thực hiện nhiệm vụ ban đêm.

Lý do TQ không rời mắt khỏi Đài Loan thời gian qua, bất chấp khó khăn tại đại lục do dịch Covid-19 gây ra

Bà Thái Anh Văn tái đắc cử trong cuộc bỏ phiếu bầu người đứng đầu Chính quyền và các đại diện cơ quan lập pháp của hòn đảo hồi tháng 1/2020, với số phiếu 57%, áp đảo đối thủ Hàn Quốc Du có quan điểm thân Bắc Kinh. Đảng Dân Tiên và Tổng thống Thái Anh Văn vốn luôn có lập trường, chính sách muốn tách ra độc lập khỏi Trung Quốc. Trong bài phát biểu tuyên bố chiến thắng, bà Thái cho biết Bắc Kinh phải từ bỏ những mối đe dọa vũ lực chống lại Đài Bắc và hòn đảo này sẽ không nhượng bộ. Kể từ khi đắc cử năm 2016, Tổng thống Thái Anh Văn luôn phản đối mô hình “một quốc gia, hai chế độ” và tìm cách chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh, cảnh báo Trung Quốc đại lục sẽ phải “trả giá đắt” nếu tìm cách tấn công Đài Loan. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sau đó cho rằng Đài Loan thống nhất với đại lục là điều tất yếu. “Chính sách ‘Một Trung Quốc’ sẽ không thay đổi theo bất cứ cách nào vì cuộc bầu cử địa phương ở Đài Loan. Việc củng cố và thống nhất đất nước Trung Quốc qua eo biển Đài Loan là không thể tránh khỏi. Đi ngược lại xu hướng đó ắt dẫn đến ngõ cụt”, ông Vương nói hôm 13/1.

Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết và khẳng định việc đi qua eo biển là vi phạm chủ quyền, trong khi Mỹ và nhiều quốc gia xem tuyến đường này là vùng biển quốc tế. Hải quân Mỹ gần đây tăng tần suất hiện diện tại eo biển Đài Loan bất chấp sự phản đối gay gắt từ Trung Quốc. Mỹ tuyên bố hải quân nước này sẽ tiếp tục hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Dù công nhận chính sách “Một Trung Quốc”, Mỹ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan và bán vũ khí cho hòn đảo. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đồng ý bán tiêm kích F-16V cho Đài Loan, khiến Bắc Kinh phản ứng dữ dội.

Phát biểu tại cuộc họp với các quan chức Văn phòng Các vấn đề Đài tuyên bố “Tình hình hai bờ eo biển Đài Loan sẽ phức tạp và khó khăn hơn. Chúng ta phải duy trì nguyên tắc ‘Một Trung Quốc’ và kiên quyết phản đối, ngăn chặn các hoạt động đòi độc lập của Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào”. Theo ông Uông, Trung Quốc vẫn ủng hộ việc thống nhất đảo Đài Loan một cách hòa bình theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ” và sẽ nỗ lực nhiều hơn để thúc đẩy trao đổi qua eo biển, tăng cường phát triển chung và bảo đảm sự thịnh vượng của Đài Loan cũng như cải thiện hiệu quả những chính sách có lợi cho người dân Đài Loan. Bắc Kinh cũng sẽ đưa ra những điều kiện tốt hơn để thu hút thanh niên Đài Loan đến học tập và làm việc tại Trung Quốc đại lục.

RELATED ARTICLES

Tin mới